Với sự ra mắt của Apple Watch, Apple đã thay đổi hoàn toàn bộ font hệ thống của hàng loạt thiết bị, nhằm đem lại trải nghiệm "nhìn" và "đọc mãn nhãn hơn.
iOS 9 là bản nâng cấp với rất nhiều tính năng mới, dù bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít lỗi từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, thứ thay đổi quan trọng nhất lại không được nhiều người nhận ra, đó chính là kiểu chữ hoàn toàn mới: San Francisco, thay thế cho Helvetica Neue.
Helvetica trên iOS 8 và San Francisco trên iOS 9.
Được áp dụng đầu tiên trên Apple Watch, kiểu chữ San Francisco đang được Apple phổ biến cho các nền tảng khác của hãng từ iPhone, iPad (iOS 9) tới máy tính Mac (OS X El Capitan 10.11).
Trong khi đó, Helvetica đã được Apple tin tưởng sử dụng từ đời iPhone đầu tiên. Đây cũng là bộ font được Apple thay thế cho Lucida Grande trên OS X từ phiên bản 10.10 Yosemite. Vậy, đâu là lý do Helvetica bị “thất sủng”?
Helvetica không phù hợp cho màn hình nhỏ
Theo một số nhà thiết kế, Helvetica không có đủ “tư chất” để trở thành một kiểu chữ hệ thống (system font), do không phù hợp với kích cỡ hiển thị nhỏ. Khi gõ chữ ở kích thước nhỏ, ví dụ như 12pt, đoạn văn bản sử dụng Helvetica thường sẽ trở nên mờ đi, một số chữ thậm chí trở nên rất khó nhận biết. Đây có lẽ là lý do để Apple phát triển nên San Francisco, nhằm khiến cho chữ trên kích cỡ màn hình nhỏ như Apple Watch có thể dễ đọc hơn.
Tuy nhiên, các thiết bị thông minh đang ngày càng có độ phân giải cao hơn rất nhiều, thậm chí còn sắc nét hơn cả giấy in. Chúng ta có thể đọc chữ rõ ràng trên iPhone với kiểu chữ lớn hơn Apple Watch, vậy đâu là lý do Apple ứng dụng cả San Francisco cho iOS và OS X, và sắp tới là cả tvOS?
San Francisco không chỉ là MỘT kiểu chữ duy nhất
Trên thực tế, San Francisco dành cho iOS/OS X và Apple Watch là hai phiên bản khác nhau. Bộ font SF được dùng cho iOS và OS X, trong khi Apple Watch sử dụng bộ font SF Compact. Điểm khác biệt nằm ở các chữ cái có nhiều đường cong như o, e của SF Compact đều có cạnh dọc phẳng hơn so với SF.
Thay đổi này khiến cho không gian giữa các chữ cái trở nên thông thoáng hơn, giúp việc đọc trên các màn hình nhỏ như Apple Watch đem lại trải nghiệm dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, mỗi kiểu chữ SF và SF Compact còn được chia thành hai loại riêng, một dành cho “Hiển Thị” (Display) còn một loại cho “Văn Bản” (Text). Các kiểu chữ Text dành cho văn bản có kích thước nhỏ trong khi Display có kích cỡ lớn hơn. Đây là thứ mà Apple gọi là Optical Sizes (tạm dịch: kích thước quang học).
Với các kiểu chữ không chân (Sans Serif) như Helvetica, hai chữ cái cạnh nhau thường tạo cảm giác dính vào nhau do khoảng cách nhỏ, các ký tự a, e, s thậm chí còn khó phân biệt, đặc biệt với cỡ chữ nhỏ.
Trong khi đó, kiểu chữ San Francisco Text lại được sinh ra cho các hoàn cảnh phải sử dụng cỡ chữ nhỏ, khi nó có khoảng cách giữa các ký tự rộng rãi hơn, đem lại trải nghiệm đọc dễ hơn. Ngoài ra, có thể thấy các khoảng rỗng trong ký tự cũng được làm lớn hơn, giúp cho ký tự không chỉ tạo cảm giác thanh mảnh mà còn dễ nhận biết hơn.
San Francisco là kiểu chữ đa dụng
Một trong những đặc tính tuyệt vời nhất của San Francisco đó là khả năng tự động thay đổi giữa kiểu Text và Display tùy thuộc vào kích cỡ đoạn văn bản. Hệ thống sẽ tự động hiển thị ở dạng Display từ cỡ chữ 20pt trở lên, trong khi Text được dùng cho cỡ 19pt trở xuống.
Thật vậy! Giới thiết kế và lập trình sẽ không phải bận tâm tới việc chọn font nào tối ưu khi dùng kiểu chữ này. Ví dụ nếu chúng ta sử dụng UILabel làm font chữ hệ thống, thiết bị sẽ tự động đưa ra lựa chọn Text/Design sao cho phù hợp với cỡ chữ đang hiển thị.
Ngoài ra, cách hiển thị dấu hai chấm (:) của San Francisco cũng rất thú vị. Thông thường, dấu này thường được đặt ngang với các ký tự khác, do vậy việc hiển thị giờ sẽ có cảm giác lệch lạc. Trong khi đó, San Francisco sẽ tự động đặt dấu này ở độ cao trung tâm, cân đối so với các con số khác, giống như cách hiển thị trên đồng hồ kỹ thuật số.
Khi nhập số, dấu hai chấm tự động được nâng lên.
Đây là kiểu chữ dành cho thời đại số
Có thể nói, San Francisco là kiểu chữ được thiết kế để có thể đọc dễ dàng trên mọi thiết bị, ở mọi kích cỡ. Trong khi đó, Helvetica - kiểu chữ bị thay thế bởi San Francisco, lại được sáng tạo từ thời 1957, những năm mà thiết bị kỹ thuật số chưa xuất hiện. Dù vậy, Helvetica vẫn là một lựa chọn được sử dụng bởi nhiều tập đoàn lớn cho tới nay, và không thể phủ nhận rằng đây vẫn là một lựa chọn cổ điển tuyệt vời cho tương lai.
Trong khi có, San Francisco lại là kiểu chữ hiện đại, thông minh khi có thể tự thay đổi để thích ứng với nội dung được hiển thị. Hiển nhiên, đây là kiểu chữ hoàn hảo và thân thiện nhất cho nội dung số.
Tham khảo Medium
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng