Tại sao các công ty internet Việt đổ xô đi làm game?

    Hwii Đường Tăng,  

    (GenK.vn) - Ngành game ngày một đông đúc bởi sự tham gia của các công ty ICT

    Nếu để ý kỹ, trong vòng một năm trở lại đây, các công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet (nội dung số, thương mại điện tử, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến…) đang có những bước dịch chuyển mạnh mẽ sang làm game online. Điểm qua đến thời điểm này không thể không kể đến những cái tên như VCCorp, Vật Giá, VNPay cùng nhiều “đại gia” khác cũng đang sắp sửa bắt đầu chen chân vào lĩnh vực này. Vậy tại sao lại có chuyện đó? Chúng ta hãy cùng điểm lại tình hình ngành ICT, cũng như lĩnh vực game online và sự phát triển của các công ty trong hơn một năm qua.

    Tổng quan thị trường internet và ngành game:

    Đến khoảng những tháng cuối năm 2012, thị trường internet bắt đầu có dấu hiệu khó khăn rõ rệt cùng sự xuống dốc của nền kinh tế. Cụ thể như ngành phần mềm không còn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như những năm trước. Năm 2012, doanh thu ngành này chỉ đạt gần 1,21 tỷ USD, tăng trưởng khiêm tốn 3%. Thương mại điện tử có những phát triển nhất định song lại bị suy thoái kinh tế kéo xuống. Sức mua của người tiêu dùng giảm, trong khi chi phí đầu vào, duy trì hoạt động vẫn khá cao. Rất nhiều công ty điển hình như Nhommua lâm vào khủng hoảng, số khác không may mắn buộc phải đóng cửa.

    Nhommua trải qua khủng hoảng đánh dấu một năm ảm đạm của ngành

    Nhommua trải qua khủng hoảng đánh dấu một năm ảm đạm của ngành

    Lĩnh vực nội dung số cũng tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng cũng bị giảm sút. Năm 2012, doanh thu lĩnh vực này đạt 1,24 tỷ USD tăng 6%. Sự tăng trưởng này phần nhiều là do doanh thu game online vẫn tăng trưởng ổn định, song doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng di động đang có nguy cơ chững lại. Cũng từ đây, vai trò giá trị của ngành game bắt đầu được chú ý nhiều hơn.

    Theo một thống kê gần đây thì Việt Nam đã trở thành thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trở thành 1 trong 10 thị trường game online có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Trong năm 2012, doanh thu game online Việt Nam đạt vào khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2011. Nếu nhìn từ góc độ khách quan, có lẽ sức hấp dẫn của ngành game là không thể chối từ.

    Góc nhìn từ nội bộ các công ty Internet

    Có một thực tế được nhìn nhận từ trước đây là: Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực internet đều cho rằng làm game là cách kiếm tiền nhanh nhất. Nhưng vì game thường không phải ngành hàng ổn định, tuổi thọ của game thường không cao, nên ai cũng đánh giá đây chỉ là một ngành “ăn xổi ở thì”. Tính chất này đi ngược với tiêu chí của các doanh nghiệp trong ngành là hướng tới một giá trị bền vững, lâu dài. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như việc làm game có thể ảnh hưởng thương hiệu, hình ảnh của công ty.

     

    Thế nhưng đến thời điểm này, khi hầu hết các nhà đầu tư công nghệ đều thận trọng hơn với các quyết định của mình. Các mô hình khởi nghiệp cũng bắt đầu ít nhận được đầu tư hơn trước. Một số công ty bắt đầu cạn vốn sau một thời gian dài duy trì hoạt động. Vì thế làm game là việc được nghĩ đến trước tiên, bởi nó có thể đem lại nguồn sống trong lúc khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành

    Nhưng, điều quan trọng nhất là những thuận lợi của các doanh nghiệp này khi dịch chuyển hoặc mở rộng mô hình sang kinh doanh game. Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là hạ tầng của các doanh nghiệp Internet đều khá phù hợp với ngành game (hệ thống máy chủ tốt, chịu tải cao, các công nghệ về code web đều ở trình độ chuyên nghiệp…). Cụ thể như trường hợp của Soha Game, một đơn vị trực thuộc VCCorp, tuy mới chỉ phát triển khoảng độ 2 năm trở lại đây nhưng đã trở thành một trong những nhà phát hành game hàng đầu nhờ công nghệ cao được áp dụng triệt để trong quá trình phát hành game. Thêm vào đó, với tốc độ phát triển của game tại Việt Nam cũng như doanh thu cao từ ngành này, việc gặp gỡ các đối tác để mua, hoặc cùng phát triển game cũng dễ dàng hơn bao giờ hết.

    Không thể không kể đến vấn đề nhân sự, hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực Internet đều có những kiến thức cơ bản của vận hành, marketing online, quản trị hệ thống nên gần như các công ty game đều có thể tái sử dụng các nhân sự này cũng như đào tạo lại một cách dễ dàng.

    Có lẽ với những yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa, việc các công ty Internet dịch chuyển sang kinh doanh game online là điều tất yếu. Trong khi những sản phẩm như mạng xã hội, hay thương mại điện tử… đều phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi thói quen người sử dụng cũng như phát triển hạ tầng, thì đây có thể coi như một chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” khá thành công.

    Xu hướng của ngành game 2014

    Theo các thông tin hiện có thì “Vương Quốc Thần Thoại”  là một game của Vật Gía, một công ty TMĐT từng tuyên bố “không bao giờ” tham gia vào ngành game. Tiếp đó là bài phỏng vấn của Tổng giám đốc VNPay về việc cổng thanh toán điện tử này nhảy vào làm game client (game cài đặt) “Huyền Thoại Anh Hùng” hay như việc Ngân lượng tham gia vào ngành game online. Sẽ còn có rất nhiều game được đưa ra thị trường game online trên PC. Lĩnh vực này đang trở nên đông đúc, chật chội. Số lượng “người mua” không đổi, “người bán” tăng, doanh thu của từng đơn vị chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

    <p> <em>VNPay chính thức bước vào ngành game sau lời tuyên bố trên truyền thộng của bà tổng giám đốc đơn vị này</em></p>

    Chính trong tình thế khó khăn này, xu hướng mobile, xu hướng chung của toàn thế giới có thể coi là một miền đất hứa. Ngay khi bài viết này được đăng tải đã có không ít các công ty mới được thành lập, hoặc các công ty con được tách ra chuyên phụ trách phát hành game trên mobile. Có lẽ năm 2014 tới, cuộc chiến mang tên Mobile Game sẽ là cuộc chiến sôi động và khốc liệt không kém gì cuộc chiến của các ứng dụng OTT.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày