Tại sao cổ phiếu Samsung lại tăng cao kỷ lục ngay cả khi Galaxy Note7 mới vẫn tiếp tục gặp sự cố?
Nó cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang đặt niềm tin cao vào tương lai của Samsung Electronics.
Chắc hẳn bạn đang cho rằng mọi thứ không thể tồi tệ hơn với Samsung Electronics. Khoảng một tháng trước, công ty đã phải tiến hành thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 sau khi người tiêu dùng khiếu nại về việc một số sản phẩm đã phát nổ.
Việc thay pin mới cho các thiết bị này được cho là có thể khắc phục vấn đề này – nhưng một tai nạn gần đây trên chiếc máy bay của hãng hàng không Southwest cho thấy ngay cả pin thay thế cũng có thể bị lỗi. Lần đầu tiên trong lịch sử, một đợt thu hồi sản phẩm lần hai có thể sắp diễn ra.
Chắc chắn những sự cố này sẽ làm cho người dùng e ngại các sản phẩm của Samsung. Nhưng các vụ nổ này dường như lại không làm nản lòng các nhà đầu tư. Đợt thu hồi lần đầu tiên đã làm cổ phiếu của Samsung Electronics sụt giảm đáng kể, nhưng kể từ đó đến nay giá cổ phiếu đã hồi phục và lại lặp lại chu kỳ sụt giảm - hồi phục. Trên thực tế, ngày 07 tháng Mười vừa qua, nó còn mở cửa với mức giá 1.528 USD mỗi cổ phiếu, một mức cao lịch sử từ trước đến nay, và là lần tăng thứ ba như vậy từ đầu năm đến giờ.
Biểu đồ giá cổ phiếu của Samsung Electronics.
Điều gì có thể giải thích cho khả năng phục hồi nhanh như vậy của cổ phiếu này? Lý do là vì doanh thu từ bán điện thoại đơn giản là không còn quan trọng với Samsung Electronics nữa, hay với các nhà đầu tư của họ cũng vậy.
Trong một nghiên cứu đề ngày 9 tháng Mười, đúng khi tin tức về các vụ nổ điện thoại xuất hiện, các nhà phân tích CW Chung và Chrish Chang của công ty Nomura Securities tuyên bố, họ dự đoán đợt thu hồi sản phẩm sẽ dẫn đến sự sụt giảm doanh thu ban đầu ở mức khoảng 1,5 tỷ USD do doanh số smartphone giảm. Nhưng báo cáo vẫn kỳ vọng rằng công ty sẽ đạt được doanh thu 103 tỷ USD từ doanh số smartphone trong năm 2016, điều này nghĩa là các tác động từ vụ nổ sẽ không đáng kể.
Ngoài ra, bán smartphone không phải là cách kiếm tiền duy nhất của Samsung Electronics. Công ty vốn đã niêm yết và thuộc tập đoàn mẹ Samsung này, bao gồm trong bốn bộ phận chính:
- IT (công nghệ thông tin) và Liên lạc di động, trong đó bao gồm các thiết bị di động, desktop, laptop, camera kỹ thuật số và thiết bị mạng.
- Màn hình hiển thị: bộ phận này làm ra các màn hình cho thiết bị di động, máy tính và Tivi, để bán bởi Samsung và các nhà sản xuất khác.
- Bán dẫn.
- Điện tử tiêu dùng: bộ phận này sản xuất các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, và tivi.
Trong năm 2012, trong khi người tiêu dùng vẫn đang chuyển đổi từ điện thoại gập sang các điện thoại thông minh, lợi nhuận của Samsung chủ yếu đến từ bộ phận IT và Liên lạc di động.
Mức đóng góp lợi nhuận của bộ phận IT và điện tử tiêu dùng ngày càng giảm so với bộ phận bán dẫn và màn hình.
Nhưng điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây. Lợi nhuận trong năm nay dự kiến sẽ được phân chia 50-50 giữa bộ phận điện thoại di động và bộ phận màn hình hiển thị và bán dẫn. Theo công ty Nomura, hai mảng này (màn hình và bán dẫn) sẽ tạo nên phần lớn lợi nhuận vào năm 2017.
Có hai yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi này. Lợi nhuận từ smartphone của Samsung ngày càng thu hẹp lại, cũng vì tăng trưởng doanh số smartphone toàn cầu đang chậm lại. Cùng với đó, các nhà sản xuất đang cạnh tranh nhau quyết liệt hơn để giành lấy các khách hàng, làm cho giá bán ngày càng giảm, cũng như lợi nhuận cũng đang đi xuống.
Doanh số smartphone toàn cầu (dự kiến của năm 2017)
Trong khi đó, Samsung đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh về màn hình hiển thị và chất bán dẫn, ngay ở thời điểm ngành công nghiệp smartphone đang chuẩn bị cho việc nâng cấp các bộ phận này. Họ là người dẫn đầu thị trường về màn hình OLED, một công nghệ màn hình cao cấp và phức tạp hơn so với màn hình LCD mà phần lớn các điện thoại đang sử dụng hiện tại. Công ty hiện kiểm soát hơn 95% thị trường màn hình OLED trong Quý 1 năm 2016, và dự kiến nhu cầu màn hình này sẽ tăng lên khi các công ty điện thoại như Apple rời bỏ LCD để chuyển sang OLED.
Samsung cũng duy trì vị thế dẫn đầu trong việc cạnh tranh về bộ nhớ flash, có khả năng lưu dữ liệu khi nguồn điện bị mất đột ngột. Trong năm 2013, công ty đã công bố chip nhớ 3D NAND đầu tiên trên thế giới, một sự cải tiến so với chip NAND 2D phẳng, sớm hơn 3 năm so với các đối thủ khác như Intel hay Micron.
Các nhà đầu tư vẫn nhìn thấy triển vọng tươi sáng ở các bộ phận này – và họ đang đánh giá rằng mức độ vốn hóa thị trường của Samsung Electronics đang thấp hơn mức triển vọng này. Vào ngày 5 tháng Mười vừa qua, một cổ đông là Elliott Management đã đưa ra một bản thuyết trình dài, đầy tranh cãi khi lập luận rằng công ty đang bị định giá thấp hơn 30% đến 70%.
Họ cho rằng Samsung nên chia tách thành hai công ty riêng biệt – một công ty quản lý nắm giữ cổ phần những bộ phận khác của công ty và một “công ty vận hành” sản xuất và bán các sản phẩm điện tử. Việc chia tách này sẽ giúp chia thêm nhiều lãi cổ tức cho các cổ đông, và mang đến cho công ty một cơ cấu tập đoàn minh bạch hơn, phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu vấn đề điện thoại bị phát nổ vẫn không được giải quyết, liệu nó có kéo giá cổ phiếu đi xuống? Nhà phân tích Chung của Nomura cho rằng điều đó là có thể, nếu doanh số điện thoại liên tục tụt dốc và rơi vào tình trạng “hạ cánh khẩn cấp.” Trong Quý 2 năm 2016, Samsung chiếm 22% thị phần toàn cầu về số lượng smartphone xuất xưởng, giữ ngôi vị quán quân.
Nếu người tiêu dùng nhìn xa hơn vấn đề thu hồi máy, và tiếp tục mua điện thoại Samsung, doanh thu và lợi nhuận của bộ phận này sẽ tiếp tục được duy trì dù rất trì trệ. Nhưng nếu hình ảnh thương hiệu của Samsung bị hoen ố đến mức không thể sửa chữa được, thu nhập từ điện thoại có thể chìm sâu đến mức các bộ phận khác của nó không thể cứu vãn được.
Tham khảo Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng