Tại sao dính đòn hiểm của Mỹ, Huawei vẫn chưa thấy đau?

    Liam,  

    Nói một cách đơn giản, giờ chưa phải là lúc Huawei "ngấm đòn".

    Theo báo cáo mới nhất, tập đoàn smartphone Trung Quốc kiếm được 221,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 32,2 tỷ USD) doanh thu trong Q2/2019 (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6). Đây là mức tăng trưởng 23%, bất chấp những khó khăn do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc phải tạm ngừng hợp tác với các công ty công nghệ của Mỹ. Chủ tịch Liang Hua của Huawei cho biết: 

    "Doanh thu của chúng tôi đã tăng mạnh trong tháng 5, bất chấp việc Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi không hề gặp khó khăn. Họ có thể làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của chúng tôi trong ngắn hạn, nhưng điều đó không ngăn cản được bước tiến của chúng tôi". 

    Tại sao dính đòn hiểm của Mỹ, Huawei vẫn chưa thấy đau? - Ảnh 1.

    Theo lời chủ tịch Liang Hua, tổng thống Trump đã "không thể cản bước được Huawei".

    Ấy vậy nhưng khi lệnh cấm của Tổng thống Trump vừa được đưa ra, nhà sáng lập, CEO Huawei là ông Nhậm Chính Phi cũng đã từng thừa nhận Huawei sẽ mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Vậy, cuối cùng, đòn đánh của Tổng thống Trump dành cho Huawei có "đau" hay không?

    Câu trả lời vẫn là có. Nhưng không "đau" đến vậy.

    Quý 2 chưa ngấm đòn

    Trước hết, cần phải chi ra rằng ngoại trừ Apple, tất cả các hãng đều KHÔNG công bố doanh số đến người tiêu dùng, thay vào đó chỉ công bố lượng smartphone đã xuất xưởng và chuyển giao tới chuỗi cung ứng. Lệnh cấm của Tổng thống Trump được ban bố vào ngày 15/5. Nhưng nếu lệnh cấm được ban bố vào ngày 15/5 thì các nhà phân phối có lẽ đã nhập hàng của Huawei để đủ bán đến đầu tháng 6 – hoặc lâu hơn nữa.

    Tại sao dính đòn hiểm của Mỹ, Huawei vẫn chưa thấy đau? - Ảnh 2.

    Khi lệnh cấm được công bố, các đối tác bán lẻ có lẽ đã nhập kho một lượng lớn P30 Pro (và nhiều mẫu Huawei khác).

    Tức là, trong trường hợp các nhà phân phối này lo lắng về tương lai của điện thoại Huawei, họ sẽ chỉ giảm đơn hàng cho một phần của tháng 6, hoặc cho quý 3. "Doanh số" hãng này ghi nhận (hay nói chính xác hơn là lượng smartphone bán cho nhà phân phối) thực chất sẽ không suy giảm nhiều.

    2 thị trường quan trọng nhất

    Phần lớn các đối tác bán lẻ của Huawei sẽ không rời bỏ Huawei. Lý do là bởi phần lớn smartphone Huawei bán ra là bán cho người Trung Quốc: dựa theo báo cáo của Canalys, trong quý 2 Huawei bán được 59 triệu chiếc thì có tới 37 triệu chiếc là ở quê nhà.

    Tại quốc gia này, Android bán ra đều được các hãng "fork" từ AOSP mở và dĩ nhiên là vắng bóng Google. Lệnh cấm của ông Trump hoàn toàn vô nghĩa với trải nghiệm của họ, thậm chí lại còn phản tác dụng: lệnh cấm vừa ban ra, cư dân mạng ngay lập tức lên Weibo kêu gọi ủng hộ.

    Tại sao dính đòn hiểm của Mỹ, Huawei vẫn chưa thấy đau? - Ảnh 3.

    60% doanh số Huawei đến từ Trung Quốc.

    Một khối người dùng khổng lồ khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều là người dùng tại Nga. Năm ngoái, Huawei đã vượt mặt Samsung để trở thành thương hiệu smartphone số 1 tại quốc gia lớn nhất thế giới. Ngay sau khi lệnh cấm của ông Trump được đưa ra, Huawei lại thắng hợp đồng triển khai cho nhà mạng 5G tại Nga.

    Mà tại đây, Google lại không phải là yếu tố bắt buộc: người dùng Nga sử dụng khá nhiều đến các ứng dụng/dịch vụ "nhà trồng được" như Yandex hay VK. Cũng như người dùng Trung Quốc, người dùng Nga vẫn sẽ sống tốt nếu Huawei bị buộc phải chuyển sang dùng EMUI.

    Người dùng chưa biết sợ

    Vậy, khối người dùng nào sẽ khiến doanh số của Huawei bị sụt giảm? Câu trả lời là người dùng quốc tế còn lại (Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, châu Mỹ...), những người dùng Huawei cài Android-của-Google với các ứng dụng Search, Maps, Gmail, YouTube v...v... Khi các dịch vụ này biến mất khỏi điện thoại Huawei, họ cũng sẽ chuyển sang Samsung, Apple hay các hãng smartphone khác.

    Tại sao dính đòn hiểm của Mỹ, Huawei vẫn chưa thấy đau? - Ảnh 4.

    Khi nào Huawei (phải) ra mắt smartphone Android không có Google, khi ấy Huawei mới "ngấm" miếng đòn đau của ông Trump.

    Nhưng khi lệnh cấm được ban hành, Huawei đã hoàn thiện và đã bán P30 Pro ra toàn cầu. Lệnh cấm của ông Trump chỉ có thể ảnh hưởng tới khả năng cập nhật sau này của dòng P30, tới những chiếc Huawei tương lai như Mate 30 chẳng hạn. Ngay tại thời điểm hiện tại, P30 Pro và các mẫu Huawei/Honor bán ra trên thị trường quốc tế vẫn là những sản phẩm "bình thường", vẫn có trải nghiệm Android "chuẩn". Người dùng quốc tế vẫn chưa thể cảm nhận sự khác biệt.

    Phải đến khi Mate 30 hay những chiếc smartphone Huawei khác ra mắt tại Ấn Độ, Việt Nam hay Singapore buộc phải dùng EMUI (và không có bất kỳ ứng dụng/dịch vụ Google nào), người dùng phổ thông mới thấy smartphone Huawei-không-Google dở đến mức nào. Khi đó, người ta mới bắt đầu từ bỏ Huawei. Phải đến lúc đó, con số 30 tỷ mà ông Nhậm nói tới mới thực sự hiển hiện trên báo cáo tài chính của Huawei.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày