Tại sao kế hoạch thay đổi mình cho năm mới của bạn thường thất bại?

    Nguyễn Hải,  

    Con người luôn muốn trở nên hoàn thiện hơn, đẹp hơn, có ích hơn, nhưng để trở thành hiện thực thì dự định, kế hoạch tốt không thôi là chưa đủ.

    Mỗi khi tờ lịch trên tường nhà bạn chuyển sang ngày 1 tháng Một, lại là dịp chúng ta tự làm cho mình một danh sách dài các cam kết những dự định của mình trong năm mới. Một cuộc điều tra cho thấy, khoảng hơn nửa dân số thế giới đặt ra các cam kết đó trong năm 2015. Giảm cân, ngừng hút thuốc, ăn uống lành mạnh hay tập thể dục nhiều hơn, đứng đầu trong cả danh sách đó, ngoài ra còn có tiết kiệm tiền, học một ngoại ngữ mới, hay gọi cho bạn cũ thường xuyên hơn. Nhưng thực sự thì có bao nhiêu trong số những kế hoạch đó trở thành hiện thực ? Sự thực thì ít hơn nhiều so với bạn nghĩ.

    Theo một nghiên cứu vào năm 2007 của nhà tâm lý học người Anh, ông Richard Wiseman, thực hiện trên 3.000 người, cho thấy 88% trong số họ không thực hiện được các cam kết của mình đặt ra trong năm mới. Dữ liệu từ cuộc điều tra mới nhất cũng không khả quan hơn – một phần ba số người được hỏi cho biết, họ từ bỏ mục tiêu của mình ngay trong tháng Một, chỉ 10% nói rằng họ vẫn giữ được các cam kết của mình.

    Tuy nhiên, khoa học đang bắt đầu làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn đến thất bại này. Những nghiên cứu gần đây về sức mạnh ý chí và sự tiếp nhận của những thói quen đang giúp chúng ta hiểu được điều rằng quyết định liệu chúng ta có thể đạt đến những mục tiêu mình đặt ra từ đầu năm hay không.

    Thần kinh học đã xác định được sức mạnh ý chí của chúng ta nằm trong các tế bào thần kinh của vỏ não trước trán. Vấn đề là khu vực này của não có quá nhiều nhiệm vụ khác nhau để giải quyết. Khu vực này đóng vai trò như bộ nhớ ngắn hạn cho não, lên kế hoạch công việc trong ngày, đưa ra trung bình năm quyết định trong một ngày, duy trì sự tập trung và chú ý, quản lý các mối quan hệ xã hội và thậm chí giải quyết các vấn đề trừu tượng. “Nếu vùng vỏ não trước quá bận rộn, chúng sẽ trở nên yếu ớt hơn.” ông Baba Shiv, nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết.

    Trong một thí nghiệm kỳ lạ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu một người với chế độ ăn kiêng lành mạnh, được yêu cầu nhớ một số có bẩy chữ số và sau đó lựa chọn giữa việc ăn một cái bánh socola hoặc một miếng hoa quả, đa phần các trường hợp, họ đều chọn bánh socola. Tuy nhiên, nếu yêu cầu cùng người đó, chỉ phải thuộc lòng hai chữ số, họ thường lựa chọn hoa quả. Vì vậy, lời khuyên thích hợp để kiên trì theo đuổi mục tiêu của chúng ta là không được làm cạn kiệt sức lực của vùng vỏ não trước.

    Khoa học về sự tự kiểm soát.

    Tránh tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh khỏi nhịp sống hối hả vội vàng của thành phố, cũng là những cách giúp chúng ta kiên trì với mục đích của mình. Bởi theo kết quả nghiên cứu chỉ ra, việc não tiếp nhận hàng loạt các tác nhân kích thích trong khi chúng ta chỉ đi bộ hay lái xe trong thành phố đông đúc có thể làm giảm sự tự kiểm soát.

    Hơn nữa, để giữ sức mạnh ý chí mạnh mẽ, tránh rơi vào các hành vi bốc đồng, điều cần thiết là phải ngủ tốt. Ngoài ra, so sánh với các hoạt động khác, ngủ là hoạt động gây ra ít vận động nhất cho phần vỏ não trước trán, trung tâm của sự tự kiểm soát. Trên thực tế, trong khi chúng ta cố gắng đạt được mục tiêu, điều giúp chúng ta kiên trì là một giấc ngủ trưa dài khoảng 60 phút, một thói quen mà các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) đã chứng minh sẽ góp phần vào việc duy sự tự kiểm soát bản thân.

    Ngoài ra cũng đừng quên, stress là một kẻ thù nguy hiểm khi chúng ta đang cố gắng thay đổi cách thức của mình. Sử dụng kỹ thuật hình ảnh thần kinh, ông Lars Schwabe của Đại học Ruhr ở Bochum (Đức), đã kết luận rằng hydro-cortisone và norepinephrine, hai hóc môn được tiết ra khi căng thẳng, sẽ làm giảm hoạt động của vùng vỏ não trước trán và vùng vỏ não trán ổ mắt (Orbitofrontal cortex), những khu vực cần hoạt động hết công suất khi chúng ta cố gắng đạt được mục tiêu.

    Tuy nhiên, giảm stress không phải cách duy nhất mà để tăng cường sức mạnh ý chí. Khoa học đã xác định được nhiều chiến thuật khác để giúp chúng ta chuyển từ dự định thành hành động. Một phát hiện thú vị là các đơn vị đo lường của thời gian. Theo ba Dapha Oyserman của Đại học Nam California, mọi người sẽ dễ thực hiện được mục tiêu hơn nếu họ lên kế hoạch đạt được nó trong 365 ngày thay vì 12 tháng hay một năm.

    Mặt khác, theo ông Kurt Gray của Đại học Havard, mọi người nên làm các việc tốt, ví dụ như quyên góp tiền. Các nghiên cứu của ông chỉ ra rằng loại hành động này sẽ làm tăng sức mạnh ý chí và sức chịu đựng của cơ thể. Và cô Iris W. Hung đến từ trường Đại học Singapore, đã khám phá ra rằng khi một miếng bánh ngọt làm chúng ta chảy nước miếng, nếu chúng ta gồng bắp tay hoặc co bóp bàn tay trong khoảng một phút, chúng ta sẽ thấy dễ tránh xa được sự cám dỗ hơn.

    Thay đổi thói quen.

    Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tập trung hình thành nên thói quen mới hay loại bỏ thói quen cũ đang gây hại cho bản thân ? Thật không may,điều đó không dễ dàng. Bộ não của chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm theo các thói quen đã biết hơn vì việc này đòi hỏi ít năng lượng và đã trở thành tự động. “40% thời gian của chúng ta là để làm những việc không cần phải suy nghĩ. Những thói quen đó cho phép chúng ta tập trung vào sự chú ý vào những việc khác.” Ông Wendy Wood, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California (Mỹ) và là một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết.

    Ngược lại, thay đổi thói quen đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực liên tục lặp đi lặp lại trong trung bình 66 ngày – theo như tính toán trong một nghiên cứu của Philippa Lally tại Đại học College London. Và như đã giải thích ở trên, nếu vỏ não trước bị quá tải với công việc – một điều dường như khó tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại bận rộn của chúng ta – những ý định tốt không thôi là chưa đủ.

    Việc tạo ra thói quen diễn ra trong một khu vực của não được gọi là vùng hạch nền (basal ganglia). Vùng này được kích thích bởi việc học tập lặp đi lặp lại và góp phần vào việc hình thành nên thói quen cũng như sự nghiện ngập. Hơn một thập kỷ trước đây, Ann Graybiel và đồng nghiệp của cô tại Học viện công nghệ Massachusetts đã khám phá ra rằng các tế bào thần kinh tại khu vực này giống như nam châm đối với dopamine, một loại hóc môn tạo cảm giác dễ chịu, và vì vậy “các tế bào này đáp lại tốt hơn với các phần thưởng tích cực hơn là sự thúc đẩy tiêu cực” theo giải thích của các nhà nghiên cứu. Nói cách khác, khi cố gắng hình thành nên một thói quen, tốt hơn là chúng ta nên biết cách tự thưởng cho mình, hơn là trừng phạt bản thân.

    Theo bbvaopenmind.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày