Trong đại dịch COVID-19, có những ngày bạn sẽ thấy dài như cả tháng, nhưng vài tháng trôi qua lại chỉ như vừa mới Tết xong.
Ngày 16 tháng 7 năm 1962, Michel Siffre, một nhà địa chất học người Pháp đã thử đi xuống một hang động cách mặt đất hơn 120 mét và sống ở đó trong vòng 2 tháng. Ông ấy đã để đồng hồ lại bên ngoài cửa hang, cũng như tất cả các công cụ đo đạc ngày tháng khác để tự mình trải nghiệm thời gian khi bị cô lập dưới mặt đất.
Kết quả không ngoài dự đoán, Siffre đã mất dấu thứ ngày tháng. Bộ não của ông ấy không thể xác định được giờ giấc, hay nói cách khác là đã xác định thời gian trôi chậm hơn gần một nửa. Khi được đón ra ngoài vào ngày 14 tháng 9, Siffre ngỡ rằng đó mới chỉ là ngày 20 tháng 8.
“Tôi đoán rằng mình vẫn còn phải sống thêm 1 tháng nữa dưới cái hang đó”, ông nói. “Thời gian trong tâm trí tôi đã bị nén xuống chỉ còn một nửa”.
Michel Siffre, một nhà địa chất học người Pháp nổi tiếng với các thí nghiệm sống dưới hang động trong nhiều tháng.
Trong những ngày cách ly xã hội của đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn còn may mắn khi không phải sống trong một hang động chỉ có bóng tối vây quanh. Nhưng những xáo trộn trong nhịp sống xã hội và việc phải ở nhà quá lâu cũng ít nhiều khiến chúng ta quên mất thứ ngày tháng.
Những cuối tuần dường như đã biến mất, bây giờ đột nhiên xuất hiện trở lại một cách thật lạ lẫm. Nhiều học sinh sinh viên sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi thoáng chốc một kỳ nghỉ Tết kéo dài 4 tháng đã trôi qua. Đó là những nghịch lý của thời gian, hay nói chính xác hơn là việc cảm nhận thời gian trong đại dịch COVID-19.
1. Tại sao chúng ta quên mất thứ, ngày, tháng?
Có hai hệ thống cho phép chúng ta cảm nhận và quản lý được thời gian của mình. Thứ nhất, đó là đồng hồ và lịch. Giả sử vào một ngày thứ hai trước cách ly, bạn biết mình cần phải dậy vào lúc 7 giờ sáng, ăn sáng từ 7 rưỡi, ra khỏi nhà lúc 8 giờ và có mặt trong phòng làm việc trước 9 giờ.
Bạn sẽ làm việc đến 12 rưỡi, đi ăn trưa và nghỉ giải lao đến 2 giờ chiều và làm việc tiếp đến 5 giờ thì tan sở. Về nhà, bạn tiếp tục ăn tối với gia đình trong khoảng 7-8 giờ và đi ngủ lúc 11 giờ. Mọi thứ lặp lại 5 ngày trong tuần, và đến thứ Bảy và chủ nhật, bạn sẽ có một ngày ngủ nướng, không phải làm việc mà đi xem phim, mua sắm, tụ tập bạn bè…
Những vòng lặp và kế hoạch này liên tục được củng cố lại trong đầu bạn. Bạn mong chờ đến giờ tan sở vào lúc 3 giờ chiều, bạn mong đến Chủ nhật vào ngày thứ Năm trong tuần và mong đến nghỉ lễ 30-4 khi mới chỉ là đầu tháng.
Những ước định này vô hình trung khiến cho bạn cảm nhận được thứ, ngày, tháng một cách hết sức rõ ràng. Nhưng khi ở nhà thì ngược lại, não bộ của bạn sẽ chuyển sang cơ chế cảm nhận thời gian thứ hai, được gọi là thời gian theo sự kiện.
Không phải đi làm hoặc đi học, bạn sẽ thức dậy khi bạn thấy mình đã tỉnh, bất kể đó là 7 giờ sáng hay 10 giờ trưa. Bạn sẽ ngồi vào bàn làm việc tại nhà khi bạn thấy mình sẵn sàng. Bạn sẽ giải lao khi bạn thấy mệt mỏi. Sẽ ăn trưa khi bạn thấy đói và kết thúc công việc khi bạn đã làm xong, bất kể đó có phải giờ tan sở hay không.
Đặc biệt, cuối tuần của bạn cũng giống như ngày thường, bởi cơ bản các hoạt động giải trí đã đóng cửa và mọi người đều ở nhà cả tuần. Bạn không mong chờ cuối tuần như trước nữa, và cũng chỉ cần biết ngày mai mình cần làm gì, chứ không cần biết ngày mai là thứ mấy, ngày mấy.
Đó là trải nghiệm thời gian theo sự kiện, giống với cách mà Michel Siffre đã thực hiện khi ông ở trong hang động dưới mặt đất. Thay vì nhìn đồng hồ, ông ấy chỉ có thể ước tính thời gian theo những sự kiện mà ông ấy đã làm, chẳng hạn như số lần ăn trong ngày, số giấc ngủ mà ông ấy đã ngủ.
Ước tính thời gian theo sự kiện khiến thứ ngày tháng của chúng ta biến mất, nhưng thời gian có thể trôi chậm hơn, hoặc nhanh hơn tùy vào việc có nhiều hay ít sự kiện xảy ra đối với bạn.
2. Tại sao có những ngày cách ly dài như cả tháng?
Trong cuốn sách "Making time: Why time seems to pass at different speeds and how tho control it" của tiến sĩ Steve Taylor, vị giáo sư tâm lý học tại Đại học Leeds Beckett cho biết nhận thức thời gian của con người chỉ mang tính tương đối.
Tốc độ của thời gian dường như được quyết định phần lớn bởi lượng thông tin mà tâm trí chúng ta hấp thụ và xử lý - càng có nhiều thông tin thì thời gian trôi qua sẽ càng chậm. Mối liên hệ này đã được xác nhận bởi nhà tâm lý học Robert Ornstein vào những năm 1960.
Trong một loạt các thí nghiệm, Ornstein đã cho các tình nguyện viên nghe những cuộc băng ghi lại nhiều tiếng động, chẳng hạn như tiếng click chuột hoặc tiếng ồn trong một gia đình. Những cuộn băng này có độ dài bằng nhau, nhưng số lượng tiếng động có trong đó khác thì khác nhau.
Đến cuối mỗi thí nghiệm, khi đoạn băng đã chạy hết, Ornstein yêu cầu các tình nguyện viên ước tính khoảng thời gian mà họ đã dành ra để nghe nó. Hiện tượng thú vị đã xuất hiện, những tình nguyện viên nghe phải những cuộn băng có nhiều tiếng động, chẳng hạn như có số lượng cú click chuột gấp đôi, là những người sẽ ước lượng ra khoảng thời gian dài hơn.
Điều tương tự này xảy ra trong một số ngày cách ly đầu tiên của đại dịch COVID-19. Khi đó, bởi tất cả chúng ta đột nhiên phải ở nhà, mọi người đều sẽ thấy mình bị ngập tràn bởi các công việc lặt vặt và các sự kiện.
Bạn phải đi mua thực phẩm, phải dọn dẹp nhà cửa, phải nhớ đeo khẩu trang, phải rửa tay, phải trông con, phải nấu ăn, phải giặt quần áo… Nhiều sự kiện và quyết định đã diễn ra trong ngày đầu tiên hơn bình thường.
“Sống trong tình trạng cách ly xã hội, chúng ta đang thêm vào ngày của mình một lượng lớn các nhiệm vụ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Chúng ta chưa bao giờ phải đối phó nhiều với các yếu tố sinh tồn thường xuyên đến vậy”, Dawna Ballard, một chuyên gia nghiên cứu về thời gian tại Đại học Texas ở Austin cho biết.
“Vào một ngày thông thường, bạn chỉ có thể đưa ra 10 quyết định mới. Vào bất cứ ngày nào trong đại dịch, bạn có thể đã đưa ra hàng trăm quyết định, và đó là lý do tại sao ngày đó cảm thấy dài như một tháng”.
Thêm vào đó, cảm xúc của chúng ta chẳng hạn như nỗi sợ hãi, cũng đóng một vai trò trong cách chúng ta cảm nhận thời gian trôi. Năm 2011, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm trên sinh viên, trong đó họ cho các nhóm sinh viên xem các đoạn video và bảo họ đoán liệu video đó kéo dài bao nhiêu phút.
Nhóm sinh viên được cho xem video kinh dị đã cho thấy họ đoán thời lượng video dài hơn thực tế so với các dạng video khác. Và trong những ngày đầu cách ly xã hội, chúng ta cũng liên tục bị tấn công bởi cảm giác sợ hãi từ tin tức mới về COVID-19.
Không những chúng ta có nhiều tin tức và nhiều sự kiện hơn, chúng ta còn có cảm giác sợ hãi về chúng hơn, bởi vậy, thời gian đã được kéo dài hơn.
3. Nhưng nghịch lý là bạn lại thấy vài tháng vừa rồi trôi qua thật nhanh
Michel Siffre cho biết khi ông ra khỏi cái hang tối, ông cảm thấy thời gian của mình như bị đánh cắp. Ngày 14 tháng 9 ngoài đời chỉ ngỡ như là ngày 20 tháng 8 trong hang động. Và các học sinh khi đi học trở lại vào tháng 5 tới có lẽ cũng giật mình khi biết rằng đó là khoảng thời gian thi học kỳ trước khi nghỉ hè hàng năm.
Đó thực ra là hậu quả của việc các chu kỳ thời gian như ngày làm việc, ngày đi học và ngày cuối tuần bị biến mất. Khi cảm nhận thời gian bằng trực giác chứ không phải các cấu trúc như đồng hồ, giờ giấc và lịch, thời gian của chúng ta nhanh chóng bị bào mòn, nhà tâm lý học Hal Hershfield tại Đại học California Hoa Kỳ cho biết.
Biên tập viên kênh truyền hình Fox ở Mỹ phải nhắc nhở khán giả rằng "Hôm nay là thứ ba", phòng trường hợp họ quên mất.
Trong thời gian cách ly xã hội, vì chúng ta không thể đi ra ngoài để xem phim, đến nhà hàng, đi đá bóng hoặc đi du lịch, chúng ta có thể cảm thấy thời gian trôi qua vô nghĩa hơn, và do đó, nó bị nén thành một khối cảm giác như mọi thứ chỉ mới như ngày hôm qua.
Bạn không có các sự kiện và dấu mốc hàng năm, ví dụ như năm nay bạn chưa thể đi du lịch, do đó, trên quy mô từng ngày, có thể bạn đã làm được rất nhiều việc lặt vặt, nhưng chúng không có ý nghĩa đối với bộ não của bạn, còn trên quy mô hàng tháng, bạn sẽ thấy thời gian trôi thật nhanh mà mình chưa làm được gì cả.
4. Làm thế nào để đồng bộ lại với cuộc sống bình thường?
Sau những thí nghiệm của bản thân mình, Michel Siffre cho biết nếu sinh hoạt chỉ dựa theo những sự kiện, không quan tâm đến giờ giấc, chu kỳ sinh học của con người có thể kéo dài thành các vòng 48 tiếng đồng hồ mà bản thân ông không thể giải thích được.
Liệu trong thời gian cách ly xã hội của COVID-19, chúng ta có biến thành những con người như vậy không? Cơ bản có thể là không, nhưng có lẽ nhịp sinh học và tâm lý của chúng ta sẽ bị xáo trộn đôi chút.
Các thí nghiệm về cách ly con người với thế giới cho thấy miễn là bạn vẫn có thể cảm nhận các yếu tố ngày và đêm, thời gian biểu sinh học của bạn vẫn chạy bình thường và không có mấy trục trặc.
Như trong biểu đồ dưới đây thể hiện sự dịch chuyển thời gian sinh học của một tình nguyện viên khi bị cách ly 1 tháng rưỡi (phần nét liền thể hiện thời gian ngủ, phần nét đứt thể hiện thời gian thức).
Trong 9 ngày đầu tiên, khi vẫn được tiếp xúc với ánh sáng và các yếu tố như đồng hồ và lịch, tình nguyện viên không có sự dịch chuyển chu kỳ sinh học đáng kể. Từ ngày 10 đến ngày 35, khi bị ngắt kết nối toàn bộ với thời gian, chu kỳ sinh học của tình nguyện viên mới dịch chuyển mạnh.
Nhưng từ ngày 36 đến 46, khi được tiếp xúc trở lại với ánh sáng và chu kỳ ngày đêm, nhịp sinh học của tình nguyện viên đã trở lại bình thường.
Dement, 1976
Nói tóm lại, sự xê dịch trong chu kỳ sinh học mà bạn trải nghiệm sau thời gian cách ly xã hội vì đại dịch COVID-19 có thể không quá lớn. Mặc dù vậy, đối với nhiều người thì sự chênh lệnh này vẫn có thể khiến họ khó bắt nhịp lại cuộc sống thường nhật khi đi học và đi làm trở lại.
Nhưng Hershfield cho biết có một mẹo nhỏ để bạn đồng bộ lại được thời gian 24 tiếng mỗi ngày của mình, đó là tự tạo ra các “nghi thức” nhỏ để phân chia thời gian của mình.
Nghiên cứu của hai nhà khoa học Francesca Gino và Mike Norton tại Đại học Harvard cho thấy những y tá phải làm việc liên tục nhiều ngày ở bệnh viện có thể đồng bộ cuộc sống công việc với cuộc sống gia đình tốt hơn, nếu đến cuối ngày làm việc họ thực hiện một nghi thức thay quần áo, mặc dù vẫn phải ở lại bệnh viện và tiếp tục làm việc.
Các nghi thức có thể hết sức đơn giản nhưng sẽ đem lại hiệu quả. Chẳng hạn, khi bắt đầu ngày làm việc, bạn hãy đeo một chiếc nhẫn hoặc vòng vào tay, và hãy để ý đến đồng hồ để tháo nó ra khi đến giờ ăn trưa hoặc hết giờ làm việc.
Trong tuần, bạn cũng có thể để dành những bộ phim mà mình muốn xem xuống cuối tuần, để thực hiện thói quen trước đại dịch. Bằng cách này, bạn sẽ giữ được các chu kỳ hàng ngày và hàng tuần của mình để bắt nhịp trở lại cuộc sống thường ngày tốt hơn khi thời gian cách ly xã hội kết thúc.
Tham khảo Qz, Vice
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng