Chỉ một ngày sau khi người sáng lập bị bắt, trang web bị đánh sập, nhưng Kickass Torrents lại nhanh chóng hồi sinh chỉ sau đó một ngày, làm thế nào họ có thể làm được như vậy?
Trong khi nhiều người vẫn còn đang bất ngờ với việc trang web Kickass Torrent bị đánh sập, và Artem Vaulin, thủ lĩnh của website chia sẻ bị bắt vào ngày 21 tháng 7 vừa qua, thì chỉ một ngày sau đó, họ lại còn bất ngờ hơn khi trang web này đã hồi sinh trong một địa chỉ mới, với cơ sở dữ liệu được giữ nguyên và chỉ số seed (các máy tham gia vào việc upload dữ liệu) vẫn như cũ.
Nếu mọi người còn nhớ, vụ bắt giữ Kim Dotcom đã làm trang web Megaupload phải đóng cửa vào đầu năm 2012. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt cho KickassTorrent (hay còn gọi KAT)?
Cách thức lưu trữ dữ liệu
Trước tiên, nếu so với Megaupload của Kim Dotcom, KickassTorrent khác hẳn về cách thức lưu trữ dữ liệu. Megaupload là một trang chia sẻ theo phương thức truyền tải dữ liệu điển hình, với các máy chủ chứa dữ liệu và người dùng trực tiếp tải xuống dữ liệu mình cần từ các máy chủ đó. Lúc này, máy tính của người dùng chỉ đóng vai trò máy client, tải xuống dữ liệu do máy chủ upload.
Do phương thức lưu trữ và chia sẻ dữ liệu này, nên khi người sáng lập và điều hành Kim Dotcom bị bắt với các cáo buộc vi phạm bản quyền, các máy chủ của Megaupload bị thu giữ. Điều này đã làm cho toàn bộ dữ liệu người dùng tải lên đó bị phong tỏa, không thể truy cập được. Chỉ đến khi Kim Dotcom giành được các chiến thắng pháp lý trước tòa, một phần khối dữ liệu khổng lồ mới được trao trả.
Mô hình lưu trữ máy chủ tập trung.
Trong khi đó, dữ liệu trên các trang như KAT hoạt động theo giao thức chia sẻ mạng ngang hàng, BitTorrent cùng với cơ chế trackerless DHT. Với giao thức này, các máy tính tham gia trong mạng đảm nhận cả vai trò download và upload dữ liệu mà không cần một máy chủ trung tâm như Megaupload nữa. Do vậy, dữ liệu giờ đây không còn được lưu trữ trên một nguồn duy nhất nữa, thay vào đó nó được phân tán trong các máy tính tham gia vào mạng lưới.
Để tham gia vào mạng lưới này, các máy tính sử dụng thông tin trong một file torrent. Các file torrent này không chứa dữ liệu bạn cần, mà nó chỉ là cách để bạn liên lạc với các máy tính khác trong mạng lưới để download và upload dữ liệu bạn cần. Và chính các trang web lập chỉ mục về file torrent như KAT là những nơi công khai cung cấp các file torrent này cho những người “ghiền torrent”.
Không chỉ cung cấp các file torrent, các trang này còn đóng vai trò là các “Torrent tracker”, một dạng máy chủ của mạng lưới BitTorrent. Các tracker này không trực tiếp cung cấp dữ liệu bạn cần, nó chỉ giám sát các máy tính chứa dữ liệu và các máy tính cần dữ liệu trong mạng lưới. Thông qua thông tin của các tracker, cùng với phần mềm BitTorrent Client (như µTorrent, BitTorrent, Vuze) cài đặt trên máy tính, bạn sẽ kết nối được với các máy khác để lấy được dữ liệu mình cần.
Mô hình lưu trữ phi tập trung.
Không chỉ khác nhau về giao thức chia sẻ file, sự khác nhau về cơ chế quản lý thông tin file giữa các máy chủ dữ liệu và các trang tracker như KAT cũng cho thấy tại sao trang web này có thể hồi sinh nhanh đến thế.
Quản lý thông tin về dữ liệu
Với vai trò như ổ cứng lưu trữ trên đám mây, các máy chủ của những trang web như Megaupload lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ và cung cấp đường dẫn đến hàng triệu GB do người dùng upload lên. Khi các máy chủ này gặp sự cố, hoặc bị thu giữ như trường hợp của Megaupload, người dùng sẽ không thể truy cập vào các dữ liệu này được nữa.
Trong khi đó, bên cạnh cơ chế tracker, hiện tại các BitTorrent client còn có một cơ chế khác để kết nối với các máy tính trong mạng lưới, cơ chế “trackerless.” Các phần mềm này sử dụng một dạng bảng băm phân tán (DHT – Distributed Hash Table), với mỗi BitTorrent client cài đặt trên máy tính đóng vai trò một node trên bảng băm (Hash Table). Dựa trên thông tin do file torrent đưa vào, mỗi node sẽ liên lạc với các node gần nhất để tìm thông tin cần thiết cho việc chia sẻ file.
Cơ chế chia sẻ file ngang hàng theo các node.
Với cơ chế này, về cơ bản vai trò của các tracker như các máy chủ trung tâm trong việc thông tin về những máy tính đang nắm giữ dữ liệu đã không còn cần thiết nữa. Các máy tính trong mạng lưới thực sự ngang hàng với nhau, khi không chỉ chia sẻ ngang hàng mà còn quản lý thông tin của nhau cũng ngang hàng.
Với cơ chế quản lý thông tin này, ngay cả khi các máy tracker, hay các máy chủ theo dõi các máy tính trong mạng lưới gặp sự cố, các node (các máy tính trong mạng lưới) vẫn có thể chuyển tiếp thông tin cho đến khi tìm thấy thông tin về dữ liệu cần thiết. Do vậy, việc chia sẻ file vẫn diễn ra ngay cả khi các tracker như KAT gặp vấn đề về vận hành.
Sao lưu dữ liệu
Không những vậy, do các trang như KickassTorrents chỉ lưu trữ các file torrent với dung lượng nhỏ, chủ yếu từ vài KB đến vài trăm KB, nên rất dễ dàng sao lưu và lưu trữ toàn bộ dữ liệu của các trang web này, để khi cần có thể di chuyển và phục hồi tại các địa chỉ khác nhau.
Bản thân KickassTorrents từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2008 đến nay cũng nhiều lần phải di chuyển sang các tên miền khác nhau trên thế giới, như Philippine, Tonga, Somalia hay Costa Rica (đó là lý do vì sao có những tên miền như kat.ph, kat.to, kat.so hay kat.cr) nhằm tránh bị tịch thu bởi các cơ quan quản lý các nước và sự ngăn chặn từ các dịch vụ mạng trên thế giới. Do vậy, dường như họ không quá lạ lẫm khi rơi vào các tình huống như hiện tại.
“Chúng tôi vẫn duy trì một bản sao dữ liệu từ trang KickassTorrents gốc để dự phòng trường hợp nó bị sự cố. Có một bản sao lưu tại chỗ và kinh nghiệm trong quá khứ về trường hợp này là các nhân tố giúp chúng tôi nhanh chóng phục hồi lại trang web.” Một trong những người sáng lập KAT giải thích.
Đó là lý do vì sao các cơ quan pháp luật rất khó hạ gục hoàn toàn các trang web chia sẻ file torrent. Họ như cỏ dại mọc giữa rừng vậy, rất khó nhổ bỏ tận gốc rễ. Trước KickassTorrents, các trang web nổi tiếng khác như The Pirate Bay hay isoHunt chỉ thay đổi khi những người sáng lập nên nó bị lộ hoàn toàn danh tính và họ chấp nhận từ bỏ hoạt động trên trang web của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng