Tại sao Linux lại có nhiều tên gọi rắc rối hơn Windows, Mac?

    MP,  

    Không như Windows hay OS X, HĐH nguồn mở Linux có rất nhiều bản phân phối vô cùng rối rắm như Ubuntu, Debian, Fedora, CentOS, OpenSUSE...

    Khi một người dùng lần đầu tiếp xúc với thế giới hệ điều hành nguồn mở, cái tên đầu tiên họ nghe đến chắc chắn là Linux. Nhưng sau một thời gian, có thể là ngay từ lúc cài đặt hay tìm kiếm đĩa cài, nhiều người lập tức cảm thấy bối rối với hàng loạt cái tên khác nhau như Ubuntu, Debian, Fedora, CentOS, OpenSUSE….Nhìn qua bên Microsoft, Windows tuy có nhiều phiên bản khác nhau nhưng ít nhất chúng cũng không nằm trong tình trạng được quảng cáo như những sản phần hoàn toàn riêng biệt. Và với phong cách “đóng bộ” của Apple thì khó có chuyện có nhiều biến thể của OS X (trước đây là Mac OS X) được. Nhưng các bản phân phối của Linux – Linux distributions – thì lại khác. Mỗi phiên bản có khá nhiều khác biệt, từ đối tượng phục vụ, mục đích sử dụng đến trải nghiệm người dùng… Hãy thử cùng GenK điểm qua những điểm giống và khác nhau cơ bản giữa các Linux distro này.

    Linux Kernel – Nhân Linux

    Giải thích sự rối rắm của các bản phân phối Linux hiện nay

    Tuy có rất nhiều khác biệt trên bề mặt, nhưng khi đi vào phần cốt lõi của hệ điều hành, các Linux distro này hẳn nhiên có một điểm chung quan trọng nhất: chúng đều sử dụng nhân Linux. Là xương sống của hệ điều hành, phần nhân nhỏ bé này đảm nhiệm mọi công việc tương tác với phần cứng máy tính. Khi muốn giao việc cho máy tính, người dùng tương tác với các phần mềm như trình duyệt, trình soạn thảo văn bản.v.v.. Để kết nối các thông tin nhập vào từ đấy tới phần cứng máy tính, nơi công việc tính toán thực sự diễn ra, phần lõi hệ điều hành chính là điểm trung chuyển then chốt không thể thiếu.

    Và dĩ nhiên để phục vụ việc tương tác với phần cứng, nhân Linux phải được cung cấp kèm với hàng loạt driver – trình điều khiển thiết bị - cần thiết để khi người dùng cài đặt một Linux distro lên bất kì cấu hình phần cứng thông thường nào, hệ điều hành cũng đều có thể nhận ra và hoạt động trơn tru. Tuy vậy với số lượng phần cứng đa dạng hiện nay, đôi lúc các nhóm phát triển vẫn phải bổ sung driver mà họ cho là cần thiết vào bộ cài distro của mình.

    Điều này cũng giải thích tại sao người dùng Linux luôn được khuyến khích cập nhật kernel khi có phiên bản mới, hay tại sao một số người dùng sẽ cần tự biên dịch kernel riêng cho cấu hình của máy mình. Việc phát triển nhân Linux có sự đóng góp của các lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng về cơ bản, Linus Torvalds – cha đẻ của Linux vẫn đang là người chịu trách nhiệm quản lí quá trình này.

    Các công nghệ trong hệ thống

    Một khi ta bước chân ra khỏi phạm vi lõi hệ điều hành, các khác biệt trên các Linux distro bắt đầu dần lộ diện. Các trưởng nhóm phát triển của từng distro khác nhau sẽ là người quyết định các thành phần phần mềm mà họ sẽ dùng trong hệ điều hành đó, chẳng hạn như loại phần mềm quản lí file/dữ liệu, loại phần mềm quản lí quá trình hiển thị hình ảnh.v.v. Bản thân một hệ điều hành bao gồm rất nhiều thành phần phần mềm khác nhau đảm nhiệm các trọng trách riêng biệt, được lắp ghép với nhau trên nền của phần nhân vừa đề cập ở trên. Với từng vai trò, nhóm phát triển thường có nhiều lựa chọn khác nhau, thậm chí họ có thể chọn tự phát triển một phần mềm của riêng mình. Sự tổ hợp đó dần tạo ra các khác biệt giữa các Linux distro.

    Lấy ví dụ với vai trò quản lí giao diện hiển thị. Nhiều Linux distro vẫn trung thành với X-Server từ dự án X.org, sản phẩm đã được ưa chuộng suốt nhiều thập kỉ. Tuy nhiên một số đã chọn chuyển sang với nhiều chức năng tân tiến hơn, hay Mir – một bản fork của Wayland do Canonical, công ty đứng sau Ubuntu chịu trách nhiệm phát triển chính.

    Môi trường Desktop

    Giải thích sự rối rắm của các bản phân phối Linux hiện nay

    Về cơ bản, môi trường desktop mà các distro Linux sử dụng có thể ảnh hưởng đến các mặt sau:

    - Giao diện cơ bản của các thành phần như cửa sổ, menu..v..v. cũng như khả năng tùy biến của chúng
    - Mức tiêu tốn tài nguyên phần cứng (bộ nhớ, sức mạnh xử lí .v.v)
    - Các tùy biến có liên quan đến đồ họa (chẳng hạn khả năng thay đổi những gì xuất hiện trên một menu, thay đổi chức năng các icon.v.v)
    - Khả năng tương thích của các phần mềm với môi trường đó.

    Rất nhiều distro có thể được phân biệt ngay lập tức bằng bộ môi trường desktop mà nhóm phát triển sử dụng. Trong khi Ubuntu sử dụng môi trường Gnome/Unity, ta có Kubuntu sử dụng XDE, Xubuntu sử dụng Xfce còn Lubuntu lại là LXDE. Mỗi loại cho một trải nghiệm sử dụng khác nhau, đặc biệt là với những người dùng ưa thích thao tác với giao diện đồ họa hơn là sử dụng dòng lệnh. Không như Ubuntu, một số Linux distro khác không tách hẳn các phiên bản sử dụng môi trường desktop khác nhau ra, mà chỉ cung cấp như một tùy chọn khác – vẫn với tên như cũ cho người dùng (ví dụ như Fedora).

    Độ ổn định và tốc độ cập nhật

    Các distro khác nhau có thời gian ra mắt và cập nhật phiên bản mới khác nhau. Một số phiên bản như Fedora được cập nhật thường xuyên hơn giúp người dùng luôn có các phần mềm mới và tân tiến nhất. Một số khác như Debian lại ưa chuộng sự ổn định, thậm chí có thể lùi thời gian cập nhật để đảm bảo mọi thứ hoạt động thực sự trơn tru trước khi đến tay người dùng. Các distro sử dụng kiểu cập nhật “cuốn chiếu” như Arch Linux về cơ bản lại không có kì hạn cập nhật chính thức nào, người dùng có thể thường xuyên tự tay cập nhật các thành phần phần mềm trong hệ thống – dĩ nhiên là không dành cho những người thiếu kinh nghiệm.

    Điều này chủ yếu phát sinh từ mục đích sử dụng khác nhau của các distro. Thử tưởng tượng cứ vài ba tháng máy chủ của một website nào đó lại phải đóng cửa một thời gian để cập nhật, liệu người quản trị có đồng ý?

    Chức năng và định hướng

    Giải thích sự rối rắm của các bản phân phối Linux hiện nay

    Một số Linux distro ra đời đơn thuần chỉ vì muốn thay thế vài thành phần phần mềm mà nhóm phát triển cho là “không phù hợp” của các distro đi trước. Ví dụ như Linux Mint chủ yếu chỉ khác với Ubuntu ở một vài công cụ hệ thống, môi trường desktop và giao diện hiển thị. Nếu bạn là người mới làm quen với Linux và muốn một hệ điều hành thân thiện và đơn giản nhất có thể, Linux Mint thậm chí được nhiều người đánh giá là dễ làm quen hơn cả Ubuntu.

    Về cơ bản mỗi distro được nhóm phát triển cho ra mắt nhắm đến một nhóm đối tượng sử dụng, phục vụ các mục đích khác nhau. Một số người có thể thích thú thử nghiệm qua lại giữa Ubuntu hay Fedora, một số thích sự ổn định của Debian, một số lại thích tự tạo ra hệ điều hành với bản sắc của mình qua việc vật lộn với quá trình cài đặt từ con số 0 của ArchLinux. Các sản phẩn như Red Hat Enterprise Linux hay CentOS lại nhắm đến nhu cầu khắt khe hơn của đối tượng người dùng trong doanh nghiệp. Hay như Backtrack Linux tuy cũng nhắm tới môi trường công nghiệp nhưng chủ yếu tập trung vào khía cạnh bảo mật. Cùng phân khúc, Utangle hay ClearOS cũng là giải pháp tường lửa mềm nhưng chú trọng hơn đến sự thân thiện và tiện dụng cũng như một số nhu cầu quản lí đơn giản cho người dùng chứ không “hardcore” như Backtrack.

    Ngoài ra ta không thể không kể đến tôn chí xây dựng sản phẩm khác nhau của từng nhóm phát triển cũng sẽ tạo ra các distro khác nhau. Trong đó sự cân bằng giữa độ ổn định và tốc độ cập nhật kể trên là một yếu tố. Tiếp đến phải kể đến các vấn đề về mặt quan điểm pháp lí. Một số nhóm phát triển, như nhóm tác giả Ubuntu, không khắt khe cho lắm trong việc tích hợp các thành phần phần mềm đã được đóng dấu sở hữu như Steam client hay các driver của AMD, nVidia. Một số nhóm phát triển khác như của Fedora, lại rất khó tính trong việc sử dụng các sản phẩm không thuộc diện “nguồn mở” này, dù là được phép hay không. Người dùng dĩ nhiên vẫn có thể tải về miễn phí và cài đặt chúng một cách thoải mái, nhưng điểm này cũng tạo ra các khác biệt nhất định cho từng distro. Cuối cùng, các quan điểm khác nhau nảy sinh trong quá trình định hướng sản phẩm cũng có thể dễ dàng cho ra đời một distro mới, như trường hợp của nhóm phát triển CentOS và RHEL (Red Hat).

    Tổng kết

    Hiểu biết sơ lược về các Linux distro khác nhau sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện trải nghiệm sử dụng Linux của người dùng. Không có phiên bản nào có thể phù hợp với mọi người dùng và mọi nhu cầu sử dụng. Vì vậy hãy là người dùng khôn ngoan và lựa chọn phiên bản phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Cũng đừng quên dành chút thời gian trải nghiệm thử một vài phiên bản khác nhau để nhận định được các nét hay của từng phiên bản.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày