Và tại sao "anh" hùng thường là những người đàn ông?
- Chưa từng có trong tiền lệ: Suzuki, Honda, Toyota, Panasonic đồng loạt đóng cửa nhà máy tại Ấn Độ 'nhường' oxy công nghiệp cứu người
- Những lý do thôi việc "ối giời ơi" nhất quả đất: từ vào nhà vệ sinh nhiều quá, thắng với tỷ số đậm quá, cho tới cứu người đuối nước
- Mời bạn xem đoạn video quảng cáo ý nghĩa nhất làng công nghệ: Apple Watch - người hùng thầm lặng bao lần cứu người không biết mệt mỏi
- Nghiên cứu: Người nhiễm Covid-19 không triệu chứng có thể lây bệnh cho người khác mà không hề hay biết
- Giáo sư vật lý nói hành động nhấc nhà cứu người của Superman trong Justice League là hết sức vô lý
Một buổi chiều đầu năm 2022, bà Lê Thị Thiếp, 58 tuổi, ở làng Ngư Thôn Đại Bản, huyện Nông Cống, Thanh Hóa đang đi làm đồng thì có một người hàng xóm hớt hải chạy tới gọi:"Bà Thiếp ơi, thằng Nam vừa cứu được cháu bé trong đám cháy”.
Còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì người hàng xóm đã mở điện thoại, vào Facebook cho bà Thiếp xem hàng loạt đoạn video đang lan truyền với tốc độ chóng mặt: Một người đàn ông chân đất leo thoăn thoắt lên mái tôn, anh đang cố gắng phá cửa sổ của một căn nhà bốc lửa ngùn ngụt.
Bà Thiếp lờ mờ nhận ra đó chính là con trai mình, anh Trung Văn Nam, 34 tuổi, qua chiếc áo đồng phục cấp ba mà Nam vẫn hay mặc. Hồi đó nhà nghèo, bố mẹ bảo tụi trẻ may áo đồng phục cho rộng, để sau này lớn lên có nghỉ học đi làm đồng, đi lao động thì vẫn còn mặc được.
Tính ra, anh Nam đã gắn bó với chiếc áo được 17 năm, từ hồi còn đi học ở Trường Bán Công số 1, Huyện Nông Cống tới khi lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề sửa điều hòa. Hôm đó, nhóm thợ của Nam đang ăn cơm trong ngõ 51 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai thì nghe thấy người dân hô hoán đi cứu cháy.
Chạy tới hiện trường, anh thấy một căn nhà ba tầng đang bốc lửa, khói tỏa ra ngùn ngụt nhưng mọi người nói vẫn còn người bên trong. Không do dự, Nam trèo ngay lên mái tôn nhà bên cạnh. Lúc này, một tiếng nói vọng ra từ cửa sổ: "Chú ơi cứu cháu". Thấy đó là một bé gái mặt đã xạm đen vì khói, Nam đạp chân vào thành cửa, cố gắng giằng chấn song ra ngoài.
***
"Cố lên Nam ơi! Cố lên Nam ơi", vừa xem bà Thiếp vừa hô to, không biết đó chỉ là đoạn video phát lại từ sự kiện trước đó vài tiếng đồng hồ, trên Hà Nội, cách nhà bà tới gần 200 cây số.
12 giờ 30 phút trưa ngày 12/1/2022, anh Trung Văn Nam đã cứu được cháu Vũ Hải Y, sinh năm 2007, đang sống cùng em gái và ông bà ngoại của mình. Khi căn nhà của em cháy, 3 người đã kịp thoát ra ngoài, chỉ còn một mình Y bị kẹt lại bên trong.
"Xem xong cái đoạn video đó, tôi có gọi điện nhưng Nam không nghe máy, lúc đó cũng lo lắm, không biết con thế nào... Sau biết nó không làm sao thì mừng lắm", bà Thiếp nói. "Dù biết là nguy hiểm, nhưng nếu gặp những trường hợp tương tự, tôi mong con trai tôi sẽ tiếp tục có hành động đúng đắn, dũng cảm, nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Chúng ta thường gọi họ là những anh hùng đời thường, những người sẵn sàng nhảy xuống dòng nước xoáy - để cứu một người lạ đuối nước, không do dự trèo lên 5 tầng nhà cao bằng tay không - để đỡ một đứa trẻ đang lơ lửng ngoài ban công, thậm chí quyết liệt chống chọi với một tên cướp có súng - để bảo vệ những người lạ vô tội khác.
Công thức là: A mạo hiểm tính mạng của A để cứu tính mạng của X. Trong đó, A và X không có quan hệ thân thuộc. A không có nhiệm vụ hoặc áp lực nhất thiết phải cứu X. Điều này loại bỏ các trường hợp như A là một cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang làm nhiệm vụ, hoặc A cứu A' vì họ có quan hệ huyết thống, A cứu B vì họ là bạn bè của nhau.
Tại Mỹ và Canada, những người thỏa mãn công thức A-X sẽ được trao một giải thưởng đặc biệt gọi là Huân chương Carnegie. Năm 2022, mới chỉ có 16 huân chương như vậy được trao trên tổng dân số hai nước Bắc Mỹ là 368 triệu người.
Tỷ lệ là 0,04 phần triệu.
Rõ ràng, không phải ai cũng có khả năng, và có khả năng cũng chưa chắc đủ dũng cảm để mạo hiểm tính mạng mình cho một người xa lạ. Nếu đứng lùi lại phía sau, chúng ta luôn thấy họ chỉ là những thiểu số vô cùng nhỏ nổi bật lên khỏi đám đông sợ hãi – những người chỉ đứng nhìn đồng loại gặp nguy hiểm và không làm gì hơn ngoài việc tỏ ra lo lắng.
Nhưng nếu đặt tất cả họ lên cán cân, liệu tiến hóa sẽ ủng hộ đám đông sợ hãi hơn hay là chủ nghĩa anh hùng – thứ luôn phải được cổ vũ, thúc đẩy và bơm thổi bằng đủ các hình thức như văn học, điện ảnh phi hiện thực cho đến các tấm gương trên báo chí và mạng xã hội?
Thuyết tân Darwin hiện đại cho rằng mục đích tối thượng của mọi sinh vật là tồn tại và sinh sản, vậy thì đám đông sợ hãi mới là những người đã làm "đúng hơn" khi họ ưu tiên giữ gìn mạng sống của chính mình, đi kèm với đó là khả năng truyền lại hơn 3 tỷ mã gen trong cơ thể.
Chỉ trong một số trường hợp, sự hèn nhát đó mới bị chỉ trích.
Chẳng hạn như hồi tháng 6, khi một tay súng 18 tuổi tấn công vào trường tiểu học và sát hại 19 đứa trẻ và 2 giáo viên ở Texas, nước Mỹ, các bậc phụ huynh đã hướng cơn thịnh nộ của họ vào cảnh sát, những người không dám xông vào lớp học để cứu những học sinh bị bắn.
Sự kiện được đem ra so sánh với trường hợp 3 thanh niên người Mỹ tay không tấc sắt, lao vào khuất phục một tên khủng bố với khẩu AK-47 trong tay, khi tên này có ý định xả súng trên một chuyến tàu đầy hành khách đi từ Paris đến Amsterdam.
Những chàng thanh niên này xứng đáng được gọi là anh hùng. Chỉ trong một tíc tắc, họ đã quyết định đặt sự an toàn cá nhân của mình xuống để bảo vệ những người lạ bên cạnh. Nhưng điều gì đã khiến họ đứng vượt ra bên ngoài đám đông sợ hãi?
Frank T. McAndrew, một giáo sư tại Đại học Knox, Illinois đã khám phá câu hỏi này qua lăng kính của thuyết tiến hóa và nhân học tâm lý. Những nghiên cứu của ông đã đưa ra lời giải thích cho những gì mà bạn có thể cũng đang thắc mắc.
Trở lại với Huân chương Carnegie, giải thưởng được trao cho những cá nhân có hành động dũng cảm, bất chấp mạng sống của mình để cứu tính mạng những người khác. Như đã nói, năm 2022 có 16 Huân chương Carnegie như vậy được trao cho 16 người, và 15 trong số họ là nam giới.
Đây rõ ràng không phải là một con số ngẫu nhiên. Ở bất cứ đâu trên thế giới, những người đàn ông cũng sẽ luôn thống trị các bảng tổng sắp huân chương xả thân cứu người.
Nếu không tin, bạn cứ thử google những từ khóa như "cô gái [hoặc người phụ nữ] dũng cảm cứu người" trong ngôn ngữ của mình, và so sánh số lượng bài báo bạn tìm được cho các từ khóa tương tự với nam giới.
Hồi tháng 7 vừa rồi, Báo Thanh Niên cũng tổ chức một chương trình bình chọn mang tên "Lan tỏa điều tử tể", với mục đích tìm ra những cá nhân "có hành động dũng cảm, quên mình vì người khác, vì cộng đồng". Mỗi anh hùng đời thường này sẽ được vinh danh và trao một phần thưởng trị giá 200 triệu VNĐ.
Toàn bộ danh sách nhận giải cũng đều là nam giới, trong đó có người hùng mặc áo đồng phục Trung Văn Nam.
Tất nhiên, chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải là hành động xả thân. Nhiều người phụ nữ cũng được coi là anh hùng khi họ mạo hiểm sự an toàn và danh tiếng của mình để làm những điều họ cho là đúng, chẳng hạn như tố cáo và làm chứng trong những vụ bạo hành hoặc tấn công tình dục liên quan đến người nổi tiếng hoặc người có quyền lực.
Tuy nhiên, khi đề cập đến hành động dũng cảm liên quan đến sự mạo hiểm về mặt thể chất – ví dụ như chống lại một kẻ khủng bố trên tàu hỏa hoặc lao xuống dòng nước dữ cứu người – việc nam giới thường xuyên làm những điều đó hơn phụ nữ khá rõ ràng.
Theo giáo sư McAndrew: "Có những lý do hợp lý về mặt tiến hóa cho sự mất cân đối này. Một trong số đó phải kể đến nam giới có một nỗi sợ hãi phổ biến bậc nhất, đó là họ sợ bị coi là kẻ hèn nhát. Một người đàn ông không thể hiện được lòng can đảm về mặt thể chất sẽ làm tổn hại đến chính danh tiếng của anh ta. Phụ nữ thì không gặp phải vấn đề này".
Nhưng tại sao lại vậy? Chúng ta phải nhìn lại xuyên suốt lịch sử nhân loại, những người đàn ông luôn cần một tấm vé để đạt tới vị trí cao hoặc địa vị thống trị trong xã hội. Về mặt tiến hóa, điều này sẽ cho phép họ thu hút nhiều bạn tình hơn và sinh sản nhiều hơn, từ đó tối đa hóa mục tiêu truyền lại những mã gen ưu tú của mình.
Tạo dựng danh tiếng, như trở thành một anh hùng, hóa ra không phải là một cách tồi để làm được điều đó. Một người đàn ông trở thành anh hùng sẽ nhanh chóng nâng cao được địa vị xã hội của mình.
"Tôi không có ý nói các anh hùng đều là những người toan tính có ý thức, rằng nếu họ liều lĩnh với tính mạng của mình, họ sẽ nhận được những điều tuyệt vời sau đó", giáo sư McAndrew cho biết.
"Họ sẽ không nghĩ: "Chẳng có gì gây ấn tượng với các quý cô hơn một chiếc Huân chương Bắc đẩu Bội tinh!". Trên thực tế, các cuộc phỏng vấn với những người đàn ông giành được Huân chương Carnegie cho thấy: Hành động anh hùng của họ là một phản ứng trực giác- thậm chí là bốc đồng - chứ không phải là sản phẩm của sự tính toán chu đáo".
Có vẻ như, chính quá trình tiến hóa của loài người mới chính là kẻ toan tính vĩ đại. Nó nói với những người đàn ông trong vô thức rằng nếu anh ta thể hiện lòng dũng cảm và sức mạnh của mình trong những tình huống hiểm nguy bằng cách cứu sống những người khác, đó sẽ là một điểm cộng, một cách hoàn hảo để báo hiệu cho những người phụ nữ rằng đây là một người đàn ông có những phẩm chất đặc biệt.
Sau cùng, "hành động anh hùng sẽ mang lại lợi thế giao phối cho người đàn ông này", giáo sư McAndrew cho biết.
Quan điểm cho rằng sự dũng cảm có mối liên hệ mật thiết với động cơ giao phối đã xuất hiện từ khá lâu. Các nhà nghiên cứu tâm lý học chiến tranh từ thế kỷ 19 đã thấy khi những người lính đặt mục tiêu gây ấn tượng với những cô gái, họ sẽ cạnh tranh nhau một cách hết sức quyết liệt trong việc thể hiện lòng dũng cảm của mình trên chiến trường.
Ngay cả trong đời thường, các nghiên cứu tâm lý học tương tự cũng xác nhận hành vi dũng cảm và hào phóng của nam giới có liên quan đến sức hấp dẫn của họ với phụ nữ. Ở phía ngược lại, những người phụ nữ cũng tỏ ra ngưỡng mộ những người nam giới có sức khỏe và lòng dũng cảm.
"Tôi đã thực hiện một loạt các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nhận thấy, những người đàn ông có thể chịu đựng được một ngưỡng đau cao hơn khi có một người phụ nữ chứng kiến quá trình chịu đau của họ, bên cạnh lại có thêm một người đàn ông khác cũng đang cạnh tranh với tư cách đối thủ", giáo sư McAndrew cho biết.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Tiến hóa và Hành vi Con người, một nhóm các nhà tâm lý học Châu Âu cũng phát hiện nam giới thể hiện bản lĩnh anh hùng của họ trong chiến tranh, nhằm mục đích gây ấn tượng với những người phụ nữ có thể là bạn tình tiềm năng của họ.
Thống kê từ một nghiên cứu khác cho thấy 464 người đàn ông Mỹ giành được Huân chương Danh dự trong Thế chiến II, cuối cùng, có nhiều con hơn các quân nhân không có huân chương. Điều này phù hợp với giả thuyết rằng chủ nghĩa anh hùng được tưởng thưởng bằng khả năng sinh sản thành công hơn.
Ở phía ngược lại, một thống kê cho thấy phụ nữ đánh giá mức độ hấp dẫn tình dục của những người hành xử anh hùng trong chiến tranh cao hơn so với những người lính khác. Tuy nhiên, điều này không lặp lại với các hành vi anh hùng trong kinh doanh hoặc thể thao.
Và thật kỳ lạ là, khi một nữ binh sĩ cư xử anh dũng trong chiến tranh, điều đó không làm tăng sức hấp dẫn của họ đối với nam giới.
Tất cả các dữ kiện này tiếp tục khẳng định chủ nghĩa anh hùng và những hành vi xả thân là một động lực của tiến hóa. Và nó nhắm đến những người đàn ông chứ không phải phụ nữ.
Việc những người đàn ông được "cài đặt" chủ nghĩa anh hùng trong gen của mình sẽ đem đến lợi thế giao phối cho họ, từ đó truyền lại được các mã gen ưu tú cho nhiều con cái hơn.
Đến đây, phải chăng đã quá đen tối khi chúng ta nhìn nhận những anh hùng, những người xả thân và mạo hiểm tính mạng của chính mình để vụ lợi? Nguồn gốc sâu thẳm của chủ nghĩa anh hùng liệu có đơn giản nằm trong quan điểm Tân Darwin hiện đại, rằng suy cho cùng một anh hùng đứng ra trước đám đông chỉ vì anh ta muốn có cơ hội giao phối cao hơn và từ đó truyền lại gen của mình?
Một số nhà nghiên cứu không đồng tình với góc nhìn của giáo sư McAndrew đã quyết tâm đi tìm một thứ mà họ gọi là "lòng vị tha thuần khiết".
"Tôi không nghi ngờ đôi khi điều đó là đúng. Rằng nhiều hành động tử tế có thể xuất phát chủ yếu hoặc một phần từ động cơ tư lợi.
Nhưng liệu có quá ngây thơ không khi cho rằng còn có một thứ gọi là lòng vị tha thuần khiết? Rằng trong chính khoảnh khắc khi ai đó đưa tay ra cứu giúp một người, họ chỉ có một mục đích trong sáng duy nhất là giúp người khác giảm bớt sự đau khổ", tiến sĩ Steve Taylor, giảng viên tâm lý học tại Đại học Leeds Beckett, Vương Quốc Anh cho biết.
Điều này dẫn chúng ta quay lại cuộc phỏng vấn với những người đã đoạt Huân chương Carnegie. 51 người trong số họ tiết lộ: Để thực hiện một hành động anh hùng, bạn phải hành động theo trực giác chứ không được phép suy nghĩ hay toan tính.
Ví dụ, Daryl Starnes, một người đàn ông nhận Huân chương Carnegie năm 2011 cho hành động trèo lên một chiếc xe đang bốc cháy để giải cứu một người phụ nữ đã nói: "Tôi chỉ làm những gì tôi cảm thấy cần phải làm. Trong tình huống đó bạn không được phép suy nghĩ".
Christine Marty, một sinh viên đại học đã giải cứu một phụ nữ 69 tuổi bị mắc kẹt trong một chiếc xe ngập nước cũng thẳng thắn chia sẻ: "Tôi phải cảm ơn bản thân vì đã hành động mà không suy nghĩ gì cả".
Các cuộc phỏng vấn cho thấy trên thang đo 7 điểm, từ 1 (tư duy trực giác) đến 7 (tư duy lý trí), những anh hùng đoạt Huân chương Carnegie sẽ hành động ở mức số 1 và 2, nghĩa là họ gần như hành động ngay lập tức mà không suy nghĩ gì cả.
"Chúng tôi thấy nếu hành động bằng trực giác, bạn sẽ hướng bản thân mình đến hành vi đạo đức. Còn chỉ cần suy nghĩ lại lần thứ hai, nó sẽ dẫn tới hành vi ích kỷ tự bảo vệ bản thân", David Ryan, tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Yale cho biết.
Dựa trên khảo sát nhỏ này, có vẻ như vẫn có một thứ được gọi là lòng vị tha thuần khiết, thúc đẩy con người mạo hiểm mạng sống của mình để cứu sống người khác. Tuy nhiên, có vẻ như lòng vị tha thuần khiết ấy chỉ bùng lên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, và xuất phát từ một quyết định nhanh chóng, thiếu suy nghĩ.
Đi tìm đáp án cho câu hỏi này thực sự khó, vì chúng ta chỉ có thể nhìn vào số lượng ít ỏi những nghiên cứu trong hành vi tâm lý học con người, về việc một người có thể mạo hiểm sức khỏe thể chất của mình tới đâu khi mục đích là cứu sống một người khác.
Trong một nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Biological Sciences, tác giả Abigail Marsh, một tiến sĩ tâm lý học đến từ Đại học Georgetown có một ý tưởng. Cô muốn khảo sát những người tình nguyện hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng lại muốn hiến một bên thận của mình cho một người hoàn toàn xa lạ.
Những người này khác với những anh hùng đoạt Huân chương Carnegie ở chỗ, họ rõ ràng đã suy nghĩ chậm rãi, kỹ càng và cân nhắc rất nhiều trước khi đi đến hành vi của mình. 19 người tình nguyện hiến thận đã được Marsh lựa chọn và đưa vào một máy chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI.
Cỗ máy có khả năng tiết lộ bản đồ các khu vực não liên quan đến từng chức năng, hành vi và suy nghĩ của mọi người. G iả thuyết của Marsh là nếu những người hiến thận này có một lòng vị tha thuần khiết và không xuất phát từ những quyết định thiếu suy nghĩ, lòng vị tha của họ có thể đang tồn tại ở một trạng thái bền vững hơn, mà chúng ta có thể nhìn thấy nó âm ỉ cháy trên ảnh quét não.
Không nằm ngoài dự đoán, kết quả chụp fMRI của Marsh cho thấy những người đã hiến thận cho người lạ có một vùng não gọi là hạch hạnh nhân phải (liên quan đến việc ra quyết định và cảm xúc) lớn hơn 8,1% so với những người không làm điều này.
Khu vực hạch hạnh nhân phải hoạt động rất mạnh khi những người hiến thận được cho xem ảnh của những người khác đang tỏ ra đau khổ hoặc sợ hãi. Ngược lại, những người bình thường thì chỉ có hoạt động trong khu vực ở mức trung bình.
Điều đáng nói là một nghiên cứu trước đó cho thấy những người thái nhân cách (vô cảm hoặc chống đối xã hội) có mức hoạt động ở hạch hạnh nhân phải yếu hơn người bình thường. Vì vậy, Marsh suy đoán rằng hoạt động và kích thước của hạch hạnh nhân phải trong não bộ có thể phản ánh khả năng đồng cảm của những người có tấm lòng vị tha.
Taylor đồng ý với điều đó: "Theo quan điểm của tôi, lòng vị tha thuần khiết bắt nguồn từ sự đồng cảm. Sự đồng cảm đôi khi được mô tả là khả năng nhìn nhận mọi thứ từ góc độ của người khác.
Nhưng theo nghĩa sâu xa nhất của nó, sự đồng cảm là khả năng cảm nhận, không chỉ tưởng tượng, những gì mà người khác đang trải qua. Đó là khả năng thực sự đi vào không gian tâm trí của người khác để có thể cảm nhận được cảm xúc của họ".
Theo cách này, sự đồng cảm có thể được xem là nguồn gốc của lòng trắc ẩn, lòng vị tha và cả hành vi xả thân cứu người. Khi chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau khổ của người khác, điều này làm nảy sinh xung lực muốn giúp họ giảm bớt khổ đau.
Như vậy chính khả năng thấu cảm đã sinh ra động lực để chúng ta giúp đỡ những người lạ khi họ gặp khó khăn. Thấu cảm có thể là một lời giải thích về bản chất của sự vị tha. Đối lập với quan điểm của thuyết tân Darwin hiện đại, đây có thể xem là một bằng chứng khác, nhân tính hơn cho những hành vi anh hùng, mạo hiểm tính mạng của mình để cứu giúp người khác.
Tham khảo Theconversation, Neurosciencenews, Nbcnews, Vox, Sagepub, Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng