Tại sao ngành sản xuất quay lại nước Mỹ, trái với nhận định của Steve Jobs

    PV,  

    Thế giới phẳng có khép lại hay không khi nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đang đưa nhà máy từ Trung Quốc trở về Mỹ.

    Tại sao ngành sản xuất quay lại nước Mỹ, trái với nhận định của Steve Jobs
     

    Tổng thống Obama từng hỏi cố lãnh đạo của Apple là Steve Jobs: "Tại sao iPhone không được sản xuất tại Mỹ?". Steve Jobs đưa ra câu trả lời không rõ ràng: "Việc làm đó không thể trở lại nước Mỹ được". Tuy nhiên, quan điểm về vấn đề này đối với người quyết định tương lai của Apple rất rõ ràng: Apple tin vào quy mô của các nhà máy ở nước ngoài cũng như sự linh hoạt, nhanh nhạy, kỹ năng công nghiệp tốt của người lao động nước ngoài hiện đã hơn cả người lao động Mỹ. "Made in USA" vì vậy không thể trở thành lựa chọn cho sản xuất sản phẩm của Apple.

    Tuy nhiên, đây là chuyện 5 năm về trước. Cuối năm ngoái, hãng Apple bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất máy tính Mac tại Mỹ. Lý do không phải là lời kêu gọi của Tổng thống Obama mà Apple thấy nhiều lợi ích khi đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê hương. Hiện nay, nhiều công ty Mỹ nhận ra rằng họ đã đi quá xa với mô hình gia công ở nước ngoài và cần thiết phải trở lại quê nhà. Các hãng công nghệ và sản xuất lớn như Google, General Electric, Caterpillar và Ford đang chuyển dần sản xuất trở về nước Mỹ hoặc cho xây thêm nhà máy ở Mỹ.

    Bởi vì, theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Tư vấn Boston, 80% trong số 5.000 người dùng sẵn sàng chi thêm tiền để mua những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, trong đó có các thiết bị điện tử. Thậm chí người Trung Quốc cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để được sở hữu những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.

    Cuộc hồi hương của hàng loạt thương hiệu Mỹ diễn ra trong bối cảnh chi phí lao động tại các "công xưởng thế giới" như Trung Quốc, Ấn Độ tăng. Chẳng hạn, lương của người lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 10-20%, trong khi lương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu bị các nước bắt kịp. Theo nghiên cứu của công ty cố vấn kinh doanh toàn cầu AlixPartners, đến năm 2015, chi phí sản xuất tại Trung Quốc sẽ ngang bằng với chi phí tại Mỹ.

    Do vậy, theo Scott Paul, Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM), quay trở lại sản xuất tại Mỹ là một bài toán thông minh về lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giờ đây nhận ra việc gia công ở nước ngoài có những nhược điểm về khoảng cách địa lý, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt, thời gian giao hàng chậm trễ. Họ cũng nhận ra rằng việc thuê gia công ở nước ngoài trong khi tiếp tục duy trì nghiên cứu và phát triển (R&D) ở quê nhà có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đổi mới.

    Trong xu hướng này, các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây đang nhanh chóng từ bỏ mô hình sản xuất mọi thứ tại chỗ với chi phí thấp để cung cấp cho phần còn lại của thế giới. Trung Quốc giờ đây không còn được xem là địa điểm sản xuất giá rẻ như trước, mà đã trở thành một thị trường tiêu thụ khồng lồ. Khi chuyển nhà máy tới những thị trường mới, các công ty thường đặt mục tiêu để nhanh chóng nắm bắt nhu cầu khách hàng và nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu ở địa phương.

    Hãng máy tính Lenovo cũng đã có những sản phẩm sản xuất tại Mỹ vì muốn nắm bắt nhu cầu của khách hàng Mỹ và nhanh chóng đáp ứng. Không chỉ các doanh nghiệp phương Tây mới tìm cách đem dây chuyền sản xuất về quê nhà, ngay cả các công ty lớn ở những thị trường mới nổi như Tata Group cũng đang tìm cách khuếch trương thương hiệu, năng lực sản xuất và nhân công ở phương Tây.

    Đây không phải là một xu hướng nhất thời mà là một trào lưu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu sau hai thập kỷ phát triển trong mô hình "thế giới phẳng". Các nhà máy Mỹ ngày càng được tiếp cận với năng lượng giá rẻ nhờ vào dầu và khí đốt từ đá phiến sét bùng nổ.

    Ngược lại, các công ty bên ngoài nước Mỹ lại bị đội chi phí vận chuyển do giá nguyên liệu cao, nghĩa là chi phí tiết kiệm từ nhân công thấp tại Trung Quốc sẽ "bốc hơi" khi phải vận chuyển hàng hóa sang Mỹ. "Sản xuất sẽ trở lại, nhưng nó phát triển thành một loại rất khác ngày hôm nay.

    Trước đây, trong làn sóng chuyển cơ sở sản xuất sang những nước như Trung Quốc, các công ty lập luận họ cần phải chuyển công việc ra nước ngoài để có đủ lợi nhuận và tiền chi trả cho nghiên cứu đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, việc đưa cơ sở sản xuất ra nước ngoài về tổng thể lại làm nền kinh tế Mỹ suy yếu.

    Willy Shih, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard trong cuốn sách "Tại sao Mỹ cần phục hưng sản xuất" cho biết: "Khi từ bỏ công đoạn sản xuất sản phẩm, bạn sẽ mất rất nhiều giá trị gia tăng". Mỗi 1 đồng của hoạt động sản xuất trả 1,48 đồng cho nền kinh tế. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thực tế, Mỹ vẫn là quốc gia với kỹ nghệ sản xuất hùng mạnh nhất hoàn cầu. Theo Viện McKinsey Global, mỗi năm, kỹ nghệ sản xuất đạt doanh số 1.800 tỷ USD. Mỗi USD của hoạt động sản xuất mang lại 1,48 USD cho nền kinh tế.

    Chính sách ở mọi cấp độ đang dành khá nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút giới chủ quay về Mỹ. Chẳng hạn, các viện nghiên cứu đã nhận được tài trợ 30 triệu USD để kết nối với 32.000 nhà sản xuất và các trường đại học hàng đầu trong chiến dịch tăng tốc đổi mới trong lĩnh vực công nghệ cao.

    Hãng General Electric năm ngoái đã đưa công việc sản xuất máy giặt, tủ lạnh, và máy nước nóng từ Trung Quốc về tiểu bang Kentucky. Nhà bán lẻ khổng lồ Walmart cũng vừa ra tuyên cáo sẽ bày bán lượng hàng hoá trị giá 50 tỷ USD với nhãn hiệu "Made in USA" trong vòng 10 năm tới. Có 37% những công ty với doanh số 1 tỷ USD đang cân nhắc đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về lại Mỹ trong thời gian tới.

    Theo Lam Hồng
    Doanh nhân SG

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày