Tại sao ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không thể quật ngã Apple?
Dù Apple đang gặp nhiều khó khăn ngắn hạn trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng trong dài hạn, tương lai công ty lại đang trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.
Nhiều năm kể từ sau cái chết của nhà đồng sáng lập Steve Jobs, không thể đếm nổi số lần mọi người dự báo về cái chết của Apple, nhưng cho đến giờ, công ty vẫn đang trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Những tưởng điều đó đã qua đi, thế nhưng đợt bùng phát virus corona vừa qua lại làm sống dậy những lời dự báo đó.
Tuần trước, nhà phân tích Rod Hall của Goldman Sachs, đã đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu Apple vì các dự báo về sự đi xuống của mảng kinh doanh iPhone giữa đại dịch virus corona. Bên cạnh đó, ông Hall cũng dự báo rằng các mảng kinh doanh dịch vụ của Apple, bao gồm Apple Music, iCloud, Apple TV và nhiều dịch vụ khác nữa, cũng sẽ suy giảm.
Dự báo này xuất hiện tiếp sau báo cáo của Bloomberg về một cuộc họp giữa CEO Apple, ông Tim Cook với toàn thể nhân viên công ty. Trong cuộc họp đó, cho dù tỏ ra lạc quan, ông Cook cũng không đảm bảo rằng Apple sẽ không cần sa thải nhân viên do tác động của đại dịch Covid-19.
Tất nhiên, nhìn vào dữ liệu kinh doanh hiện tại, cũng như hiện trạng đa số cửa hàng bán lẻ của Apple đang đóng cửa trên toàn thế giới – thật dễ dàng rút ra kết luận rằng đây đang là quãng thời gian khó khăn cho người khổng lồ công nghệ này.
Quả thật, số người sẵn lòng mua iPhone ít hơn, ít cửa hàng mở cửa hơn, cũng như cả các báo cáo cho biết về tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng. Đây rõ ràng là một năm tồi tệ cho Apple đúng không?
Nhưng mức độ tồi tệ của điều này còn tùy thuộc vào góc nhìn của bạn là gì.
Doanh số iPhone tụt giảm trong quý này ư? Chắc chắn là đúng rồi. Điều này cũng đang xảy ra với cả iPad, máy tính Mac và những thiết bị khác nữa. Nhưng chắc chắn các đối thủ của Apple cũng chịu chung số phận này, nếu không muốn nói còn trầm trọng hơn họ không có một thương hiệu sản phẩm mạnh như Apple.
Còn cho đến nay, các mảng kinh doanh dịch vụ vẫn đang là một trong những trụ cột vững chắc trong tổng doanh thu của Apple. Và khi đa số người dùng phải ở trong nhà, khó có thể tin mảng kinh doanh dịch vụ của Apple lại đi xuống trong thời điểm này, như dự báo của Hall từ Goldman Sachs.
Với hệ sinh thái dịch vụ như trên, người dùng iPhone không muốn trả tiền cho Apple cũng không được.
Apple TV có thể không phải là lần ra mắt thành công nhất mà ta từng thấy từ trước đến nay, nhưng dịch vụ Apple Music vẫn đang tăng trưởng mạnh và iCloud đã trở thành dịch vụ phải có của hầu hết người dùng thiết bị Apple. Ngay cả khi Apple không bán được thiết bị nào trong năm nay, vẫn còn một lượng người dùng iPhone và iPad khổng lồ đang sử dụng các dịch vụ đó.
Riêng điều đó đã khiến Apple trở nên hấp dẫn hơn các đối thủ khác – các thương hiệu smartphone vốn không có một hệ sinh thái chặt chẽ như Apple hiện nay.
Làm chủ được một nền tảng iOS riêng, một hệ sinh thái dịch vụ riêng biệt, khiến cho hầu như mọi thiết bị được Apple ra mắt đều trở nên hấp dẫn đối với người dùng, đặc biệt là những người đang sở hữu các iPhone cũ nhiều năm tuổi. Đây cũng là lý do iPhone SE 2020 giá rẻ mới ra mắt trở nên hấp dẫn người dùng đến vậy, ngay cả khi nó vẫn sử dụng một thiết kế cũ từ nhiều năm nay.
Bí quyết sống sót của Apple giữa đại dịch - có thật nhiều tiền
Nhưng điều quan trọng hơn cả đối với sự sinh tồn của Apple giữa lúc đại dịch này là túi tiền của họ. Với 200 tỷ USD tiền mặt trong tay, Apple không chỉ sống tốt qua đại dịch mà còn củng cố thêm cho sức mạnh của mình trong khi nhìn đối thủ dần dần suy kiệt vì ảnh hưởng của đại dịch.
Từ nhiều năm nay, ông Cook đã luôn bị chỉ trích vì không chịu thực hiện các thương vụ thâu tóm lớn. Nhưng trên thực tế, giá trị của nhiều công ty – bao gồm chính Apple – đã bị thổi phồng quá mức trong những năm gần đây và sẽ là không khôn ngoan nếu vung tiền vào lúc đó.
Giờ đây, khi hầu hết các công ty đều đang lâm vào cảnh khó khăn và giá trị thị trường sụt giảm sâu chưa từng thấy, đây sẽ là thời điểm hoàn hảo để Apple thực hiện bất kỳ thương vụ nào mình muốn với giá trị hợp lý hơn rất nhiều. Và quả thật, công ty đang bắt đầu dùng đến núi tiền của mình: họ mua DarkSky - ứng dụng thời tiết tốt nhất hiện nay, mua Voysis – startup dùng trí tuệ nhân tạo để cải thiện trợ lý ảo mua sắm, mua NextVR – công ty tạo ra các sự kiện trực tiếp bằng thực tế ảo.
Các thương vụ này đều nhằm củng cố hơn nữa sự khác biệt giữa iPhone và phần còn lại của thế giới smartphone. Điều này sẽ thấy rõ hơn vào cuối năm nay khi iPhone mới ra mắt – nếu như không bị trì hoãn vì Covid-19.
Điều này không có nghĩa Apple miễn nhiễm hoàn toàn với đại dịch virus corona. Tác hại trong ngắn hạn chính là những điều chúng ta đã thấy trong những tuần vừa qua. Nhưng chắc chắn họ vẫn đang sống khỏe hơn nhiều đối thủ cạnh tranh của mình. Kết hợp với núi tiền khổng lồ mà họ đang nắm giữ trong tay, hết năm 2020 và tương lai xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy Apple có một vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tham khảo Inc
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng