Screensaver - còn được gọi là trình bảo vệ màn hình - được phát minh ra vào những năm 1980, với công dụng chính là... bảo vệ màn hình khỏi hiện tượng "bóng mờ" (burn-in). Tuy nhiên, bạn có biết là screensaver đã trở nên vô dụng từ hàng thập kỷ nay rồi không?
Theo HowToGeek, ngày nay dường như chẳng còn ai dùng đến screensaver nữa, chúng đã trở nên lỗi thời, vô dụng. Vậy nhưng hầu như mọi hệ điều hành lớn từ Windows, Linux, đến macOS vẫn còn giữ lại một số thiết đặt liên quan đến screensaver (dù thiết đặt này mặc định là tắt). Screensaver là một ví dụ rất thú vị về việc những tính năng được coi là "cổ điển" không hiểu vì lý do gì vẫn sống tốt trên các hệ điều hành.
Tất nhiên, screensaver có thể không còn tồn tại lâu nữa. Tháng trước, Microsoft khiến người dùng "rụng tim" khi tuyên bố xoá sổ chương trình Paint mà ai cũng tưởng là một phần không thể thiếu của Windows. Screensaver cũng nằm trong "cuốn sổ tử thần" của Microsoft, được ghi chú rất cụ thể là "một chức năng bị lược bỏ của Themes", đồng nghĩa với việc nó có thể nằm đấy nhưng sẽ không nhận được thêm tính năng cập nhật mới nào.
Bạn sẽ tự hỏi rằng: tại sao người ta không loại bỏ nó luôn cho đỡ tốn tài nguyên hệ thống?
Câu trả lời sẽ khiến bạn "chưng hửng": thực ra trong suốt lịch sử tồn tại của mình, screensaver đã trở thành một "loại hình nghệ thuật" đóng vai trò trang trí cho chiếc máy tính của bạn. Thử tưởng tượng bạn nghỉ tay ra ngoài uống ly cafe, và ai đó bước vào phòng, nhìn lên màn hình, thấy hàng tá dòng code "vô nghĩa" chảy xuống như phim Ma Trận! Cũng "ngầu" phết chứ nhỉ?
Screensaver có hữu dụng không?
Screensaver xuất hiện khi người ta phát hiện ra hiện tượng "bóng mờ" (burn-in). Bóng mờ là vấn đề rất phổ biến ở thời kỳ màn hình CRT (Cathode Ray Tube) còn phổ biến: khi một nội dung được hiển thị liên tục trên màn hình trong một thời gian dài, nó sẽ "đốt" màn hình, tạo ra những hình ảnh mờ ảo trên màn hình mà không cách nào xoá đi được, kể cả khi bạn tắt màn hình. Dưới đây là hình ảnh một màn hình hiển thị lịch trình bay ở sân bay bị hiện tượng "bóng mờ":
Như đã nói ở trên, những hình ảnh mờ ảo này không thể bị xoá bỏ, do đó một khi đã dính hiện tượng này thì cách duy nhất là phải thay màn hình mới. Do đó, các nhà khoa học đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Chiếc máy tính Atari 400, ra đời năm 1979, được tích hợp tính năng thay đổi màu màn hình khi nó phát hiện nội dung trên màn hình đã được hiển thị quá lâu. Năm 1983, John Socha - người tạo ra phần mềm Norton Commander - đã tung ra một phần mềm dành cho các máy IBM với tên gọi scrnsaver, với chức năng hiển thị một màn hình trắng sau 3 phút không có hoạt động gì trên máy tính. Chiếc máy tính Apple Lisa ra đời cùng năm đó cũng được trang bị tính năng tương tự.
Khi đã giải quyết được vấn đề, người ta lại nhận ra một vấn đề khác: đổi màu màn hình hoặc chuyển màn hình sang màu trắng, đen... trông chẳng vui mắt tí nào. Thế là các lập trình viên hồi thập kỷ 1980 đã nhận ra rằng các hình ảnh động (animations) cũng có thể giúp tránh hiện tượng bóng mờ, và người dùng cũng rất "ghiền" các hình ảnh động này.
Thời đại của screensaver động
Đó là vào những năm 1990, khi screensaver động trở nên phổ biến một cách đáng kinh ngạc, đến nỗi người ta sẵn sàng bỏ ra 30 USD để mua một bộ sưu tập screensaver động mang tên After Dark 2 (chạy được trên cả Windows và Mac). After Dark 2 đơn giản chỉ là những hình ảnh động về bầu trời đêm ở thành phố, hay một chuỗi các lát bánh mì bay vòng vèo trên màn hình, được nhét vừa vặn vào một chiếc đĩa mềm!
Đây chính là lúc các lập trình viên hoạt hình nhận thấy có thể nhanh chóng phát tài. Lần lượt các screensaver động hoành tráng hơn được tung ra, trong số đó có Johny Castaway vào năm 1992, phát triển bởi Sierra On-Line, với nội dung là một câu chuyện ngắn về anh chàng Johny mắc kẹt trên hoang đảo. Để xem hết câu chuyện người ta phải bỏ ra cả tháng trời, và thậm chí nó còn ẩn chứa một vài easter eggs liên quan đến các ngày lễ ở Mỹ nữa.
Và còn hàng loạt các screensaver động khác như 3D Maze, 3D Pipes... vô cùng phổ biến trên nền tảng Windows. Trông chúng ngớ ngẩn đến lạ thường, nhưng thời đó người ta lại rất hào hứng. Screensaver động giống như lửa, xem thì rất thích, nhưng lại chẳng hiểu vì sao lại thích xem!
Vô dụng nhưng vẫn sống tốt
Cho đến đầu những năm 2000 thì vấn đề bóng mờ đã được giải quyết. Máy tính đã "khôn" hơn khi biết tắt màn hình sau một thời gian nhất định do người dùng đặt trước, vừa tiết kiệm điện, vừa không lo bóng mờ. Chưa kể sau này màn hình LCD cũng miễn nhiễm luôn với bóng mờ, và có cơ chế tự bảo vệ khỏi các vấn đề tương tự.
Thế nhưng người ta vẫn giữ lại screensaver. Vì sao? Đơn giản là vì mình thích thôi. Screensaver mang lại cho máy tính một sức sống mới, cho máy tính một công việc để làm khi con người tạm rời xa bàn phím. Người ta thích thế, và do đó screensaver "thoát chết".
Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Đến năm 2017, hầu hết các hệ điều hành đã mặc định tắt tính năng screensaver, chưa kể đến việc các hệ điều hành di động như Android hay iOS thậm chí còn "lơ đẹp" screensaver từ lúc mới ra mắt. Bởi nếu bạn quan tâm về thời lượng pin, thì bạn nên tắt màn hình chứ không phải để nó chạy những hoạt cảnh ngớ ngẩn chẳng mang lại lợi ích gì.
Vậy thì, dù phần thiết đặt screensaver trên máy tính vẫn còn, thì liệu nó còn tồn tại được thêm bao lâu nữa?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng