"Tai thỏ" và "nốt ruồi" là hai trào lưu thiết kế màn hình mà người dùng sẽ thường xuyên thấy trong thời gian tới. Vậy đâu là thiết kế ưu việt hơn dành cho smartphone?
Khoảng 2 năm trở lại đây, thiết kế smartphone đã có sự dịch chuyển mạnh. Từ những chiếc máy với viền màn hình dày và nút bấm vật lý, giờ đây mọi chiếc smartphone cho dù là cao cấp hay giá rẻ cũng đều theo hướng tối giản hóa viền màn hình và loại bỏ phím vật lý.
Trong nỗ lực nhằm gia tăng tối đa tỷ lệ màn hình/thân máy, các nhà sản xuất đã liên tục thử nghiệm những ý tưởng mới về kiểu dáng của màn hình và cách bố trí linh kiện (camera, cảm biến, loa thoại). Nhìn một cách tổng quan, trên thị trường hiện nay có hai khuynh hướng thiết kế chủ đạo là "tai thỏ" và "nốt ruồi", trong đó màn hình "nốt ruồi" là thiết kế mới và dự đoán sẽ nở rộ trong năm 2019.
Giới thiệu về "tai thỏ" và "nốt ruồi"
"Tai thỏ" (tiếng Anh: "notch") là một cách gọi của người Việt dành cho những chiếc smartphone với màn hình bị lẹm đen một phần để dành vị trí cho camera, loa thoại và cảm biến. Mẫu máy đầu tiên sở hữu tai thỏ và được người dùng biết đến là Essential Phone, tuy nhiên phải đến iPhone X thì lối thiết kế này mới thật sự cất cánh và trở thành tiêu chuẩn chung cho smartphone hiện nay.
Không lâu sau khi iPhone X ra đời, các nhà sản xuất đã tung ra những mẫu máy "tai thỏ" của riêng mình. Để tạo ra sự khác biệt của riêng mình, một số các nhà sản xuất đã điều chỉnh kích cỡ của tai thỏ để nó trở nên gọn hơn.
Kích cỡ của tai thỏ được cho là đạt đến giới hạn với những mẫu máy màn hình "giọt nước", ví dụ như Oppo F9, Honor 10 Lite hay Samsung Galaxy M20.
"Nốt ruồi" là trào lưu mới xuất hiện trên một vài mẫu máy gần đây, ví dụ như Huawei Nova 4. Màn hình nốt ruồi là một khối chữ nhật toàn vẹn chứ không bị lẹm như tai thỏ, nhưng trong màn hình sẽ có một lỗ dành cho camera.
Một số mẫu máy sắp ra mắt như Galaxy S10 sẽ có lỗ được khoét lớn dành cho cụm camera kép.
So sánh "tai thỏ" và "nốt ruồi"
Để có một cái nhìn trực quan nhất về "tai thỏ" và "nốt ruồi", trong bài viết này chúng tôi sẽ so sánh ba mẫu máy tiêu biểu với từng lối thiết kế là Apple iPhone XS Max (tai thỏ), Honor 10 Lite (giọt nước) và Huawei Nova 4 (nốt ruồi).
Từ trái sang phải: Honor 10 Lite (giọt nước), Huawei Nova 4 (nốt ruồi) và Apple iPhone XS Max (tai thỏ)
Xét về tính thẩm mỹ, thật sự không có một giải pháp nào vượt trội hơn hẳn hơn so với các giải pháp còn lại. Một số người không thích tai thỏ, một số người lại không thích màn hình bị đục lỗ lệch sang một bên. Phần khoét của iPhone khá to, tuy nhiên lại tạo cảm giác cân đối so với kích thước màn hình. Nhìn chung, đẹp hay không là tùy thuộc vào con mắt của mỗi người.
Xét về diện tích hiển thị, ở chế độ mặc định, các máy hầu như không có quá nhiều sự khác biệt. Chỉ khi xem video và bật chế độ kéo giãn toàn màn hình, chúng ta mới có thể thấy ưu thế của những chiếc smartphone với tai thỏ dạng giọt nước và nốt ruồi do phần nội dung bị khuất rất ít.
Nhưng, yếu tố được cho là gây cản trở nhiều nhất trên các máy tai thỏ như iPhone X/XS là thanh trạng thái: do bị lẹm nhiều, nó không còn nhiều chỗ để hiển thị các biểu tượng trên thanh thông báo. Ví dụ điển hình nhất là người dùng không thể bật hiển thị % pin trên iPhone. Mà hình nốt ruồi và giọt nước không gặp phải tình trạng này. Dù vậy, trên màn hình nốt ruồi, thanh trạng thái sẽ được đẩy dịch sang một phía để tránh vị trí camera.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lẹm đen lớn của một số mẫu máy như iPhone X/XS, Huawei Mate 20 Pro hay Xiaomi Mi 8 EE hoàn toàn là có mục đích. Tất cả những mẫu máy trên đều hỗ trợ công nghệ nhận dạng khuôn mặt 3D tiên tiến, bao gồm nhiều thành phần như camera hồng ngoại, đèn chiếu và máy chiếu điểm. Phần lẹm đen đó sẽ là nơi đặt những linh kiện trên.
Thiết kế màn hình nốt ruồi và giọt nước do không còn chừa nhiều chỗ cho camera và cảm biến, vậy nên để tích hợp những công nghệ tiên tiến như nhận dạng khuôn mặt 3D là rất khó khăn. Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả những mẫu máy với màn hình giọt nước và nốt ruồi mà chúng tôi đã thử nghiệm đều có khả năng mở khóa khuôn mặt không thật sự tốt (tính bảo mật thấp, không hoạt động trong bóng tối).
Tai thỏ hay nốt ruồi sẽ là xu hướng của tương lai?
Ở thời điểm hiện tại, vẫn rất khó để có thể khẳng định rằng đâu sẽ là lối thiết kế định hình cho smartphone tương lai, khi mỗi thiết kế lại có ưu và nhược của riêng mình. Tai thỏ tuy lẹm vào diện tích màn hình nhiều hơn, nhưng nhờ có nó thì các nhà sản xuất mới có đất để trang bị những công nghệ như nhận diện khuôn mặt, đèn flash selfie hay nhiều loại cảm biến khác. Trong khi đó, màn hình giọt nước và nốt ruồi đem đến trải nghiệm hình ảnh tốt hơn, nhưng lại gặp hạn chế về những tính năng và công nghệ kể trên.
Tai thỏ và nốt ruồi sẽ là song hành cùng nhau trong những thế hệ smartphone tiếp theo mà không một ai biến mất, ít nhất là cho đến khi chúng ta có một công nghệ nào khác khả dĩ hơn và có thể khắc phục được nhược điểm của cả hai. Mỗi nhà sản xuất sẽ có một ưu tiên riêng cho sản phẩm của mình, vì vậy, người dùng sẽ là nhân tố quyết định lựa chọn ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của bản thân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng