Tại Trung Quốc, những chiếc máy bán hàng tự động thông minh giờ chẳng khác gì các cửa hàng tiện lợi
Giờ đây, tại Trung Quốc, người ta có thể mua đủ thứ trên đời tại những chiếc máy bán hàng tự động: từ bim bim, nước ngọt, cho đến rau sạch, thực phẩm tươi sống, tạp chí, đồ gia dụng, thậm chí là cả ô tô.
Thâm Quyến, Trung Quốc.
Một người đàn ông tiến tới một chiếc máy bán hàng tự động ở ga tàu điện ngầm để mua đồ ăn trong lúc đợi tàu. Nhưng tại chiếc máy này, bên cạnh những lựa chọn cơ bản như nước ngọt hay khoai tây chiên, thực đơn còn có nhiều món khác như bánh ngọt, đậu phụ, hay thậm chí là cả chân gà rút xương. Và nếu người này muốn những lựa chọn đồ ăn "chắc bụng" hơn nữa, thì chiếc máy bán hàng tự động cách đó vài bước chân còn bán cả mì tươi đã được nấu chín, trứng đã được chuẩn bị sẵn, rau sạch, và khoai tây tươi đã được chế biến và chiên sẵn. Cùng với đó, máy còn phục vụ cả nước cam vắt lẫn nước dừa tươi.
Những chiếc máy bán hàng tự động tại đây đã không còn chỉ biết bán nước ngọt hay bim bim nữa, mà đã phát triển thành những cửa hàng tiện lợi mini.
"Trước đây, nhu cầu của khách hàng khi đến với những chiếc máy bán hàng tự động vô cùng đơn giản: họ chỉ muốn mua nước khoáng hoặc nước ngọt có ga mà thôi." - Larry Song, hiện đang là quản lý tại Thintop Technology, nhà sản xuất máy bán hàng tự động tại Thâm Quyến, Trung Quốc cho biết. "Giờ đây họ mua đủ thứ trên đời".
Giờ đây, tại Trung Quốc, người ta có thể mua đủ thứ trên đời tại những chiếc máy bán hàng tự động.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của khách hàng, những chiếc máy bán hàng tự động giờ đây không chỉ bán đồ ăn thức uống nữa. Khách hàng giờ đã có thể đến với những chiếc máy này để mua đồ chơi, sách truyện, mỹ phẩm, đồ điện tử, cũng như vòng cổ cho thú nuôi. Thậm chí, những chiếc máy bán hàng tự động tại các trường Đại học còn cung cấp cho sinh viên bộ tự xét nghiệm HIV. Hay mới đây, gã khổng lồ Alibaba đã hợp tác với Ford để thử nghiệm việc bán ô tô trong những chiếc máy bán hàng tự động khổng lồ.
Mặc dù chủng loại mặt hàng của những chiếc máy bán hàng tự động giờ đã trở nên vô cùng đa dạng, thì cách thức mà chúng ta sử dụng chúng vẫn hệt như trước đây: bỏ tiền vào máy và nhận hàng. Thứ thay đổi là chính những chiếc máy bán hàng tự động, khi chúng trở nên thông minh và hiện đại hơn trước. Thế hệ máy bán hàng tự động mới này kết nối thành một mạng lưới thông qua mạng Internet, từ đó cho phép những người quản lý có thể kiểm tra hàng hóa bên trong từ xa. Các cảm biến trong máy sẽ đánh giá lưu lượng người qua lại mỗi ngày, cũng như thói quen mua sắm phổ biến tại địa điểm đặt máy thông qua các biến số như thời gian, thời tiết, v...v...
Cùng với đó, những chiếc máy bán hàng tự động còn nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng thông qua hình ảnh và giọng nói tương tác, cũng như những tính năng điều khiển thông qua màn hình cảm ứng. Giá mặt hàng sẽ được điều chỉnh dựa trên cung/cầu tại thời điểm đó. Đồng thời, những chiếc máy này còn có ứng dụng kèm theo, cho phép những người mua hàng có thể tích điểm dựa trên hoạt động mua sắm của mình. Điểm thưởng này sẽ được dùng để mua hàng miễn phí hoặc trao đổi các quà tặng giá trị khác.
"Công nghệ đằng sau những chiếc máy bán hàng tự động đang ngày một trở nên hiện đại" - Larry Song chia sẻ. Nơi anh làm việc, công ty Thintop, với hơn 100 nhân viên, đến nay đã được hơn 10 năm tuổi và hiện đang chịu trách nhiệm sản xuất những chiếc máy bán hàng tự động thông minh cho các khách hàng tại Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Romania, bên cạnh thị trường nội địa Trung Quốc.
Đương nhiên, với việc những chiếc máy bán hàng tự động trở nên thông minh hơn, chúng cũng phản ánh thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc, khi thay đổi từ tiêu tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ và các dịch vụ thanh toán thông minh khác. Chính vì vậy, khách hàng khi sử dụng những chiếc máy bán hàng tự động sẽ có thể thanh toán bằng hai dịch vụ ví điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc: Alipay và WeChat Pay.
"Khách hàng không cần thiết phải mang tiền mặt theo người, do mọi thanh toán đều có thể thực hiện thông qua điện thoại di động." Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, do vẫn chưa có hệ thống thanh toán bằng điện thoại nào thực sự phổ biến và được đại đa số người dân sử dụng, cho nên những chiếc máy bán hàng tự động sản xuất để xuất khẩu vẫn cần phải chấp nhận việc thanh toán bằng tiền mặt và thẻ tín dụng.
Việc thanh toán trong tương lai sẽ càng trở nên thuận tiện hơn khi tích hợp nhiều tính năng nhận diện sinh trắc học thông qua vân tay, gương mặt, cũng như giọng nói. Hiện tại ở Trung Quốc, các cửa hàng KFC đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt cho các vị khách đến mua hàng tại đây. Sau khi quá trình thử nghiệm hoàn tất, những công nghệ nói trên sẽ được áp dụng lên những chiếc máy bán hàng tự động.
Jeff Orr, giám độc nghiên cứu tại ABI Reseach cho biết, công nghệ phát triển sẽ thay đổi và nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Chẳng hạn như khi mua những mặt hàng mỹ phẩm, những chiếc máy bán hàng tự động sẽ chụp hình khuôn mặt của khách và sau đó cho khách hàng xem thử sản phẩm mình mua khi áp dụng lên mặt trông sẽ như thế nào.
"Bạn sẽ muốn thu ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và khách hàng cuối tới mức tối đa" - ông Orr cho biết.
Những chiếc máy bán hàng tự động thông minh giờ đây không chỉ hoạt động bên trong nội địa Trung Quốc, mà còn mở rộng ra nhiều nơi khách nữa. Tại Đài Loan, trên con phố Dihua của Đài Bắc, những vị khách du lịch có thể mua đũa khắc làm quà lưu niệm từ những chiếc máy bán hàng tự động. Máy bán hàng hỗ trợ 3 ngôn ngữ chính: Tiếng Trung, Nhật, Anh; và cho phép khách hàng lựa chọn chất liệu của đũa là gỗ hay nhựa. Sau đó, khách du lịch sẽ gõ từ muốn khắc vào trong bảng điều khiển của máy bán hàng tự động, và chỉ 3 phút sau, những đôi đũa khắc theo yêu cầu của khách đã được ra lò.
Đương nhiên, nhắc đến những chiếc máy bán hàng tự động thì chúng ta không thể không kể đến Nhật Bản, nơi sở hữu những chiếc máy bán hàng tự động độc đáo và tân tiến nhất thế giới. Cũng giống như Trung Quốc, những chiếc máy bán hàng tự động tại đất nước mặt trời mọc cũng đang dần bỏ việc thanh toán bằng tiền mặt và nâng cấp nhiều tính năng thông minh mới.
Giờ đây, những chiếc máy bán hàng tự động không chỉ bán hàng hóa phổ thông, mà còn cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như nhờ công nghệ in 3D, những chiếc máy có thể tạo ra những sản phẩm như thú nhồi bông, trang sức, vòng cổ, ... theo các yêu cầu tùy biến của khách hàng. Những thực phẩm ăn liền cũng sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu của người mua, thông qua việc nhập vào bảng điều khiển những món mà mình muốn ăn, cũng như khẩu phần lớn nhỏ tùy chọn.
"Tất cả những điều này sẽ thay đổi hoàn toàn tương lai của máy bán hàng tự động" - ông Orr cho biết.
Theo đánh giá của Jeff Orr, tới năm 2025, thị trường máy bán hàng tự động thông minh trên toàn thế giới được dự báo sẽ chạm giá trị 12 tỉ USD. Những quốc gia ứng dụng công nghệ này vào trong cuộc sống hàng ngày sẽ cần phải có cơ sở hạ tầng đủ mạnh để hỗ trợ "Internet vạn vật", và sở hữu một mạng lưới riêng kết nối tất cả những cỗ máy thông minh.
Và những chiếc máy bán hàng tự động thông minh nói trên sẽ không chỉ xuất hiện ở ga tàu điện ngầm hay các bến xe bus, mà còn ở cả trường học, sân bay, trong trung tâm thương mại, các khu chung cư, cũng như những nơi công cộng khác.
Theo dự báo, tăng trưởng sẽ mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc, nơi mà GDP bình quân đầu người đang ở mức xấp xỉ 8000 USD. Dự báo khi con số này đạt ngưỡng 10.000 USD, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ càng tăng cao hơn nữa. Hiện tại, ở Trung Quốc, cứ 7.600 người thì sẽ xuất hiện một chiếc máy bán hàng tự động. Con số này ở Anh là 142 người, tại Mỹ là 45, và tại Nhật Bản là 23 - cho thấy mật độ máy bán hàng tự động tại những quốc gia này dày đặc như thế nào.
Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng coi đây là một cơ hội đầu tư không thể bỏ qua. Tháng 9 vừa rồi, Blue Lake Capital, GGV Capital, Yunqi Partner và Zhen Fund đã cùng nhau tài trợ một khoản trị giá 15 triệu USD cho Citybox - một hãng sản xuát máy bán hàng tự động do Alibaba đứng sau. Bên cạnh đó, Horizon Ventures và Carlyle là hai nhà đầu tư khác cũng đang đầu tư rất mạnh vào mảng sản phẩm này.
"Thị trường máy bán hàng tự động tuy vẫn còn non trẻ, nhưng đang ngày càng được cải tiến để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai" - Jeff Orr chia sẻ.
Tham khảo Digital Trends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng