Tài xế Go-Viet thời "10.000 đồng": Đón khách xa tới 3 km, thu nhập giảm do cước thấp, giảm thưởng, cắt hỗ trợ
Một buổi trưa trong tuần, chị Nguyên ngụ tại quận Tân Bình có việc di chuyển sang quận 1. Khi đặt xe qua Go-Viet, sau khi tài xế nhận cuốc, chị liền nhận cuộc gọi từ bác tài: “Chị có thể chờ 10 phút được không”?
Tài xế đón khách xa đến 3 km
Khi lên xe, bác tài Trần Thanh Nam mới phân trần: "Từ đó qua đây hơn 3 cây số. Phải điện hỏi xem chị chờ có được không".
Nhưng chị Nguyên cũng không quá ngạc nhiên, vì cuộc gọi với nội dung "Có thể chờ được không"? này là cuộc gọi lần thứ 2 chị nhận được từ các bác tài Go-Viet trong ngày hôm đó.
Theo lời bác tài Nam, việc phải đón khách xa như vậy là rất thường xuyên. Chuyện càng khó hơn trong giờ cao điểm vì đường kẹt xe và tài xế phải rất vất vả mới tới nơi được.
Ảnh: Internet
"Có giờ cao điểm mà khách ở xa không đi rước được, để trôi cuốc hết. Có trường hợp gần đến nơi rồi khách lại báo hủy thì mất công nên phải gọi báo trước cho chắc ăn".
Trên các cộng đồng tài xế Go-Viet trên Facebook, không khó tìm ra những phàn nàn về việc đón khách xa.
"Bật app lên chạy nhận ngay chuyến đón khách từ quận 8. Trong khi mình đang ở Thủ Đức (có để định vị Thủ Đức). Nhận liên tiếp 18 đơn (toàn là đơn đón khách quận 8 với quận 5). Từ Thủ Đức lên quận 8 mất tầm 30 phút chưa nói đang giờ cao điểm sáng. Thôi thì tắt app về nhà vậy", trích bài đăng của một tài xế.
Một bác tài khác than thở: "Rước 3 – 4 km đi có 10.000 đồng lấy gì sống đây".
Tài xế Trần Thanh Nam so sánh: "Thường phải đi rước xa, có khi xa hơn 3 km. Hồi Grab thì khoảng cách đón là 500 – 700m".
Theo anh Nam, việc đi đón càng xa thì tài xế càng lỗ vì tốn tiền xăng. Như chuyến đi của chị Nguyên có khoảng cách chừng 7 km và chị chỉ phải trả 10.000 đồng, nhưng vì tài xế đón xa tận 3 km nên tổng quãng đường di chuyển của bác tài đã lên tới 10 km.
Theo một chuyên gia (xin phép giấu tên) trong ngành ứng dụng gọi xe , có 3 trường hợp của việc tài xế phải đón khách xa: Một là lỗi ứng dụng, hai là do tài xế ít, ba là do nhiều tài xế bỏ trôi cuốc. Trong khi một bộ phận tài xế trên các cộng đồng Facebook cho rằng việc đón khách xa là do lỗi định vị của ứng dụng, nhiều người khác lại nghĩ khác – rằng tài xế Go-Viet không nhiều.
Thu nhập giảm do cước thấp, thưởng giảm, cắt hỗ trợ
Bên cạnh việc phải đón xa, việc khiến các tài xế Go-Viet phiền lòng những ngày này là thu nhập có phần thấp hơn trước đây. Một nguyên nhân, là do số tiền cước Go-Viet trả cho mỗi chuyến đi khá thấp so với Grab, vì khác với Grab, Go-Viet không tăng giá dịch vụ giờ cao điểm.
Tại TPHCM, số khách hàng trong thời "10.000 đồng" của Go-Viet cũng sụt đi so với những đợt khuyến mãi 5.000 đồng và khi hãng này chưa bỏ khuyến mãi trong giờ cao điểm.
"Hồi đầu chạy ngon lắm, giờ chạy 'chua' ", bác tài Hoàng Anh Tuấn nói. Anh cho hay vì số tiền cước thấp nên anh chỉ cố chạy để lấy tiền thưởng: hiện tại mức thưởng cao nhất cho tài xế của Go-Viet là 180.000 đồng/ngày nếu tài xế đạt 28 điểm - con số này ban đầu là 300.000 đồng.
Tại Hà Nội, hãng không còn áp dụng đảm bảo thu nhập tối thiểu vào giờ thấp điểm. Trước đây, chương trình đảm bảo thu nhập của tài xế là 25.000 đồng/chuyến đi. Hiện tại mỗi chuyến đi khách hàng trả 10.000 đồng, cộng với phần Go-Viet hỗ trợ tương ứng với quãng đường đã đi.
Theo lời tài xế Hoàng Anh Tuấn, thời gian đầu anh chạy Go-Viet thêm vào buổi tối là có thể kiếm được thu nhập 400.000 – 500.000 đồng/ngày (gồm tiền nhận từ khách hàng, tiền hỗ trợ từ Go-Viet và tiền thưởng). Trong khi bây giờ thời gian chạy buổi tối của anh nhận được chỉ trên 100.000 đồng.
Theo khảo sát sơ bộ, thu nhập tài xế Go-Viet fulltime hiện nay khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Nhưng đó mức chưa tính chiết khấu. Hiện các tài xế Go-Viet còn thêm một mối lo: có thông tin Go-Viet sẽ bắt đầu thu chiết khấu tài xế vào đầu tháng 11 này. Đến lúc đó phần thu nhập của các bác tài sẽ như "đã nghèo còn mắc cái eo".
Về phần khách hàng như chị Nguyên, do mức khuyến mãi 10.000 đồng vẫn còn khá rẻ so với việc bắt Grab cho cùng chuyến đi, nên nếu không có việc gấp, chị Nguyên vẫn chấp nhận chờ đợi để đi Go-Viet.
"Chờ đợi hơi lâu xíu nhưng vẫn có xe", chị cho biết. Đây cũng là nhận xét của nhiều người dùng khác. Có thể thấy sự hiện diện của Go-Viet cùng số tài xế hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Nhưng còn về mặt tài xế - một vấn đề quan trọng của cuộc cạnh tranh ứng dụng gọi xe - có lẽ ứng dụng này không còn quá hấp dẫn trong mắt họ. Nói về câu chuyện tài xế, chuyên gia giấu tên kia cho hay: "Quyền lợi của người ta rất quan trọng, giống như cuộc sống vậy. Cần bảo đảm doanh thu cho người ta. Bởi nếu không có tài xế, khách quay đi quay lại không có tài, thì họ cũng bỏ".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng