Tài xế xe công nghệ than trời vì giảm thu nhập, các hãng kẹt trong thế khó: “Ngưng ưu đãi là mất cả khách lẫn tài, tiêu chuẩn của người dùng Việt quá cao”
Cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ qua mỗi năm lại càng khốc liệt hơn, nhưng liệu có giải pháp nào giúp các hãng “trụ vững” trên sân chơi ngày càng nhỏ hẹp này?
Đi đâu cũng thấy… tài xế, thu nhập tỉ lệ nghịch với thời gian chạy xe
Năm 2023, người người nhà nhà đổ xô đi làm tài xế xe công nghệ. Tuy nhiên việc cung vượt quá cầu trong khi người tiêu dùng liên tục thắt chặt chi tiêu, chưa kể mỗi chuyến đi còn “gánh” theo hàng loạt phụ phí… khiến các tài xế không khỏi than trời vì thu nhập giảm mạnh.
Anh H.V.Hiếu (tài xế công nghệ ở TP.HCM) chia sẻ, từ đầu năm tới nay, thu nhập của anh giảm tới 50%, dù thời gian làm việc đã tăng lên gần gấp đôi. Tài xế N.V.Tuyền (23 tuổi) thì cho biết, thu nhập từ nghề này của anh đã giảm ⅓ so với trước.
Và theo chia sẻ của anh T.T.Hưng (quản lý chi nhánh TP.HCM của một ứng gọi xe, giao hàng), không chỉ riêng tài xế mà các hãng xe công nghệ cũng chật vật để “vượt khó” trong năm qua và đặc biệt là năm 2024 sắp tới.
Các hãng đua nhau “đốt tiền” nhưng không có lãi, ngưng ưu đãi là mất cả khách lẫn tài xế
Anh Hưng cho biết, tính đến thời điểm này hầu như các hãng gọi xe công nghệ đều chưa có lãi, khi tất cả các ứng dụng đều đang rơi vào cuộc đua “đốt tiền” để giành thị phần. Năm 2023 kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao hơn, thị trường gọi xe công nghệ cũng vì vậy mà đi xuống.
“Muốn tiếp tục giữ miếng bánh của mình thì ‘đốt tiền’ là điều bắt buộc. Ngành gọi xe nói riêng và các ngành liên quan đến công nghệ nói chung (chẳng hạn như giao đồ ăn) đều gặp phải một vấn đề: khi đổ tiền vào khuyến mại thì khách hàng sẽ theo, nhưng khi dừng khuyến mại thì khách sẽ lập tức chuyển sang dùng ứng dụng khác khi họ có quá nhiều lựa chọn.
“Tiêu chuẩn của người dùng Việt cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác”
Bên cạnh bài toán về chi phí, anh Hưng cho biết sự “kỹ tính” của khách hàng Việt cũng là một thách thức đối với ngành gọi xe công nghệ.
Theo nhận định của anh, tiêu chuẩn của người tiêu dùng Việt cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á xung quanh. Cụ thể chính ứng dụng xe công nghệ mà anh đang quản lý, ở các nước lân cận thì khách hàng hoàn toàn đón nhận, thậm chí số cuốc xe mỗi ngày có thể lên đến 100.000 cuốc. Song, khi đưa về Việt Nam thì hiệu quả chỉ bằng 1-2% so với nước bạn.
Lý giải về điều này, anh Hưng cho biết người dùng Việt rất thông thái, có độ tiếp cận công nghệ cao (theo số liệu thực tế từ Statista năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 nước có lượng người sử dụng smartphone nhiều nhất trên toàn cầu), vì vậy yêu cầu về trải nghiệm ứng dụng tất nhiên sẽ khá khắt khe.
“Từ độ đa dạng tiện ích, thao tác sử dụng có đơn giản hay không cho đến khả năng định vị của bản đồ trên ứng dụng, mọi chi tiết nhỏ nhất nếu không làm tốt đều có thể trở thành nguyên nhân gây mất điểm trong mắt người dùng Việt. Ngoài ra, thái độ và chất lượng phục vụ của các tài xế cũng là yếu tố cần được nâng cấp. Nhưng về bản chất, tiêu chuẩn đầu vào của nghề thường không cao nên việc đào tạo tài xế còn cần nhiều nỗ lực và phải tìm kiếm biện pháp hiệu quả”_Anh Hưng chia sẻ.
“Gỡ khó” bằng ứng dụng kết hợp AI và mở rộng đối tác thanh toán
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút người dùng hiệu quả hơn trong năm tới, anh Hưng cho biết biện pháp phù hợp nhất là tập trung nâng cao trải nghiệm ứng dụng, tăng thêm tiện ích và giản lược thao tác cho khách hàng.
“Những ‘ông lớn’ trong ngành như Grab, Gojek liên tục tăng thêm tiện ích như đi chợ hộ, thanh toán hóa đơn,... bên cạnh dịch vụ chính là giao hàng, gọi xe. Việc cung cấp đa dạng dịch vụ giúp họ giữ chân khách hàng, cũng như giúp tài xế tăng thêm thu nhập. Grab năm vừa qua còn triển khai tính năng bản đồ nhiệt, ứng dụng mô hình AI để giúp đối tác tài xế nhận diện xế nhận diện những khu vực có nhu cầu cao và biết thời gian trung bình để nhận một cuốc xe ở từng khu vực. Ngoài ra ứng dụng còn có nút điều hướng đến các khu vực cao điểm mong muốn, giúp tài xế tăng khả năng nhận chuyến. Điều này cũng giúp rút ngắn thời gian chờ xe của khách hàng”_Anh Hưng chia sẻ.
Hay như hãng taxi Lado Taxi năm vừa rồi đã thay thế tổng đài truyền thống bằng AI Callbot, giúp hãng tự động tiếp nhận các cuộc gọi đặt xe, chuyển tới hệ thống tập trung và đặt lệnh điều xe tới đúng địa chỉ mong muốn trong thời gian ngắn. Tổng đài AI này cũng có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng như đặt lịch, tư vấn chi phí, chăm sóc khách hàng…
“Hoặc, các hãng xe chỉ cần rút gọn thao tác đặt xe, đơn giản hóa quy trình phản hồi cho khách hàng cũng đã là một điểm cộng. Chẳng hạn, ở Việt Nam từng có một hãng X (nay đã ngưng hoạt động) gây mất điểm với khách khi quy trình phản hồi quá cồng kềnh - khách phải điền thông tin vào một form dài để “submit” rồi xin duyệt. Khá tiếc khi hãng quá chú trọng hình thức mà bỏ qua trải nghiệm của khách hàng”_Anh Hưng tâm sự.
Bên cạnh đó, anh Hưng đánh giá việc mở rộng hợp tác với nhiều đối tác thanh toán cũng là giải pháp hiệu quả giúp giữ chân khách cũ, thu hút khách mới trong năm tới. Bởi, ngoài các ưu đãi sẵn có từ hãng, người dùng nay sẽ nhận được thêm ưu đãi từ kênh thanh toán, giúp họ đảm bảo được nhu cầu mua sắm mà vẫn không chi tiêu quá tay trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Dự đoán xu hướng gọi xe công nghệ 2024: Nâng cấp ứng dụng với AI, dịch vụ lái xe hộ nở rộ, xe điện vẫn sẽ phổ biến
Năm vừa qua, xu hướng xe điện lên ngôi và ngành gọi xe công nghệ cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đánh giá về điều này, anh Hưng cho biết xe điện không chỉ phù hợp với nền kinh tế xanh - xu hướng chung toàn cầu hiện tại, tăng thêm lựa chọn cho khách hàng mà còn giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu theo hướng tích cực hơn. Trong năm 2024, chắc chắn xe điện sẽ tiếp tục phổ biến tại thị trường Việt.
Và dựa trên nhu cầu của thị trường, anh Hưng dự đoán dịch vụ lái xe hộ sẽ nở rộ mạnh mẽ trên các ứng dụng gọi xe công nghệ. Dịch vụ này vốn đã phát triển ở nước ngoài từ lâu, hiện cũng đã manh nha ở một số địa phương sau khi quy định về “xử lý nồng độ cồn” được ban hành. Các hãng xe công nghệ có đủ nguồn lực vì tài xế luôn có sẵn, thậm chí ở thời điểm hiện tại là “cung vượt quá cầu” nên có thể cân nhắc tích hợp thêm dịch vụ này.
Quan trọng hơn cả, xu hướng tích hợp AI vào ứng dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm thời gian cho tài xế chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm tới: Từ điều phối tài xế, dự đoán nhu cầu của khách, quản trị quan hệ khách hàng cho đến dự đoán lịch trình bảo trì và sửa chữa xe (đối với các ứng dụng cung cấp xe vận tải)... Việc tận dụng AI sẽ giúp các hãng xe công nghệ đơn giản hóa các quy trình thiết yếu, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng sự hài lòng của khách hàng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng