Tân sinh viên nhưng có điều kiện, chơi máy nghe nhạc hi-end nào với 10 triệu đồng ?
Những chiếc máy nghe nhạc sở hữu thiết kế đẳng cấp cùng khả năng xử lý âm thanh đáng nể...
Giống như mọi thú chơi khác, đam mê âm thanh không hề phân biệt tuổi tác, công việc hay điều kiện kinh tế của mỗi người. 5, 7 năm về trước, cái thời một suất cơm bình dân có giá 10 nghìn, đi bus từ Mĩ Đình xuống Mai Động cũng chỉ mất mỗi 3 nghìn, vậy mà bằng cách nào đó, thằng sinh viên tỉnh lẻ như tôi đã "sa vào hố vôi" này với combo iPod Classic/iBasso Dzero/Yuin PK1 huyền thoại - số tiền tương đương nửa năm nhịn ăn tiêu thời bấy giờ.
Thời gian trôi, công nghệ thay đổi, sinh viên giờ đây cũng có điều kiện hơn trước. Không dừng lại ở những chiếc tai nghe đắt tiền, máy nghe nhạc hi-end đã trở thành sản phẩm không thể thiếu để thưởng thức âm nhạc theo đúng cách nó đáng thưởng thức. Sau đây là 5 dòng máy nghe nhạc thuộc phân khúc trung/cao cấp (tầm giá 10 triệu đồng) xứng đáng để bạn trải nghiệm tại thời điểm này!
iBasso DX80 (8.490.000 VNĐ)
Không cần giới thiệu quá nhiều về iBasso - nhà sản xuất âm thanh lừng danh với dòng máy nghe nhạc DX Series: DX50, DX90, DX100 hay portable DAC/AMP iBasso Dzero được người chơi Việt Nam ưa chuộng. Thế hệ máy nghe nhạc DX80 trình làng cuối năm 2015 được xem là vũ khí chủ chốt của iBasso trong nỗ lực dành lại phân khúc dưới 10 triệu đồng trước sự cạnh tranh của Sony, FiiO hay cả Astell&Kern.
iBasso DX80 (8.490.000 VNĐ)
DX80 vẫn thừa kế thiết kế truyền thống từ phiên bản tiền nhiệm DX90 nhưng lớn hơn một chút, 4 góc được vát chéo và 2 bên thân hơi phình ra. Toàn bộ thân máy được gia công hoàn toàn từ kim loại tạo cảm giác chắc chắn, đầm tay nhưng vẫn giữ được trọng lượng khá nhẹ nhàng, khoảng 180(g). Mặt trước là màn hình cảm ứng 3.2″ độ phân giải 480×800 cùng 3 phím điều khiển vật lý.
Chất lượng hiển thị của DX80 rất tốt, màu sắc đẹp và tự nhiên, người dùng sẽ sử dụng các thao tác vuốt từ cạnh để truy cập vào các trang tính năng khác nhau của máy. Ví dụ từ màn hình now playing, bạn sẽ vuốt từ cạnh trái sang để hiển thị menu My Music hay vuốt từ cạnh phải để hiển thị menu Settings, thiết lập EQ,...
Tuy nhiên, tốc độ hiển thị và đáp ứng thao tác trên màn hình cảm ứng vẫn chưa thật sự mượt mà, đôi khi gặp hiện tượng delay khá khó chịu.
Về cổng kết nối, DX80 được trang bị cổng Spoif out, phone out và lineout. Để giảm giá thành sản phẩm và tạo điều kiện để người dùng mở rộng bộ nhớ, DX80 đã không còn dùng bộ nhớ trong 8GB như ở DX90 mà thay bằng 2 khe cắm thẻ nhớ với khả năng hỗ trợ lên tới 2 TB - một con số khổng lồ.
Cổng phone out và lineout
Cuối cùng, với dung lượng pin 3600 mAh thì DX80 có thể nghe nhạc trong 12h liên tục - cải thiện đáng kể so với 9h trên DX90. Song nắp lưng của DX80 lại không thể tháo rời, người dùng sẽ không thể sử dụng viên pin backup trong trường hợp chiếc DAP của mình sập nguồn, khác với những gì mà DX50/90 (nắp lưng tháo rời) làm được trước đó.
Trái tim của DX80 là cặp chip DAC CIRRUS CS4398 giúp nó có thể giải mã trực tiếp DSD mà không cần chuyển đổi sang PCM. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể biến DX80 trở thành một chiếc USB DAC cho máy tính thông qua mạch tranceiver XMOS danh tiếng. Một điểm cộng nữa là DX80 có trở kháng đầu ra là nhỏ hơn 1 ohm giúp chơi tốt hơn với nhiều IEM trở kháng thấp.
Hỗ trợ tới 2 khe cắm thẻ nhớ, tối đa 2TB!
Về chất âm, DX80 sở hữu phong cách quen thuộc giống như các phiên bản tiền nhiệm: dải trầm tương đối dày dặn, ấp áp, lực khá và kiểm soát tốt, dải mid tách bạch, chi tiết có tí màu mè và cuối cùng là treble lên tới, mượt mà. Mình cho rằng DX80 vẫn hợp với thể loại nhạc pop, jazz, vocal (đặc biệt là vocal nữ với dải mid ngọt ngào, nịnh tai) hơn là rock, pop, dance cần tốc độ tiết tấu nhanh, mạnh mẽ.
Cowon Plenue D (5.990.000 VNĐ)
Đến từ xứ sở kim chi (Hàn Quốc), Cowon cũng là một thương hiệu được cộng đồng người chơi âm thanh đánh giá rất tốt trong nhiều năm qua. Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm, công ty này không chỉ thành công ở thị trường nội địa mà còn vươn xa tầm thế giới với bộ đôi máy nghe nhạc high-end Plenue M, Plenue P1 và mới đây là Plenue D.
Plunue D sở hữu thiết kế rất thời trang, tinh tế. Mặt trước máy là màn hình cảm ứng 2.8″ độ phân giải 240x320 cho phép người dùng duyệt bài, tìm kiếm, tùy chỉnh hệ thống một cách dễ dàng. Bên hông máy là cụm phím vật lý khá thuận tiện khi sử dụng ở ngoài đường, không phải mất thời gian lấy máy nghe nhạc ra để chạm chạm, vuốt vuốt chuyển bài.
Cowon Plenue D (5.990.000 VNĐ)
Về khả năng giải mã âm thanh, Plenue D hỗ trợ phát nhạc Hi-res chất lượng cao lên đến 32 bit/192 kHz với các định dạng file phổ biến hiện nay, bao gồm FLAC/WAV/AIFF/ALAC (Apple Lossless)/APE/MP3/ WMA và OGG. Một điểm mạnh nữa của chiếc máy nghe nhạc này là thời lượng pin cực ký ấn tượng, thậm chí còn tốt hơn so với những mẫu Sony Walkman: 50h nghe nhạc lossless 24bit/192hz và 100h khi chơi MP3.
Nhắc đến Cowon là phải nhắc đến bộ hiệu ứng âm thanh Jet Effect - một thành tựu công nghệ được cộng đồng chơi Audio đánh giá rất cao. Bộ chỉnh âm này có rất nhiều tùy chọn có sẵn cũng như cho phép người dùng tự do điều chỉnh và cân đối các dải tần sao cho đạt đến chất âm mà mình mong muốn. Và vẫn như truyền thống từ trước đến nay, Plunue D tiếp tục được tích hợp bộ hiệu ứng Equalizer 5, JetEffect 5 và BBE .
Về chất âm, Cowon Plenue D gây ấn tượng với âm thanh thiên sáng, giàu chi tiết, âm trường rộng rãi và công suất kéo khá tốt. Với trải nghiệm ban đầu, chiếc máy nghe nhạc này có thể "xử đẹp" những chiếc in-ear hoặc fullsize khó tính ở phân khúc tầm trung như Yuin PK1, Sennheiser HD598, HD600 hay Bebeyerdynamic DT770 (250 Ohm), không hề xuất hiện bệt tiếng hay hát không ra hơi của ca sĩ.
Shanling M5 (8.990.000 VNĐ) & M2 (4.990.000 VNĐ)
Bộ đôi máy nghe nhạc mới nổi Shanling M5&M2 từng nhận được khá nhiều đánh giá tích cực từ người dùng trên diễn đàn head-fi. Cả 2 đều khoác lên mình lớp vỏ sang trọng, đẹp mắt và vô cùng chắc chắn. Toàn bộ máy được chế tạo bằng cách phay nguyên từ 1 miếng nhôm nguyên khối, 2 hông được bo nhẹ cho người dùng cảm giác cầm nắm dễ dàng.
Điểm nhấn trên bộ đôi máy nghe nhạc này là cụm bánh xe điều khiển duy nhất ở mặt trước cho cảm giác xoay vặn bánh xe rất trơn tru, mượt mà, bên trong là 5 phím bấm cứng (Play/Pause/Back/Next/Previous).
Với thiết kế này, người dùng có thể cầm nắm & điều khiển M5 dễ dàng bằng 1 tay khá thuận tiện. Tuy nhiên theo cảm nhận của tôi, kích thước của 5 nút bấm cứng vẫn hơi bé, người dùng có ngón cái to sẽ gặp đôi chút khó khăn.
Giống như FiiO và iBasso, Shanling cũng phát triển riêng hệ điều hành & giao diện (UI) riêng để phù hợp với các thao tác xoay vặn, nhấn trên bánh xe điều khiển. Người dùng có thể duyệt nhạc thông minh theo Favorites, Album, Genre, Artist, Playlists hay trực tiếp trên folder.
Bên cạnh đó là rất nhiều tinh chỉnh hữu ích, từ limit volume, resume mode, gapless playback, gain setting,.. và các chế độ EQ có sẵn như Rock, Pop, Classical,...
Trong quá trình trải nghiệm, sự ổn định, mượt mà của hệ điều hành này xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi - dù tôi thường xuyên không tắt máy mà chỉ chuyển sang chế độ sleep khi không sử dụng. Điều này thể hiện đặc biệt rõ khi duyệt các mục thiết lập hoặc danh sách bài hát với số lượng lên tới hàng trăm bài - không hề có hiện tượng delay, giật lag khó chịu.
Với CPU Ingenic JZ4760BS cùng chip DAC cao cấp AKM AK4490, Shanling M5 có khả năng giải mã nhạc 32Bit/192kHZ, thậm chí là DSD128, DSD64, xử lý trực tiếp các file ISO từ SACD cũng như hỗ trợ hầu hết các định dạng phổ biến hiện nay như WAV, FLAC, APE, WMA, ALAC, AIFF,... Trong khi đó, M2 với chip DAC Cirrus Logic CS4398 lại kém cạnh hơn 1 chút khi chỉ hỗ trợ định dạng tối đa là DSF/DIFF64
Ngoài khả năng chơi nhạc, M5&M2 còn đóng vai trò như một chiếc DAC khi kết nối với máy tính (cả PC và Mac) với khả năng giải mã 32Bit/384kHz (với M5) hay 192KHZ/32 Bit (với M2) dễ dàng qua ASIO. Đây là một nâng cấp rất đáng tiền, khi mà những chiếc DAC tầm thấp thậm chí là trung hiện nay vẫn còn dậm chân tại mức 24Bit/96kHz.
Về dung lượng pin, 3400 mAh (M5) và 2100 mAh (M2) có thể hoạt động từ 8-10h tùy theo mục đích của người dùng - con số vừa đủ trong 1 ngày.
Công suất đầu ra của M5 tốt hơn hẳn M2 (300 mW@32Ohm so với 13mW@300 Ohm) nên dễ hiểu tại sao, M5 có thể kéo được khá nhiều mẫu tai nghe IE lẫn full-size "khó tính" như Beyerdynamic DT770, DT880, DT990 (250 Ohm/600 Ohm), Sennheiser HD600, HD650 trong khi M2 có lẽ chỉ hợp hơn cả với EM, earbud như Yuin PK1 (150 Ohm), VE Asura 2.0 (150 Ohm), Etymotic ER4S hay Aurisonic ASG1-Plus.
Chất âm của bộ đôi máy nghe nhạcnày khá tương đồng nhau, theo xu hướng tự nhiên, nhấn mạnh vào sự chi tiết, bóc tách tốt và tương đối cân bằng trên tổng thể một nền âm rất sạch sẽ. M5 lẫn M2 đều phù hợp với những người có gu nhạc mộc mạc, yêu sự chi tiết hoặc thường xuyên thưởng thức những bản nhạc giao hưởng, hòa tấu của Paul Mauriat, Yanni, Kitaro, KennyG,...
Tuy vậy, với mức giá gần gấp đôi, sự chi tiết của dải mid, tốc độ đánh bass cũng như âm trường, âm hình mà M5 thể hiện có sự vượt trội rõ ràng so với M2 - khi phối ghép với tai nghe và nguồn nhạc tốt.
Astell & Kern AK JR (10.500.00 VNĐ)
Astell & Kern, thương hiệu âm thanh hi-end của Iriver - nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc đã trở thành một cái tên quen thuộc với mọi audiophile nào trên toàn thế giới. Bất kỳ dân chơi âm thanh nào cũng thầm ao ước sở hữu cho riêng mình một cỗ máy nghe nhạc có thiết kế cực kỳ sang trọng, phần cứng cực chất và khả năng chơi nhạc tuyệt vời như những gì mà AK240 hay AK120 II đã từng thể hiện.
AK JR được trình làng cuối năm 2015 với mức giá tham khảo hơn 10 triệu đồng, đây cũng là model rẻ nhất của Astell & Kern với tham vọng lấn chiếm phân khúc tầm trung, khi mà những AK100, AK120, AK380 có mức giá hàng chục tới cả trăm triệu đồng đều khiến người dùng "ngại ngần" rút ví.
Chiếc máy nghe nhạc hi-end này vẫn giữ form thiết kế vuông thành, vát cạnh truyền thống, toàn bộ máy được làm từ vỏ nhôm nguyên khối mát lạnh. AK JR sở hữu màn hình cảm ứng 3,1" độ phân giải QVGA, thiết kế phím điều khiển nhạc ở bên cạnh trái và vòng xoay điều chỉnh âm lượng volume pot phong cách. Bộ nhớ trong của máy là 64GB và mở rộng qua khe cắm thẻ nhớ ngoài microSD với dung lượng tương đương.
Tuy vậy, về cổng kết nối, AK JR không có cổng line out, cổng xuất tín hiệu coaxial hay balanced output, nó chỉ được trang bị ngõ ra âm thanh duy nhất dành cho tai nghe (1.95 Vrms) với trở kháng 2-Ohm. Để đưa tín hiệu âm thanh không qua opamp mà đi thẳng từ chip DAC Wolfson WM8740 ra các thiết bị nhận tín hiệu khác, người sử dụng sẽ phải lựa chọn chế độ Line Out khi điều chỉnh âm lượng.
Với khả năng xử lý âm thanh hi-res 24-bit/192kHz, AK Jr có thể chơi được hầu hết định dạng âm thanh lossless phổ biến hiện nay, bên cạnh việc giải mã DSD 2.8 MHz (bằng cách chuyển đổi qua định dạng PCM). Trong khi đó nếu kết nối với máy tính (PC/MAC), AK JR sẽ trở thành một chiếc DAC thực sự, phục vụ nhu cầu nghe nhạc của người sử dụng.
Chất âm của AK JR cũng có sự khác biệt đáng kể so với những đàn anh đi trước. Không phải là thứ âm thanh lanh lảnh, hơi nghiêng về thiên sáng và cân bằng gần như tuyệt đối, AK JR mang trong mình sự ấm áp, mượt mà và dễ nghe, dễ thấm hơn. Bass đánh có lực, đủ sâu, kiểm soát tốt, mid tiến, treble extend mặc dù độ chi tiết, âm trường không đạt đến mức hoàn hảo như những quái vật AK300 hay AK240.
Aune M2 Standard: 6.750.000 VNĐ
Thương hiệu Aune nổi danh với những mẫu amplifier sử dụng đèn bán dẫn đình đám như Aune T1, Aune T1 MKII từng được người chơi Việt Nam rất ưa chuộng. Aune M2 là thế hệ máy nghe nhạc được trình làng cuối năm 2015, cùng với phiên bản M2PRo (12.000.000 VNĐ) và M2S (14.500.000 VNĐ).
Giống như đa số máy nghe nhạc cao cấp đang có mặt trên thị trường, Aune M2 sở hữu thiết kế cứng cáp, sang trọng với lớp vỏ bên ngoài được làm từ kim loại nguyên khối. Với trọng lượng chỉ hơn 200g, máy cho cảm giác cầm khá gọn gàng nhưng vẫn đầm tay.
Mặt trước của máy là màn hình IPS LCD 2.6 inch cho chất lượng hiển thị khá tốt, 3 phím điều khiển vật lý, bên cạnh máy là volume pot tăng chỉnh âm lượng, khe cắm thẻ nhớ microSD, tối đa 128GB (Aune M2 không có bộ nhớ trong) và một cổng HDMI.
Trong quá trình sử dụng, với vỏ nhôm kim loại và head-amp class A nên Aune M2 tỏa nhiệt khá ấm. Chiếc máy nghe nhạc này sở hữu dung lượng pin khá tốt, lên tới 3200 mAh - ngang ngửa nhiều smartphone trung-cao cấp. Tuy nhiên, head-amp class A vốn hao tốn nhiều điện năng nên Aune M2 chỉ trụ được từ 5-7h nghe nhạc liên tục - khá hẻo cho 1 ngày sử dụng.
Một sự bất tiện khác là cổng microUSB trên Aune M2 chỉ có chức năng sạc, không thể kết nối với máy tính để chép nhạc, vì thế nó cũng không thể đóng vai trò là một thiết bị USB DAC - điểm thua thiệt khá nhiều so với với những đối thủ khác trong cùng phân khúc.
Bù lại, khả năng giải mã của chiếc máy nghe nhạc này là khá mạnh mẽ, những file nhạc lossless từ 16-bit đến 32-bit/192kHZ và DSD128 có dung lượng vài trăm MB đều được xử lý trơn tru, mượt mà không gặp bất cứ hiện tượng giật, trễ. Điểm đáng khen nữa cho M2 là khả năng hạn chế tối đa hiện tượng hiss hay sibilance, nhất là khi thưởng thức những bài hát "nhạy sib" của Yao Si Ting như Speak Sofly Love hay No Matter What.
Vì sở hữu head-amp class A, công suất của Aune M2 thực sự đáng nể khi có thể cân tốt những chiếc fullsize khó chiều như Senheiser HD600, Beyerdynamic DT880 (250 Ohm), RHA T20, Triple Fi10 hay Aurisonics ASG 2.5,...
Chất âm mà M2 theo đuổi là sự trung tính, cân bằng hài hòa giữa 3 dải, chi tiết tốt đồng thời nhấn nhá vào dải âm treble để tái tạo không gian sân khấu rộng rãi về cả chiều sâu và chiều ngang. Cuối cùng, bạn cũng cần lưu ý, Aune M2 không cung cấp các tùy chọn thay đổi EQ mà thay vào đó là 4 Filter âm thanh bao gồm: Sharp SD (Sort Delay), Sharp LD (Long Delay), Slow SD và Slow LD.
Chúng tôi hi vọng sau bài viết này, bạn đọc sẽ chọn lựa được một chiếc máy nghe nhạc chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tốt và quan trọng nhất vẫn là hợp gu với đôi tai của mình.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng