Taxi Hà Nội sẽ có “màu áo” riêng, taxi “dù” hết đường sống?

    Phi Long, Theo VOV 

    Để quản lý hoạt động của taxi, Hà Nội sẽ quy định phân vùng hoạt động. Đồng thời, taxi Hà Nội chỉ có 3 màu sơn (xanh, ghi bạc, trắng) để nhận biết.

    Theo Sở GTVT Hà Nội, Dự thảo quy chế quản lý taxi Hà Nội với rất nhiều điểm mới đã được các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp taxi trên địa bàn thành phố đồng thuận và dự kiến phê duyệt ngay cuối năm nay.

    Taxi Hà Nội sẽ có “màu áo” riêng, taxi “dù” hết đường sống? - Ảnh 1.

    Theo quy định, thời gian tới xe taxi Hà Nội sẽ chỉ còn 3 màu sơn là xanh, ghi bạc, trắng. Ảnh: Minh họa.

    Taxi Hà Nội dùng chung tổng đài, chỉ còn 3 màu sơn

    Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, thống kê TP Hà Nội hiện có hơn 19.200 xe taxi truyền thống, gần 4.000 xe xin phù hiệu taxi tỉnh khác về Hà Nội chạy. Cùng đó, xe taxi công nghệ hoạt động như taxi cũng lên đến 30.000 phương tiện.

    “Tổng số phương tiện đang hoạt động tại TP lên đến 50.000 xe, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc xây dựng dự thảo quy chế quản lý taxi là cần thiết”, ông Long nói.

    Để quản lý taxi được hiệu quả, TP Hà Nội đã có bản Dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội.

    Trong dự thảo này, dự kiến sẽ có thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động khai thác vận tải bằng taxi. Theo đó, Hà Nội đề xuất quy định niên hạn sử dụng của xe taxi theo quy định của Chính phủ.

    Taxi Hà Nội sẽ có “màu áo” riêng, taxi “dù” hết đường sống? - Ảnh 2.

    Việc có quá nhiều hãng, nhiều màu sơn xe taxi đang khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Ảnh Minh họa.


    “Xe taxi hết niên hạn sẽ không được hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội cũng dự kiến từ năm 2019 - 2025 sẽ thống nhất 3 màu sơn cho xe taxi gồm: xanh, ghi bạc, trắng”, ông Long cho biết.

    Một điểm mới khác là Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng. Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội.

    “Taxi hoạt động tại vùng 1, hoặc 2 chỉ được đón trả khách trong vùng quy định. Trường hợp khi xe vùng 1đưa khách vào các điểm đón, trả khách của vùng 2,  xe taxi đó chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách ở đó và ngược lại”, ông Đào Việt Long nói và cho biết, “Dự thảo quy chế cũng quy định áp dụng 3 màu sơn chung đối với xe taxi trên địa bàn thành phố nhằm thể hiện nét văn minh đô thị, cũng như nhận diện taxi Hà Nội dễ dàng. Bởi hiện nay, trên địa bàn thành phố taxi có rất nhiều màu làm lực lượng chức năng, khách hàng khó nhận biết đâu là taxi Hà Nội, đâu là taxi tỉnh khác về Hà Nội hoạt động và “taxi dù”.

    Theo ông Long, ngoài việc quản lý bằng màu sơn, Hà Nội còn thông qua phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe để quản lý taxi Hà Nội.

    Taxi “dù”, taxi ngoại tỉnh hết cửa “ký sinh” ở Hà Nội

    Theo Sở GTVT Hà Nội, thời gian qua, hoạt động kinh doanh vận tải taxi phát sinh nhiều tồn tại như: Lái xe taxi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, dừng, đỗ đón trả khách sai quy định, gây mất trật tự ATGT và mỹ quan đô thị; phát sinh vi phạm của taxi ngoại tỉnh, taxi dù và có chiều hướng gia tăng; chưa điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo vùng,…

    Taxi Hà Nội sẽ có “màu áo” riêng, taxi “dù” hết đường sống? - Ảnh 3.

    Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo 3 màu sơn và sẽ hoạt động theo vùng. Ảnh Minh họa.


    Mục tiêu của việc phân vùng nhằm điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo từng vùng quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

    “Việc đăng ký hoạt động theo vùng cũng giúp đơn vị vận tải có quyền ưu tiên sử dụng các điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng do thành phố bố trí, hạn chế được hoạt động của taxi “dù”, xe taxi ngoại tỉnh do không được ưu tiên”, ông Long bày tỏ.

    Nói về đề án quản lý taxi của TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, rất đồng thuận với các quy định của dự thảo này. Việc Hà Nội xây dựng quy chế quản lý taxi mục tiêu là để kiểm soát chất lượng phương tiện, kiểm soát được chất lượng của lái xe.

    Khi Hà Nội đưa ra quy chế này sẽ quản lý được tất cả các loại hình, trong đó có cả taxi công nghệ; Đảm bảo các loại hình đã kinh doanh vận tải là phải tuân thủ các điều kiện quản lý của Nhà nước.

    Ông Hùng cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã coi taxi là phương tiện công cộng, nhưng đến nay taxi chưa được ưu tiên tổ chức giao thông công cộng như các loại hình vận tải công cộng khác, vì taxi vẫn bị cấm đường trên nhiều tuyến phố.

    “Trong dự thảo, taxi sẽ được quy hoạch các điểm đỗ để hành khách khi muốn đi taxi ra một đoạn phố là có xe taxi dừng đỗ tại đó để tránh việc dừng đón trả khách giữa đường tiềm ẩn nguy cơ TNGT”, ông Hùng nói.

    “Việc thành lập tổng đài chung, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi vào ứng dụng của taxi Hà Nội bởi xung quanh họ sẽ hiển thị tất cả các hãng và khách hàng có quyền lựa chọn hãng nào, giá thời điểm đi là bao nhiêu thay vì việc chỉ vào ứng dụng của một doanh nghiệp taxi như hiện tại”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhìn nhận./.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày