Tế bào ung thư rất "láu cá", chúng giả vờ nhiễm virus để tự mạnh lên và kháng thuốc điều trị

    zknight,  

    RN7SL1 cảnh báo cho tế bào ung thư nghĩ rằng “có một virus ở bên ngoài”. Chúng sẽ biểu hiện gen ISG mạnh mẽ hơn và tăng cường phòng thủ.

    Ung thư nổi tiếng là căn bệnh quái ác và láu cá. Nó hình thành ngay trong cơ thể, đánh lừa hệ miễn dịch rằng ung thư không phải là bệnh. Bởi vậy mà hệ miễn dịch không bao giờ tự nhắm mục tiêu, và giết chết được tế bào ung thư như các mầm bệnh khác.

    Chưa dừng lại ở đó, để đối phó với các phương pháp điều trị của con người, tế bào ung thư còn biết cách tự làm nó mạnh lên. Bằng cách giả vờ đặt mình vào môi trường nhiễm virus, một số dạng tế bào ung thư xây dựng được một cơ chế phòng thủ và trở nên cực kỳ kháng thuốc.

    Sự láu cá này đã khiến các bác sĩ bối rối suốt 1 thập kỷ qua. Họ không hiểu điều gì đã diễn ra và phải bó tay trong nhiều ca bệnh ác tính. Cho đến nghiên cứu mới đây của Đại học Pennsylvania, cơ chế “tự mạnh lên” của tế bào ung thư mới được tiết lộ.

     Tế bào ung thư rất láu cá, chúng giả vờ nhiễm virus để tự mạnh lên và kháng thuốc điều trị

    Tế bào ung thư rất "láu cá", chúng giả vờ nhiễm virus để tự mạnh lên và kháng thuốc điều trị

    Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã biết một số loại ung thư ác tính có mức độ biểu hiện gen ISG (Interferon-Stimulated Genes) rất cao. Thường thì hiệu ứng này chỉ xảy khi cơ thể và tế bào bị nhiễm virus. Nó làm tế bào mạnh lên để có khả năng chiến đấu với mầm bệnh.

    ISG là các gen chỉ đạo quá trình sản sinh ra một nhóm protein gọi là interferon, đóng vai trò quan trọng như cửa ngõ miễn dịch cơ thể. Interferon được ví như hàng rào bảo vệ đầu tiên của chúng ta để chống lại virus.

    Các nhà khoa học không rõ tại sao các khối u lại có mức độ biểu hiện gen ISG cao. Trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân không hề có dấu hiệu nhiễm virus. Đó là một câu hỏi rất hóc búa, Andy J. Minn, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania cho biết.

    Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này suốt nhiều năm nay, ai cũng muốn giải được câu đố ấy vì các loại ung thư chứa tín hiệu chống virus đều rất hung hăng”, ông nói.

    Trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học phát hiện họ có thể kích thích tế bào ung thư biểu hiện gen ISG, bằng cách cho chúng tiếp xúc với nguyên bào sợi. Nguyên bào sợi là một loại mô liên kết phổ biến nhất ở động vật cũng như con người, có vai trò tạo nền cho môi trường ngoại tế bào.

    Dành thời gian quan sát kỹ hơn quá trình này, họ phát hiện các nguyên bào sợi sở hữu một đặc điểm lạ. Đó là chúng sản sinh ra nhiều bong bóng chứa một dịch lỏng gọi là exosome. Exosome lại bao gồm trong đó một loại phân tử RNA ký hiệu là RN7SL1.

    RNA này có đoạn kết thúc của nó giống với RNA của virus. Bởi vậy, khi tế bào ung thư tiếp xúc với nguyên bào sợi, thực chất, chúng cũng “phát hiện” được sự có mặt của RN7SL1. RNA này cảnh báo cho tế bào ung thư nghĩ rằng “có một virus ở bên ngoài”, biểu hiện gen ISG mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường phòng thủ.

    Kết quả của báo động giả này tạo ra hiệu ứng có lợi cho tế bào ung thư. Nó kích thích phản ứng phòng thủ của tế bào, khiến ung thư mạnh hơn khi đề kháng được cả các loại thuốc điều trị và khó bị giết chết.

    Khả năng tế bào ung thư ép nguyên bào sợi để lộ ra phần kết thúc giống virus của RNA RN7SL1 là một khám phá quan trọng”, Minn nói. “Nếu phần kết thúc này được ẩn đi, các thế bào ung thư sẽ không phản ứng với exosome như virus. Chúng sẽ không mạnh lên và có khả năng bị tiêu diệt bởi điều trị thông thường”.

     RN7SL1 cảnh báo cho tế bào ung thư nghĩ rằng “có một virus ở bên ngoài”. Chúng sẽ biểu hiện gen ISG mạnh mẽ hơn và tăng cường phòng thủ.

    RN7SL1 cảnh báo cho tế bào ung thư nghĩ rằng “có một virus ở bên ngoài”. Chúng sẽ biểu hiện gen ISG mạnh mẽ hơn và tăng cường phòng thủ.

    Rõ ràng, hiểu biết mới này đã mở ra một hướng đi làm yếu các dạng ung thư “láu cá”. Các nhà khoa học cho biết họ có thể tìm cách làm ẩn đi đoạn kết thúc của RN7SL1.

    Hoặc một hướng nữa, họ muốn dập tắt các tín hiệu gọi là NOTCH bên ngoài tế bào ung thư. Chặn được NOTCH có thể ngăn nguyên bào sợi phát triển các bong bóng exosome giả virus.

    Trước đây, xét nghiệm máu bệnh nhân ung thư đã đo lường được sự hiện diện của RN7SL1 trong exosome. Chúng ta đã có khả năng xác định những bệnh nhân mắc dạng ung thư hung hăng vờ bị virus tấn công”, Minn nói.

    Bây giờ, chúng ta đã hiểu được các tiếp xúc RNA được hình thành thế nào và nhìn ra được hướng điều trị tiềm năng”.

    Các nhà khoa học cho biết dạng ung thư thường hay tự làm mạnh bằng môi trường giả virus nhất là ung thư vú. Nếu có thể triệt được thủ thuật này của các tế bào, nhiều bệnh nhân ung thư vú kháng thuốc điều trị trong tương lai sẽ được cứu sống.

    Tham khảo ScienceAlert, Pennsylvania

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày