Thai nhi còn trong bụng mẹ đã có khả năng nhận diện khuôn mặt

    zknight,  

    Thai nhi có thể nhìn được ánh sáng hàng ngày, chiếu qua lồng xương sườn người mẹ.

    Con người có thể đã học được cách nhận diện khuôn mặt ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đó là kết luận bất ngờ từ một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Current Biology.

    Các nhà khoa học phát hiện thai nhi có khả năng nhìn thấy ánh sáng xuyên qua bụng mẹ. Nếu ánh sáng tạo nên một hình dạng tương tự khuôn mặt người, đứa bé sẽ đặc biệt chú ý đến nó. Ngược lại, các hình mẫu ánh sáng không giống khuôn mặt sẽ không khiến thai nhi phản ứng.

    Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Lancaster, Anh Quốc. Trong đó, họ thiết kế một thí nghiệm cho 39 thai nhi, đang phát triển đến tuần thứ 34 (8 tháng rưỡi).

    Các nhà nghiên cứu sử dụng một đèn rọi với 3 chấm sáng. Chúng được sắp xếp thành hình dạng khuôn mặt, với hai chấm thể hiện đôi mắt phía trên và một chấm miệng ở phía dưới. Đèn được chiếu xuyên vào bụng người mẹ, để các chấm sáng hiển thị trên thành tử cung.

    Suốt quá trình thí nghiệm diễn ra, các thai nhi được theo dõi thông qua một máy siêu âm 4 chiều. Và kết quả là điều bất ngờ mà các nhà khoa học ghi nhận được:

    Khi các chấm sáng dạng khuôn mặt xuất hiện, các thai nhi sẽ tỏ ra chú ý. Chúng cũng cử động đầu để dõi theo các chấm sáng, mỗi khi các nhà khoa học cố tình chiếu đèn đến vị trí mới.

    Thí nghiệm được lặp lại tương tự vẫn với 3 chấm sáng đó, nhưng sắp xếp đảo lộn. Lần này, các thai nhi đã không còn phản ứng.

    Tác giả chính nghiên cứu, nhà tâm lý học Vincent Reid đến từ Đại học Lancaster cho biết: Thí nghiệm này đã cho chúng ta một hiểu biết hoàn toàn mới về quá trình phát triển thị giác ở trẻ nhỏ. “Chúng ta đã biết trẻ thích thú khi nhìn vào những khuôn mặt, thích hơn bất kể một hình dạng nào khác”, ông nói.

    Bây giờ, chúng ta còn biết ngay từ giai đoạn bào thai, thị giác con người đã phân biệt được các hình dạng khác nhau. Bào thai cũng hướng sự chú ý đến những hình dạng giống khuôn mặt người, hơn là những hình dạng khác.

     Ảnh siêu âm 4 chiều cho thấy thai nhi quay đầu để dõi theo các chấm sáng

    Ảnh siêu âm 4 chiều cho thấy thai nhi quay đầu để dõi theo các chấm sáng

    Giáo sư Ried nêu ra 2 hướng giả thuyết để giải thích cho hiện tượng này. Thứ nhất, ông nghi ngờ khả năng nhận diện những hình dạng khuôn mặt là một bản năng sẵn có của con người. Thứ hai, ông cho rằng thai nhi đã học được khả năng nhận dạng khuôn mặt, khi chúng sống trong tử cung của người mẹ.

    Tôi nghĩ rằng giả thuyết thứ hai có vẻ đúng hơn. Nhiều khả năng sự thiên vị với các hình dạng khuôn mặt đã được sinh ra, trong quá trình thai nhi tiếp xúc với nhiều hình mẫu ánh sáng tự nhiên chiếu vào dạ con. Chúng tạo ra những kinh nghiệm thị giác trước cả khi đứa bé chào đời”, ông nói.

    Lồng xương sườn của người mẹ hoàn toàn có khả năng biến hình ánh sáng xuyên vào tử cung. Hiệu ứng này có thể tạo ra, và gom đủ các loại thông tin thị giác hình thành phản ứng thiên vị khuôn mặt”.

    Nếu giả thuyết của giáo sư Reid là đúng, việc tiếp xúc với ánh sáng ngay từ trong bụng mẹ có thể đóng vai trò quan trọng với thị giác của đứa trẻ sau này. Ông cảnh báo các bà mẹ mang thai tốt nhất nên hạn chế ở gần các nguồn sáng rực rỡ. Bởi nếu chúng có thể xuyên vào dạ con, đôi mắt của thai nhi có thể bị ảnh hưởng.

    Vì lý do này mà nguồn sáng sử dụng trong nghiên cứu của chúng tôi được kiểm soát rất cẩn thận, độ chói của nó rất thấp. Tôi không khuyến khích bất cứ ai chiếu ánh sáng rực rỡ vào một thai nhi, vì cường độ quá sáng có thể khiến chúng khó chịu hoặc bị tổn thương”, giáo sư Reid nói.

    Tham khảo Dailymail, Telegraph

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày