Thanh niên dùng máy tính từng đưa con người lên Mặt Trăng để đào Bitcoin, không hiểu đến kiếp nào mới được 1 BTC

    Dink,  

    Dự án đào Bitcoin "lố bịch" hết sức do anh kỹ sư tài năng Ken Shirriff nghĩ ra. Đây cũng là Apollo Guidance Computer - Máy tính Dẫn đường Apollo duy nhất còn hoạt động ở thời điểm hiện tại.

    Ước mơ làm giàu không chừa một ai. Từ khi nghe tới việc đào/đầu tư Bitcoin có thể làm giàu nhanh lắm, người ta đã nghĩ ra đủ cách kiếm tiền từ thứ tiền mã hóa bấp bênh hơn chứng khoán này. Những sản phẩm như hệ thống đào Bitcoin bằng xe Tesla, bằng máy chơi game NES có tuổi đời 30, bằng … nhiệt độ cơ thể cho thấy sức sáng tạo của con người là vô tận.

    Và ta chưa dừng lại tại đó. Có anh chàng tinh chỉnh hệ thống dẫn đường tên lửa du hành vũ trụ Apollo ngày xưa thành một cỗ máy đào Bitcoin kém hiệu quả.

    Thanh niên dùng máy tính từng đưa con người lên Mặt Trăng để đào Bitcoin, không hiểu đến kiếp nào mới được 1 BTC - Ảnh 1.

    Đào Bitcoin theo phong cách "old-school".

    Anh chàng kỹ sư phần mềm Ken Shirriff có một bộ hồ sơ dài gồm những dự án hồi sinh đồ điện tử cũ. Chứng kiến cỗ máy già nua IBM 1401 hay Xerox Alto hoạt động nhờ phép màu từ tay Ken Shirriff, ta có thể cảm thấy công nghệ xưa kia ra sao, tốc độ phát triển của công nghệ nhanh tới mức nào.

    Dự án mới nhất của anh Shirriff: tái tạo cỗ máy 52 tuổi AGC, viết tắt cho Apollo Guidance Computer - Máy tính Dẫn đường Apollo, đã từng phụ giúp chúng ta trong những chuyến bay chinh phục Mặt Trăng. 

    Sau khi vận hành được AGC (mà theo lời Shirriff, thì đây là cỗ máy GDC duy nhất còn hoạt động ở thời điểm hiện tại), anh quyết định giao cho nó một trách nhiệm rất thức thời nhưng vô cùng nặng nề: đào Bitcoin. 

    Thanh niên dùng máy tính từng đưa con người lên Mặt Trăng để đào Bitcoin, không hiểu đến kiếp nào mới được 1 BTC - Ảnh 2.

    AGC bị lột vỏ, với toàn bộ dây dẫn bên trong đều là "đổ cổ" hết.

    Để bạn thấy được khối lượng công việc AGC sẽ phải làm việc vất vả ra sao, đây là phiên bản đơn giản của hành động “đào Bitcoin”:

    Hệ thống tiền mã hóa Bitcoin có thể coi là cuốn sổ cái lưu giữ mọi thông tin về việc ai đang sở hữu Bitcoin nào, và cho phép hai người chuyển Bitcoin cho nhau. Không ai (hay cỗ máy nào) cai quản hệ thống này cả, nên Bitcoin rất được ưa chuộng vì tính bảo mật của mình. Nhưng độ an toàn của tài sản Bitcoin còn xa hơn thế: mọi thông tin về người sở hữu, địa chỉ lưu giữ được lưu trên mọi máy tính trong mạng, và không ai đứng ra cai quản lượng dữ liệu đó cả.

    Việc giao dịch diễn ra thông qua một quá trình “đào” - một quá trình cần rất nhiều sức mạnh tính toán để giải ra được hết, để không ai có thể chiếm quyền kiểm soát giao dịch. Những người tham gia “đào” sẽ cạnh tranh với nhau, tìm ra được giá trị hash - kết quả của một hàm hash, hàm có chức năng tóm tắt chuỗi dữ liệu thành một chuỗi ký tự và số có độ dài nhất định.

    Ai tìm ra được giá trị hash sớm nhất sẽ được coi là đào thành công, thực hiện thành công giao dịch giữa hai người và nhận được một chút phần thưởng. Để tìm ra được giá trị đúng, một cỗ máy phải liên tục thử loại, việc tìm ra được một giá trị hash ngày một khó, khi mà khối lượng công việc tính toán ngày một nhiều.

    Trong đào bitcoin, còn một khái niệm cần lưu ý nữa là block - tập hợp mọi dữ liệu về giao dịch, thời gian thực hiện giao dịch và dữ liệu dẫn về khối ngay liền trước nó; có thể coi mỗi block là một trang của cuốn sổ cái. Trong một block sẽ có một câu đố toán học, ai trả lời đúng sẽ có quyền chính thức đưa block này vào chuỗi. Tốc độ hình thành một block là khoảng 10 phút, tức là cứ 10 phút là sẽ có người giải thành công câu đố trong block và nhận được chút Bitcoin. 

    Các block ghép lại với nhau thành một chuỗi blockchain.

    Thanh niên dùng máy tính từng đưa con người lên Mặt Trăng để đào Bitcoin, không hiểu đến kiếp nào mới được 1 BTC - Ảnh 3.

    Đây là dữ liệu đầu ra của việc xử lý Bitcoin bằng AGC.

    Việc giải thành công một block sẽ tạo ra Bitcoin; hiện tại, một thợ đào thành công sẽ nhận được 12,5 Bitcoin (tương đương 157.271 USD tại thời điểm viết bài), thêm một chút phí chuyển tiền. Làm việc 10 phút có thể nhận về tới 3,6 tỷ đồng, có ai mà không thích.

    Cỗ máy AGC già nua còn không có vi xử lý cơ, bởi nó ra đời trước cả khi vi xử lý được hoàn thiện. Vì thế AGC sẽ chẳng bao giờ đào thành công được thứ gì.

    “Cỗ máy tính mất 10,3 giây để tính ra được một giá trị hash, vậy AGC sẽ phải mất một tỷ lần tuổi thọ Vũ trụ để đào thành công được một block”, Shirriff nói. Bạn biết gì không, trên Amazon có bán một cái USB đào coin với giá 70 USD, với tốc độ tính toán đạt 130 tỷ hash mỗi giây. 

    Vào thời đại của nó, AGC đã là một con quái vật với sức mạnh tính toán 40.000 phép cộng mỗi giây, chậm so với thời nay nhưng vẫn đủ để đưa con người lên Vũ trụ với khả năng dẫn đường và điều khiển động cơ tên lửa.

    Hệ thống AGC sở hữu tỷ lệ tính hash là 10,3 giây với mỗi hash Bitcoin. Hiện tại, mạng lưới Bitcoin đang vận hành ở 65.000.000.000.000.000.000 hash/giây”, anh Shirriff nói. Ở độ khó 65 tỷ tỷ hash này, “cỗ máy AGC sẽ mất trung bình 4x10^23 giây để giải được một block”.

    Với độ tuổi Vũ trụ ở mức 4,3x10^17 giây, thì theo anh Shirriff tính toán, AGC sẽ mất khoảng một tỷ lần tuổi thọ Vũ trụ để đào thành công được một block. Anh vui vẻ đặt tên cho dự án này là “đào Bitcoin theo cách lố bịch”.

    Có lẽ làm giàu bằng cách này hơi khó. Đây cũng là minh chứng cho ta thấy cỗ máy bạn đang sử dụng để đọc bài viết này đã mạnh mẽ nhường nào so với “ông tổ” của nó. Lần tới máy mà có “lag”, hãy cho nó chút thời gian để xử lý, trong lúc đó ngồi ngẫm xem làm thế quái nào mà con người lên được Mặt Trăng bằng AGC.

    Bạn có thể đọc thêm về dự án lố bịch của anh Ken Shirriff tại đây.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày