Thất thế trong cuộc cạnh tranh, taxi truyền thống đối đầu Uber, Grab bằng "lòng yêu nước"
Ngay sau kiến nghị của hiệp hội taxi Hà Nội, hàng loạt các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô… đã dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ ở đuôi xe với nội dung: “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”
Cách đây ít ngày, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có kiến nghị báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông - vận tải ban hành bằng quyết định 24/QĐ-BGTVT.
Theo đó, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là gây ra nhiều bất an cho xã hội khi số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động hiện đã vượt 50.000 chiếc.
Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho rằng Uber, Grab đang gây thất thoát ngân sách quốc gia. Ước tính của Hiệp hội này cho biết mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.
Ngay sau kiến nghị của hiệp hội taxi Hà Nội, hàng loạt các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô… đã dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ ở đuôi xe với nội dung: “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”.
Cách đây không lâu, các hãng taxi truyền thống cũng từng đưa ra thông điệp phản đối taxi công nghệ như “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia”.
Có thể nói, sự hiện diện của Uber, Grab đã gây không ít khó khăn cho các hãng taxi truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng nhân sự Vinasun đã giảm gần 8.000 người so với đầu năm, còn với Mai Linh con số sụt giảm nhân sự cũng lên tới gần 6.000 người.
Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động
Trả lời truyền thông, đại diện Bộ GTVT mới đây cho biết, bản chất của hoạt động Uber và Grab chỉ là hình thức thay hợp đồng bằng giấy sang hợp đồng điện tử. Do đó, dù là Uber, Grab hay các taxi truyền thống đều phải đăng ký kinh doanh, có phù hiệu, niêm yết tên của doanh nghiệp, số điện thoại, giá, có giám sát hành trình.
Việc giám sát hành trình của Uber, Grab cũng giống như taxi truyền thống và đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý và các vi phạm thông qua giám sát hành trình được phát hiện rất nhiều và cũng bị xử phạt như nhau theo quy định, bao gồm cả rút giấy phép kinh doanh...
Theo đại diện này, trong số các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, hiện có 8 đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab, dịch vụ đặt chỗ không chỉ là phần mềm cài đặt trên điện thoại mà còn sử dụng cả mạng xã hội Facebook.
Do đó, đại diện Bộ GTVT cho rằng: “Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng”.
Về việc taxi truyền thống “tố” Uber trốn thuế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Uber có vi phạm quy định thì trách nhiệm giải quyết, truy thu thuộc cơ quan thuế, vi phạm về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng