Thay vì OLED hay Micro-LED, tại sao Apple lại chọn Mini-LED cho màn hình iPad Pro và MacBook Pro mới?

    Nguyễn Hải,  

    Không chỉ có khả năng hiển thị vượt trội hơn màn hình LCD thông thường, Mini-LED còn có các ưu điểm về chi phí và khả năng cung ứng, những điểm mà Apple ưa thích khi lựa chọn công nghệ mới.

    Nhà phân tích đáng tin cậy về Apple, Ming-Chi Kuo vừa gửi tới các nhà đầu tư một dự báo mới của mình về thời điểm Apple chuyển sang chấp nhận công nghệ màn hình Mini-LED. Theo dự báo của phân tích này, công nghệ Mini-LED sẽ đổ bộ lên iPad và MacBook bắt đầu từ cuối năm tới.

    Ông Kuo dự báo rằng Apple sẽ đưa Mini-LED lên 4-6 sản phẩm theo thời gian, nhưng việc thay đổi sẽ bắt đầu với dòng iPad Pro 12,9 inch vào Quý 3 năm 2020. Bên cạnh đó, ông Kuo cũng cho rằng Apple sẽ ra mắt một phiên bản nâng cấp cho MacBook Pro 16 inch vào Quý 4 2020 cũng sử dụng màn hình Mini-LED.

    Thay vì OLED hay Micro-LED, tại sao Apple lại chọn Mini-LED cho màn hình iPad Pro và MacBook Pro mới? - Ảnh 1.

    iPad Pro 12,9 inch và MacBook Pro 16 inch sẽ có phiên bản sử dụng màn hình Mini-LED vào cuối năm 2020.

    Tại sao không phải là OLED hay Micro-LED?

    Dù iPhone X đã sử dụng màn hình OLED từ năm 2017 cho đến nay, nhưng các dòng iPad và MacBook – các thiết bị có màn hình lớn của Apple – vẫn sử dụng màn hình LCD truyền thống.

    Một trong những lý do nằm ở chi phí đắt đỏ của công nghệ OLED, đặc biệt đối với các thiết bị có kích thước hiển thị lớn, dù nó có những ưu điểm vượt trội về khả năng hiển thị so với công nghệ LCD.

    Bên cạnh đó, màn hình OLED vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ căn bệnh kinh niên của mình là hiện tượng burn-in sau một thời gian dài sử dụng.

    Thay vì OLED hay Micro-LED, tại sao Apple lại chọn Mini-LED cho màn hình iPad Pro và MacBook Pro mới? - Ảnh 2.

    The Wall - TV dùng công nghệ Micro LED đầu tiên trên thế giới của Samsung.

    Trong khi đó, cũng có nhiều tin đồn khác về việc Apple cũng đang nghiên cứu và phát triển công nghệ màn hình Micro-LED – công nghệ màn hình với các bóng micro-LED tự phát sáng siêu nhỏ với kích thước nhỏ hơn 100 micromet (thông thường chỉ từ 3-15 micromet mỗi cạnh).

    Dù Micro-LED là bước đột phá cả về khả năng hiển thị cũng như miễn nhiễm với hiện tượng burn-in trên OLED, chúng lại rất đắt đỏ và khó sản xuất, đặc biệt với các thiết bị có kích thước lớn như màn hình laptop, tablet hoặc TV. Để tạo ra các tấm nền màn hình Micro-LED, các nhà sản xuất sẽ phải đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới, thay vì sử dụng lại những dây chuyền cũ, kéo theo chi phí cho nó sẽ càng đắt đỏ hơn.

    Mini-LED – bước đệm về công nghệ hiển thị

    Giữa lúc Micro-LED còn chưa hoàn thiện về công nghệ, còn OLED lại quá đắt đỏ cho kích thước lớn, cũng như có những vấn đề về kỹ thuật khó khắc phục, Mini-LED được xem là sự lựa chọn phù hợp cho Apple để nâng cấp toàn diện khả năng hiển thị trên iPad và MacBook.

    Với công nghệ tương tự như màn hình LCD, nhưng được nâng cấp vượt trội về hiển thị, các màn hình Mini-LED dễ sản xuất trên quy mô lớn hơn, có năng suất cao hơn và có thể tận dụng chính các cơ sở sản xuất hiện tại để sản xuất. Hiện tại, ngoài LG Display, cũng có nhiều nhà sản xuất khác đã nghiên cứu và phát triển Mini-LED một thời gian dài như Epistar, Zhen Ding, Radiant Opto-Electronics, Nichia, Avary Holding và TSMT.

    Thay vì OLED hay Micro-LED, tại sao Apple lại chọn Mini-LED cho màn hình iPad Pro và MacBook Pro mới? - Ảnh 3.

    Đây là một trong số các ưu điểm mà Apple luôn ưa thích vì họ sẽ không phải quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp nào đó để mang đến các công nghệ mới.

    Hơn hết khả năng hiển thị của Mini-LED cũng được nâng cấp vượt bậc so với LCD thông thường. Sử dụng các bóng LED nhỏ với kích thước 100 micromet để chiếu sáng cho tấm nền LCD, màn hình Mini-LED sẽ có khả năng làm mờ cục bộ nhờ việc bật tắt hoặc làm mờ một số bóng LED ở các khu vực nhất định. Điều này sẽ mang lại độ tương phản cao hơn, hiển thị HDR, và hiệu quả năng lượng cao hơn.

    Bên cạnh đó, Mini-LED cũng mỏng hơn đáng kể so với màn hình LCD thông thường, thậm chí tương đương với màn hình OLED. Không những thế, chi phí và giá thành sản xuất màn Mini-LED dù cao hơn so với LCD, nhưng chỉ bằng 70%-80% so với màn hình OLED, trong khi có độ tương phản tương đương. Đặc biệt, Mini-LED cũng không gặp vấn đề về burn-in như OLED.

    Các ưu điểm về khả năng hiển thị, đã được tối ưu về giá thành cũng như đa dạng về khả năng cung ứng của công nghệ Mini-LED đều là những điểm mà Apple ưa thích khi lựa chọn một công nghệ mới để áp dụng cho sản phẩm của mình.

    Cùng với các ưu điểm này, những dự báo của nhà phân tích Ming-Chi Kuo càng cho thấy, ngày ra mắt của những chiếc iPad và MacBook mới sử dụng công nghệ hiển thị vượt trội này đang ngày càng gần hơn. Nếu nó ra mắt vào cuối năm 2020 như dự báo, chúng ta chỉ còn cách chúng trong chưa đầy một năm nữa.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày