Thế giới ca ngợi nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    PV,  

    “Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân”, đạo diễn Pháp Daniel Roussel nói về tướng Giáp.

    Nhà chiến lược chiến tranh nhân dân

    Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân.

     Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng trong lễ mừng công (ngày 13/5/1954)

    Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng trong lễ mừng công (ngày 13/5/1954)

    Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá”, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh, đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...

    Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.

    Bên cạnh đó, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel, nguyên là phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Việt Nam trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX cũng hết lời ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam – nhà chiến lược đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh của Thực dân Pháp; năm 1973 buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt sự xâm lược Việt Nam và năm 1975, làm tan rã quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân.”

    Xây dựng lực lượng độc đáo, sáng tạo, toàn diện

    Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993): “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt gia tâm nghiên cứu xây dựng, phát triển các lực lượng quân sự thích ứng với tình thế từng thời kỳ của chiến tranh.

     Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) năm 1968

    Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) năm 1968

    Bắt đầu từ con số 0, ông đã xây dựng những đơn vị chiến đấu thiện chiến. Đặc biệt, bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ, từng giáng cho địch những đòn sấm sét kinh hoàng được xây dựng thành một binh chủng chính quy là một điều lạ thường và hiếm thấy trong quân đội các nước trên thế giới.

    Phương Tây hết sức khâm phục Việt Nam với mạng lưới thông tin liên lạc và giao thông vận tải quá thô sơ không hơn thế kỷ 18, đảm bảo hậu cần chiến tranh bằng gồng gánh, xe đạp thồ, mang vác trên vai người không dưới 50kg, một nền hậu cần thời trung cổ đã đánh bại nền hậu cần hiện đại khổng lồ của quân đội Mỹ. Sự vận dụng độc đáo, sáng tạo đó, chính là bắt nguồn từ thiên tài quân sự.

    Trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp” của Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (Tên nguyên văn cuốn sách là La bataille de Dien Bien Phu, xuất bản ở Paris năm 1963), tác giả Jules Roy đã nhận xét khá tinh tế và thú vị rằng: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilon. Cái đã đánh bại Tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

    “Napoleon của Việt Nam”

    Trong số ra ngày 9/2/1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài viết với tít lớn nổi bật, nguyên văn tiếng Anh là “North VietNam: The Red Napoleon”, trong đó đề cập tới câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: “Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont’ strike”. (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).

     Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp không qua một trường lớp quân sự chính quy nào, không tiến thân bằng con đường quân sự học đường. Ông học tập và trưởng thành trong thực tế là chính. Ông không xử trí chiến thuật quân sự bằng những “giải pháp quân sự cố định của học đường”, mà luôn xuất phát từ thực tế chiến trường để giải quyết mọi tình huống ngoài dự kiến và lật ngược thế cờ.

    Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

    Ký giả G.Bonnet trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, cũng đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.

    Đặc biệt, tài nghi binh chiến dịch, nhất là lý luận về “Trận đánh quyết định” của Võ Nguyên Giáp được giới quân sự thế giới rất chú ý và nghiên cứu. Ông cho rằng: Ta có thể đánh thắng địch trong khi chúng đông quân nhất, nhiều vũ khí nhất và ngay cả khi chúng cho là ta không thể thắng chúng, miễn là ta có cách đánh đúng, thích ứng với tình hình thực tế.

    Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London, đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.

    Theo Soha.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày