Nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân cho những kẻ lừa đảo, hãy cảnh giác.
Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh, đó là điều không có gì phải bàn cãi. Với hơn 1,4 tỷ người dùng hiện nay, Facebook có đủ khả năng để gây ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dùng Internet, trong đó tất nhiên bao gồm cả nguy cơ lừa đảo. Điều đáng nói là đó không chỉ là một lời cảnh báo mà đã trở thành một vấn đề hết sức đáng lo ngại hiện nay, khi các đường liên kết độc hại và lừa đảo đang có dấu hiệu ngày một tăng và trở nên tinh vi hơn.
(Trước tiên, chúng ta cần phải biết có rất nhiều loại hình lừa đảo trên Facebook, và trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ nói về vấn đề chia sẻ liên kết giả mạo cùng sự nguy hiểm của chúng.)
Câu chuyện của những đường link "hấp dẫn"
Facebook là một mạng xã hội, và rõ ràng ở mạng xã hội thì chuyện có người tốt, kẻ xấu cũng không có gì là lạ và đáng để bạn lo lắng cả. Nhưng câu chuyện sẽ khác khi những thao tác sử dụng hàng ngày của bạn trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đang bị nhăm nhe bởi những kẻ xấu để trục lợi, mà phần nhiều trong đó là các hành vi lừa đảo, chiếm quyền sử dụng tài khoàn của nạn nhân. Khi đó nhẹ thì bạn trở thành công cụ kiếm tiền cho kẻ xấu, nặng thì ngay cả chiếc máy tính cùng hàng loạt dữ liệu của bạn sẽ trở thành "vật trong tay" của bọn chúng.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, những hành vi lừa đảo qua liên kết đã trở nên tinh vi và "thân thiện" hơn với người dùng. Nếu như trước đó những chia sẻ lừa đảo thường khá dễ phát hiện khi chúng có những tên miền xa lạ cùng những thông tin "sặc mùi nguy hiểm" thì giờ đây, chúng chẳng khác mấy những liên kết mà bạn bè chúng ta vẫn chia sẻ hàng ngày cả. 2 loại hình nguy hiểm và phổ biến nhất của liên kết độc hại chính là Facebook giả mạo và các liên kết ăn theo báo chí, sự kiện cộng đồng.
Ở loại hình thứ nhất, các ngôi sao nổi tiếng chính là đối tượng bị lợi dụng. Sự phát triển của mạng xã hội khiến cho ngay cả các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng không thể đứng ngoài cuộc để tạo dựng hình ảnh trong cộng đồng. Thế nhưng số tài khoản thật thì ít, mà số trang lừa đảo thì nhiều vô số kể. Cá biệt có những tài khoản giả mạo có số lượt like còn... cao gấp mấy lần tài khoản "xịn". Hậu quả là mỗi liên kết được các "nghệ sĩ dỏm" chia sẻ được các fan hâm mộ ấn vào không chút nghi ngờ. Tinh vi hơn, nhiều tài khoản fake còn sẵn sàng chi tiền quảng cáo để Facebook đưa các chia sẻ của chúng đến với nhiều người dùng hơn.
Ở loại hình thứ hai, và cũng là loại nguy hiểm hơn nhiều, mỗi sự kiện trong xã hội đều được kẻ gian khai thác để ăn theo. Lấy một ví dụ đơn giản: những vụ việc kiểu như máy bay mất tích, thảm họa thiên tai thường là đề tài yêu thích để những kẻ lừa đảo tung liên kết giả mạo. Trong lúc cộng đồng đang mong ngóng các thông tin mới nhất, chỉ một liên kết với tiêu đề giật gân sẽ khiến không ít nạn nhân ấn vào ngay lập tức. Hậu quả là tin tức thì chả thấy đâu, chỉ thấy những đường link độc hại hiện lên liên tục trên tường của bạn bè và các group xã hội mà nạn nhân tham gia.
Vậy, kẻ gian làm vậy để làm gì?
Để làm rõ lí do mà hàng ngày có hàng tá những đường dẫn độc hại xuất hiện như vậy, hãy cùng tìm hiểu cách mà bọn kẻ gian trục lợi từ việc này.
Trước hết, chúng ta phải biết một điều là người dùng phổ thông rất khó để biết được đâu là một liên kết độc hại, đâu là một liên kết an toàn. Hầu hết các liên kết giả mạo đều được "ẩn" đi thông qua một dịch vụ nào đó, và chỉ khi các bạn ấn vào đường link thì mới vỡ lẽ mình đã trở thành nạn nhân. Do đó nếu đưa con trỏ chuột vào đường dẫn và thấy "không ổn" hiện lên ở góc dưới cùng bên trái của trình duyệt, ví dụ như các đường dẫn kiểu xxx.dyn... chẳng hạn, tốt nhất là bạn đừng nên động đến chúng làm gì. Mười phần thì có đến 9 là bạn sẽ truy cập vào một đường liên kết độc hại.
Một vụ việc sử dụng liên kết lừa đảo đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý
Tất nhiên, những dịch vụ "ẩn" hoặc thay đổi đường dẫn không có tội tình gì cả. Chỉ đơn giản là chúng đang được sử dụng làm công cụ để lừa bạn mà thôi. Sau khi bạn click vào đường dẫn, sẽ có một số trường hợp phổ biến sau xảy ra:
Lừa đảo để quảng cáo: Đây là hình thức "hiền lành" nhất. Nó chỉ đơn giản là mỗi khi bạn click vào liên kết, hệ thống quảng cáo sẽ ghi nhận lượt truy cập của bạn để kẻ gian nhận tiền từ những đơn vị trả tiền quảng cáo. Mà những người trả tiền thì có rất nhiều dạng: nhà sản xuất game, các trang web độc hại, các trang quảng cáo dịch vụ,... Nhìn chung nếu bạn chỉ gặp trường hợp này thì tạm thời không quá đáng lo ngại.
Lừa đảo để chiếm quyền Facebook: Hình thức này tinh vi hơn và cũng nguy hiểm hơn. Theo đó mỗi khi bạn click vào liên kết giả mạo, nhẹ thì tài khoản của bạn đã "vô tình" tham gia vào mạng lưới chia sẻ mã độc của kẻ gian, và những đường liên kết độc hại sẽ "độc mẹ đẻ độc con" trên tường của bạn, của bạn bè và các group xã hội mà bạn có liên kết. Nặng hơn, bạn có thể mất hoàn toàn quyền truy cập tài khoản Facebook của mình. Vậy nên nếu một ngày bạn bỗng dưng bị hack tài khoản Facebook, hãy tự vấn mình có ấn vào cái gì nguy hiểm ngày hôm trước không nhé.
Lừa đảo để tung mã độc, virus: Đây là hình thức nguy hiểm nhất. Mỗi đường link khi ấn vào sẽ có nguy cơ là "ổ chứa" của những virus và mã độc. Ngay lập tức máy tính của bạn sẽ nhiễm mã độc và có thể mất dữ liệu, chịu quyền kiểm soát của tin tặc. Nếu ở quy mô đơn giản thì chúng sẽ dùng máy của bạn để DDos hệ thống nào đó, còn nặng hơn thì tất cả thông tin quý giá trong máy tính của bạn như: tài khoản online, tài khoản ngân hàng,.... đều sẽ mất sạch.
Nguy cơ còn đó, cảnh giác không thừa
Như chúng tôi đã nói, với mức độ tinh vi của hệ thống liên kết lừa đảo hiện nay, ngay cả một anh kỹ thuật viên IT cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng chứ chả huống gì người dùng Internet thông thường. Vậy nên để "sống sót" qua nguy cơ này thì chẳng có gì hiệu quả hơn là tự bản thân chúng ta phải nâng cao tính cảnh giác cho bản thân mình.
Lời khuyên dành cho bạn đọc là hãy cảnh giác trước bất kỳ đường link "giật gân" nào, đặc biệt là ảnh tít liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội. Bản chất của con người ta là tò mò và hiếu kì, nhưng hãy kiềm chế chúng lại trước các tít giật gân nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Nếu đủ kiến thức và sự cẩn thận, hãy kiểm tra thật kỹ nguồn gốc của các đường link trước khi ấn vào chúng.
Một điểm sáng trong câu chuyện này là Facebook đã nhận ra và đang tìm cách dẹp bỏ hiện tượng này. Chỉ có điều trong quá trình thử nghiệm, họ hơi... quá đà trong quá trình nhận diện link độc hại nên xóa luôn cả những chia sẻ hợp lệ của người dùng, trong khi liên kết độc hại thì vẫn còn đó. Cho nên trước khi hệ thống của Facebook ổn định, hãy tự bảo vệ bản thân mình trước các mối nguy hiểm nhé.
>>Thủ tướng Singapore bất ngờ trổ tài tự "code", gây bão mạng xã hội
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng