Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối

    Thanh Long,  

    Dựa trên hiệu ứng đó, các nhà khoa học có thể thiết kế ra một quy trình điều trị an toàn, sử dụng các virus lành tính hoặc một loại vắc-xin sử dụng RNA của chính virus COVID.

    Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Lâm sàng đã tiết lộ một lợi ích tiềm năng bất ngờ của virus COVID: Nó có thể giúp thu nhỏ kích thước khối u ung thư.

    Phát hiện đáng ngạc nhiên này, dựa trên các thí nghiệm tiến hành trên chuột, đã làm sáng tỏ những tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch, các mầm bệnh và tế bào ung thư. Nó được kỳ vọng sẽ mở đường cho những phương pháp điều trị ung thư hiệu quả mới trên người.

    Nhưng trước khi nghiên cứu tiến đến thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học khuyến cáo bạn không nên tự nhiễm COVID cho mình, bởi virus có thể gây bệnh nghiêm trọng. Các bác sĩ sẽ cần thiết kế ra một quy trình điều trị an toàn, có thể sử dụng các virus lành tính hoặc một loại vắc-xin mRNA dựa trên khả năng thu nhỏ khối u của virus COVID.

    Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối- Ảnh 1.

    Một liệu pháp miễn dịch

    Nghiên cứu mới nằm trong một lĩnh vực mới nổi nhưng rất tiềm năng để điều trị ung thư, gọi là liệu pháp miễn dịch. Trong đó, các nhà khoa học sử dụng chính hệ miễn dịch bên trong con người, chứ không phải truyền thuốc hoặc hoá chất và sử dụng tia xạ từ bên ngoài để tiêu diệt tế bào ung thư.

    Họ nhận ra rằng hệ miễn dịch của con người có một nhóm tế bào gọi là bạch cầu đơn nhân. Các tế bào miễn dịch này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và các mối đe dọa khác như vi khuẩn và virus.

    Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư, đôi khi các tế bào bạch cầu đơn nhân có thể bị các tế bào khối u chiếm đoạt và chuyển đổi thành các tế bào "về phe" với ung thư. Bởi sau đó, chúng lại quay sang bảo vệ khối u thay vì tấn công để chống lại căn bệnh.

    Những gì các nhà nghiên cứu phát hiện ra là nhiễm COVID khiến cơ thể sản xuất một loại tế bào bạch cầu đơn nhân đặc biệt, có đặc tính chống ung thư độc đáo. Những tế bào đơn nhân "đặc nhiệm" này được huấn luyện đặc biệt để nhắm vào virus, nhưng chúng cũng có khả năng chống tế bào ung thư.

    Để hiểu cách thức hoạt động này, chúng ta cần xem xét vật liệu di truyền của virus gây ra COVID. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào bạch cầu đơn nhân được tạo ra có một thụ thể đặc biệt liên kết tốt với một trình tự cụ thể trên RNA của virus COVID.

    " Nếu tế bào đơn nhân là ổ khóa và RNA COVID là chìa khóa, thì RNA COVID là sự kết hợp hoàn hảo" , Ankit Bharat, một trong những đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern ở Chicago giải thích. Và nó cũng có thể là chiếc chìa khoá mở ra một phương pháp điều trị ung thư.

    Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối- Ảnh 2.

    Có tác dụng thu nhỏ 4 loại khối u ung thư giai đoạn cuối

    Để kiểm tra giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên chuột mắc 4 bệnh ung thư phổ biến đã tiến triển đến giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối bao gồm ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết

    Những con chuột được cho dùng một loại thuốc mô phỏng phản ứng miễn dịch với nhiễm trùng COVID nghiêm trọng, kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu đơn nhân đặc nhiệm. Kết quả thật đáng kknh ngạc. Các khối u ở chuột bắt đầu co lại ở cả 4 loại ung thư được nghiên cứu.

    Không giống như các tế bào đơn nhân thông thường, có thể được khối u chuyển đổi thành các tế bào bảo vệ chúng, các tế bào đơn nhân đặc nhiệm vẫn giữ được đặc tính chống ung thư nguyên thuỷ như khi chúng được sinh ra.

    Tế bào đơn nhân đặc nhiệm có thể di chuyển đến các vị trí khối u – một kỳ tích mà hầu hết các tế bào miễn dịch không thể thực hiện được – và khi đã ở đó, chúng kích hoạt phản ứng tiêu diệt tự nhiên như cách mà hệ miễn dịch vẫn làm với mọi mầm bệnh.

    Các tế bào khác trong hệ miễn dịch sau đó tấn công các tế bào ung thư, khiến các khối u co lại.

    Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối- Ảnh 3.

    Cơ chế này đặc biệt thú vị vì nó mở ra một phương pháp mới để chống lại ung thư mà không phụ thuộc vào tế bào T, vốn là trọng tâm của nhiều phương pháp điều trị miễn dịch hiện nay.

    Mặc dù liệu pháp miễn dịch đã cho thấy triển vọng, nhưng nó chỉ có hiệu quả trong khoảng 20% đến 40% các trường hợp, và thường thất bại khi cơ thể không thể sản xuất đủ tế bào T hoạt động.

    Thật vậy, người ta cho rằng việc phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của tế bào T là một hạn chế lớn của các phương pháp liệu pháp miễn dịch hiện nay.

    Ngược lại, cơ chế mới sử dụng tế bào bạch cầu đơn nhân cung cấp một phương pháp tiêu diệt khối u có chọn lọc, không phụ thuộc vào tế bào T, có khả năng cung cấp giải pháp cho những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch truyền thống.

    Điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu này được tiến hành trên chuột và cần phải thử nghiệm lâm sàng để xác định xem tác dụng tương tự có hiệu quả với người bệnh hay không.

    Có lẽ một số khía cạnh của cơ chế này có thể có tác dụng ở người và giúp chống lại các loại bệnh ung thư khác, vì nó phá vỡ con đường chung mà hầu hết các loại tế bào ung thư sử dụng để di căn khắp cơ thể.

    Mặc dù vắc-xin COVID khó có thể kích hoạt cơ chế này (vì chúng không sử dụng toàn bộ trình tự RNA như virus), nghiên cứu này mở ra khả năng phát triển các loại thuốc và vắc-xin mới có thể kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu đơn nhân chống ung thư.

    Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối- Ảnh 4.

    Tế bào bạch cầu đơn nhân giúp thu nhỏ khối u ung thư phổi.


    Không chỉ điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch mới có tiềm năng với nhiều căn bệnh khác

    Ý nghĩa của nghiên cứu này vượt xa COVID và ung thư. Nó cho thấy hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể được huấn luyện bởi một loại mối đe dọa để trở nên hiệu quả hơn trước một mối đe doạ khác.

    Khái niệm này, được gọi là "miễn dịch được huấn luyện", là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị có thể dẫn đến các phương pháp tiếp cận mới để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.

    Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh một lần nữa là điều này không có nghĩa mọi người nên tự nhiễm COVID như một cách để chống lại ung thư, và điều này đặc biệt nguy hiểm. COVID nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe lâu dài.

    Chúng ta chỉ nên biết nghiên cứu này đang cung cấp những hiểu biết quan trọng, có thể giúp phát triển những phương pháp điều trị ung thư an toàn hơn, có mục tiêu hơn trong tương lai. Khi chúng ta tiếp tục vật lộn với hậu quả của đại dịch COVID, các ca nhiễm mới và COVID kéo dài, các nghiên cứu như thế này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản.

    Ngay cả khi đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, các nhà nghiên cứu vẫn tìm ra cách để nâng cao hiểu biết của chúng ta về sinh học và bệnh tật của con người. Công trình này không chỉ giúp chúng ta chống lại mối đe dọa trước mắt của COVID mà còn mở đường cho những đột phá trong điều trị các tình trạng nghiêm trọng khác như ung thư.

    Thí nghiệm cho thấy virus COVID có thể thu nhỏ khối u của 4 loại ung thư giai đoạn cuối- Ảnh 5.

    Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi những phát hiện này có thể được chuyển thành phương pháp điều trị cho bệnh nhân, nghiên cứu này đại diện cho một bước tiến thú vị trong quá trình hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ phức tạp giữa virus, hệ thống miễn dịch và ung thư.

    Nó mang lại hy vọng cho các phương pháp điều trị mới, và nhấn mạnh những phát hiện bất ngờ có thể dẫn đến một phương pháp lấy độc trị độc. Như cổ nhân đã từng nói, trong nguy luôn có cơ, và trong đại dịch COVID, các nhà khoa học lại đang tìm thấy những cơ hội mới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày