Hàng loạt vụ sang nhượng cổ phần của các công ty điện máy cho nhà đầu tư nước ngoài hứa hẹn nhiều thay đổi lớn trong thị trường nhiều tiềm năng này.
Nhà đầu tư ngoại sẽ giúp Thế giới Di động và Dienmay.com bật lên trong năm 2014?
Cắn răng mở trung tâm mới
Ngày 9/6, Công ty Thiên Nam Hòa (chủ đầu tư hệ thống Trung tâm điện máy Thiên Hòa) đã mở cửa trung tâm mua sắm thứ 6 tại 659 Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM. Trung tâm có vốn đầu tư 40 tỷ đồng với tổng diện tích kinh doanh 5.000m2.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam Hòa, cho biết, 40 tỷ đồng chỉ là kinh phí cho xây dựng, nếu tính cả hàng hóa và các trang thiết bị, quầy kệ kinh doanh, con số này tăng lên gấp đôi.
Trước Thiên Hòa, cuối tháng 1/2013, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim cũng đã đồng loạt khai trương 6 trung tâm mới tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Cà Mau, nâng tổng số hệ thống lên 21 trung tâm. Cùng thời gian này, hệ thống siêu thị Pico đã chính thức mở cửa trung tâm kinh doanh phức hợp tại TP.HCM có tổng diện tích 55.000m2.
Đây được xem là dự án đầu tiên trong chiến lược "Nam tiến", mở rộng quy mô hoạt động của Pico tại TP.HCM. Ở phía Bắc, trong tháng 5/2013, Công ty Trần Anh đã cùng lúc khai trương 3 siêu thị điện máy mới tại Hà Nội.
Sự rầm rộ của các trung tâm mới không giấu được thực tế là kinh doanh của các trung tâm điện máy hiện có hiệu quả rất thấp. Thị trường điện máy 4 tháng đầu năm tiếp tục đi xuống với doanh số ước tính giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2012.
Theo nguồn tin của Doanh Nhân Sài Gòn, sau ba tháng hoạt động, "bộ sậu" của Công ty TNHH MTV Pico Sài Gòn - pháp nhân của Pico tại TP.HCM đã không còn. Hiện tại, mọi hoạt động của Pico Sài Gòn được trao lại cho Pico Hà Nội quản lý. Trong khi đó, các trung tâm mới của Nguyễn Kim sau một thời gian ồ ạt ra mắt vẫn chưa có lãi.
Lợi nhuận của DN này chủ yếu đến từ các trung tâm ra đời trước kia như Nguyễn Kim Trần Hưng Đạo, Nguyễn Kim Tràng Thi... Theo phân tích của một chuyên gia thương hiệu, trong thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sức mua không lớn.
Nhưng để vận hành một trung tâm kinh doanh cần một lượng lớn nhân viên, chi phí quản lý không hề nhỏ. Đã vậy, các trung tâm mới ra đời chưa có khách hàng ổn định nên phải thường xuyên tổ chức các chương trình kích cầu mua sắm. Do đó, lợi nhuận khó có thể đạt được ngay.
Ông Hòa cũng thừa nhận không thể kỳ vọng lợi nhuận từ các trung tâm mới khai trương. Với trung tâm Thiên Hòa Tân Phú, Công ty Thiên Nam Hòa sẽ phải dùng lợi nhuận từ những trung tâm hiện hữu để "nuôi" trung tâm mới mở này trong một năm đầu.
Vẫn xác định mỗi năm có từ 1 - 2 trung tâm mua sắm mới, nhưng ông Hòa cho biết: "Đi chậm mà chắc và tùy thời điểm sẽ có chiến lược phát triển nhanh - chậm khác nhau. Tuy nhiên, đến năm 2020, Thiên Hòa sẽ có thêm từ 20 - 25 trung tâm kinh doanh mới và ưu tiên cho các vùng phụ cận TP.HCM".
Nhà đầu tư ngoại xếp hàng
Trên thực tế, ngành điện máy vẫn còn hết sức khó khăn nhưng tiềm năng thị trường đã hút các nhà đầu tư ngoại. Cuối tháng 3/2013, Công ty CDH Electric Bee Limited đã mua lại 19,88% cổ phần của Công ty Thế giới Di động từ Mekong Capital và các cổ đông sáng lập.
Bên cạnh đó, cựu CEO của Bestbuy, ông Robert Willett cũng đã đầu tư vào công ty này với tư cách là nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, Quỹ Aureos đã đầu tư khoản tiền 4,2 triệu USD để sở hữu 18,5% cổ phần của Thế giới số Trần Anh.
Lý giải việc mua cổ phần ngành điện máy, các nhà đầu tư ngoại cho rằng, đây là đầu tư vào tương lai chứ không tính đến hiện tại. Bởi, khó khăn trước mắt chỉ là ngắn hạn trong vài năm. Trong khi đó, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trong nước có nguồn tiền dồi dào đưa vào kinh doanh.
Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Mekong Capital, giải thích về quyết định bán cổ phần tại Thế giới Di động: "Năm 2012, khi nhà đầu tư yêu cầu mua 20% phần đầu tư của chúng tôi, chúng tôi chấp nhận vì chỉ bán một phần cổ phần và lợi nhuận đã gấp 11 lần so với khi đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rút ra bài học rằng tốt nhất là nên thoái vốn từng phần hơn là bán toàn bộ khoản đầu tư một lần. Chúng tôi dự kiến sẽ bán thêm cổ phần tại thời điểm Công ty niêm yết vào đầu năm 2014".
Hiện nay, thị trường điện máy có quy mô lớn gấp 3 lần thị trường điện thoại, nhưng số DN kinh doanh điện thoại nhiều gấp 10 điện máy. Tuy ít cạnh tranh hơn, nhưng thị trường điện máy hiện nay cũng giống như thị trường điện thoại vài năm trước, sau thời gian sàng lọc, DN có năng lực thực sự sẽ trụ lại.
Dù trong lĩnh vực điện máy, Dienmay.com vẫn chưa thật sự mạnh nhưng ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thế giới Di động (công ty mẹ của Dienmay.com) vẫn nhìn thị trường với rất nhiều cơ hội. Ông Tài cho biết, trong năm nay, Thế giới Di động sẽ tối ưu vận hành 12 siêu thị Dienmay.com.
Và đến năm 2014, Dienmay.com sẽ tăng tốc, mở rộng. "Có thể, trong năm này, Dienmay.com sẽ ồ ạt ra đời như Thegioididong.com thời gian qua", ông Tài tiết lộ.
Làn sóng đầu tư ngoại vào lĩnh vực điện máy mới chỉ bắt đầu nhưng trong thời gian tới sẽ có sự bùng nổ. Vì hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu mua lại hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Trong đó, ngoài Thế giới Di động và Trần Anh, theo một số nguồn tin, các DN Nhật Bản cũng đang đàm phán với Nguyễn Kim, Pico... để mua cổ phần.
Nếu những cuộc đàm phán này có kết quả thì ngành điện máy sẽ có sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư ngoại, và như vậy cuộc chiến giành thị phần sẽ còn nhiều khốc liệt.
Theo Hồng Nga
Doanh nhân Sài Gòn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng