Thị trường máy tính thế giới có 1 năm buồn, trong nước chưa thể tìm thấy niềm vui
Năm 2015 tiếp tục đánh dấu đà sụt giảm của ngành công nghiệp máy tính.
Theo các báo cáo mới nhất về thị trường máy tính cá nhân trong năm 2015, tổng quan cho thấy người cười ít, kẻ khóc thì quá nhiều. Hầu hết các máy tính lớn đều ghi nhận một năm sụt giảm về doanh thu và thị phần, riêng chỉ có Apple là tăng trưởng.
Các thương hiệu máy tính lớn như Lenovo, HP, Dell, Asus và Acer chiếm tới gần 70% thị phần PC toàn cầu, và tất cả các hãng nói trên đều ghi nhận sụt giảm. Theo số liệu của Gartner, Acer là hãng bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi trong Q4/2015 vừa rồi, thương hiệu máy tính của Đài Loan tụt giảm 11% số sản phẩm bán ra so với Q4/2014. Cũng theo số liệu nói trên, toàn bộ ngành máy tính thế giới đã chào năm 2016 sau một quý cuối năm đầy u ám, toàn ngành đánh mất 8,3% so với cùng kỳ năm trước đó.
Số liệu của Gartner về thị trường máy tính cá nhân Q4/2015.
Việc thị trường máy tính sụt giảm đã được cảnh bảo từ lâu, nguyên do chủ yếu tới từ sự bùng nổ của các thiết bị di động và thay đổi trong thói quen sử dụng thiết bị công nghệ của người dùng. Giờ đây, các sản phẩm PC không còn là sự lựa chọn duy nhất cho công việc cũng như giải trí, chúng ta có thể làm hầu hết mọi thứ với smartphone hay các thiết bị giải trí gia đình.
Thị trường trong nước có bị tác động bởi xu hướng của thế giới?
Trao đổi với ông Đỗ Hoàng Sâm, Giám đốc Công Ty Mai Hoàng, một trong những nhà phân phối sản phẩm phần cứng máy tính lớn tại khu vực phía Bắc về vấn đề này, chúng tôi cũng nhận được những thông tin không mấy khả quan về mảng bán lẻ phần cứng máy tính trong nước. Cụ thể, theo ông Sâm, "trong năm 2015, phần cứng máy tính trong nước giảm mạnh do sự cạnh tranh quyết liệt của smartphone, thứ có thể xử lý 60-70% nhu cầu công việc và giải trí thường ngày".
Cũng trong vấn đề này, một đại diện từ Công ty máy tính Thủy Linh cũng ghi nhận sự sụt giảm về số lượng bán ra trong năm 2015 so với năm trước đó. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhờ sự chuyển dịch của thị trường hướng tới các dòng sản phẩm cao cấp. Chi tiết hơn, đại diện Thủy Linh Computer đánh giá nguyên nhân chính dẫn tới những sự biến động nói trên là do thị trường phòng game internet tại Việt Nam trong năm 2015 đã đạt ngưỡng bão hòa.
Phía An Phát Computer, một trong những chuỗi đại lý bán lẻ phần cứng máy tính lớn tại Hà Nội cũng xác nhận sự tăng trưởng nhẹ về doanh số bán hàng trong năm 2015, cùng với nguyên nhân từ việc "xu hướng sử dụng các sản phẩm Middle, Hi-end tăng mạnh". Nhưng riêng các dòng sản phẩm máy tính xách tay lại ghi nhận sự lên ngôi của các dòng sản phẩm có cấu hình phổ thông.
"Hệ thống chơi game trên 30 triệu giờ là mức phổ thông!", Giảm hay chỉ là sự chuyển dịch?
Hầu hết các đại lý và nhà phân phối đều nhìn nhận được xu hướng mới của thị trường được hình thành trong năm 2015 là sự lên ngôi của các dòng sản phẩm cao cấp. Thực tế này cho thấy người dùng cá nhân hay đối tượng kinh doanh phòng Game sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho hệ thống máy tính của họ.
"Hiện tại, những người dùng thông thái chi nhiều tiền hơn cho công việc của họ. Trong năm vừa rồi, các cấu hình máy chủ phục vụ nhu cầu render vượt qua mức giá 100 triệu đồng là không ít, còn hệ thống chơi game trên 30 triệu giờ là mức phổ thông", đó là lời chia sẻ của đại diện phía An Phát Computer khi được hỏi về hầu bao khi mua sắm máy tính cá nhân của người dùng Việt.
Hình ảnh về dàn máy có giá hơn 300 triệu đồng của một người dùng Việt Nam.
Chỉ khoảng 3 năm trước đây, việc người dùng cá nhân chi ra trên 20 triệu cho một hệ thống giải trí tại nhà là khá hiếm hoi. Còn với hệ thống game net, các chủ quán thời đó chỉ dám đầu tư vừa đủ, trang bị vi xử lý Intel Pentium G cùng các sản phẩm card đồ họa thấp cấp như GT630 được coi là hợp lý tại các phòng game. Điều này đã thay đổi nhanh chóng khi người làm dịch vụ quan tâm nhiều hơn tới trải nghiệm của khách hàng. Hàng loạt dàn máy cấu hình khủng sử dụng vi xử lý Intel Xeon với VGA cao cấp xuất hiện, đi đôi là tiện nghi như ghế ngồi và chuột phím cao cấp.
Ông Đỗ Hoàng Sâm cũng xác nhận sự tăng trưởng của các sản phẩm gaming gear cũng như ghế chơi game đắt tiền DXRacer. Cụ thể hơn, trong năm 2015, phía Mai Hoàng ghi nhận mức tăng trưởng 20% của các dòng sản phẩm phục vụ game thủ.
Có thể nói, dù ghi nhận một sự sụt giảm chung của toàn bộ thị trường, nhưng các dòng sản phẩm cao cấp và phụ kiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng Việt. Điều này tới từ việc các hãng phần cứng đã khá khéo léo với chính sách của họ để kích thích tiêu dùng.
Những điểm nhấn của thị trường
Ngoài các chương trình khuyến mại, một số thương hiệu rất biết cách lôi kéo khách hàng thông qua chính những sản phẩm của họ. Trong lĩnh vực gaming gear, thật khó có thể kể hết các mã sản phẩm, dòng sản phẩm xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong năm vừa qua. Với vô số mẫu mã bắt mắt cùng các công nghệ mới, chuột và bàn phím của nhiều thương hiệu như Razer, Steelseries, Roccat, CoolerMaster, Ttesport đã được người dùng đón nhận.
Năm 2015 cũng có một số sự thay đổi lớn về giá của nhiều linh kiện phần cứng, đặc biệt là bộ nhớ RAM. Giá bộ nhớ RAM sau một thời gian dài tăng mạnh vì thiếu nguồn cung đã quay đầu giảm giá mạnh trong năm vừa qua. Giá của một số sản phẩm RAM giảm tới 50% so với thời điểm đầu năm 2015, và được nhận định sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016 này. Ngoài ra, RAM DDR4 cũng đang dần xuất hiện nhiều hơn do giá thành ngày càng hợp lý. Đây cũng là xu hướng chung của thị trường toàn cầu.
Giá RAM "tụt dốc không phanh" có lẽ là điểm nhấn đáng chú ý nhất của thị trường phần cứng máy tính năm vừa qua.
Về các mặt hàng card đồ họa, NVIDIA vẫn thắng thế hoàn toàn trước AMD. Trong năm vừa qua, ghi nhận từ các nhà phân phối lớn trong nước đều cho thấy sự áp đảo của các sản phẩm card màn hình sử dụng chip đồ họa do NVIDIA sản xuất. Ưu điểm của các sản phẩm này là hiệu năng cao nhưng mát và tiết kiệm điện, chỉ chừng ấy đã đủ để NVIDIA ghi điểm trong mắt người dùng, đặc biệt là chủ các phòng game.
Năm mới, cơ hội nào cho thị trường máy tính?
Theo các con số thống kê của hãng Gartner, Q4/2015 đã là quý thứ 5 liên tiếp thị trường máy tính cá nhân toàn cầu có sự tụt giảm, năm 2015 được coi là năm tồi tệ nhất của lĩnh vực này trong 5 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn thấy một tương lai "dễ thở" hơn trong năm mới, đặc biệt nhờ vào những thành công mà Microsoft và Windows 10 đang có được.
Microsoft và các sản phẩm của hãng đang dẫn dắt thị trường máy tính quay trở lại đà hồi phục.
Riêng với thị trường trong nước, năm 2015 không phải là quãng thời gian mà những công ty máy tính có thể tìm được niềm vui. Nhưng nhìn nhận sâu một chút, năm vừa qua đánh dấu sự chuyển dịch đáng khích lệ, khi mà chiếm lĩnh thị trường phần cứng máy tính là các sản phẩm trung cấp và cao cấp, xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong năm 2016.
Những người trong cuộc cũng đưa ra các dự đoán về thị trường trong năm tới đây với thái độ lạc quan nhưng không kém phần thận trọng. Năm 2016 sẽ có thêm nhiều thương hiệu mới chen chân vào thị trường máy tính tại Việt Nam, những cũng không ít cái tên buộc phải rút lui do không có chỗ đứng. Trên hết, đại diện các đại lý và nhà phân phối đều tự tin rằng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng sẽ ngày càng được cải thiện, đi kèm là nhiều hơn những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích tiêu dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng