Thiên thạch khổng lồ tiêu diệt loài khủng long đã làm đất đá bắn lên độ cao hơn cả đỉnh Everest

    Steve,  

    "Ngọn núi" này theo ước tính cao khoảng 10km so với mực nước biển.

    Các nhà khoa học Anh mới đây đã công bố rằng họ đã làm sáng tỏ hơn việc 66 triệu năm trước, thiên thạch đã tiêu diệt loài khủng long như thế nào. Cụ thể, họ đã đưa ra giả thiết về cách thiên thạch này tạo nên một miệng núi lửa khổng lồ.

    Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã khoan sâu vào các hố địa chất tại các khu vực chỉ định và phân tích loại đá ở đó. Bằng cách đó, các nhà địa chất có thể mô tả cách thiên thạch đã “oanh tạc” lớp vỏ cứng của Trái Đất khiến nó trồi sụp lên xuống như một lớp chất lỏng. Ngay sau va chạm, một ngọn núi cao hơn cả đỉnh Everest đã bị bắn lên không trung trước khi rơi trở lại mặt đất và hình thành các rặng nhỏ hơn.

    “Điểm thú vị ở đây là tất cả những diễn biến đó chỉ xảy ra trong vỏn vẹn có vài phút.”, Giáo sư Joanna Morgan từ trường Đại học Hoàng gia London cho biết. Nghiên cứu mới này đưa ra một kiểu mẫu vô cùng năng động cho sự hình thành miệng núi lửa khổng lồ, và xa hơn là giải thích sự thay đổi môi trường do nạn Đại hồng thủy.

    Những mảnh vụn và tro bụi sinh ra sau va chạm tràn ngập trong khí quyển khiến cho bầu trời tối đen, dẫn đến việc giảm nhiệt độ môi trường trên toàn cầu kéo dài trong vài năm. Chính điều này đã làm nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng, trong số đó có loài khủng long.

     Sơ đồ địa điểm khảo sát: vành đai trắng là phần trên đất liền của miệng núi lửa, chấm đỏ là khu vực vòng đỉnh

    Sơ đồ địa điểm khảo sát: vành đai trắng là phần trên đất liền của miệng núi lửa, chấm đỏ là khu vực "vòng đỉnh"

    Trước đó, vào tháng 5 năm nay, nhóm nghiên cứu đã tới khảo sát tại khu vực miệng núi lửa Chicxulub, nay nằm trong lớp trầm tích dưới đáy biển bán đảo Yucatan, Mexico. Họ rút ra được một số kết luận quan trọng sau khi nghiên cứu địa chất nơi này như sau:

    - Một thiên thạch đường kính 15km đã đào một hố sâu 30 km và rộng 100 km

    - Chiếc “bát” lớn này sau đó sụp đổ, tạo thành một miệng hố sâu chỉ vài kilomet nhưng rộng tới 200 km

    - Toàn bộ khu vực trung tâm nảy lên rồi giữ nguyên trạng thái, tạo nên “vòng đỉnh” - một vòng tròn bao quanh khu vực trung tâm va chạm

    - Phần lớn miệng núi lửa ngày nay nằm ngoài bờ biển, sâu 600m dưới lớp trầm tích

    - Phần trên bờ bị bao phủ bởi lớp đá vôi, nhưng có thể thấy được

    - Một bằng chứng khác là vòng cung các “hố tử thần” (cenote) nổi tiếng ở đây

     Các hố tử thần cenote nổi tiếng ở Yucatan có thể hình thành do sự sụp đổ lớp đá vôi bên trên miệng núi lửa

    Các hố tử thần cenote nổi tiếng ở Yucatan có thể hình thành do sự sụp đổ lớp đá vôi bên trên miệng núi lửa

    Như vậy, lớp đá thuộc vỏ Trái Đất ở trung tâm va chạm đã nảy lên độ cao hơn cả đỉnh núi Himalaya, sau đó rơi ngược trở lại vào bên trong miệng hố. Giáo sư Sean Gulick từ Đại học Texas cho biết: “Nếu mô hình deep-rebound (nảy sâu) này là đúng, thì những tảng đá thuộc vòng đỉnh có thể đã di chuyển như sau: trước tiên là văng ra ngoài vài kilomet, sau đó nảy lên không trung khoảng 10km và rồi tiếp tục rơi xuống đồng thời văng ra tiếp khoảng 10km nữa”.

    Giải thích kĩ hơn, Giáo sư Morgan nói: “Khi thiên thạch va chạm với Trái Đất, lớp đá ở điểm va chạm phản ứng như một chất lỏng. Lớp đá này có thể mất đi sự chắc chắn và gắn kết, cũng như độ ma sát giảm mạnh. Chính vì thế, ở thời điểm đó chúng phản ứng như là chất lỏng vậy. Đó là cách duy nhất có thể tạo nên một miệng núi lửa dạng này”.

    Kết quả của nghiên cứu này cũng có thể giải thích cho một vài miệng núi lửa trên các hành tinh khác, cụ thể như mặt trăng. Bề mặt mặt trăng trong quá khứ cũng đã chịu nhiều va chạm với các thiên thạch lớn, với dấu vết để lại hoàn toàn tương tự như miệng núi lửa Chicxulub.

     Một miệng núi lửa - kết quả của va chạm với thiên thạch trên bề mặt mặt trăng. Vòng tròn ở giữa là một dạng vòng đỉnh

    Một "miệng núi lửa" - kết quả của va chạm với thiên thạch trên bề mặt mặt trăng. Vòng tròn ở giữa là một dạng "vòng đỉnh"

    Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng xem ra, trên Trái Đất của chúng ta đã từng tồn tại một địa điểm cao hơn cả nóc nhà thế giới Everest. Nó là một phần của vụ va chạm gây ra sự tuyệt chủng cho nhiều sinh vật thời tiền sử, bao gồm cả loài khủng long vào thời điểm 66 triệu năm trước.

    Tham khảo BBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày