Thoả hiệp với style giải trí đại chúng từ "Aquaman" đến "Shazam!": Vũ trụ DC có đang tự hủy hoại mình?
Vào thời đại kinh tế, nghệ thuật đôi khi phải cúi mình. "Aquaman" với doanh thu tỷ đô và "Shazam" sẽ vực dậy Vũ trụ Điện ảnh DC. Thế nhưng, liệu các tác phẩm kiểu này có đang vô tình giết chết giá trị nguyên bản của hãng?
Cách đây một năm có lẽ là khoảng thời gian đen tối nhất đối với tập đoàn Warner Bros. nói riêng và fan của DCEU ( Vũ trụ Điện ảnh DC ) nói chung, khi mà Justice League - bộ phim được kỳ vọng sẽ tạo nên tương lai rực rỡ của nhà DC - bị báo giới và khán giả vùi dập không thương tiếc. Bộ phim có lẽ không dở tới vậy, nhưng những kỳ vọng về một siêu phẩm với sự góp mặt của dàn siêu anh hùng mang tính biểu tượng như Superman và Batman ngay sau thành công rực rỡ của bộ phim Wonder Woman đã giáng một đòn mạnh mẽ vào vũ trụ điện ảnh non trẻ này.
Những gì còn lại sau đống tàn tro của Justice League mới thực sự là cơn ác mộng đối với DCEU. Hàng loạt kế hoạch được đưa ra nhằm cứu vớt thương hiệu, như Batgirl, Birds of Prey, Aquaman và Shazam được nhá hàng. Cùng với đó là những tin đồn về việc rời bỏ vai diễn lần lượt xuất hiện ở "Superman" Henry Cavill , "Batman" Ben Affleck và mới đây là "Cyborg" Ray Fisher . Warner Bros. rõ ràng đã phải thay đổi chiến lược và gặt hái được bước đầu thành công với Aquaman và Shazam (vốn được dự đoán gần "ăn lớn" ngay sau những suất chiếu đầu tiên).
Shazam - Thành công được dự đoán trước
Thời Golden Age của DC đã đặt nền móng cho các nhân vật sau này.
Thành công của Shazam là một điều có thể dự đoán được nếu đặt các phép tính và suy luận đơn giản lên bàn cân. Ở vũ trụ truyện tranh DC, chúng ta từng có Golden Age - thế hệ vàng định hình nền móng những siêu anh hùng đầu tiên của thương hiệu này. Vào thời kỳ đó, Superman đơn giản là hình mẫu lý tưởng của mọi cậu bé - người đàn ông mạnh mẽ hướng thiện, luôn tươi cười và giúp đỡ tất cả mọi người. Batman là một tỷ phú hào hoa bản lĩnh, giải quyết mọi mối nguy hại của Gotham dưới tấm áo choàng đen. Trong khi Wonder Woman là phép bổ sung "cân bằng giới tính" thành công đem tới giấc mơ cho các bé gái.
Nhưng rồi các đợt khủng hoảng kinh tế cùng những chuyển biến sâu sắc của xã hội khiến truyện tranh của DC trở nên u ám, đen tối và mang nặng hơn tính suy tưởng, chiêm nghiệm. Chiều hướng này thành công khi tầng lớp khán giả trẻ tuổi năm xưa lớn lên, họ đòi hỏi các tác phẩm mang chiều sâu hơn và trực tiếp tác động tới màn ảnh rộng. Đó là lý do vì sao Batman Forever (1995) thất bại thảm hại, nhưng trilogy The Dark Knight của Christopher Nolan lại trở thành kiệt tác của mọi thời đại.
"The Dark Knight" của Nolan trở thành kiệt tác.
Nhưng, thời đại của "dark deep" (đen tối và sâu sắc) dần trôi qua, khi tầng lớp khán giả mới được hình thành và trỗi dậy. Trực tiếp được định hướng bằng dòng phim siêu anh hùng mang tính giải trí cao từ MCU ( Vũ trụ Điện ảnh Marvel ), giờ đây người xem đòi hỏi những tác phẩm mang chủ đề siêu anh hùng vui nhộn hơn, nhẹ nhàng hơn. Tiếc thay, DCEU khi sinh sau đẻ muộn vào năm 2013 đã không còn thu hút được tầng lớp khán giả đại chúng này, với Man of Steel (2013) và Batman v Superman: Dawn of Justice (2016).
Sinh sau đẻ muộn khiến "Batman v Superman: Dawn of Justice" không còn hợp thị hiếu đại chúng.
Trái lại, Wonder Woman và Aquaman đã thành công khi phần nào giữ được giá trị nguyên bản của DC để giữ chân fan, nhưng ngược lại cũng bỏ đi khá nhiều điều cốt lõi. Nói về Aquaman, đạo điễn James Wan đã thử nghiệm hướng đi mới lạ khi biến nó thành một tác phẩm mang chủ đề "phiêu lưu kỳ ảo" với tông màu tươi sáng và cốt truyện lãng mạn. Giờ đây, Shazam (với "đệ tử" David F. Sandberg của James Wan) tiếp tục duy trì không khí phim ảnh đó theo một cách hoàn toàn mới.
Câu chuyện về cậu bé Billy Batson sẽ nhanh chóng kéo toàn bộ khán giả trong rạp về với không khí tuổi thơ của dòng phim gia đình những năm 1980 hay 2000 mà Home Alone (1990) là đối chiếu gần gũi nhất. Phim có cả bối cảnh Giáng sinh, bài học nhẹ nhàng lẫn hài đau cả bụng và cuối cùng là những phép nhiệm màu.
"Shazam" mang đậm chất phim gia đình thập niên trước.
Công bằng mà nói, Shazam đã hoàn toàn đánh mất chất liệu cơ bản của vũ trụ điện ảnh DC. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của nhà sản xuất khi bản thân nguyên tác Billy Batson đã là một thanh niên "trẻ trâu" 14-15 tuổi. Nhân vật Shazam trong truyện tranh đóng một vai trò khá quan trọng với Justice League, xuất hiện ở nhiều sự kiện u ám, đen tối. Nhưng trên thực tế vẫn là một nhân vật ngoại lai được DC thu nhận về sau vụ kiện thế kỷ với hãng Fawcett Comics.
Cách xây dựng Shazam trong phim có những điểm mạnh thuyết phục, và cũng đầy điểm yếu không đáng có. Cốt truyện phim thực sự không khó đoán, nhất là với ai đã quen xem phim viễn tưởng có lồng ghép chi tiết về tình cảm gia đình. Những màn tấu hài của siêu anh hùng mặt phụ huynh, hồn học sinh này duyên dáng tới mức sẽ bắt cả rạp phải cười lăn cười bò trong hầu khắp thời lượng.
Anh vẫn là kẻ ngoại lai từ truyện lên tới màn ảnh rộng.
Và quan trọng nhất với một bộ phim đề cao yếu tố "gia đình", thông điệp về một mái ấm thực sự sẽ là điểm nhấn lôi kéo mọi gia đình đem con nhỏ của mình tới rạp. Shazam cũng có thể được coi là phiên bản Deadpool tuổi 7 khi đâm xéo, chọc ngoáy một cách duyên dáng các vị siêu anh hùng tiền bối của nhà DC (nhưng cũng dành tặng cho họ sự tôn trọng và yêu quý nhất mực).
Nhược điểm tác phẩm cũng không khó để nhận ra, nhất là khi phim được xây dựng trên nền tảng "hài gia đình". Còn nhớ hai gã phản diện trong Home Alone từng ngốc nghếch như thế nào chứ? Và cái cách (hơi phi lý) mà 101 chú chó đốm kết hợp để đánh bại kẻ gian? Shazam tiếc thay lại vận dụng công thức đó để duy trì không khí sôi động và hài hước.
Doctor Sivana trở nên nhạt nhòa và đáng quên.
Thaddeus Sivana ( Mark Strong ) vì thế mà thành một nhân vật phản diện dễ quên. Kinh phí thấp khiến mảng hành động trong phim không đạt cấp độ long trời lở đất như màn không chiến lịch sử giữa Kal-El và General Zod hay Arthur vs King Orm. Thế nhưng phải nói là đội ngũ sản xuất đã xoay sở cực tốt với số vốn ít ỏi để đảm bảo chất lượng của các pha hành động trong phim.
Dẫu sao, điểm cộng của bộ phim thực sự áp đảo phần trừ nói chung, và đây sẽ là một tác phẩm tuyệt vời để fan của nhà DC tới rạp, cũng như chiêu mộ thêm đông đảo tầng lớp người hâm mộ mới.
Nhưng Shazam liệu có phải một hướng đi đúng đắn cho DCEU?
"… Cánh cửa phi thuyền Krypton bật mở, Clark Kent trong trang phục mang gia huy của nhà Kal bước ra ngoài, ngẩng đầu nhìn ngắm Mặt Trời non trẻ của Trái Đất, tắm đẫm hơi ấm của nó dưới những tia nắng vùng Cực. Cách duy nhất để con biết mình mạnh mẽ tới mức nào… đó là luôn thử thách giới hạn của bản thân mình."
Cảnh phim đã định hình phong cách cho DCEU.
Trong tiếng guitar điện tươi sáng của Hans Zimmer, Superman thực hiện lần bay thử đầu tiên, và đồng thời cũng nhận lại cú ngã đầu tiên. Anh đứng dậy, nhớ về những lời của người cha Krypton - Jor El - rằng mình sẽ là người đem lại lý tưởng cho nhân loại, rằng sẽ tới lúc họ tìm đến với anh, dưới ánh Mặt Trời rực rỡ.
Chuyến bay thứ hai của Clark Kent đã hoàn toàn phá bỏ mọi giới hạn năng lực của anh. Clark bay vọt lên trời xanh, bay qua núi cao, xavan, biển khơi; vận tốc siêu thanh của anh rẽ đôi mặt biển, để lại những tiếng nổ lớn trước khi xuyên thủng những đám mây và tiến vào tầng không…"
Biết bao giờ những hình đậm chất biểu tượng này mới trở lại?
Cảnh phim kinh điển First Flight đánh dấu sự kiện Clark Kent trở thành Superman, đồng thời đặt ra định hướng hào hùng ban đầu cho DCEU. Man of Steel đem tới câu chuyện về một đứa con của Trái Đất và Krypton trên con đường tìm kiếm bản ngã của mình. Batman v Superman: Dawn of Justice nói về cách nhân loại cùng lúc sợ hãi cũng như thán phục Superman, để rồi Justice League lẽ ra sẽ đánh dấu sự hòa hợp tuyệt đối của Người Đàn Ông Thép với ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà thực sự của anh.
Hàng loạt những ẩn dụ về tôn giáo - chính trị được đưa vào hai tác phẩm đầu tiên có thể khá nặng nề, nhưng nó chính là cái linh hồn của DC Comics, là thứ không khí nửa hiện thực, nửa lãng mạn mà bao thế hệ fan đã luôn tôn sùng. Cuộc đối thoại của Superman với người cha và người mẹ Trái Đất, những tâm sự, toan tính của Batman hay ánh nhìn đầy ám ảnh của anh vào bộ Batsuit trong Hang Dơi, giọt nước mắt tiếc thương của Wonder Woman - Diana Prince - khi người mình yêu hy sinh giữa vụ nổ rực sáng bầu trời chiến trường Châu Âu. Tất cả đã định hình một vũ trụ điện ảnh hoàn toàn khác biệt, sâu sắc và độc đáo bên cạnh người hàng xóm Marvel Comics.
DCEU đã khác quá xa với "Aquaman".
Thế giới được khai mở 6 năm trước của Superman giờ đây đã thay đổi quá nhiều. Cho tới Aquaman và Shazam, người xem gần như chẳng còn cảm nhận được cái không khí trầm hùng, ấn tượng của những Gotham, Metropolis hay Central City. Sau thất bại của Justice League, Warner Bros. buộc phải đổi hướng đi và Aquaman lập tức đem lại thành công với doanh thu 1,1 tỷ USD. Bài toán kinh tế rõ ràng có lợi này chắc chắn sẽ được củng cố được hướng đi mới của DC khi giải thể các dự án về siêu anh hùng hạng A - nay đã cũ kỹ - và sử dụng dàn siêu anh hùng mới lạ với các tuyến truyện rộng lớn không kém như Wonder Woman hay Shazam.
Cũng giống như thời trang ngày nay - ngày càng đường phố hóa và nom rẻ mạt hơn - nhưng lại tiếp cận được phần lớn người yêu thích thời trang đại chúng, phim ảnh đang vấp phải bài toán kinh tế nan giải. Tác phẩm sâu sắc, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật lại khó mà tìm được chỗ đứng, trong khi tác phẩm nhẹ nhàng, hài hước lại ghi điểm mạnh mẽ ở phân khúc tỷ đô.
Người xem liệu còn gặp lại những siêu phẩm như "V For Vendetta"?
Giả như Warner Bros. tiếp tục đi theo con đường này, phải chăng chúng ta sẽ không bao giờ được xem lại những siêu phẩm một thời mang nguyên tác DC như Man of Steel, Batman v Superman: Dawn of Justice hoặc xa hơn là The Dark Knight Trilogy, Watchmen (2009) hay V For Vendetta (2005)? Bằng chứng là Batman được đánh giá là "như bước ra từ comic" Ben Affleck đã tiện chân bước... luôn ra khỏi vũ trụ DCEU, dự án Man of Steel 2 thì mất hút, Wonder Woman sẽ còn một khoảng thời gian dài mới ra rạp, Green Lantern chưa thấy đâu, dự án Flashpoint gặp vướng mắc khi Ezra Miller không đồng tình với kịch bản hài hước kiểu mỳ ăn liền dễ chơi, dễ trúng thưởng kiểu Spider-Man: Homecoming .
Lỗi trên về cơ bản đến từ khâu quản lý và sản xuất yếu kém của Warner Bros. khi sở hữu nguồn nguyên liệu thượng hạng để làm phim siêu anh hùng mà lại thất bại thảm hại. Nhưng thực ra, hệ quả ấy cũng đến từ tâm lý ra rạp của khán giả khi lựa chọn các tác phẩm đề tài siêu anh hùng. Phải chăng, chính khán giả đại chúng cùng sự dễ dãi của họ đã và đang giết chết các tác phẩm điện ảnh mang tính triết lý xuất sắc của dòng phim siêu anh hùng nhà này? Ra rạp để thư giãn là dĩ nhiên, vậy nhưng đó sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc nếu trong tương lai, chúng ta sẽ có vô số những sự lựa chọn na ná nhau, xem thì vui nhưng không đọng lại gì nhiều.
Shazam! công chiếu trên toàn quốc từ ngày 05/04.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng