Thời đại của khung xương giúp con người thành siêu nhân đang đến rất gần
Thời gian tới, rất có thể bạn sẽ thấy nhiều hơn một ai đó bắt đầu mặc bộ khung xương trợ lực trên các bến cảng, trong nhà máy, tại các kho hàng, trên núi thay thậm chí ngoài đường phố.
Một bộ đồ giống như của Tony Stark trong bộ phim Iron Man có thể là một ước mơ xa vời đối với bạn. Thế nhưng ngay từ hôm nay, bạn hoàn toàn có thể đặt những bộ khung xương giúp nâng cao khả năng tự nhiên của cơ thể. Những bộ trang phục cơ khí đặc biệt này được biết đến với tên gọi “Exoskeleton”, tạm dịch là bộ khung xương trợ lực. Có lẽ trong thời gian tới chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn thấy chúng được ứng dụng ngoài đời sống thực tế chứ không chỉ trong những bộ phim viễn tưởng.
Một phiên bản khung xương trợ lực đang được phát triển bởi ActiveLink
Hãng Panasonic của Nhật Bản mới đây đã tuyên bố họ sẽ bắt đầu bán ra các bộ khung xương trợ lực này để giúp thực hiện các thao tác nâng hay di chuyển vật nặng dễ dàng hơn và giảm nguy cơ chấn thương. Sản phẩm được phát triển dưới sự hợp tác với ActiveLink. Bộ khung xương nặng chưa đầy 6 kg nhưng nó cho phép người đeo mang những vật nặng đến 15 kg một cách dễ dàng.
Tại thời điểm này, Panasonic đang thử nghiệm thiết bị với những công nhân làm việc tại các kho hàng ở Osaka. Trong thời gian tới thiết bị sẽ được tiếp tục thử nghiệm với các công nhân làm lâm nghiệp cùng khu vực.
Panasonic không phải là công ty duy nhất phát triển các bộ khung xương trợ lực. Các bộ đồ đặc biệt này đã được thử nghiệm nhiều trong quân sự và y tế. Tuy nhiên, thiết kế nhỏ gọn đến từ Panasonic mở ra hướng thương mại hóa sản phẩm viễn tưởng này và đem nó đến gần hơn với đời sống hàng ngày, đặc biệt với các người lao động chân tay.
Một công nhân đang sử dụng mẫu khung xương của Panasonic
“Chúng tôi hy vọng rằng bộ khung xương trợ lực có thể được sử dụng rộng rãi trong vòng 15 năm tới.”, Mio Yamanaka, phát ngôn viên của Panasonic cho biết. “Các thiết bị sẽ hướng tới đối tượng là những người làm việc đòi hỏi sức mạnh thể chất như các công nhân vận chuyển hàng hóa, công nhân xây dựng, nông nghiệp hoặc lâm nghiệp.”
Thiết bị của Panasonic gồm một động cơ sợi cacbon siêu nhẹ và các cảm biến sẽ kích hoạt động cơ khi người mặc cử động nhấc chân hoặc mang vác vật nặng. ActiveLink thì đang thử nghiệm những thiết kế lớn hơn nhiều cho phép người mặc mang vật nặng tới 100 kg.
Một số công ty đang quan tâm đến công nghệ có thể hỗ trợ người lao động và tránh các chấn thương nghiêm trọng. Hãng sản xuất ô tô nổi tiếng tại Đức, BMW đã hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Munich để thử nghiệm một thiết bị gắn vào các ngón tay giúp công nhân thực hiện những tác vụ lặp đi lặp lại một cách dễ dàng hơn. Hãng xe nổi tiếng khác, Audi cũng đang thử nghiệm một thiết bị tương tự khung xương trợ lực với tên gọi Noonee.
Tại Nhật Bản, nơi nền công nghiệp robot và lắp ráp phát triển bậc nhất toàn cầu, hãng Cyberdyne cũng đã bán ra các bộ khung xương trợ lực hỗ trợ cho y tế và công nghiệp. Công nghệ mà họ sử dụng được chuyển giao từ Đại học Tsukuba, bộ khung xương sẽ có thể phát hiện những tín hiệu thần kinh thể hiện y định di chuyển của người mặc. Từ đó các chuyển động tương ứng của bộ khung sẽ được tính toán và thực hiện trước. Hồi đầu năm, Cyberdyne đã ký một thỏa thuận hợp tác với Omron, hãng sản xuất thiết bị tự động hóa hàng đầu Nhật Bản trong việc phát triển các công nghệ hỗ trợ sử dụng trong các nhà máy.
Một mẫu Noonee được thử nghiệm tại nhà máy của Audi
Tại Mỹ, hãng Bionics, đồng sáng lập bởi giáo sư Homayoon Kazerooni đến từ Đại học California, Berkeley cũng đang làm việc tích cực nhằm thương mại hóa hai mẫu khung xương trợ lực. Một mẫu của Bionics dành cho việc hỗ trợ các bệnh nhân chấn thương phục hồi chức năng. Mẫu này đang được công ty thử nghiệm tại Ý. Một mẫu khác được ứng dụng trong công nghiệp. Các mẫu này được thiết kế khá gọn nhẹ và phù hợp với cử động của một người bình thường.
Tháng trước, Kazerooni đã có bài thuyết trình tại Viện Wyss thuộc Đại học Harvard. Tại đó, ông nói các bộ khung xương trợ lực sẽ nhẹ hơn đáng kể, điều này giúp chúng rẻ hơn và cũng linh hoạt hơn.
Các bộ khung xương trợ lực đã được thương mại khá lâu trong lĩnh vực y tế. Chúng giúp các bệnh nhân có vấn đề về cử động có thể đi lại hoặc phục hồi chức năng. Mới đầu tuần, một công ty có tên ReWalk đặt trụ sở tại Marlborough, Massachusetts, công bố phiên bản mới nhất cho thiết bị hỗ trợ những người chấn thương tủy sống. Thiết bị này cho phép những bệnh nhân đáng ra phải ngồi xe lăn có thể đi lại với sự trợ giúp của nạng. Bên cạnh đó, các bộ khung xương mạnh mẽ hơn đã từng được thử nghiệm bởi quân đội Mỹ trong một khoảng thời gian dài.
Những tiến bộ của công nghệ ngày hôm nay đã có thể làm cho các bộ khung xương trở nên phổ biến hơn. Tại Đại học Harvard, hai giáo sư Conor Walsh và Robert Wood đang làm việc để phát triển các bộ khung xương sử dụng vật liệu mới giúp chúng tiếp tục nhẹ hơn và thoải mái hơn.
Nói tóm lại, trong thời gian tới, khi các thử nghiệm của Panasonic, ActiveLink, Bionics hay BMW và Audi kết thúc thành công, rất có thể bạn sẽ thấy nhiều hơn một ai đó bắt đầu mặc bộ khung xương trợ lực trên các bến cảng, trong nhà máy, tại các kho hàng, trên núi thay thậm chí ngoài đường phố.
Theo Technologyreview
Exoskeleton - bộ giáp giúp con người nhanh, mạnh như siêu nhân
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng