Thor đánh Hulk mạnh tới mức nào trong trailer phim siêu anh hùng Marvel mới nhất? Hãy để vật lý trả lời
Hãy để vật lý lên tiếng! Nếu không ngăn được hai anh đánh nhau thì ít ra cũng giải thích chuyện gì sẽ xảy ra SAU KHI hai anh đối đầu.
Nhiều bộ phim bom tấn có sự trợ giúp của những giáo sư, những nhà nghiên cứu để giúp cho yếu tố khoa học trong phim được thực tế hơn, để không làm lạc lối những khán giả chưa biết tới những khái niệm xa vời của vũ trụ, của vật lý, … Nhưng gần như có thể chắc chắn rằng (tôi cũng vừa kiểm tra IMDB xong) bộ phim Thor: Ragnarok không cần tới những lời khuyên của một chuyên gia vật lý đâu.
Nhưng điều đó không ngăn cản được những nhà vật lý tiến hành “nghiên cứu” bộ phim này. Cụ thể, phó giáo sư vật lý Rhett Allain tại Đại học Đông Nam Louisiana đã đi tìm hiểu xem Thor đánh Hulk đau cỡ nào trong trailer mới nhất của bộ phim cùng tên (Thor: Ragnarok chứ không phải là Thor Đánh Hulk).
Nếu bạn chưa hiểu hình ảnh đó từ đâu, thì hãy xem ngay trailer dưới đây. Muôn phần xin lỗi vì đã làm mất tính kịch tính của trailer khi nói trước với bạn rằng Hulk sẽ xuất hiện trong trailer này.
Trailer mới của Thor: Ragnarok.
Khi hai thế lực mạnh mẽ bậc nhất trong vũ trụ Marvel gặp mặt tại một đấu trường ở đâu đó, họ lao vào nhau với tốc độ kinh hoàng rồi nhảy cao lên không, chắc hẳn sẽ diễn ra một trận thư hùng vào giây phút đó (hoặc là không, Marvel không cho ta xem cảnh tiếp theo của vụ đụng độ đó). Dù vậy, ta vẫn có thể khá chắc chắn rằng Thor đã đánh một cụ khá đau và dưới đây, vật lý sẽ giải thích về cơn đau ấy theo hai cách khác nhau: cơn đau của Hollywood và cơn đau thực tế.
Cơn đau mang tên Hollywood
Đây là nền tảng để xây dựng nên phép tính: để dễ tính toán thì hãy cho rằng Hulk nặng gấp 3 lần Thor, họ chạy lấy đà lao vào nhau với hai tốc độ tương đương, độ cao của cú nhảy tương được và va vào nhau ở đoạn giữa của đường cung mà họ tạo nên khi nhảy. Trong khung cảnh này, thì điều rất dễ xảy ra đó là Thor sẽ đánh Hulk một cú cực mạnh, và gã khổng lồ xanh kia sẽ bay bật về hướng ngược lại.
Tại sao nó lại dễ xảy ra ư? Bởi tên bộ phim là Thor: Ragnarok chứ không phải Hulk: Planet Hulk, chẳng phải đoán ai là nhân vật chính ở đây.
Đây là mô hình được giáo sư vật lý Rhett Allain tạo nên:
Trông có vẻ hay, nhưng bất ngờ thay, đó lại không phải là cách mà vật lý hoạt động trong thế giới thực.
Cú đấm của vật lý đương đại
Bây giờ mới là những gì thực sự sẽ diễn ra trong thế giới thực, hiển nhiên là NẾU như cả hai anh chàng siêu anh hùng kia đều có thực. Bạn có biết điều gì khiến cho cú va chạm lịch sử này rất tuyệt không? Đó là cả hai người (đúng ra là một thần và một người không-hẳn-là-người) đều đang bay trên không. Điều đó có nghĩa là chỉ có hai lực tác động vào họ mà thôi – ta sẽ đơn giản hóa vấn đề đi rất nhiều.
Lực tác động đầu tiên là lực hấp dẫn của Trái Đất kéo cả hai họ xuống, lực thứ hai tới từ Thor khi anh đánh Hulk một cú “trời giáng” (haha trời giáng, vì Thor là Thần Sấm từ trên trời xuống mà ...). Nhưng chưa hết, theo như những gì ta học trên lớp về định luật bảo toàn động lượng, thì nếu Thor đánh Hulk một cú cực mạnh thì Hulk cũng phản lại Thor một lực cùng độ lớn và theo hướng ngược lại.
Nói đơn giản, thì nếu Thor đẩy một lực 1.000 Newton về bên phải về hướng Hulk thì Hulk sẽ đẩy lại một lực 1.000 Newton ngược lại về hướng bên trái, hướng có Thor.
Vậy điều này có nghĩa gì? Định luật bảo toàn động lượng nói rằng tổng lực tác dụng lên một vật làm thay đổi động lượng của một vật, với động lượng là sản phẩm được tạo ra từ khối lượng và vận tốc. Vì thế, trong trailer phim này, thì Thor và Hulk sẽ có tổng lực tác động bằng nhau khi đâm vào nhau (giả sử ta có thể loại bỏ yếu tố trọng lực), vì thế họ sẽ trải qua hai sự thay đổi động lượng y hết nhau. Nhưng bởi Hulk nặng cân hơn Thor 3 lần, anh chàng to lớn xanh xao này sẽ bị tác động ít hơn, từ đó vận tốc biến đổi sau va chạm sẽ bé hơn.
Dưới đây là mô hình được giáo sư Allain dựng
Từ đó, ta có thể kết luận (bằng vật lý thực chứ không phải vật lý phim ảnh) rằng dù Thor đánh mạnh cỡ nào, anh ta cũng sẽ bị bật lại. Đó là vật lý cơ bản và không có điều gì thay đổi được nó cả, trừ khi đó là một bộ phim giả tưởng.
Dưới đây là hình ảnh Thor và Hulk va chạm, trước khi được xử lý bằng kĩ xảo máy tính:
Thực ra không phải đâu. Nếu bạn nhìn thật kĩ, bạn sẽ phát hiện ra đó chỉ là hai xe chạy trên một đường ray với hai mảnh giấy đề tên Thor và Hulk dán lên trên. Đảm bảo là Thor sẽ thua dù có thử nghiệm như thế nào đi nữa, nhưng ta cũng chẳng thể làm gì được, vũ trụ trong phim có một thứ vật lý khác thường lắm, cứ hỏi mấy nhà làm phim Ấn Độ thì biết.
Nếu như Rhett Allain là trợ lý vật lý cho Marvel, anh sẽ gợi ý kịch bản như sau:
Thor và Hulk lao tới nhau trong trận đấu cân sức và cùng bay lên không. Trong lúc tức giận, Hulk không để ý là Thor chuẩn bị đánh anh ta. Thor giáng một cú cực mạnh vào Hulk nhưng bị bật thẳng lại vào bức tường sau lưng mình. Thor đứng dậy, chỉnh mũ và nói lớn: “Ở vũ trụ này vật lý vật hoạt động như thường, ta quên mất rằng kẻ địch có khối lượng lớn hơn ta và động lượng thì vẫn được bảo toàn. Nếu như ta vẫn còn thứ vũ khí đáng tin cậy, cây búa Mjolnir, khối lượng khổng lồ của nó sẽ đảm bảo cho ta thắng trận”.
Những dòng trên có lẽ cũng là lý do tại sao các giáo sư vật lý không được tin tưởng giao nhiệm vụ viết kịch bản phim.
Tham khảo Wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng