Thử cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh bằng smartphone giá 200 USD và cái kết: chụp xấu là do bạn, không phải do điện thoại
Để chụp ảnh đẹp không nhất thiết phải có smartphone đắt tiền.
Ngày nay, các hãng smartphone đua nhau nhồi nhét các phần cứng camera tốt nhất vào smartphone rồi bán chúng với giá hàng ngàn USD. Người tiêu dùng cũng bị cuốn vào, luôn mong muốn có một mẫu smartphone cao cấp với camera tiên tiến để chụp được các bức ảnh đẹp. Nhưng để chụp ảnh đẹp chúng ta có thực sự cần tới smartphone đắt tiền hay không?
Chúng ta thường nghe nói rằng một nhiếp ảnh gia giỏi có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp với bất kỳ camera nào hay bất kỳ chiếc smartphone nào. Điều này có đúng không?
Câu trả lời cho 2 câu hỏi trên không hề đơn giản. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này và xem những gì một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể làm với một chiếc smartphone Android giá 200 USD.
Ghi chú: Các bức ảnh trong bài đã được giảm dung lượng để trang web có thể tải nhanh hơn. Nếu muốn xem ảnh gốc, bạn có thể truy cập Google Drive bằng cách nhấp vào đây.
Đầu tiên hãy nói một chút về anh thợ ảnh tham gia thử nghiệm này
Anh ta tên là Edgar Cervantes, Trưởng phòng Hình ảnh và Nhiếp ảnh tại Android Authority và đã làm trong ngành truyền thông công nghệ được 9 năm. Anh chủ yếu thực hiện các phóng sự ảnh và chụp ảnh sản phẩm và đã tác nghiệp tại nhiều hội nghị, diễn đàn và sự kiện công nghệ khác nhau. Những dự án nhiếp ảnh lối sống và ảnh studio của Android Authority cũng co Cervantes đảm nhiệm.
Kỹ thuật và công nghệ
Như thế nào là một bức ảnh đẹp? Theo Cervantes, yếu tố quan trọng nhất của một bức ảnh đó là khả năng gợi cảm xúc, thể hiện chủ đề một cách độc đáo hoặc kể một câu chuyện cụ thể. Ngoài ra, bố cục, ánh sáng và phong cách là một số khía cạnh mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường xuyên ghi nhớ khi chụp một bức ảnh.
Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ coi kích thước cảm biến, ống kính và phụ kiện đắt tiền là thứ yếu. Tuy nhiên, Cervantes cho rằng nếu có chúng thì sẽ tốt hơn. Quan điểm của Cervantes là các công nghệ và phụ kiện tiên tiến không giúp các bức ảnh của bạn trở nên tuyệt vời nhưng nó có thể đưa những bức ảnh vốn đã tuyệt vời của bạn lên một tầm cao mới.
Thần tượng của Cervantes là Joey Lawrence. Mặc dù chi rất nhiều tiền cho hàng đống phụ kiện nhiếp ảnh nhưng Lawrence lại thường xuyên tuyên bố rằng chúng chỉ là thứ yếu. Trong cuộc phỏng vấn với PhotoWhoa, khi được hỏi rằng sẽ làm gì với ngân sách 100 USD, Lawrence nói:
"Đối với tôi, điều cần nhất là ánh sáng tốt. Mặc dù tôi sử dụng nhiều phụ kiện tuyệt vời trong khi quay/chụp nhưng để tạo ra ánh sáng tốt thì không cần tới những thứ đắt tiền. Tôi chỉ cần một mảnh bìa cứng lấy trong thùng rác, chi thêm 2 USD để mua 1 cuộn giấy bạc là có thể tạo ra tấm hắt sáng xịn xò. Sau đó, tôi đưa đối tượng của mình tới một địa điểm có bố cục đẹp sẵn, chẳng hạn như một khu sân thượng hoặc một bức tường thú vị phù hợp với chủ đề. Còn lại 98 USD tôi sẽ dùng để chiêu đãi anh em trong nhóm một bữa tối tuyệt vời".
Tóm lại, để chụp một bức ảnh lý tưởng thì bạn phải áp dụng các nguyên tắc cơ bản của nhiếp ảnh đồng thời tận dụng tối đa môi trường và công nghệ mà bạn có. Nếu bạn chỉ có trong tay một chiếc smartphone trung bình, điều bạn cần làm là đẩy nó đến giới hạn cao nhất của nó để tạo ra các bức ảnh đẹp.
Chiếc smartphone và quá trình thử nghiệm
Trong thử nghiệm của mình, Cervantes dùng một chiếc Motorola Moto E5 Plus. Giá của nó tùy thuộc vào nơi bạn đặt mua, trung bình khoảng 200 USD.
Moto E5 Plus có camera 12MP, khẩu độ f/2.0 và kích thước điểm ảnh 1.25um. Camera được hỗ trợ bởi đèn LED, tính năng lấy nét tự động theo pha và lấy nét laser. Đương nhiên, một chiếc smartphone Android 200 USD như Moto E5 Plus sẽ không có tùy chọn xuất ảnh ra định dạng RAW và vì thế Cervantes sẽ thực hiện công việc trên định dạng JPEG. Đây là một hạn chế bởi bạn có thể có những bức ảnh đẹp hơn với định dạng RAW nhưng như đã nói ở trên, chúng ta sẽ phải chụp ảnh đẹp chỉ bằng những gì chúng ta có trong tay.
Moto E5 Plus có chế độ chụp thủ công và gần như Cervantes chỉ chụp ở chế độ này. Anh ta muốn kiểm soát càng nhiều thiết lập càng tốt.
Trong bài này, Cervantes sẽ không so sánh Moto E5 Plus với các thiết bị cao cấp nhưng đó là một chủ đề thú vị mà anh ta nghĩ rằng mình thực hiện sau này. Chắc chắn sẽ rất hấp dẫn khi so sánh những bức ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên smartphone cao cấp và smartphone tầm thường.
Trước khi bắt đầu, Cervantes lưu ý rằng anh đã chụp những bức ảnh trong bài này bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Ngoài ra, sau khi chụp anh còn chỉnh sửa bằng Adobe Lightroom CC, một phần mềm mà các nhiếp ảnh gia rất ưa chuộng. Lightroom CC có tính phí nhưng bạn có thể sử dụng ứng dụng Snapseed miễn phí của Google để thay thế.
Thử nghiệm chụp ảnh sản phẩm
Trong thử nghiệm đầu tiên, Cervantes tái hiện lại một số bức ảnh chụp Android Q mà anh đã từng chụp cho Android Authority. Các bức ảnh này được chụp trong studio, ánh sáng được kiểm soát và trong cùng một điều kiện. Chúng ta hãy so sánh bức ảnh chụp bởi Moto E5 Plus với ảnh chụp bởi máy ảnh DSLR Nikon D610 full-frame.
Ảnh chụp bởi DSLR Nikon D610
Ảnh chụp bởi Moto E5 Plus
Ảnh chụp bởi DSLR Nikon D610
Ảnh chụp bởi Moto E5 Plus
Sự thật là nếu không soi kỹ, ngay cả dân chuyên nghiệp cũng không thể nhận ra đâu là bức ảnh chụp bởi chiếc smartphone. Tuy vậy, những con mắt tinh tường sẽ nhận ra các chi tiết khác biệt.
Khả năng xuất ra định dạng RAW của máy ảnh DSLR cung cấp cho nhiếp ảnh gia nhiều dữ liệu hơn. Ví dụ như trong bức ảnh đầu tiên, mặt bàn và chiếc điện thoại được chụp chi tiết hơn. Độ chính xác của màu sắc cũng tốt hơn, dải tần nhạy sáng cũng trội hơn nhiều.
Đúng là bức ảnh chụp bởi Moto E5 Plus trắng hơn nhưng độ chính xác của màu sắc kém hơn. Logo màu xanh cùng như nút màu cam và thân của chiếc smartphone quá tối và quá bão hòa. Điều này là do phần mềm của chiếc smartphone sẽ xử lý độ tương phản và độ bão hòa cùng nhiều thứ khác trước khi cung cấp cho bạn tập tin JPEG đã được nén. Điều này khiến bạn chẳng còn mấy không gian để xử lý hậu kỳ.
Khác biệt rõ ràng nhất nằm ở độ sâu trường ảnh (depth of field). Tất nhiên, ống kính macro giá 800 USD, 105mm, khẩu f/2.8 của Cervantes trên chiếc Nikon sẽ tạo ra hiệu ứng làm mờ nền mịn màng hơn. Ảnh chụp bởi chiếc smartphone không có chút làm mờ nền nào cả và Cervantes đã phải tái tạo lại nó trong khi chỉnh sửa.
Chụp chân dung
Vợ của Cervantes đang tìm việc và cô ấy cần một bức ảnh thẻ vì vậy anh ta đã nhân cơ hội này để thử khả năng chụp chân dung của Moto E5 Plus.
Không quá tệ đúng không? Tuy nhiên, Cervantes vẫn có một vài điều để phàn nàn. Đầu tiên, anh cho rằng phần mềm đã làm nét bức ảnh quá mức, đây là điều mà hầu hết các smartphone đều mắc phải. Thứ hai, dải tần nhạy sáng không hề có khi mà bóng gây ra bởi tóc đậm hơn nhiều so với chụp bởi máy ảnh đắt tiền. Ngoài ra, còn có một số ảnh giả rất khó loại bỏ. Nhưng dù sao thì đây cũng là bức ảnh tuyệt vời cho hồ sơ trên LinkedIn.
Phóng sự ảnh
Đã đến lúc rời khỏi studio. Đây là tấm ảnh Cervantes chụp những người di cư đang trú ẩn trong các khu tạm bợ ở biên giới Mexico và Mỹ.
Đây là bức ảnh đẹp và hoàn toàn có giá trị sử dụng trong các bài phóng sự nóng. Nó thể hiện rằng đôi khi bạn có thể tác nghiệp nhanh bằng chiếc smartphone mình đang có trong tay, không cần tới thiết bị đắt tiền.
HDR mặc định so với HDR thực thụ
Giờ Cervantes sẽ tiến hành một thử nghiệm nhỏ. Hầu hết các smartphone hiện tại đều có HDR (High Dynamic Range). Trong khi các hãng smartphone luôn miệng khoe rằng họ đã tối ưu một cách tốt nhất công nghệ phức tạp này, bạn vẫn có thể tự chụp những bức ảnh HDR đẹp hơn nếu bạn nắm rõ kỹ thuật.
Về cơ bản, HDR cân bằng phơi sáng trên toàn bộ khung hình. Điều này được thực hiện bằng cách chụp nhiều ảnh ở tốc độ màn trập khác nhau. Mỗi bức ảnh sẽ phơi sáng ở các mức độ khác nhau. Sau đó chúng sẽ được hợp nhất để tạo ra một bức ảnh duy nhất với nhiều thông tin hơn trong cả phần sáng và phần tối.
Cho dù các mẫu điện thoại có tuân thủ quy tắc này hay không, sự thật là kết quả mà nó tự động tạo ra không thể bằng ảnh HDR thủ công. Trong phần này, Cervantes quyết định so sánh tính năng chụp HDR tích hợp của Moto E5 Plus với ảnh HDR do anh tự chụp. Cervantes đã chụp nhiều ảnh bằng Moto E5 Plus, hợp nhất chúng bằng Lightroom và so sánh với ảnh HDR tự động của chiếc smartphone. Đây là kết quả:
Ảnh HDR tự động
Ảnh HDR Cervantes chụp
Ảnh HDR tự động
Ảnh HDR Cervantes chụp
Ảnh HDR thủ công có mức phơi sáng đồng đều hơn, chứa nhiều chi tiết hơn và trông tự nhiên hơn. Sự khác biệt là rất đáng kinh ngạc. Nếu bạn quan tâm nghiêm túc tới tính năng HDR hãy dành thời gian tìm hiểu cách chụp HDR thủ công. Như bạn có thể thấy ở trên, nếu bạn nắm rõ kỹ thuật, bất kỳ camera nào, kể cả smartphone giá rẻ cũng có thể chụp ảnh HDR ấn tượng.
Chụp đồ ăn
Chụp đồ ăn là một xu hướng phổ biến nhưng trên mạng đầy những bức ảnh đồ ăn xấu xí. Với bức ảnh này, Cervantes đã dùng một tấm LED nhỏ để chiếu ánh sáng vào chiếc bánh. Không phải ai cũng có công cụ này nhưng bạn cũng có thể dùng tính năng đèn pin trên smartphone.
Bức ảnh có mức chi tiết tốt ở phần bánh mỳ và kem. Tuy nhiên, quan sát phần socola và Oreo của chiếc bánh bạn sẽ thấy sự hạn chế của camera trên Moto E5 Plus. Khu vực này bức ảnh không hề rõ ràng, ít chi tiết.
Dẫu vậy, đây vẫn là bức ảnh đẹp để chia sẻ trên Instagram.
Ảnh chụp nhanh, cầm tay
Đây là một số bức ảnh mà Cervantes chụp nhanh theo phong cách nhiếp ảnh đường phố. Mời các bạn cùng xem. Cervantes không có nhận xét gì ở phần này, chỉ đơn giản là cho chúng ta thấy khả năng chụp ảnh của Moto E5 Plus.
Kết
Cervantes nghĩ rằng những bức ảnh này đẹp hơn những gì anh từng chụp bằng máy ảnh DSLR đầu tiên mà anh có. Tất cả những bức ảnh chụp bởi chiếc Moto E5 Plus giá 200 USD này cho bạn thấy camera smartphone có thể lầm tốt như thế nào.
Dẫu vậy, chiếc Moto E5 Plus này được hưởng lợi rất nhiều từ kỹ năng của Cervantes. Nhiếp ảnh gia này đã đầu tư nhiều công sức vào những bức ảnh chụp bởi Moto E5 Plus chứ không chỉ đơn giản là giơ máy lên và nhấn nút chụp. Chắc chắn là bạn không phải khổ như Cervantes bởi anh ta chỉ đang muốn chứng minh rằng nếu bạn để tâm một chút thì các bức ảnh của bạn sẽ đẹp hơn. Mặt khác, dù hơi phũ nhưng Cervantes cũng cho chúng ta thấy rằng: chụp ảnh xấu là lỗi của bạn chứ không phải lỗi của chiếc điện thoại (hoặc máy ảnh).
Chúng ta rút ra được điều gì từ thử nghiệm của Cervantes? Vâng, camera trên smartphone được các hãng sản xuất theo những cách khác nhau và một số có chất lượng tốt hơn. Các smartphone có công nghệ camera tiên tiến hơn cũng sẽ đắt hơn. Tuy nhiên, nhìn những gì Cervantes chụp bạn sẽ thấy rằng để chụp ảnh đẹp không cần tới các mẫu smartphone giá nghìn đô.
Theo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng