Thử dịch vụ đi chợ hộ từ Grab, Now, Be và VinMart: Ngồi ở nhà bấm điện thoại là được giao tận nơi, cũng hay nhưng còn nhiều điều cần cải thiện
Các gia đình có thể thoải mái ở nhà phòng dịch, chỉ cần đặt hàng hoặc nhờ shipper mua đồ hộ rồi ship về tận nơi là được.
- Mang việc về nhà làm online cũng không hề gì vì đã có mấy món này cứu cánh, giá rẻ thôi mà cực kì hữu dụng
- Quán cà phê Sài Gòn dùng… cần câu và đề can để giữ khoảng cách an toàn cho khách hàng mùa Covid-19
- Chuyện tình ban công mùa Covid-19: Dùng drone làm quen hàng xóm thành công, thanh niên có sáng kiến không ngờ tới để được gặp nàng
Mô hình dịch vụ đi chợ hộ không còn mới, nhưng ở thời điểm dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay thì mới bắt đầu được chú ý và mở rộng quy mô. Trước đây, đã có Now và Vinmart mở ra dịch vụ đi chợ hộ (Now Fresh và Scan & Go), về cơ bản vẫn giống như mua hàng hay đồ ăn online, lại có đi kèm những ưu đãi, giảm giá đặc biệt khá hấp dẫn.
Gần đây thì có thêm 2 dịch vụ đi chợ hộ nữa từ Grab và Be, gọi là Grab Mart và Be đi chợ, cũng nhấn mạnh vào sự tiện lợi cho người dùng, không cần phải ra khỏi nhà mà vẫn mua được đủ nhu yếu phẩm.
Vậy thì, 4 dịch vụ này dùng ra sao, hơn thua nhau ở điểm nào? WeBuy đã thử đặt và dưới đây là những trải nghiệm và so sánh:
Grab Mart
Nói ngắn gọn thì, Grab Mart hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên vẫn cực kì sơ sài. Dịch vụ này được quảng cáo là mới chỉ có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, và khi xem danh sách thì cũng chỉ có hơn chục cửa hàng, siêu thị nhỏ lẻ. Các mặt hàng phần lớn là thực phẩm, nước uống, rau củ và hoa quả sạch.
Gọi là "Bách hóa" nhưng sự thật giờ mới chỉ được "Thập hóa" thôi.
Tại Hà Nội, bạn đã có thể truy cập vào mục Grab Mart trong ứng dụng Grab và đặt hàng, nhưng số lượng cửa hàng liên kết thậm chí còn ít hơn nữa. Con số thì vẫn đang tăng lên từng ngày, nhưng rõ ràng là chưa thể so bì được với Now Fresh hay Scan & Go.
Hiện tại, Grab Mart vẫn còn đang thử nghiệm nên số lượng cửa hàng và mặt hàng rất hạn chế.
Phần còn lại của trải nghiệm thì không khác gì đặt đồ ăn cả. Grab cũng nhân tiện mới mở dịch vụ nên có cho kèm vài mã code freeship cho những đơn hàng đầu tiên, nhưng sự hạn chế về số lượng cửa hàng thì lại chưa thể thu hút được người dùng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Be đi chợ
Dịch vụ Be đi chợ cũng mới được triển khai hồi đầu tháng 3, nhưng hiện đã hoạt động trên rất nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Lý do mà Be có thể triển khai nhanh vậy là vì họ không cần liên kết với các cửa hàng, không cần lên menu các món có thể đặt.
Dịch vụ của Be có thể triển khai ngay lập tức, tuy nhiên lại có điểm yếu không thể tránh khỏi.
Be đơn giản là cho phép người dùng “mượn” tài xế đi chợ hộ đúng nghĩa đen. Bạn sẽ được chọn địa điểm muốn mua đồ (siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tạp hóa và nhiều hàng quán khác), tự liệt kê danh sách những món cần mua và số lượng, sau đó bấm đặt đơn và chờ shipper giao hàng.
Cách này cũng rất hay vì có thể triển khai ngay lập tức ở bất kì địa phương nào mà không cần thay đổi hệ thống dữ liệu. Thế nhưng, bạn sẽ mất rất lâu để gõ đủ và đúng món cần mua vào ứng dụng, và nếu muốn mua thật nhiều món thì thực sự nhanh nản. Lẽ ra, Be nên thêm tính năng upload ảnh món hàng/list hàng cần mua để tăng độ chính xác/đơn giản cho cả người dùng lẫn shipper. Đó còn là chưa kể đến việc shipper mua nhầm hàng, chọn không đúng loại ngon… và bạn sẽ khó có thể yêu cần hoàn tiền hay đổi trả theo ý muốn.
Dịch vụ của Be có thể coi là "đi chợ hộ" theo đúng nghĩa đen.
Những trải nghiệm còn lại thì vẫn y như khi giao hàng bằng Be, có điều thời gian chờ đợi phụ thuộc rất nhiều vào số lượng đồ và tốc độ chọn đồ, chạy xe của shipper, thường thì có thể lên tới cả tiếng đồng hồ.
Now Fresh
Now Fresh có thể coi là "lão làng" trong nghề đi chợ hộ.
Vì đã được triển khai từ lâu nên Now Fresh có lợi thể ở số lượng mặt hàng/cửa hàng đã liên kết. Quá trình chọn đồ cũng đơn giản, dễ dàng như khi đặt đồ ăn. Tuy nhiên, Now Fresh chỉ tập trung vào các loại thực phẩm, nước uống chứ không thể đặt các mặt hàng khác như đồ dùng trong nhà, đồ dùng cá nhân…
Now Fresh tập trung mạnh vào các mặt hàng thực phẩm, đồ tươi sống, nước uống... chứ không đặt được đồ dùng.
Hiện tại, Now Fresh cũng chỉ liên kết với các cửa hàng, siêu thị nhỏ lẻ chứ không có Big C hay Vinmart. Bù lại thì điểm cộng là đơn hàng được gửi thẳng đến bên bán, giảm thời gian chờ đợi, chọn đồ. Nếu có vấn đề gì xảy ra cũng dễ dàng giải quyết hơn vì có thông tin mua đầy đủ trong ứng dụng.
VinID đi chợ
Được tách ra thành tính năng Đi Chợ nhưng thực chất chỉ là "rượu cũ bình mới".
Dù Vinmart mới công bố dịch vụ đi chợ hộ này là mới mẻ, nhưng thực chất nó vẫn là tính năng Scan & Go đã ra mắt từ lâu trên ứng dụng VinID. Điểm cộng của dịch vụ này là có rất rất nhiều mặt hàng, gần như mọi thứ mà bình thường bạn có thể mua tại các siêu thị Vinmart. Ngoài ra, ứng dụng còn hay có thêm các ưu đãi, khuyến mãi và giảm giá từng món nữa, hoặc bạn có thể lựa chọn đặt đồ trước rồi hẹn giờ đến siêu thị lấy đồ chứ không cần chờ shipper giao.
Lợi thế của Scan & Go là có đầy đủ các loại mặt hàng chứ không chỉ có thực phầm, đồ uống hay đồ hộp.
Điểm trừ của Scan & Go là sẽ phải chờ khá lâu mới được giao hàng, thường thì lên tới 1 - 2 tiếng, thậm chí còn lâu hơn nếu bạn đặt vào giờ cao điểm vì số lượng nhân viên/shipper của Vinmart rất hạn chế. Thậm chí, gần đây còn có trường hợp khách hàng “được” Vinmart yêu cầu hủy đơn nếu thấy không thể đợi lâu hơn. Nếu muốn dùng Scan & Go, tốt nhất bạn nên đặt mua trong giờ thấp điểm hoặc mua trước 1 - 2 ngày để đơn hàng được xử lý tốt hơn, tránh tình cảnh đến giờ cơm mà vẫn đồ ăn vẫn chưa tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng