Thứ gây ra 90% số ca ung thư phổi đang quẩn quanh người Việt: Thích đến mấy cũng nên bỏ

    Ngọc Minh,  

    Ung thư phổi là căn bệnh ác tính có tỷ lệ tử vong cao do đa phần các bệnh nhân thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

    "Thủ phạm" số 1 gây ung thư phổi 

    Theo Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong do ung thư phổi. Ung thư phổi có hai loại là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 20%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80%), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn.

    TS.BS Phạm Tuấn Anh, Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K cho hay, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Hút thuốc lá chủ động và bị động đều có tác hại như nhau. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. Một số trường hợp có yếu tố di truyền (đột biến gen gây ung thư) sẽ càng dễ mắc ung thư phổi khi hút thuốc lá. 

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam nhiều hơn nữ giới, cụ thể tỷ lệ này ở nam giới là 42,3% và nữ giới chỉ là 1,7%. 

    Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố khác có thể dẫn tới ung thư phổi, đó là phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm.

    Thứ gây ra 90% số ca ung thư phổi đang quẩn quanh người Việt: Thích đến mấy cũng nên bỏ- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa ung thư phổi

    Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi

    Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao là do bệnh nhân phát hiện bệnh muộn. Theo bác sĩ Tuấn Anh, ở giai đoạn sớm, ung thư phổi có triệu chứng rất nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Ở giai đoạn này, người bệnh tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe.

    Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:

    - Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho ra máu).

    - Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng.

    - Sút cân, đau mỏi cơ thể.

    - Phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.

    - Đau ở tay, vai và cổ nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi.

    Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống (di căn xương), đau tức bụng (di căn gan), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân (di căn não).

    Bác sĩ Tuấn Anh cho biết nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi là hút thuốc lá, nhưng đây là nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Do vậy, cách tốt nhất và quan trọng nhất để phòng bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá. Nếu đang hút thuốc lá, mọi người nên ngừng hút càng sớm càng tốt vì điều này có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều.

    Ngoài ra, khi tham gia lao động ở những nơi có nguy cơ, mọi người cần có thiết bị bảo hộ. Giữ gìn môi trường trong lành, xây dựng chế độ ăn lành mạnh và tăng cường luyện tập thể dục thể thao cũng là cách đơn giản giúp phòng ngừa ung thư phổi.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày