Thủ tục hành chính "ép" startup Việt chuyển công ty sang Singapore?

    PV,  

    ictnews Để việc đầu tư được thuận lợi, nhiều công ty khởi nghiệp được khuyên chuyển sang Singapore.

    Ông Dzung Nguyen, Giám đốc quỹ CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan, cho biết hiện nay có nhiều quỹ khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đưa ra yêu cầu thành lập công ty tại Singapore, nhằm dễ dàng hơn trong thủ tục rót vốn. Trong môi trường kinh doanh Internet không biên giới, các startup Việt khi mở công ty tại Singapore vẫn có thể phục vụ khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu.

     Một hoạt động tư vấn khởi nghiệp ở Singapore - Ảnh: vulcanpost

    Một hoạt động tư vấn khởi nghiệp ở Singapore - Ảnh: vulcanpost

    Như ICTnews đã thông tin, hiện nay đang có một làn sóng các doanh nghiệp Việt Nam mở công ty tại Singapore nhằm hưởng các chính sách kinh doanh hiện đại và cởi mở. Đặc biệt nhu cầu này có vẻ tăng lên khi những lo lắng về Điều 292 Bộ luật hình sự có thể hình sự hóa các vi phạm về kinh doanh trên Internet.

    Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Dzung Nguyen cho biết nguyên nhân lớn nhất gây phiền hà khi rót vốn cho các startup tại Việt Nam là thủ tục giấy tờ, đặc biệt đối với các quỹ nước ngoài thì thủ tục rất nhiêu khê và mất thời gian. Hầu hết các nhà đầu tư vào startup Việt Nam có trụ sở tại nước ngoài, khi gặp nhiều cản trở về thủ tục thì họ có thể bỏ sang đầu tư cho nước khác.

    Lấy ví dụ về việc CyberAgent Ventures mới đây đầu tư vào Kyna.vn, ông Dzung Nguyen cho biết phải mất 6 tháng kể từ khi xin phép đến khi được đồng ý thủ tục tăng vốn, từ tháng 10 năm ngoái kéo dài đến tháng 5 năm nay. Mặc dù có thể bị thu hút bởi công ty khởi nghiệp, nhưng để bảo đảm nguồn vốn cho mình thì nhà đầu tư buộc phải làm đúng hồ sơ giấy tờ chứ không thể phá lệ cấp vốn cho doanh nghiệp trước khi hoàn tất thủ tục.

    Việc này không chỉ gây phiền hà mà còn mất thời gian, có thể khiến những cơ hội đầu tư vuột mất. Quan trọng nữa là, công ty mới khởi nghiệp thay vì phải tập trung phát triển sản phẩm và thị trường thì lại phải đau đầu vì thủ tục giấy tờ. Nếu thuê ngoài lo thủ tục thì chi phí sẽ đội lên nhiều hơn.

    Thời điểm trước 1/7/2015, theo ông Dzung Nguyen, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải có giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam, do đó thời gian đồng ý rót vốn đến khi xin được thủ tục giấy tờ để giải ngân thì thường mất 6 tháng đến 1 năm. Sau thời điểm kể trên, giấy chứng nhận đầu tư không còn được áp dụng, thủ tục đơn giản hơn, thời gian hoàn tất giấy tờ giảm xuống, nhưng vẫn còn kéo dài.

    Thủ tục giấy tờ khi đầu tư sẽ còn phức tạp hơn nếu có nhiều quỹ cùng đầu tư vào một công ty khởi nghiệp. Khi đó, hồ sơ sẽ phải làm thành nhiều bộ, gửi đến các nhà đầu tư ở các nước khác nhau ký tên, sau đó chuyển ngữ sang tiếng Việt. Trung bình một bộ hồ sơ, gồm các thứ tiếng khác nhau, nhiều bản khác nhau, thì một nhà đầu tư có thể phải ký đến 100 trang, bao gồm cả việc ký nháy lên từng trang hợp đồng hay điều lệ. Nếu có 8 nhà đầu tư thì bộ hồ sơ có thể lên 800 trang giấy.

    Trong khi đó, ông Dzung Nguyen cho biết tại Singapore có thể dùng chữ ký điện tử thay cho ký sống, và vì dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên hợp đồng chỉ cần thống nhất một ngôn ngữ này.

    Thêm vào đó, một nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào Việt Nam, phải lập một tài khoản đầu tư tại đây. Sau đó, mỗi lần giải ngân bắt buộc người rót vốn phải quay lại Việt Nam ký chuyển tiền. Tất nhiên, ngược lại, việc chuyển tiền này cực kỳ đơn giản nếu công ty khởi nghiệp có một tài khoản ngân hàng tại Singapore.

    Giám đốc của quỹ đã đầu tư cho Foody, Vexere, Kyna, NCT, CleverAds, Vatgia, Tiki, Batdongsan… cho biết vẫn khuyến khích các công ty khởi nghiệp mở tại Việt Nam, dùng pháp nhân Việt Nam; đồng thời tin và chờ đợi sự thay đổi từ chính sách để phù hợp với tình hình mới.

    Để cải thiện môi trường đầu tư, Giám đốc CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan cho biết chính phủ cần giảm thủ tục giấy tờ, văn bản giấy tờ cần đơn giản và thời gian hoàn tất nhanh hơn, có thể thống nhất một ngôn ngữ trong các trường hợp đầu tư nước ngoài chẳng hạn. Theo ông Dzung, thủ tục giấy tờ hiện nay đã đơn giản hơn trước nhưng vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày