Thương vụ tỷ đô của Apple hóa ra lại bắt đầu từ một câu nói vui
Ít ai ngờ rằng, thỏa thuận 1 tỷ USD giữa Apple và dịch vụ taxi Didi của Trung Quốc khởi nguồn từ một câu nói vui.
Chủ tịch Jean Liu của Didi vừa tiết lộ thông tin khá thú vị xung quanh thương vụ 1 tỷ USD. Cuộc thương thảo trên thực tế chỉ diễn ra chưa đầy một tháng trở lại đây sau khi bà có dịp gặp mặt Tim Cook ngay tại trụ sở Apple ở Cupertino, California hôm 20/4. Lúc đó, người phụ nữ xinh đẹp đã thốt lên một câu nói dí dỏm đầy hàm ý: “Bất kỳ công ty nào có tên gọi gắn liền với một loại hoa quả nào đó đều luôn đạt được những kỳ tích to lớn”.
Chủ tịch Jean Liu của Didi đã có cuộc nói chuyện đầy bất ngờ với Tim Cook.
Trong khi Apple là quả táo thì cái tên Didi lại mang nghĩa như một quả cam bé nhỏ. Thật bất ngờ, bản thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD được ký kết chỉ 22 ngày sau đó. Liu từng làm việc cho ngân hàng Goldman Sachs nên có nhiều mối quan hệ và thường xuyên gặp gỡ các CEO công nghệ mỗi lần ghé thăm Mỹ. Cuộc gặp gỡ một tháng trước không nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư mà để thảo luận một cách cởi mở về thị trường Trung Quốc cũng như như các cơ hội hợp tác giữa hai bên.
“Cuộc thương thảo tiến triển với tốc độ rất nhanh. Chúng tôi thật sự ấn tượng với Tim Cook. Ông ấy quả là một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, nữ lãnh đạo Didi tỏ vẻ ngưỡng mộ.
Thỏa thuận đạt được đều mang tới nhiều lợi thế cho hai bên. Didi muốn có thêm dòng vốn để mở rộng kinh doanh ra các thành phố mới, tuyển dụng lái xe và tiếp cận thật nhiều khách hàng. Công ty thể hiện quyết tâm đánh bại Uber ngay tại sân nhà để giành quyền kiểm soát tuyệt đối. Trong khi đó, Apple đã nhiều lần muốn thâm nhập sâu vào Trung Quốc.
Táo khuyết luôn xác định đây là thị trường quan trọng nhất của mình, vì thế hãng luôn nhìn thấy nguồn lợi lớn trong mọi khoản đầu tư. Gã khổng lồ xứ Cupertino cần một đồng minh đủ mạnh hỗ trợ cả về kinh nghiệm, mạng lưới lẫn vấn đề pháp lý. Didi được hỗ trợ bởi hai tên tuổi Internet lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Đây trở thành cửa ngõ giúp Apple mở rộng thị phần của Apple Pay và các dịch vụ khác, đặc biệt khi Tim Cook đang thể hiện mối quan tâm đối với mảng xe hơi.
Thương vụ đầu tư này cũng là một phần chiến lược kiềm tỏa những nhà đầu tư rót vốn vào Uber, cụ thể là Google (258 triệu USD) và Microsoft (100 triệu USD). Didi được chọn bởi đây là công ty có giá trị vốn hóa lên đến 26 tỷ USD, trở thành startup lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Uber, Xiaomi và Airbnb.
Didi thực sự bước vào cuộc chiến với Uber chỉ cách đây khoảng một năm sau vụ sát nhập giữa Didi Dache và Kuaidi Dache, dưới bàn tay hậu thuẫn của hai gã khổng lồ Tencent và Alibaba. Thị trường ứng dụng đi nhờ xe nhờ thế trở nên sôi động hơn bao giờ . Nhưng thương hiệu đến từ Mỹ dần tỏ ra lép vế, trong khi Didi Kuaidi gần như độc chiếm trị trường khi giành quyền kiểm soát tới 83% thị phần.
Tháng 5 năm ngoái, Didi tuyên bố bỏ ra 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 153 triệu USD) để kích cầu thị trường với các chuyến đi miễn phí. Đó giống như phát sung khai mào cuộc chiến về giá với Uber. Nhưng đối thủ không hề kém cạnh vì chỉ một tháng sau đó, CEO Travis Kalanick đã viết một bức thư cho giới đầu tư giải thích tầm quan trọng chiến lược tại Trung Quốc và sẵn sàng giải ngân 1 tỷ USD cho riêng thị trường này trong năm 2015.
Cả mùa hè, hai bên đều ráo riết kêu gọi nguồn tài trợ cho các hoạt động của mình. Uber nâng mức đầu tư lên 1,4 tỷ USD tại Trung Quốc, bao gồm tiền quảng cáo chi cho công cụ tìm kiếm Baidu. Didi cũng ngốn khoản tiền lên đến 3 tỷ USD, chủ yếu từ Alibaba, Tencent, công ty bảo hiểm Ping An và SoftBank của Nhật.
Cuộc cạnh tranh dẫn đến những mánh khóe nhất định. Vào tháng 8, Uber phàn nàn vì bị chặn trên ứng dụng trò chuyện trực tuyến WeChat, vốn được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Điều đáng nói, WeChat lại thuộc quyền sở hữu của Tencent.
Ở bên kia chiến tuyến, Didi tịch cực lôi kéo thêm các đồng minh. Trong tháng 12, hãng tham gia liên minh với bộ tứ cạnh tranh trực tiếp với Uber tại Mỹ, bao gồm công ty dịch vụ taxi Lyft.
Bước vào năm 2016, CEO Jean Liu và cộng sự đặt quyết tâm cao giáng một cú knock-out vào Uber để làm cho đối thủ không thể nào đứng dậy được. Công ty vạch mục tiêu rất rõ ràng và không ngừng thu hút nguồn vốn.
“Chúng tôi sẽ là cái tên duy nhất tại Trung Quốc. Mọi người thử nghĩ xem, tại sao với giá cước rẻ hơn 20-30% nhưng các đối thủ của chúng tôi lại không giành được thị phần? Đơn giản, họ không mang tới trải nghiệm tốt nhất và mạng lưới kém xa chúng tôi”, Stephen Chu, phó chủ tịch chiến lược của Didi đã tuyên bố hùng hồn như vậy hồi tháng 4.
Cũng trong tháng vừa rồi, công ty đã kêu gọi được hơn 1,5 tỷ USD tiền đầu tư và hướng mục tiêu tăng lên khoảng 2 tỷ USD vào đầu tháng này. Nhưng vượt cả mong đợi, Didi giờ nắm trong tay 3 tỷ USD cùng đối tác hùng mạnh như Apple, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với Uber tại Trung Quốc cũng như các thị trường khác trên thế giới.
Sau cuộc gặp mặt giữa Jean Liu và Tim Cook, hai bên đã vạch ra kế hoạch chi tiết. “Đội ngũ làm việc của cả Didi và Apple đã thể hiện kỹ năng rất tốt và chuyên nghiệp”, nữ doanh nhân 38 tuổi thêm lần nữa dành những lời tán thưởng cho các cộng sự.
Jean Liu chính là con gái của Liu Chuanzhi, người sáng lập hãng máy tính cá nhân lớn nhất thế giới Lenovo. Bà cho biết, công ty đang thảo luận công việc với Apple trong các lĩnh vực công nghệ, tiếp thị và sản phẩm. “Tôi thấy rất thoải mái khi làm việc với đối tác Apple vì triết lý kinh doanh của cả hai bên có nhiều điểm chung”, Liu chia sẻ.
Táo khuyết sẽ giúp Didi xây dựng nền tảng để xử lý hơn 11 triệu lượt khách mỗi ngày, phục vụ cho khoảng 300 triệu người dùng trên toàn Trung Quốc. Didi hiện đang hoạt động tại 400 thành phố với 14 triệu lái xe đăng ký, bao gồm cả dịch vụ taxi và cho đi nhờ xe tư nhân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng