Tiềm năng ứng dụng công nghệ truyền tải nội dung OTT tại Việt Nam
Dịch vụ OTT không chỉ là các ứng dụng liên lạc miễn phí.
Gần đây khái niệm OTT tại Việt Nam được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến với sự nổi lên của những ứng dụng nhắn tin miễn phí như Line, Zalo, Viber, KaKao Talk,… tuy nhiên có lẽ vì thế mà ít người biết đến những ứng dụng khác từ công nghệ truyền tải nội dung OTT , đầy tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.
OTT (Over The Top) là giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet. Lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là cung cấp các nội dung truyền hình qua giao thức internet (IPTV) và các Video theo yêu cầu (VOD) tới người dùng cuối. Ưu thế lớn nhất của công nghệ OTT là việc cho phép cung cấp nguồn nội dung phong phú và đa dạng theo yêu cầu của người sử dụng vào bất kì thời điểm nào và tại bất cứ nơi đâu chỉ với 1 thiết bị phù hợp có kết nối Internet. Ngoài ra, công nghệ này còn cung cấp nhiều loại công cụ tiện ích khác mang tính ứng dụng cao như: VoIP, Mạng xã hội, Live Broad Casting. Với nhiều ứng dụng thiết thực, công nghệ OTT được dự báo sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai và trở thành một trong những xu thế công nghệ – Theo Dragon Multimedia Technologies Jsc (DMMT).
Ở bài viết này, tôi tập trung chính vào một mảng nhỏ của OTT là Live Broadcasting (truyền hình trực tiếp), IPTV và VOD (truyền hình theo yêu cầu). Cũng như sự liên kết giữa các dịch vụ khác nhau dựa trên phương thức truyền tải nội dung OTT, tạo thành thế chân vạc vững chắc ở mảng nội dung số.
Tiềm năng…
Không khó để thấy được những tiềm năng và ứng dụng hấp dẫn mà OTT có thể mang lại và khai thác tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi tỉ lệ các thiết bị thông minh (smart devices – bao gồm: smartphone, tablet, phablet, smart TV) đang ngày một phổ biến trên thị trường.
Một yếu tố thuận lợi khác cho thấy đây là thời điểm tốt để OTT phát triển tại Việt Nam là hạ tầng internet tại VN đã khá hoàn chỉnh với chi phí đầu cuối khá thấp. Điều này giúp Việt Nam có tỷ lệ người dùng internet, 3G cao, độ phủ rộng.
Theo báo cáo của comScore vào Quý II/2012 vừa qua, Viêt Nam có khoảng 13 triệu người xem video trực tuyến, lọt vào top dẫn đầu về lượng truy cập video trực tuyến tại châu Á. Trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương được nghiên cứu, Việt Nam nằm trong số quốc gia có mật độ người xem video trực tuyến cao nhất, gần 90% người sử dụng internet truy cập xem video trực tuyến so với mức độ trung bình 83,1% của thế giới. Youtube vẫn là kênh được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên Youtube dù là kẻ thống trị mảng VOD tại Việt Nam song để lại một khoảng trống mà các nhà cung cấp dịch vụ nội dung Việt Nam có thể nhảy vào chiếm lĩnh, đó là những nội dung video/phim có thời lượng dài và chất lượng cao (HD).
Theo quan sát cá nhân, từ những ngày đầu năm 2012 đã thấy có sự chạy đua phát triển giữa các dịch vụ IPTV và VOD khai thác mảng phim HD với thời lượng dài tại Việt Nam. Không khó để kể ra những cái tên tiêu biểu như Pub, Soha Phim, Vivo, Clip.vn, HDViet, iCine, VyuhaTV,… và còn hàng ngàn trang phim nhỏ lẻ khác (phần lớn “ký sinh” vào các nguồn khác cho phép nhúng nội dung lên trang khác như Youtube, Clip.vn, Dailymotion).
…và rào cản khác
Không điêu khi nói rằng OTT là cuộc chơi của những anh… nhà giàu. Trước nhất xét qua những khó khăn ở 4 yếu tố chính tạo nên quy trình khai thác nội dung số tại Việt Nam bao gồm: Nội dung -> hạ tầng & công nghệ -> kênh thanh toán -> truyền thông.
Nội dung: Có bản quyền là một rào cản cực lớn khi chi phí bỏ ra để sản xuất nội dung hoặc mua bản quyền phim/video là cực đắt. Chính ngay ở yếu tố đầu tiên này đã có thể “giết” chết không ít trang phim, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Nhưng thật “may mắn” thay, ở Việt Nam bản quyền là cái gì đó còn rất… mơ hồ!
Hạ tầng & công nghệ: Không quá khi nói OTT và đặc biệt là VOD là những cỗ máy “ngốn” server. Không chỉ với các dịch vụ xem phim HD trực tuyến “đốt” server, mà ngay cả những ứng dụng nhắn tin có chức năng thoại cũng cần lượng tài nguyên server “khủng” không kém. Tôi nghĩ rằng yếu tố hạ tầng và công nghệ sẽ là mấu chốt quyết định sự thành bại (cả về ngắn và dài hạn) ở mảng nội dung số và đặc biệt là ở những nhà khai thác công nghệ truyền tải nội dung OTT.
Kênh thanh toán: Đây là một bài toán làm đau đầu không ít nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Hình thức thanh toán đang được triển khai tại Viện Nam khá đa dạng từ chuyển SMS, Internet Banking, thẻ cào đến ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng. Tuy nhiên hình thức tiện lợi nhất vẫn là SMS vẫn đang bị sự độc quyền của 3 nhà mạng lớn làm chi phí tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Truyền thông: Đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự “thành bại” của một nhà cung cấp dịch vụ OTT. Chi phí dành cho truyền thông/marketing ở những dịch vụ này theo được biết là không dưới 50% giá trị sản phẩm. Điều này cho thấy ở cuộc chơi này, khi yếu tố sản phẩm và chất lượng có sự tương đồng rõ rệt thì truyền thông là cứu cánh tạo nên sự thành công và doanh thu cho dịch vụ.
=> Như vậy xét tổng thể 4 yếu tố trên, thì ngoài Kênh thanh toán được xem là yếu tố “khách quan” và là “khó khăn chung”, thì 3 yếu tố còn lại phụ thuộc vào tiềm lực và cách vận hành của từng nhà cung cấp dịch vụ. Nói cách khác 3 yếu tố này sẽ là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt và thành công của mỗi nhà cung cấp!
Ảnh minh họa mô hình hạ tầng hệ thống OTT. Ảnh: DMMT.
Những kịch bản mà OTT có thể ứng dụng tại Việt Nam
Một trong những ứng dụng thú vị nhất mà OTT mang lại cho người dùng là sự đồng nhất trải nghiệm về nội dung trên đa nền tảng, đa thiết bị. Nói một cách dễ hiểu, công nghệ OTT sẽ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nội dung mà họ muốn (xem/nghe).
Ví dụ một cách dễ hiểu là khi bạn xem ở nhà một bộ phim đến phút thứ 20 trên chiếc Smart TV của mình thì có việc phải lên công ty. Ở công ty tranh thủ giờ nghỉ, bạn dùng smartphone để xem tiếp bộ phim và hệ thống dễ dàng nhận ra và giúp bạn xem tiếp nội dung phim ở phút thứ 20 . Như vậy qua đó mang lại cho bạn một sự trải nghiệm xuyên suốt về nội dung ở nhiều thiết bị khác nhau một cách dễ dàng.
Công nghệ truyền tải nội dung OTT có thể ứng dụng vào các mảng dịch vụ VoIP, Mạng xã hội, Live Broad Casting bên cạnh IPTV và VOD. Như vậy nếu kết hợp các tiện ích này với nhau (dựa trên cùng phương thức truyền tải), có thể tạo nên một dịch vụ giải trí mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người dùng. Qua đó tạo nên sự hấp dẫn, “níu giữ” người dùng trong một không gian mạng xã hội đầy tiện ích và thuận tiện.
Thay lời kết
Công nghệ truyền tải nội dung OTT là một cơ hội cho những nhà cung cấp dịch vụ nội dung số tại Việt Nam, đặc biệt có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm giải trí, truyền thông, quảng cáo, viễn thông, giáo dục và cả y tế. Hy vọng rằng cuộc chạy đua cung cấp nội dung số qua OTT sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành nội dung số Việt Nam cũng như tạo thêm nhiều tiện ích cho người dùng.
Theo Blog Techdaily.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng