Tiến sĩ từng làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ kể chuyện về siêu năng lực chưa được khai phá của con người

    zknight,  

    Khi nào nên tin vào trực giác của bản thân mình, còn khi nào nên cẩn thận và sử dụng lý trí?

    Đó là khoảng gần 10 năm về trước, khi tiến sĩ Joseph Cohn còn làm việc trong dự án DARPA (Chương trình nghiên cứu quốc phòng tiên tiến) trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Một vị Đại tá hải quân đến tìm ông và kể một câu chuyện kỳ lạ.

    Ông nói về một trung sĩ dưới quyền mình, người được tin rằng sở hữu một giác quan thứ 6. “Cậu ta dường như luôn biết trước, khi nào là lúc cần rạp người xuống, khi nào cần khai hỏa, ngay cả khi mọi thứ chưa có vẻ gì bất thường để một sự kiện đột ngột diễn ra”, ông nói. Bây giờ thì tất cả các binh lính đều cảm thấy an tâm hơn khi có cậu ta trong đội đi tuần của mình.

    Trong thực tế, bản thân tiến sĩ Cohn cũng từng nghe nhiều câu chuyện tương tự. Một số lính Mỹ tham chiến ở Iraq và Afgahanistan có thể “cảm thấy” một cuộc phục kích sắp diễn ra. Một số khác từng đột ngột ra quyết định dừng cả đoàn xe, ngay trước khi chiếc đầu tiên lăn bánh vào một bãi mìn tự chế.

    Mặc dù những người lính không thể miêu tả chính xác tại sao họ có cảm giác bất an, hoặc lại muốn ra một quyết định như vậy, trực giác là thứ được dùng để giải thích. Vị Đại tá nhìn tiến sĩ Cohn và hỏi: “Anh có thể làm điều gì đó như vậy không hả tiến sĩ? Tạo ra nhiều con người có khả năng làm điều đó”.

     Một số người lính có khả năng cảm thấy một cuộc tập kích trước khi nó diễn ra

    Một số người lính có khả năng "cảm thấy" một cuộc tập kích trước khi nó diễn ra

    Tiến sĩ Cohn đã đọc nhiều tài liệu về trực giác. Năm 1911, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Édouard Claparède đã thực hiện một thí nghiệm kinh điển về điều đó. Ông tới gặp một phụ nữ mắc chứng mất trí ngắn hạn, người chắc chắn sẽ không thể nhớ nổi Claparède ngay cả khi ông gặp cô ta mỗi ngày một lần.

    Claparède lần nào cũng bắt tay với người phụ nữ trong tư cách một người lạ. Nhưng một hôm, ông giấu trong lòng bàn tay một chiếc kim và khiến người phụ nữ bị đau. Trong lần gặp tiếp theo sau đó, chắc chắn người phụ nữ đã quên mất sự kiện hôm trước. Nhưng bằng một thứ gì đó, người phụ nữ đã không đưa tay của mình ra nữa.

    Khi nhìn vào những nghiên cứu sau này, các nhà khoa học tiếp tục nghi ngờ tâm trí của con người là một thế giới rộng lớn, lớn hơn chính những gì chúng ta cảm nhận được.

    Ngay cả khi người phụ nữ kia quên mất cơ thể cô bị tổn thương, ở một nơi nào đó, cái cảm giác “có gì đó sai sai” vẫn được lưu giữ. Đó là một nơi nằm ẩn phía sau tâm trí, các thông tin vẫn liên tục được tiếp nhận và phân tích trong vô thức.

    Tiến sĩ Cohn cho rằng nếu có thể khai thác được miền đất bí ẩn này của não bộ, ông không chỉ có thể đào tạo một người phát hiện ra chiếc kim trong tay người khác. Quân đội Mỹ khi đó sẽ có những binh lính biết trước được bãi mìn phía trước họ, một kẻ khủng bố đang mang bom trên phố hay một trận phục kích sắp tới.

    Trong Thế chiến thứ II, radar là phát minh đã cứu sống vô số mạng người. Trong tương lai, trực giác của con người có thể trở thành một hệ thống radar mới cần được khai thác.

     Liệu trực giác có thể được khai thác để trở thành một radar não bộ cho các binh lính?

    Liệu trực giác có thể được khai thác để trở thành một radar não bộ cho các binh lính?

    Tiếp tục tìm kiếm các tài liệu về trực giác, tiến sĩ Cohn đặc biệt bị cuốn hút bởi nghiên cứu của Gary Klein, một nhà tâm lý học cũng làm việc cho quân đội. Công việc của Klein là tìm hiểu xem làm thế nào những người lính dày dặn kinh nghiệm có thể phán đoán, và đưa ra quyết định nhanh chóng ngay giữa giờ phút sinh tử, những giờ phút mà một người lính bình thường chắc chắn đã tê liệt vì sợ hãi.

    Thông thường, sự khôn ngoan của trí tuệ sẽ bày ra cho họ nhiều lựa chọn để cân nhắc. Logic sau đó là thứ quyết định xem lựa chọn nào là cuối cùng. Tuy nhiên, điều mà Klein phát hiện ra là những người lính dày dặn kinh nghiệm hầu như chỉ có một lựa chọn duy nhất.

    Ngay tại thời điểm mà họ đoán được điều gì sắp diễn ra, họ lập tức đã có được quyết định. Những người lính ấy chỉ nói: “Tôi biết những gì đang diễn ra ở đây, và vì thế, tôi biết tôi nên làm gì”, Klein thuật lại. Ông gọi đó là hoạt động “so trùng mô hình” (Pattern matching).

    Dưới một áp lực thời gian, một người có kinh nghiệm dày dặn sẽ xác định được các tình huống tương tự trong quá khứ, và họ sẽ lựa chọn giải pháp khả thi bằng trực giác. Trực giác của họ tự động so trùng các mô hình để nhanh chóng đưa ra giải pháp khả thi.

    Klein cũng lập luận rằng Pattern matching cũng có thể phát hiện ra những bất thường và những cảm giác “không trùng”. Trong trường hợp này, nó sẽ cho bạn một cảm giác gì đó sai sai, giống như cái cách mà những người lính ở Iraq dừng đoàn xe ngay trước một bãi gài mìn tự chế.

     Nếu trực giác thực sự tồn tại, phải có cách để quan sát và sử dụng nó

    Nếu trực giác thực sự tồn tại, phải có cách để quan sát và sử dụng nó

    Sau cuộc thảo luận với vị Đại tá, tiến sĩ Cohn nghĩ rằng: Nếu trực giác thực sự tồn tại, phải có một cách nào đó để ông định vị nó- nhìn và quan sát nó trong thời gian thực. “Nếu bạn có thể làm điều này, bạn cũng có thể tìm cách để đào tạo trực giác của bạn”, ông nói.

    Tìm xem bản chất hiện hình của trực giác là gì, và tiến sĩ Cohn có thể đáp ứng yêu cầu của vị Đại tá, giúp ông có cả một đội quân biết trước mọi tình huống. Năm 2009, ông chính thức bắt đầu công việc săn tìm trực giác bằng một dự án nhận tài trợ từ DARPA.

    Một đội ngũ bao gồm các nhà khoa học đến từ nhiều ngành nghiên cứu được tiến sĩ Cohn tập hợp. Tất cả đều đồng ý rằng các phán đoán trực giác này dựa trên vô thức và thường được hỗ trợ bởi cảm xúc.

    Họ bắt đầu đi tìm kiếm các tín hiệu trong não, bắt đầu từ vùng vỏ thị giác. Bỏ qua các khu vực hỗ trợ tư duy hợp lý và có ý thức, họ lùng sục sang một hệ thống gọi là limbic, nơi mà cảm xúc của một con người ngự trị.

    Thí nghiệm được thiết kế với sự tham gia của các nhà thần kinh học đến từ Đại học Oregaon. Họ cho các tình nguyện viên xem tổng cộng 200 hình ảnh, chứa những điểm ảnh thoạt nhìn như ngẫu nhiên. Tuy nhiên, 150 trong số đó thực chất là những hình ảnh của một đồ vật cụ thể, bị xóa mất nhiều phần để không ai còn có thể sử dụng nhận thức để phát hiện. Chỉ có 50 tấm hình hoàn toàn là điểm ảnh ngẫu nhiên thật.

    Sau khi trộn các hình ảnh lại với nhau, các nhà khoa học yêu cầu tình nguyện viên đoán xem tấm ảnh nào thực sự là một đồ vật. Họ sẽ chỉ có nửa giây cho mỗi tấm ảnh. Bởi vậy, sự hạn chế về mặt thông tin và thời gian sẽ đảm bảo các tình nguyện viên phải sử dụng đến trực giác của mình.

    Kết quả chỉ ra rằng các ứng viên đã đoán trúng 65% các tấm ảnh chứa vật thể thật, họ đoán sai 14% các tấm ảnh bẫy. Bằng việc theo dõi não bộ của họ một cách chặt chẽ trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện ra những tín hiệu thần kinh giúp họ đưa ra lựa chọn đúng.

    Trong khoảng thời gian 4 phần 10 giây sau khi một bức tranh được hiển thị, các nhà khoa học nhận thấy hoạt động của não bộ là khác nhau trong các trường hợp ứng viên lựa chọn đúng và sai. Có những tín hiệu dao động bắt nguồn từ vỏ não thị giác dẫn đến hệ thống limbic. Sau đó, dao động này bị dập tắt lẫn vào các dao động khác.

     Trực giác tồn tại dưới dạng tín hiệu não khoảng thời gian 4/10 giây?

    Trực giác tồn tại dưới dạng tín hiệu não khoảng thời gian 4/10 giây?

    Tiến sĩ Cohn giải thích rằng đó là lúc trực giác xuất hiện. Hệ thống limbic của bạn được kích hoạt và khiến bạn có cảm giác gì đó. “Wow, chuyện gì đó đang diễn ra”, tiến sĩ Cohn nói. Nhưng rồi sau đó thì các phần khác của não bộ cũng bị cuốn theo vào, tất cả tham gia vào việc phân tích thông tin đó khiến trực giác biến mất.

    Bắt nguồn từ những phát hiện đầu tiên này cho đến năm 2011, tiến sĩ Cohn đã dành gần 4 triệu USD từ Cơ quan nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ để thực hiện một dự án huấn luyện trực giác cho binh lính. Tham gia dự án này cùng với ông là Paul Reber, một nhà thần kinh học đã dành cả sự nghiệp của mình với mong muốn làm sáng tỏ sự hoạt động học tập vô thức của con người.

    Mặc dù quân đội Mỹ sẵn sàng trả hậu hĩnh cho những dự án huấn luyện trực giác kiểu này, hiệu quả của nó vẫn chưa chắc chắn. Những gì được gọi là trực giác- chẳng hạn như cảm giác rằng đội bóng bạn cổ vũ sắp ghi bàn, hoặc một điều tồi tệ sẽ xảy ra hôm nay – không phải lúc nào cũng chính xác.

    Nó dựa vào sự liên kết của các nơ-ron trong não, đình hình bằng tổng số kinh nghiệm mà một người tích lũy được trong quá khứ, Reber giải thích. Bạn càng tạo được nhiều liên kết, bằng nhiều kinh nghiệm trước đây thì khu vực vô thức trong não bộ sẽ càng nhận ra và đáp lại các tín hiệu trực giác tốt hơn trong tương lai.

    Trực giác của bạn càng chính xác, khi kinh nghiệm bạn tích lũy càng thực tế. Bởi vậy, nếu muốn rèn giũa trực giác này, bạn phải trải qua huấn luyện thường xuyên, Rebber nói. “Đưa một người vào hàng trăm kịch bản [như thật]”, ông nói.

     Đưa binh lính vào các kịch bản thực tế ảo, các nhà khoa học hi vọng có thể đào tạo trực giác cho họ

    Đưa binh lính vào các kịch bản thực tế ảo, các nhà khoa học hi vọng có thể đào tạo trực giác cho họ

    Để thiết kế các kịch bản này, Reber đang hợp tác cùng với một công ty hoạt động trong lĩnh vực thực tế ảo. Họ sẽ sử dụng không gian ảo để đào tạo trực giác cho lính thủy quân lục chiến Mỹ.

    Trong một công bố kết quả giai đoạn đầu của việc huấn luyện, Reber đã cho một số binh lính tiếp xúc với các kịch bản đơn giản. Ông đã chứng minh rằng công việc này có hiệu quả và sẽ tiến tới các kịch bản phức tạp hơn. “[Binh lính] có thể trải nghiệm việc phát hiện một bãi mìn tự chế, sự có mặt của một tay súng bắn tỉa hay kẻ khủng bố”, Peter Squire, người tiếp quản dự án đào tạo trực giác cho binh lính Mỹ cho biết.

    Trong các trường hợp đó, những mô hình không so trùng, nằm trong giới hạn phát hiện của trực giác, có thể là một điều rất tinh tế, chẳng hạn như một chỗ đất đổi màu hoặc hoạt động bất thường trên đường phố.

    Tựu chung lại, kết quả của các dự án quân sự kiểu này chắc chắn sẽ không được công bố rộng rãi. Nhưng nếu một này chúng thành công và được chia sẻ ra ngoài lĩnh vực quân sự, người được hưởng lợi không chỉ là binh lính và quân đội.

    Trực giác có thể được đào tạo sẽ giúp các nhà môi giới chứng khoán, vận động viên và bất kỳ cá nhân nào làm việc trong môi trường đòi hỏi ra quyết định tức thời. Nó cũng có thể giúp tất cả chúng ta hiểu rõ khi nào nên tin vào trực giác của bản thân mình, còn khi nào nên cẩn thận và sử dụng lý trí.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày