Nhân loại mất đi một nhân tài. Ngành thiên văn mất đi một tượng đài. Gia đình ông mất đi một người ông, người cha thân thiết.
- Giới khoa học cùng rất nhiều người nổi tiếng bày tỏ nỗi niềm tiếc nuối trước sự ra đi của nhà vật lý đại tài Stephen Hawking
- Stephen Hawking sinh trùng ngày mất của Galileo Galilei, mất trùng ngày sinh của Albert Einstein
- Giải mã căn bệnh quái ác ALS và cuộc tranh đấu kỳ tích suốt 55 năm của Stephen Hawking
- Những cuốn sách hay nhất của nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking
- Mắc bệnh teo cơ từ năm 21 tuổi, được dự đoán chỉ sống thêm 2 năm, điều gì đã giúp nhà vật lý Stephen Hawking vượt qua cửa ải sinh tử tới hơn 50 năm?
- Những phát kiến vĩ đại của nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking làm thay đổi nền khoa học thế giới
Stephen Hawking, bộ óc lỗi lạc của thế kỷ, người truyền cảm hứng cho ngành thiên văn học hiện đại và nghị lực sống truyền cảm hứng cho hàng triệu người toàn cầu, đã qua đời ở tuổi 76.
Gia đình của ông đã thông báo như vậy với công chúng vào sớm ngày thứ Tư, ngày hôm nay 14 tháng Ba năm 2018 theo giờ Anh. Ông mất tại tư gia của mình nằm ở Cambridge.
Những người con của Hawking cùng người vợ Jane Wilde gồm có Lucy, Robert và Tim cũng nói trong tuyên bố này rằng:
"Chúng tôi đau buồn sâu sắc vì người cha yêu dấu của mình đã qua đời. Ông là một nhà khoa học và là một người đàn ông tuyệt vời, người mà những cống hiến và di sản của mình sẽ sống mãi nhiều năm nữa.
Sự dũng cảm, can trường cộng với trí tuệ, khướu hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho người người trên khắp thế giới.
Đã có lần ông từng nói, ‘Vũ trụ sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa nếu như đó không phải là mái nhà chở che cho những người bạn yêu thương’."
Với những người đồng nghiệp, những nhà khoa học khác, những người mà ông yêu thương, thì trực giác nhạy bén, óc hài hước ngự trị trong một cơ thể tật nguyền, phải liên lạc với thế giới bên ngoài bằng một giọng nói tạo bằng máy tính chính là biểu tượng cho giới hạn vô tận của sức mạnh bộ não con người. Không thứ gì ngăn cản được Hawking khi ông còn sống, nhưng cuối cùng, cái chết cũng đã tìm đến con người vĩ đại này.
Khi Hawking được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động năm 1963, lúc đó ông mới 21 tuổi. Bác sĩ nói rằng ông chỉ sống được hai năm nữa. Nhưng ông đã sống tiếp được tới hơn nửa thế kỷ, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học của mình ngay cả khi cơ thể đã không còn hoạt động được. Thứ quan trọng nhất, bộ não vĩ đại của con người ấy vẫn còn nguyên vẹn sức mạnh của mình.
Đã có lần ông ước tính mình chỉ làm việc có 1.000 tiếng trong suốt 3 năm trời học tập tại Oxford. Ông nói rằng: "Hoặc bạn là người thông minh sẵn mà không cần cố gắng gì, hoặc là bạn chấp nhận những giới hạn của bản thân mình". Trong bài kiểm tra cuối cùng tại Oxford, Hawking đứng tại ranh giới giữa bằng hạng nhất và bằng hạng hai.
Ông nói với người giám định visa cho mình rằng nếu như trường cho ông bằng hạng nhất, ông sẽ chuyển tới Cambridge để theo đuổi tấm bằng Tiến sĩ, và dọa rằng nếu như cầm trong tay bằng hạng hai, ông sẽ ở lại luôn Oxford. Người ta đã trao tặng cho ông tấm bằng hạng nhất.
Những học thuyết, những nghiên cứu khiến giới khoa học giật mình
Bệnh tật không ngăn được Hawking tiến triển trên con đường nghiên cứu. Ông tuyên bố rằng: "Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Đó là hiểu được toàn bộ Vũ trụ này, tại sao nó lại như thế và tại sao nó lại tồn tại".
Cống hiến lớn và đột phá đầu tiên của Hawking được công bố năm 1970, khi ông và Roger Penrose cùng nhau đăng tải nghiên cứu về liên kết toán học giữa hố đen so với toàn bộ vũ trụ, cho thấy rằng một dị điểm duy nhất (hố đen), một khu vực đặc biệt bẻ cong cả không thời gian xung quanh nó, đã xuất hiện trong quá khứ - thời điểm Big Bang diễn ra.
Penrose nhận xét rằng: "Hawking đã nghĩ mình không còn sống được lâu, và ông thực sự muốn hoàn thiện được càng nhiều việc càng tốt trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy".
Năm 1974, ông vẽ nên thuyết vật lý lượng tử để chứng minh cho tuyên bố của mình rằng Hố đen sẽ tỏa nhiệt và rồi chúng sẽ tự động biến mất. Với những hố đen thông thường, quá trình này mất rất nhiều thời gian để diễn ra, có lẽ cần một thời gian dài hơn cả tuổi thọ của Vũ trụ để một Hố đen có khối tương đương Mặt Trời biến mất hoàn toàn.
Nhưng gần thời điểm một hố đen nhỏ tiêu biến, chúng sẽ tỏa nhiệt với tỷ lệ rất lớn, và rồi sẽ phát nổ với sức mạnh của hàng triệu quả bom triệu tấn. Những hố đen siêu nhỏ này tràn ngập trong Vũ trụ, mỗi một hố đen nặng tới hàng tỷ tấn nhưng chúng lại không lớn hơn một proton là mấy. Một khi nó nổ, mọi thông tin lưu trong hố đen sẽ biến mất vĩnh viễn
Tuyên bố này của Hawking đã khiến toàn bộ nền thiên văn học hiện đại lao vào tranh luận: nó đi ngược lại luật cơ bản nhất của cơ học lượng tử, khiến nhiều nhà vật lý học bất đồng. Cuối cùng Hawking cũng tin vào thuyết được nhiều người ủng hộ hơn, đó là thông tin được lưu trong Chân trời Sự kiện của hố đen, nó sẽ biến thành bức xạ phát ra khi hố đen tỏa phóng xạ.
Qua nhiều nghiên cứu, học thuyết và khám phá mới, Hawking tham gia tuyển cử vào Hội đồng Hoàng gia ở tuổi 32, tuổi còn rất trẻ. Năm năm sau, ông trở thành Giáo sư Lucasian – chức danh giáo sư toán học tại Đại học Cambridge, đã từng được Isaac Newton và sau này là Paul Dirac (cha đẻ của cơ học lượng tử) đảm nhận. Hawking giữ chức vụ này trong 30 năm, sau đó chuyển về làm giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Lý thuyết Vũ trụ.
Cống hiến của ông vẫn chưa dừng lại. Năm 1980, ông đưa ra thuyết giãn nở vũ trụ. Năm 1982, ông là một trong những cá nhân đầu tiên trình diễn được hiện tượng dao động lượng tử - những sự biến đổi trong việc phân phối vật chất – tạo ra bởi sự giãn nở vũ trụ. Thuyết này nêu lên sự hình thành của các ngôi sao, các hành tinh và bản thân sự sống.
"Đây một trong những ý tưởng đẹp tuyệt hảo nhất xuyên suốt lịch sử của khoa học", Max Tegmark, giáo sư vật lý tại MIT đã nhận xét như vậy.
Chuyện đời tư của Hawking
Năm 1965, Hawking cưới người bạn thân thiết thời đại học của mình, Jane Wilde. Đó là 2 năm sau khi ông được chẩn đoán căn bệnh hiểm nghèo. Với toàn bộ sự ngây thơ của tuổi 21, bà Wilde tin tưởng rằng Hawking sẽ làm mình vui vẻ trong suốt quãng đời còn lại. Bà viết như vậy trong cuốn sách xuất bản năm 2013, tựa đề Du hành tới Vô cực: Cuộc đời của tôi bên cạnh Stephen.
Năm 1985, Hawking trải qua một cuộc phẫu thuật dù đã cứu sống đời ông nhưng lại khiến ông mất hoàn toàn giọng nói. Cuộc hôn nhân của ông với bà Wilde xấu đi cùng với bệnh tình của Hawking. Họ ly hôn vào năm 1991.
Bốn năm sau, Hawking cưới Elaine Mason, một trong những người y tá chăm sóc ông suốt quãng đời bệnh tật. Bà Mason là vợ cũ của ông David Mason, người đã thiết kế chiếc xe lăn kết hợp thiết bị phát giọng nói mà Hawking vẫn sử dụng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm này cũng không có kết quả tốt đẹp.
Những thành tựu của con người vĩ đại mang tên Hawking
Hawking có thể không phải là nhà vật lý học vĩ đại nhất thời của ông, nhưng trong ngành thiên văn học, ông là một tượng đài không thể xô đổ. Không thể lấy gì so sánh được những cống hiến của ông cho khoa học, nhưng có lẽ những giải thưởng này – giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley, Giải Vật lý Cơ bản – chứng minh được phần nào. Tuy nhiên, ông chưa giành được giải Nobel nào.
Nhưng Hawking trở thành ngôi sao toàn cầu khi ông hoàn thiện và xuất bản cuốn sách Lược sử Thời gian – A Brief History of Time. Tuyệt tác này đã bán dược 10 triệu bản, dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau, nằm trong Sách Kỷ lục Guinness vì đã 237 tuần (54 tháng = 4,5 năm) liên tiếp đứng đầu danh sách Sách Bán Chạy Nhất do tờ Sunday Times bình chọn.
Năm 2012, các nhà khoa học hội tụ tại Cambridge để mừng thọ 70 của Stephen Hawking – một dấu mốc mà ít người nghĩ rằng Hawking có thể đạt tới. Tuy nhiên, Hawking không thể tới dự vì bệnh nặng. Nhưng bệnh tật chưa từng là thứ ngăn cản Stephen Hawking. Trong bản ghi âm có tên Lược sử của tôi – A Brief History of Mine, ông gọi việc tiếp tục khám phá vũ trụ là "vì tương lai nhân loại". Và nếu như ta không vươn ra vũ trụ, nhân loại sẽ không thể "tồn tại thêm một ngàn năm nữa".
Cũng gần đây thôi, ông đồng tình với Elon Musk và Steve Wozniak về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo với nhân loại. Ông cũng tỏ mối lo ngại về một thế lực ngoài hành tinh với sự sống còn của con người.
Hơn ai hết, Stephen Hawking hiểu về tình hình bệnh tật của mình. Ông cũng đã có lần nói tới dấu chấm hết của cuộc đời: "Tôi đã sống mà gần kề cái chết suốt 49 năm qua. Tôi không sợ chết, nhưng tôi vẫn chưa vội ra đi đâu. Tôi vẫn muốn làm rất nhiều việc trước khi từ giã cõi đời".
Và hôm nay, Stephen Hawking đã chính thức từ giã chúng ta. Sự ra đi đột ngột của ông để lại vô vàn đau thương trong cộng đồng yêu khoa học nói riêng và toàn bộ nhân loại nói chung.
Tôi đã quen với việc trích dẫn những học thuyết, nhưng câu nói của "Hawking vĩ đại" vào những bài viết của mình. Việc thêm một chữ "cố" vào trước tên ông bỗng khiến mọi thứ nặng nề và đau thương biết mấy. Nhưng điều đó cũng cùng lúc chứng minh được rằng những di sản của Hawking tồn tại mãi mãi, người ta vẫn nhớ về chúng như cách họ nhớ về ông.
Vĩnh biệt Stephen Hawking.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng