TikTok Shop giúp người bán đổi đời: Nổi tiếng sau 15 phút, lượng đơn quá tải, đóng gói 14 tiếng/ngày mới xong
TikTok Shop có lợi cho các chủ shop như thế nào?
Cách đây không lâu, người dùng TikTok phát cuồng với những chiếc áo nỉ in hình lọ dưa chua ngộ nghĩnh từ nhiều các thương hiệu thực phẩm, chẳng hạn như McClure's, B&G Kosher Dill, Grillo's hay Claussen.
“Tôi không thích dưa chua muối nhưng lại đặc biệt yêu những chiếc áo này”, một người dùng bình luận dưới video.
Các bài đăng thu hút hàng chục triệu lượt xem, trong khi những người có tầm ảnh hưởng kiếm được kha khá tiền hoa hồng nhờ việc bán áo thông qua hình thức affiliate. Giống với bất kỳ những mặt hàng ‘viral’ nào, loạt người bán cũng đổ xô kiếm tiền từ nền tảng.
Chẳng hạn, chỉ với 16 USD, người dùng đã có thể mua một chiếc áo nỉ rộng rãi từ người bán có tên Frank Bloomer. Trong khi đó, Wild Herd Designs bán được hơn 1.000 chiếc áo ‘Virus Pickle Jars’ trên TikTok với mức giá khởi điểm 19,99 USD.
“Chúng tôi bán nhiều đến nỗi phải thức cả đêm để kịp đóng hàng”, Ashley Martinez, chủ shop Wild Herd Designs nói.
Đây chính là điểm khiến TikTok Shop trở nên khác biệt so với các đối thủ thương mại điện tử như Shopify hay Amazon. Hầu hết các đơn đặt hàng thành công đều đến từ những clip viral, không kể đó là người dùng mới hay cũ.
Theo BI, một video sau khi lên xu hướng sẽ giúp người bán nổi tiếng trong vòng 15 phút, đồng thời đẩy doanh thu theo ngày tăng lên chóng mặt. Lượng đơn đặt hàng dồn dập đột ngột có thể khiến các chủ shop chật vật để đáp ứng thời hạn vận chuyển trong 3 ngày của TikTok tại Mỹ.
“Những đơn đặt đó có thể chỉ quá tải trong vài ngày, sau đó shop của bạn sẽ lại quay về chuỗi những ngày yên ả”, Michael Herling, chủ thương hiệu Herling Handcrafted, cho biết. “Tôi không chắc mình có cảm thấy thoải mái với điều đó hay không, tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, số tiền kiếm được có thể dùng để tích góp mua nhà”.
Được biết TikTok đặt ra thời hạn tối đa 3-4 ngày để các thương nhân Mỹ vận chuyển hàng hóa. Việc phải gấp rút đóng, gói sản phẩm có thể khiến họ quá tải, không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu và cuối cùng bị trục xuất khỏi nền tảng.
“May mắn là tôi có vợ phụ giúp đóng hàng. Nhiều khi các con tôi cũng xúm vào giúp bố mẹ”, Herling nói.
Đối với Jessica Slone, founder Bad Addiction Boutique, việc theo kịp số lượng đơn hàng và đáp ứng các yêu cầu của TikTok ngày càng trở nên khó khăn sau khi hàng nghìn người dùng - tính đến thời điểm hiện tại là hơn 42.000 - bỏ tiền mua dòng áo nỉ Pickle Jar trị giá 44 USD của cô. Sau nhiều đêm chật vật đến 3 giờ sáng, Jessica Slone quyết định nhờ cậy một nhóm chuyên hoàn thiện các đơn hàng ở địa phương.
“TikTok có những chính sách và quy định rất nghiêm ngặt, vậy nên chúng tôi buộc phải nhờ người giúp”, Jessica Slone nói.
Lindzi Shanks, co-founder thương hiệu kẹo dẻo XO Marshmallow, từng nói chuyện với đại diện TikTok về vấn đề này. Nền tảng hiện không cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình vận chuyển.
“Chính sách này có thể không phải sự lựa tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ, song mỗi khi chúng tôi đưa ra phản hồi, phía TikTok rất cởi mở và chịu lắng nghe”, Lindzi Shanks nói.
Theo Laura Ritchey, Giám đốc điều hành công ty logistics thương mại điện tử Radial, các thương hiệu lớn có thể sử dụng công cụ như AI để phân tích giá cả và doanh số, từ đó hoạch định trước chiến lược đóng gói hàng mỗi khi clip lên xu hướng. Tuy nhiên, những người bán hàng nhỏ lẻ không dễ gì thực hiện điều này.
TikTok có cơ sở để trở nên khắt khe với quy chuẩn đóng gói hàng. Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn giúp nền tảng dành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”. Chỉ khi rút ngắn được thời gian giao hàng, TikTok Shop mới có thể cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.
Chia sẻ với BI, Julia Cote, sinh viên đại học bán đồ trang sức trên TikTok Shop cho biết hồi tháng 8, việc video lên xu hướng đã khiến cô ‘sốt vó’ một phen.
“May là khi video lên xu hướng tôi không phải đi học. Tôi gói hàng điên cuồng, gần như 13, 14 tiếng/ngày để cố gắng hoàn thành mọi thứ. Tôi chưa bao giờ phải xử lý lượng đơn hàng lớn thế này nên làm khá chậm”, Julia Cote nói.
Khó khăn là vậy, song đổi lại, các chủ shop bán hàng trên TikTok có thể dễ dàng đẩy tăng doanh số rất nhanh nếu video viral. Phía nền tảng cũng cam kết hỗ trợ người bán hết sức có thể nếu họ đáp ứng được số lượng video cần đăng hoặc thời lượng phát trực tiếp mỗi lần.
Giáng sinh năm đó, video tái hiện lại phân cảnh trong bộ phim sitcom “Gavin & Stacey” của shop đồ ngọt SoSweet đã viral và nhanh chóng thu hút 20.000 người theo dõi chỉ sau vài ngày. Đỉnh cao nhất, ông chủ Robinson cho biết hơn 2,5 triệu USD (61 tỷ VNĐ) tiền hàng đã được bán ra chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.
“Chúng tôi coi đây là một nền tảng giải trí và chúng tôi tập trung vào việc tạo ra mối liên hệ giữa giải trí với thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến”, Robinson cho biết.
Để lan toả kiến thức trực tiếp mà mình có được, Robinson gần đây đã thành lập một đại lý đối tác của riêng mình để tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ về cách bắt đầu trên TikTok Shop.
Đồng thời, anh cũng tiếp tục ưu tiên kinh doanh truyền thống, mở thêm cửa hàng cho SoSweet để thương hiệu nổi tiếng khắp nước Anh. Vào năm 2025, 20 cửa hàng sẽ được lên kế hoạch mở mới.
“TikTok đã khiến chúng tôi thêm nổi tiếng”, Robinson nói.
Theo: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng