TikToker review sai sự thật bị xử lý như thế nào?

    Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) , Người Lao Động 

    TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội thu hút số lượng người dùng nhất, đặc biệt là giới trẻ, thông qua những video ngắn với nội dung mới lạ, hấp dẫn.

    Theo thống kê, tại Việt Nam có đến 80% người sử dụng TikTok ở độ tuổi 16 - 26. Nhiều người có thể dành hàng giờ để tạo ra một video ngắn trên TikTok, thậm chí bỏ hơn nửa ngày chỉ để lướt xem hết những video của một "hot" TikToker nào đó.

    Tuy vậy, lợi dụng độ "hot" của nền tảng mạng xã hội này, một số người dùng đã sáng tạo những video có phần thiếu hiểu biết, thậm chí là phản cảm, sai sự thật và đi ngược lại với đạo đức.

    Đáng lo ngại là hiện nay, các tác động tiêu cực của TikTok gây hại cho người sử dụng. Mặt trái của những clip vui nhộn và hấp dẫn là hàng loạt video liên quan các vấn đề nhạy cảm như ma túy, tình dục, bạo hành… Nhiều trào lưu "làm mưa làm gió" nhưng không mang tính tích cực mà gây độc hại cho người xem, nhất là trẻ em. Việc TikTok là một nền tảng giải trí không đồng nghĩa với việc ai đó có quyền đem người khác ra cười chê trên mạng xã hội.

    Về pháp lý, với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Mức xử phạt này áp dụng theo các điều 100, 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.

    Đối với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác thì căn cứ điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác, nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng còn có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; bí mật đời tư của cá nhân… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, mà Bộ Luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội "Vu khống" (điều 156); tội "Làm nhục người khác" (điều 155); tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" (điều 159); tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân" (điều 331).


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày