Tim Cook - 'vị thần may mắn' của Apple: Giúp vốn hóa tăng 700 triệu USD mỗi ngày trong suốt 1 thập kỷ, dân kinh doanh lão làng chỉ chứng minh năng lực bằng những con số
Tim Cook đưa Apple đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD là nhờ nền tảng dân kinh doanh đích thực, không phải kỹ sư như Steve Jobs.
"Chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra với Apple trong giai đoạn mà Steve Jobs bị đá khỏi công ty vào năm 1985. Chúng ta đều đã biết, đã thấy và đã trải qua cuộc thử nghiệm đó", Ellison - CEO oracle phát biểu tại một chương trình tọa đàm vào năm 2013. "Chúng ta đã chứng kiến Apple đi lên dưới thời Jobs khi ông ấy trở lại công ty vào năm 1997. Giờ đây, chúng ta sẽ thấy một Apple không có ông ấy với một cú lao dốc. Không ai có thể thay thế ông ấy, Apple sẽ không thể thành công như vậy nữa".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những dự báo của vị CEO Oracle hoàn toàn sai.
VỐN HÓA TĂNG 700 TRIỆU USD/NGÀY SUỐT MỘT THẬP KỶ
Theo Financial Times, thành công của ông Cook dưới vai trò người kế nhiệm Steve Jobs vang dội với những con số không thể "khủng" hơn. Tính từ khi ông tiếp quản vị trí CEO Apple, giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đã tăng hơn 700 triệu USD/ngày và vượt mốc 3.000 tỷ USD vào ngày 3/1/2022, trước khi giảm dưới ngưỡng này ngay sau đó.
Tuy nhiên, những hoài nghi của Ellison thời gian đầu khi Cook tiếp quản Apple không phải không có căn cứ.
"Sự hoài nghi là rất lớn khi Cook được bổ nhiệm, bao gồm cả Phố Wall, những khách hàng yêu thích điện thoại iPhone hay bạn bè, đồng nghiệp trong giới công nghệ", Tripp Mickle, tác giả của cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề "After Steve", nói về lịch sử 10 năm của Apple, cho biết.
Sự tăng trưởng ngoạn mục về giá trị vốn hóa của Apple chính là "trái ngọt" của kỷ nguyên di động thông minh (smartphone) mà ông Jobs đặt nền móng. Tuy nhiên, kể cả những người hâm mộ lớn nhất của ông Jobs cũng phải thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp hoặc hiểu sai những phẩm chất mà Cook mang lại khi điều hành Apple, từ chuyên môn về chuỗi cung ứng cho đến sự khéo léo trong đối ngoại.
Sự thống trị của Apple trong suốt giai đoạn ông Jobs trở lại công ty từ năm 1997 tới năm 2011 đã tạo nên một mô hình kinh doanh với tư cách là "công ty tạo đột phá", có thể thay đổi cả ngành nghiệp chỉ với một sản phẩm. Sự ra đời của iMac, iPod, iPhone và iPad là minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên, ông Cook – người nhận lương thường gần 100 triệu USD từ Apple trong năm 2021, trong đó phần lớn là cổ phiếu thường, lại không phù hợp với mô hình đó.
THAY ĐỔI BẢN CHẤT CỦA APPLE
Theo Financial Times, các kỹ năng của ông Cook nằm ở những lĩnh vực mà văn hóa đại chúng không thực sự hiểu được, chứ đừng nói đến việc đánh giá cao.
"Jobs là một kẻ táo bạo có tầm nhìn, còn Cook là một chuyên gia về hiệu quả, một người sành sỏi về vận hành", Ray Wang, Chủ tịch hãng nghiên cứu Constellation Research, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, nhận xét. "Một công ty cần cả hai nhân vật như vậy. Công ty cần một người có thể nảy ra những ý tưởng khiến mọi người phấn khích và cũng cần một người đưa ý tưởng đó ra thị trường trên quy mô lớn".
Những người ủng hộ ông Cook - một nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi ngoại giao cho rằng ông đã thay đổi bản chất của Apple. Trong thời gian Cook nắm quyền điều hành, doanh thu hàng năm của Apple đã tăng từ 108 tỷ USD vào năm ông tiếp quản lên 365 tỷ USD năm 2021. Lợi nhuận ròng của "táo khuyến" cũng tăng 3,7 lần, từ 26 tỷ USD lên 95 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Nhưng điều quan trọng hơn là cách Cook xây dựng một mạng lưới dịch vụ để "khai thác từng xu" trong hệ sinh thái Apple, mang về nguồn doanh thu định kỳ ổn định từ phí App Store và gần 800 triệu khách hàng trả tiền cho phương tiện kỹ thuật số được triển khai dưới thời của ông.
Theo các nhà phân tích, việc này giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc của Apple vào iPhone và đã đẩy giá cổ phiếu của công ty lên mức cao với tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu tăng gấp 3 lần so với một thập kỷ trước.
"Thành công lớn nhất của Tim Cook là sự nuôi dưỡng và thúc đẩy các dịch vụ và mức độ mà ông có thể tạo ra cuộc cách mạng được các nhà đầu tư nhìn nhận", ông Mickle nhận xét.
Hai sản phẩm lớn của Apple ra mắt trong thập kỷ điều hành đầu tiên của ông Cook - AirPods và Apple Watch - đã thành công vang dội với thị phần lần lượt là 25% và 31% trên thị trường của mình.
Tuy nhiên, thành công hơn phải kể đến mảng dịch vụ. Năm ngoái, mảng này đã mang về cho Apple doanh thu gần 70 tỷ USD – gần gấp đôi với doanh thu của Mac, iPad và các thiết bị đeo – và có biên lợi nhuận tới 70%.
"Chúng ta sẽ không ghi nhận Cook với việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo tiếp theo, nhưng điều có thể ghi nhận ở ông ấy là một nền tảng với các dịch vụ mang lại 25% doanh thu của công ty vào năm 2025", ông Wang của Constellation Research nói.
CHÈO LÁI APPLE THOÁT KHỎI NHỮNG RẮC RỐI CỦA BIG TECH
Còn theo nhận xét của giáo sư kinh doanh Dan Wang ở Đại học Columbia, Apple đang sở hữu một hệ sinh thái không gì sánh bằng. Và với tất cả những rắc rối xảy ra với nhóm "đại gia" công nghệ lớn tại Mỹ (Big Tech), Apple đều vượt qua ngoạn mục.
"Một trong những thành công lớn nhất của Cook là mang lại sự nhất quán cho các hoạt động của Apple. Jobs đã có một bước khởi đầu đáng kinh ngạc, nhưng việc ông tập trung vào các sản phẩm đồng nghĩa với việc doanh thu của công ty sẽ vô cùng biến động, giống như một công ty thời trang vậy", giáo sư Wang phân tích.
Theo ông Wang, nếu một công ty có thể dự báo được thị hiếu của khách hàng vào năm tới thì công ty đó hẳn sẽ giàu to. Nhưng nếu dự báo sai, công ty sẽ chịu cái giá phải trả.
"Cook đã làm rất tốt khi đưa Apple thoát khỏi chu kỳ mà ở đó công ty lúc nào cũng buộc phải tìm ra một sản phẩm ‘bom tấn’ mới", ông Wang nhận xét.
Song song với đó, Apple vẫn tạo ra một chu kỳ lặp lại sản phẩm đều đặn, đủ ấn tượng để người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền cho chúng. Theo Counterpoint Research, iPhone hiếm thị phần 17% trong năm 2021, nhưng chiếm tới 80% lời nhuận của thị trường smartphone toàn cầu.
Ông Cook cũng được đánh giá cao về kỹ năng ngoại giao. Việc ông chú trọng vào quyền riêng tư của khách hàng đã giúp của Apple tránh được sự phản đối của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh hàng loạt hãng công nghệ khác chịu các đòn siết kiểm soát nghiêm ngặt.
Tại Trung Quốc, Cook đã ký các hợp đồng mở rộng cơ sở sản xuất, đồng thời xây dựng đế chế kinh doanh mang về doanh thu 68 tỷ USD tại quốc gia đông dân nhất thế giới – lớn hơn bất kỳ đối thủ nào.
Còn tại Mỹ, vị CEO này cũng giúp tránh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài của Apple dưới thời Tổng thống Donald Trump bằng cách giữ quan hệ hòa hảo với ông chủ Nhà Trắng.
"Ông Cook thường xuyên gọi điện cho ông Trump và luôn thân thiện với Tổng thống", Margaret O’Mara - nhà sử học công nghệ, tác giả cuốn sách "The Code: Silicon Valley and the Remaking of America", cho biết. "Ông ấy cực sành sỏi trong việc điều hướng dòng chảy thương mại toàn cầu, trước tiên là với vấn đề thuế quan của ông Trump và sau đó là với đại dịch Covid-19".
Theo bà O’Mara, định giá của Apple phản ánh rõ nét chuyên môn đó của ông Cook. Bà cũng cho rằng nếu ông Jobs còn sống và điều hành Apple thì mọi thứ có thể không diễn ra tốt đẹp như vậy.
Theo một số nhà quan sát, Apple gần như tránh được việc bị xếp chung nhóm cùng Apple và Google trong về việc kiếm tiền từ dữ liệu người dùng – điều mà Giáo sư Shoshana Zuboff của Đại học Harvard gọi là "chủ nghĩa tư bản giám sát".
Dưới thời ông Cook, Apple cũng không "vung tay quá chán" vào những thương vụ thâu tóm "không cần thiết". Thương vụ lớn nhất Apple thực hiện trong một thập kỷ qua là mua lại thương hiệu tai nghe Beats với giá 3 tỷ USD.
Dù cũng có một số sai lầm hay sản phẩm không gây được tiếng vang như loa HomePod hay Apple Maps, số lượng sai lầm ít ỏi của Apple dưới thời Cook cũng được xem là một thành công.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng