Tìm hiểu về viết mật mã bằng cờ vua - môn thể thao trí óc từng bị cấm vào thời Thế Chiến
Dù chẳng có bằng chứng nào cụ thể nhưng họ "cứ thích thì mình cấm thôi".
Năm 1928, một nhóm mọt sách Đức ham mê bộ môn cờ tướng đã tụ họp lại, lập nên Liên đoàn Cờ thư Quốc tế - Internationaler Fernschachbund, liên hiệp chơi cờ qua thư tín quốc tế đầu tiên. Cách chơi chẳng khác cờ vua bình thường chút nào, nhưng điểm khác biệt rất lớn đó là thay vì hay kì thủ ngồi mặt đối mặt, họ lại gửi từng nước đi của mình qua thư tín tới cho đối thủ. Chính điều “kì quái” ấy khiến cho một ván cờ có thể kéo dài vài tháng, thậm chí nhiều năm.
Đến 1939, Hiệp hội Cờ thư bị giải tán, nhưng những người dân và cả những chàng lính vẫn tiếp tục giết thời gian bằng phương pháp chơi cờ tốn thời gian này. Nhưng tới năm 1943, ban kiểm duyệt của Mỹ và Canada bắt đầu nhắm tới đối tượng chơi cờ qua thư vì lo lắng rằng đây có thể là một cách gửi thông điệp hiệu quả tới những lực lượng thù địch.
Theo một bài báo viết năm 1991 được đăng tải trên tạp chí Chess Life and Review, thì khâu kiểm duyệt sẽ bao gồm việc che mờ đi toàn bộ hình ảnh bàn cờ trên những bức thư được gửi đi, khiến cho những người chơi đầu bên kia không thể biết được họ đã tiến hành nước cờ gì và hiển nhiên, ván cờ sẽ bị bỏ dở. Thoạt đầu nhìn vào, nỗi lo sợ này có vẻ hơi lố bịch, bởi lẽ cao thủ cờ hẳn là những người thông minh, và họ sẽ chẳng đưa ra những bước đi quá mức … kém để tạo thành được một thông điệp ngầm. Chỉ cần một người chơi cờ hạng xoàng là có thể ngồi kiểm tra được rồi phải không?
“Tôi nghi ngờ rằng một người nếu hiểu rõ về trò cờ vua và biết được cách thức những quân cờ di chuyển sẽ có khả năng phát hiện ra điều gì mờ ám”, Joan DuBois, tác giả của bài viết trên Chess Life bày tỏ. “Nhưng tôi cũng nghĩ rằng ai cũng có thể nghĩ ra một loại mật mã nào đó cho bất kì thứ gì nếu như họ bỏ thời gian vào việc đó. Trong chiến tranh, mọi thứ đều gây ra sự nghi ngờ”.
Vậy thì ban kiểm duyệt đã tìm kiếm thứ gì, nếu như những nước cờ sai quá dễ dàng bị phát hiện? Và trong lịch sử, sự việc dùng cờ để che giấu thông tin gián điệp đã diễn ra bao giờ chưa?
Dù rằng ta có quá ít bằng chứng, thông tin lịch sử để chứng thực được hai điều trên (hoặc là những chiến dịch gián điệp ấy đã diễn ra thành công ngoài sức tưởng tượng, đến mức ta chẳng biết gì), nhưng có vẻ rằng với những gì mà ta còn ghi chép lại được, cờ đã từng được dùng với mục đích ấy.
Theo như một bài báo năm 1918 được đăng trên Everybody’s Magazine, một trong những ví dụ đầu tiên của loại mật mã này liên quan tới một cô diễn viên sống tại Pháp trong Thế chiến Thứ Nhất. Cô đã kết thân với một nhà ngoại giao của một đại sứ quán nước ngoài, và một trong những câu hỏi đầu tiên của cô trong lần đầu gặp mặt là anh ta có biết tới người chơi cờ giỏi nào không. Không muốn người phụ nữ xinh đẹp phiền lòng, anh đã tìm tới một câu lạc bộ cờ và nhờ giải một thế cờ được cô diễn viên kia đưa cho. Theo như bài báo ấy, thì bàn cờ như dưới hình:
Hóa ra, trước khi đưa cho anh chàng ngoại giao làm ở đại sứ quán kia “thế cờ bí” này, cô diễn viên đã gặp một anh phi công người Đức bị rơi máy bay tại phòng tuyến của nước Pháp và hiện đang dưỡng thương tại một bệnh viện. Lược bỏ hết chi tiết rườm rà, thì chính phủ Pháp biết được rằng anh lính kia nắm trong tay những thông tin chiến lược quan trọng của Pháp, cụ thể là những địa điểm đóng quân, những nơi có lính đồn trú dọc mặt trận.
Khi mà những nhà phân tích mật mã chia bản đồ ra thành 64 ô như của bàn cờ, thì họ phát hiện ra rằng những quân cờ đã chỉ đúng vị trí mà lính Pháp đang phòng ngự.
Đó là một câu chuyện thú vị và đồng thời cũng là một ví dụ hoàn hảo cho thấy cái nghệ thuật sử dụng mật mã một cách khéo léo, đưa vào những thứ rất tầm thường có thể thâm sâu (và cũng có thể gây nguy hiểm) tới mức nào. Nhưng cái mật mã đơn giản của 64 ô và chục quân cờ ấy lại không còn có chỗ đứng trong Thế chiến Thứ Hai, khi mà người Đức đã cách mạng hóa việc mã hóa với cỗ máy enigma – một thiết bị tạo mã hóa được cho là không thể giải được.
May mắn là nhờ trí tuệ và tài năng của Alan Turing cùng đội ngũ giải mật khẩu của mình tại Trường Mật mã Chính phủ Anh, nhóm có cả kiện tướng cờ vua Conel Hugh O’Donel Alexander, thì bí mật của cỗ máy enigma đã bị phá vỡ. Bản thân Turing cũng rất quan tâm tới trò cờ vua, khi năm 1951, ông đã phát triển ra chương trình máy tính đầu tiên – dù chỉ là trên giấy – có khả năng chơi một ván cờ vua trọn vẹn.
Cỗ máy enigma khét tiếng.
Đúng là những kì thủ hàng đầu giúp đỡ quân Đồng Minh chiến thắng thông qua việc bẻ khóa được enigma, nhưng ta vẫn chưa rõ rằng tại sao chính phủ Mỹ lại coi một ván cờ có thể được sử dụng dưới dạng một văn bản được mã hóa. Và một kết quả nghiên cứu năm 2009 được đăng trên tờ Security Communication Networks đã cho ta một cái nhìn cụ thể hơn. Mang tựa đề “Chestega”, bài nghiên cứu này có lẽ là ví dụ duy nhất về việc đưa một bảng mật mã vào trong một ván cờ vua.
Đó là công trình nghiên cứ của Abdelrahman Desoky và Mohamed Younis, hai sinh viên sau này đã tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Maryland. Chestega đã mã hóa thông điệp bằng cách sử dụng những kí hiệu đại số có trên bàn cờ (những chữ và số chỉ vị trí ô trên bàn cờ) cùng với những dữ liệu liên quan có sẵn khác, ví dụ như danh sách thứ hạng người chơi cờ trên Internet.
Như Desoky đã nêu trong bản nghiên cứu, việc sử dụng bàn cờ để giấu đi một thông điệp ngầm là cách thức trực quan nhất có thể có (như ví dụ về cô diễn viên người Pháp đã kể trên) nhưng bên cạnh đó, cách này lại giới hạn lượng thông tin được gửi đi do bàn cờ chỉ vỏn vẹn có 64 ô trống. Nhưng mặt khác, những kí hiệu toán học lại có thể che giấu được những tin nhắn dài dòng hơn, bởi “trong đa số các ván cờ, nhất là ở mức cao thủ, thì chúng có thể kéo dài rất lâu và bao gồm rất nhiều nước cờ khác nhau”.
Để có thể sử dụng được loại mã Chestega này, một người sẽ phải biến đổi tin nhắn thông thường thành hệ mã nhị phân của 1 và 0, rồi chia chúng ra thành từng nhóm dựa trên những quy định riêng mà những người gửi mật mã cho nhau đề ra. Mã nhị phân ấy được viết lại dưới dạng số thập phân, rồi được chuyến hóa thành kí hiệu trò chơi di động – portable game notation, một loại kí hiệu mà máy tính đọc được, thường được dùng trong các trò chơi cờ trên máy tính.
Ví dụ, bạn muốn gửi đi dòng chữ “anh ta không yêu cô – he doesn’t love you”, thì đầu tiên mã nhị phân của nó sẽ là “0110100001100101001000000110010001101111011001010111001101101110100100100111010000100000011011000110111101110110011001010010000001111001011011110111010100100000”.
Nếu như bạn và người nhận tin nhắn đồng ý liên lạc với nhau với tin nhắn nhị phân 7-bit (chia dòng mã nhị phân dài dằng dặc kia thành 7 phần), thì bạn sẽ có “0110100 0011001 0100100 0000110 0100011 0111101 1001010 1110011 0110111 0100100 1001110 1000010 0000011 0110001 1011110 1110110 0110010 1001000 0001111 0010110 1111011 1010100 100000”.
Khi chuyển thành kí hiệu thập phân, bạn sẽ có “52 25 36 6 35 61 74 115 55 36 78 66 3 49 94 118 50 72 15 22 123 84 32”. Mỗi con số này tương ứng với một ô cờ khi chuyển sang dạng kí hiệu portable game notation, vì thế kết quả cuối cùng của dãy số trên sẽ tương ứng với “d2 a5 d4 f6 c4 e1 b7 c2 g2 d4 f7 b8 c8 a2 f5 f2 b2 h8 g7 f6 c1 d6 h5”. Bạn đã có cho mình một dãy số bí mật chứa một lời nhắn bí mật (và đau lòng) rồi đó!
Như Desoky cũng chỉ ra, rằng Chestega sẽ hiệu quả nhất khi sử dụng trên một ván cờ đã được thực hiện sẵn. Đó là bởi dữ liệu có thể được ẩn giấu dưới những nước cờ hợp lý và có sẵn ấy, để tránh gây nghi ngờ cũng như tránh khỏi con mắt của bất kì chuyên gia cờ vua nào.
“Cờ vua là thứ trò chơi khó nhất để áp dụng kỹ thuật ẩn giấu tin nhắn bởi luật của cờ vua rất khó”, Desoky giải thích. “Ví dụ, nếu chúng ta thực hiện một bước đi sai, thì chính bước ấy sẽ trở thành còi báo động cho những người ngoài. Nếu họ nhận ra tiếng còi ấy, họ sẽ nhận ra rằng ván cờ này đang ẩn giấu một mật thư và mục đích bảo mật sẽ không còn nữa”.
Còn ngoài đời thực, liệu đã có cơ sở tình báo nào hay điệp viên nào sử dụng cách này chưa, ta chẳng thể biết được cũng như chẳng có bằng chứng nào cả. Trong lịch sử có một vụ tương tự nhưng chỉ dừng ở mức nghi ngờ mà thôi. Đó là Graham Mitchell, phó giám đốc của MI5 – cục tình báo Anh Quốc, người bị nghi ngờ là gián điệp cho phía Nga khi người ta thấy rằng Mitchell đã chơi cờ qua thư tín rất nhiều.
Những kì thủ cờ qua thư tín và nhiều kì thủ khác nghi ngờ điều đó, và hình ảnh dưới được cho là một trong những bức mật thư như thế. Mặc dù vậy, cho tới giờ, bức thư này vẫn chưa có lời giải.
Ngày nay, Tổ chức Cờ qua Thư tín Quốc tế, phát triển từ cội rễ Internationaler Fernschachbund của năm 1928 bao gồm hơn 100.000 thành viên trên 60 nước khác nhau. Có thể rằng họ là một bang hội nào đó đang âm mưu thống trị Trái Đất, họ thường xuyên gửi tin nhắn cho nhau qua những bức thư dưới dạng một ván cờ đang đánh dở. Dù vậy, lo sợ mà làm gì bởi ta cũng có thể sẽ không bao giờ biết được.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng