Tinder: ‘Quẹt’ trái, ‘quẹt’ phải và sự thay đổi của văn hóa hẹn hò
Khi Tinder ra đời năm 2012, ứng dụng hẹn hò đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử hẹn hò lãng mạn.
Ngay khi phát hành năm 2012, Tinder đã thay đổi cuộc chơi hẹn hò qua mạng. Không còn phải dành thời gian để nghiền ngẫm các hồ sơ được sắp xếp công phu, các hồ sơ thiết kế thân thiện với smartphone được thiết kế để “quẹt” sang trái hoặc phải một cách dễ dàng.
“Quẹt” trái, “quẹt” phải
Từ năm 2017, người dùng Tinder đã quẹt khoảng 1,4 tỷ lần/ngày tại 190 quốc gia và ghép hơn 65 tỷ cặp (match), tạo ra 1,5 triệu buổi hẹn hò mỗi tuần. Dù vậy, ít người biết rằng ý tưởng khởi đầu cho thành công rực rỡ của ứng dụng lại xuất phát từ một nơi vô cùng không liên quan: nhà tắm.
Giai đoạn đầu phát triển, các hồ sơ Tinder sắp xếp như một bộ bài để tráo và xếp thành từng chồng. “Ngay từ ban đầu, tôi có một khao khát dai dẳng là game hóa hẹn hò”, đồng sáng lập Tinder Jonathan Badeen từng chia sẻ. “Sử dụng các nút bấm để tráo bài có một chút cồng kềnh. Tôi muốn nó linh hoạt hơn. Việc tìm và chọn nút thích hợp có cảm giác chậm chạp, trong khi ở thế giới thực, chúng ta đưa ra quyết định rất nhanh chóng và cảm tính”.
Khoảnh khắc eureka đến với Badeen khi anh ra khỏi vòi nước nóng vì quên tắt quạt phòng tắm. “Khi bước ra, căn phòng toàn sương mờ. Tôi lau gương sạch sẽ nhưng chỉ trong 1 phút, nó lại mù trở lại. Tôi lau lại lần nữa, chỉ khác là theo hướng ngược lại. Tôi nhìn thấy gương mặt quen thuộc trong tấm gương sạch mà tôi vừa lau (quẹt). Quẹt là cách đơn giản nhất để đưa một tấm thẻ từ điểm A tới điểm B”.
Bedeen đến văn phòng và yêu cầu cả nhóm phát triển tính năng quẹt. Mọi thứ diễn ra đúng như những gì Bedeen suy nghĩ. Tính năng quẹt là một điểm đặc biệt thu hút của Tinder vì giúp mọi người cảm thấy sảng khoái khi làm điều gì đó nhẹ nhàng, không mất sức. Một điều may mắn là Bedeen đã không e ngại khi chia sẻ ý tưởng với cả nhóm.
Nhờ Tinder, hai nhà sáng lập Sean Rad và Justin Mateen có mặt trong danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes năm 2013. Người dùng Tinder có thể xem các bức ảnh “đối tác” tiềm năng ở khu vực lân cận và quẹt phải để “thích”, quẹt trái để từ chối. Nếu cả hai cùng quẹt phải, họ sẽ nhận được thông báo “It’s a match” cùng hai tùy chọn, nhắn tin cho nhau hoặc quay lại để “keep playing” (tiếp tục chơi). Chính câu thần thú “keep playing” đã giúp sự phổ biến của Tinder tăng phi mã. Dù vậy, năm 2016, Tinder đã thay thế “keep playing” bằng “keep swiping” (tiếp tục quẹt).
Thay đổi văn hóa hẹn hò
Tinder khác với các website hẹn hò truyền thống, dựa trên các thuật toán so sánh phức tạp và yêu cầu người dùng trả lời vô số câu hỏi. Ứng dụng kết nối những người độc thân dựa vào GPS và độ tuổi. Người dùng chỉ cần tài khoản Facebook, vài bức ảnh và một ngón tay sẵn sàng để quẹt. Tinder đồng bộ tài khoản Facebook, lấy ảnh đại diện cùng một số dữ liệu cơ bản khác.
Nhiều người cho rằng Tinder “nông cạn” khi thích ai đó chỉ dựa trên vài bức ảnh. Tuy nhiên, công ty nhấn mạnh nó phản ánh thực tế. Thu hút về ngoại hình có xu hướng đi trước mọi thứ khác. Tinder áp dụng điều đó và đưa vào nền tảng của mình.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 20 năm của chuyên mục đính hôn và cưới Vows trên tờ New York Times, một biên tập viên lâu năm viết: “20 năm trước, hầu hết cặp đôi chia sẻ với chúng tôi họ gặp nhau qua bạn bè hoặc gia đình, hoặc tại trường đại học. Cuối những năm 1990, một số tiết lộ họ gặp gỡ qua quảng cáo cá nhân”.
Tuy nhiên, đến năm 2018, 7 trong 53 gặp đôi trong chuyên mục Vows lại biết nhau qua các ứng dụng hẹn hò. Chuyên mục Wedding Annoucement trên tạp chí Times cũng ghi nhận 93/1.000 cặp đôi là kết quả của những ứng dụng như Tinder, Bumble, Hinge… Chuyên gia về các cặp đôi, Matt Lundquist, cho biết ông bắt đầu giảm dần câu hỏi về hoàn cảnh gặp gỡ của họ vì nhiều người sẽ nói: “Chúng tôi gặp nhau trên Tinder” hay “Ông nghĩ chúng tôi còn gặp nhau ở đâu được cơ chứ”. Một chương trình trị liệu sẽ không bao giờ suôn sẻ nếu ngày từ đầu, bệnh nhân nghĩ rằng chuyên gia của họ đi sau thời đại.
Theo The Atlantic, các ứng dụng hẹn hò xuất phát từ cộng đồng người đồng giới. Grindr (2009) và Scruff (2010) giúp những người đàn ông độc thân tìm kiếm đối tác. Dù vậy, chỉ đến khi Tinder ra đời, trào lưu tìm kiếm bạn trai/bạn gái trên ứng dụng mới trở nên phổ biến và Tinder ngay lập tức đứng đầu bảng xếp hạng App Store. Sự chuyển dịch trong văn hóa hẹn hò chỉ thực sự bùng nổ vào năm 2013, khi Tinder mở rộng cho cả điện thoại Android. Nhiều ứng dụng tương tự Tinder có mặt không lâu sau đó.
Hẹn hò qua ứng dụng: Ngọt ngào và man trá
Sean Rad và Justin Mateen tiết lộ cảm hứng thành lập Tinder xuất phát từ chính sự bất mãn của riêng họ khi thiếu cơ hội hẹn hò một cách tự nhiên. Làm thế nào để gặp gỡ mọi người khi bạn không ra khỏi nhà?
Tinder giúp mọi người gặp gỡ người khác, mở rộng mạng lưới quan hệ của những người độc thân, khuyến khích tương tác của những người chưa từng bước qua đời nhau. Jess Flores, một cô dâu 30 tuổi, đã kết hôn chỉ sau một lần “quẹt” trên Tinder. Cô nói họ có thể không bao giờ gặp nhau nếu không có ứng dụng này. Dù hôn phu là người chẳng liên quan gì đến mẫu người lý tưởng của mình, Flores vẫn quyết định cho bản thân cơ hội sau khi đọc được một dòng hài hước trên tiểu sử Tinder của đối phương.
Mike, hôn phu của Flores, sống ở thị trấn kế bên. Dù không xa về địa lý , Flores không đến nơi Mike sống bao giờ vì không hòa nhập với con người ở nơi khác. Chỉ sau vài tuần trò chuyện trên ứng dụng và một lần gặp nhau “hụt”, cả hai đã có buổi hẹn hò đầu tiên tại một trận bóng chày địa phương, uống bia và ăn xúc xích trên khán đài.
Với hai vợ chồng, được tiếp cận một nhóm người độc thân lớn hơn là một bước tiến tuyệt vời. Trong vài năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, trước khi gặp Mike, Flores quen với chặng đường đi về công ty, những con người cùng làm hàng ngày. Cô không háo hức bắt đầu một chuyện tình lãng mạn với ai trong số đó. Song, Tinder đã giúp cô gặp Mike.
Tất nhiên, không phải cặp đôi nào trên Tinder cũng kết thúc có hậu. Vài người tin rằng tính ẩn danh tương đối của ứng dụng hẹn hò khiến cho bối cảnh hẹn hò trở thành một nơi thô sơ, tồi tệ và tàn nhẫn hơn. Chẳng hạn, do là những người hoàn toàn xa lạ, đối phương có xu hướng cư xử lố bịch, hung dữ và tồi tệ. Theo chuyên gia Lundquist, vài khách hàng của ông kể lại những câu chuyện như: “Trời ơi, tôi đến nơi, anh ta ngồi xuống và nói: “Ồ, em nhìn chẳng giống anh nghĩ gì cả” rồi bỏ đi”.
Thậm chí, sự thô lỗ bộc lộ ngay từ những dòng tin nhắn đầu tiên trên Tinder. Anna Xiques, một nhân viên truyền thông, cho biết cô thường trải qua cảm giác kỳ quặc, đáng sợ khi hẹn hò qua ứng dụng, khác hẳn với khi gặp đối tượng được người quen giới thiệu. “Bởi vì, rõ ràng là họ trốn đằng sau công nghệ. Bạn không phải thực sự đối diện với người đó”, cô nêu quan điểm.
Ngoài ra, còn có những hệ lụy khác khi hẹn hò qua Tinder hay các ứng dụng tương tự. Chẳng hạn, bị công khai thông tin cá nhân, bị tống tiền, đe dọa, lừa đảo, bạo lực mạng. Trong một trường hợp, sau khi gửi ảnh “mát mẻ”, một cô gái bị đối phương ép phải gửi tiền nếu không muốn ảnh cùng thông tin của mình bị tung lên mạng.
Dù mang đến cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, không thể phủ nhận Tinder đã tạo ra cuộc “cách mạng” đối với văn hóa hẹn hò. Với cách tiếp cận mới lạ đối với hẹn hò, kết hợp cùng sự đơn giản và thực tế vô số người độc thân đang có mặt ngoài kia, không ngạc nhiên khi Tinder phổ biến tới vậy. Quẹt trái, quẹt phải, ghép đôi, kết nối, tất cả giống như một trò chơi mà bất kỳ ai cũng có thể là “con nghiện”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng