To như quả núi nhưng lại không có phanh, đây là cách những con tàu khổng lồ vượt kênh đào Suez suốt nhiều thập kỷ

    Linh Anh, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Dừng khẩn cấp là một thao tác quen thuộc với hầu hết mọi người nhưng lại là điều hoàn toàn xa xỉ với thủy thủ trên những con tàu container, tàu du lịch khổng lồ, vốn to như một tòa cao ốc nằm ngang.

    Tàu container hay tàu du lịch gây ấn tượng mạnh mẽ bởi kích thước của nó. Chúng chẳng khác gì những thành phố nổi, đi lại thoi đưa trên các đại dương và cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất cho cả thế giới, từ du lịch xa xỉ tới những cuộn giấy vệ sinh. Tuy nhiên, những siêu tàu đang là chủ đề nóng nhất của tuần qua khi một siêu tàu gặp sự cố và chặn đứng kênh đào Suez cùng dòng chảy thương mại trị giá 400 triệu USD/giờ, tương đương khoảng 10 tỷ USD/ngày.

     To như quả núi nhưng lại không có phanh, đây là cách những con tàu khổng lồ vượt kênh đào Suez suốt nhiều thập kỷ - Ảnh 1.

    Ever Given, con với chiều dài như tòa nhà Empire State đặt ngang, đang chặn đứng dòng kênh huyết mạch. Một phần của mũi tàu đang bị mắc kẹt trong lớp đất đá ven bờ của dòng kênh, khiến mọi nỗ lực giải cứu nó đều đang lâm vào ngõ cụt. Người ta nói rằng một cơn gió mạnh gần 80km/h cùng tầm nhìn thấp do bão cát là nguyên nhân sự cố.

    Tuy nhiên, sự cố này vẫn được coi là hi hữu, nhất là khi có trung bình 106 tàu container và tàu du lịch di chuyển qua kênh đào này mỗi ngày nhưng lại chẳng có tai nạn nào tương tự như vậy trong nhiều thập niên qua. Đội ngũ quản lý kênh đào có những quy định và đội ngũ chuyên nghiệp để đảm bảo những con tàu "xuôi chèo mát mái" qua dòng kênh và những thuyền trưởng hiểu hơn ai hết về việc đưa tàu qua dòng nước hẹp.

     To như quả núi nhưng lại không có phanh, đây là cách những con tàu khổng lồ vượt kênh đào Suez suốt nhiều thập kỷ - Ảnh 2.

    Thuyền trưởng Yash Gupta, một người dạn dày kinh nghiệm đi biển, nói rằng gió là một mối đe dọa thực sự với các tàu container. Việc các thùng kim loại được xếp chồng lên nhau khiến chúng có độ cao chóng mặt và kiên cố. Trong khi đó, con tàu nổi trên mặt nước khiến chúng chịu tác động của gió lớn hơn. Người ta chẳng có cách nào để phanh những "thành phố nổi" ấy như phanh một chiếc ô tô.

    Dù công nghệ hiện đại nhất đã được áp dụng nhưng một con tàu container đang chạy với tốc độ tối đa cần khoảng 1,8 dặm và 14 đến 16 phút để dừng lại. Khi đi qua Kênh đào Suez, chúng thường đi với tốc độ chậm nên mất khoảng 12 tới 16 giờ để đi qua được kênh đào. Không ai được phép đi nhanh ở đây vì việc không thể giữ khoảng cách với tàu đi trước sẽ là thảm họa tồi tệ.

    Ngoài ra, sẽ luôn có ít nhất một hoa tiêu của công ty quản lý kênh đào Suez đi cùng các tàu. Họ là những người được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn điều khiển các con tàu đi qua dòng kênh hẹp nhưng vô cùng quan trọng này. Dẫu vậy, hoa tiêu cũng chỉ là người hỗ trợ. Trách nhiệm chính vẫn là của thuyền trưởng.

    Thực tế, dù các tàu được phép vượt nhau ở những khoảng rộng của dòng kênh nhưng điều đó không mấy khi xảy ra. Các hoa tiêu cũng thường xuyên giữ liên lạc với nhau để tiến hành việc cho phép tàu vượt. Khi đó, một tàu sẽ giảm tốc và một tàu sẽ tăng tốc dưới sự hỗ trợ của các hoa tiêu, những người biết rõ địa hình, thủy triều và những yếu tố khác của dòng kênh.

    Ngoài ra, đội ngũ quản lý có hệ thống radar lớn và thiết bị điều hướng, cho phép theo dõi chuyển động của tất cả những con tàu. Họ là những người điều phối hoạt động trên dòng kênh. Ngoài ra, còn đội ngũ hùng hậu những chiếc tàu kéo được dùng để hỗ trợ những con tàu khổng lồ vượt dòng kênh.

     To như quả núi nhưng lại không có phanh, đây là cách những con tàu khổng lồ vượt kênh đào Suez suốt nhiều thập kỷ - Ảnh 3.

    "Có những khu vực trên dòng kênh hẹp hơn những phần còn lại. Tàu kéo thường được sử dụng làm tàu hộ tống để những con tàu lớn vượt qua các nút thắt cổ chai này. Chúng đi song song với những con tàu khổng lồ và sẵn sàng can thiệp khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh", thuyền trưởng Gupta cho biết.

    Tuy nhiên, ngay cả khi các thuyền trưởng đã lên kế hoạch cụ thể cho hành trình vượt kênh đào, hiểm họa vẫn luôn hiện hữu. Chúng nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người.

    "Ở Suez, một trong những hiểm họa chính là bão cát. Chúng tới rất nhanh và không có cảnh báo trước. Những cơn gió mạnh cuốn theo một lượng lớn cát và làm giảm đáng kể tầm nhìn", thuyền trưởng David Bathgate của siêu tàu du lịch Seabourn Cruise Line chia sẻ. "Tàu càng cao thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi gió".

    Dù các tàu du lịch luôn "được ưu tiên" hơn khi qua kênh đào Suez hay các tuyến đường hàng hải tấp nập khác nhưng việc xếp hàng chờ tới lượt vẫn là điều thường xuyên xảy ra. Khi đi qua kênh đào Suez, có nhiều hoa tiêu sẽ lên tàu để hỗ trợ. Tuy nhiên, giống với các tàu container, tàu du lịch cũng cần khoảng thời gian nhất định để có thể dừng lại.

    Trong khi các thuyền trưởng và thủy thủ đoàn căng mình vượt kênh, hành khách lại tỏ ra thích thú khi các siêu tàu du lịch vượt kênh đào. Có những trải nghiệm mà họ không thể có được ở bất cứ nơi nào khác khi con tàu khổng lồ như đang đi trên sa mạc nếu nhìn từ trên boong cao hàng chục mét. Đôi khi, mây trắng đột ngột sà xuống khiến tầm nhìn chỉ còn một vài mét.

    Pam Broadhead, một khách du lịch đi qua kênh đào năm 2019, kể lại trải nghiệm có một không hai: "Con tàu của chúng tôi là chiếc đầu tiên đi qua kênh đào Suez vào lúc sáng sớm nên thủy thủ đoàn thông báo cho mọi người lên trên boong để ngắm mặt trời mọc. Khách có thể uống cà phê, ăn bánh sừng bò khi nhìn mặt trời ló dạng ở đường chân trời".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày