Toàn cảnh điều kiện làm việc khắc nghiệt của công nhân tại nhà máy của Apple: môi trường làm việc nghèo nàn, tràn ngập hoá chất độc hại
Gần một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi có những báo cáo đầu tiên về điều kiện môi trường làm việc tồi tệ tại các nhà cung cấp của Apple.
Một nhà cung cấp cho Apple ở Trung Quốc lại một lần nữa bị buộc tội vì có điều kiện nhà máy tồi tàn, theo một báo cáo từ Tổ chức Lao động Trung Quốc. Bài báo cáo đã vạch ra chi tiết điều kiện làm việc tại nhà máy Catcher Technology, nơi sản xuất các sản phẩm của Apple tại tỉnh Giang Tô.
Công nhân tại nhà máy Catcher sản xuất khung iPhone và các thành phần cho Macbook. Theo báo cáo, vào một ngày bình thường, người lao động có thể phải đứng liên tục trong 10 tiếng đồng hồ để cắt khung iPhone. Các công nhân phải chịu đựng hoá chất độc hại mà không có kính bảo hộ và găng tay phù hợp để bảo vệ bàn tay và khuôn mặt của họ. Công nhân chỉ đeo những chiếc khẩu trang giấy, tuy nhiên loại dầu mà họ dùng để cắt khung iPhone vẫn có thể bị bắn vào mắt họ và gây đỏ mắt trong một thời gian dài, bài báo cáo cho hay. Công nhân chỉ đeo những chiếc găng tay cotton ướt đẫm hoá chất, khiến cho hoá chất tiếp xúc trực tiếp với tay và có thể dẫn đến kích ứng da.
Những người biểu tình chống lại điều kiện làm việc tại các nhà cung cấp của Apple ở Trung Quốc, tại Hong Kong vào năm 2013, theo một báo cáo từ China Labor Watch, phát hiện quyền của người lao động đã bị vi phạm ở miền nam và miền đông Trung Quốc
Trong quá trình làm việc, tiếng ồn từ việc sản xuất khung iPhone được báo cáo là đạt tới 80 decibel hoặc hơn, có thể dẫn đến những thiệt hại đáng kể chỉ sau 8 tiếng tiếp xúc, theo IAC Acoustics, một công ty sản xuất các sản phẩm kiểm soát tiếng ồn. China Labor Watch cũng phát hiện ra rằng sàn nhà máy bị phủ bởi dầu, và công nhân thường xuyên bị vấp và ngã. Đồ ăn trong căng tin cũng đã dẫn đến nhiều trường hợp tiêu chảy.
Do chỉ trả lương cho công nhân ở mức 302,84 USD cho mỗi tháng, nhà máy này đã có thể thu lại lợi nhuận cao hơn. Nếu tính ra, công nhân chỉ được trả 1,38 USD một giờ, và họ phải làm đến 55 tiếng mỗi tuần. Bài báo cáo cũng ghi nhận rằng người lao động được trả tiền vào ngày mùng 5 hàng tháng, và nếu họ xin nghỉ việc, quản lý sẽ không trả phần lương còn lại cho họ. Thậm chí nhiều lúc, nhà máy còn không cho phép công nhân nghỉ việc, và thúc ép họ để tiếp tục làm việc.
Mặc dù chính sách của nhà máy nói rằng họ sẽ được trả lương gấp đôi vào các ngày thứ bảy và được nghỉ ngày chủ nhật, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Công nhân phải làm việc từ thứ hai cho đến thứ sáu, và nếu họ nghỉ ngày nào trong tuần thì sẽ phải làm bù vào một ngày khác. Ngày thứ bảy và chủ nhật được dùng để bù đắp cho những ngày nghỉ trước, và người lao động không được trả lương làm thêm giờ cho hai ngày này. Bài báo cáo tính rằng hàng tháng nhà máy này đã thu về được 77,59 USD từ mỗi nhân viên từ tiền làm thêm giờ.
Trong một số trường hợp, một số công nhân nhà máy Trung Quốc có thể bị giảm khả năng nghe, bị đau mắt và suy giảm thị lực, và nhiều bệnh khác, nhưng báo cáo nói rằng rất khó để có thể chứng minh được mối liên hệ giữa bệnh tật của công nhân với tình trạng làm việc tại nhà máy. Nhà máy không cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công nhân cho đến khi họ làm việc được ít nhất là 3 tháng, và nếu công nhân nghỉ việc, họ sẽ không được kiểm tra sức khoẻ, trừ khi họ trả tiền cho dịch vụ đó từ tiền túi của họ. Bài báo cáo cũng ghi nhận rằng có một trường hợp một công nhân nữ đã bị sẩy thai và điều tra viên nghi ngờ rằng nguyên nhân là do điều kiện làm việc tại nhà máy, nhưng không thể chứng minh được sự liên quan.
Theo Bloomberg, nhiều công nhân tại nhà máy được tuyển dụng thông qua các cơ quan tuyển dụng ở khu vực nông thôn trên khắp Trung Quốc. Nếu không có công đoàn hiệu quả hay bất cứ biện pháp nào để làm việc trực tiếp với quản lý, thì công nhân nhà máy có lẽ sẽ không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận điều kiện làm việc tồi tàn như trước đây.
Sau khi bị chỉ trích bởi truyền thông về điều kiện làm việc tại các nhà cung cấp cho Apple, công ty đã phải công bố báo cáo về trách nhiệm của các nhà cung cấp, tổng kết các phát hiện từ kiểm toán kể từ năm 2007. Tuy nhiên, kiểm toán năm 2016 cho thấy họ chỉ có thể kiểm tra được một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng khổng lồ của Apple.
Tham khảo The Verge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng