Tôi đi code dạo: Thiếu kĩ năng Google, lập trình viên Việt Nam có giỏi tới mấy cũng khó sống!
Dưới đây là góc nhìn của tác giả Phạm Huy Hoàng - chủ nhân blog "Tôi đi code dạo" về thực trạng học lập trình của một số sinh viên Việt Nam hiện nay.
Ngoài công việc là một full-stack developer (lập trình viên nắm vững những kiến thức từ front-end cho tới back-end), Phạm Huy Hoàng được nhiều người biết tới như một tác giả, một blogger với trang blog nổi tiếng: "Tôi đi code dạo".
Thực trạng học lập trình của các "sinh viên"
Để quảng bá blog, tôi từng tham gia khá nhiều Group lập trình trên Facebook. Các bạn lập trình viên đang học, hoặc mới ra trường cũng nên tham gia. Các Group này thường đăng tin quảng cáo tuyển dụng, tìm lập trình viên, hoặc có các đường link tới bài viết vô cùng bổ ích.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bực mình nhất là đa số các bạn lại sử dụng các Group này để làm kênh... nhờ giải bài tập, fix bug, thi hộ...
Tôi cho rằng, hỏi khi làm việc còn đỡ, nhưng nhiều bạn tranh thủ đăng bài tập lên, nhờ giải hộ, hoặc đăng đề thi lên kèm dòng chữ "Giúp em với em đang thi". Thật lòng mà nói, tôi cũng không biết các bạn trẻ này tốn tiền học đại học làm gì nữa.
Học lập trình ở Việt Nam với tôi rất chán. Năm đầu bạn sẽ phải nhồi vào đầu kiến thức đại cương, về sau mới được học lập trình. Số môn lập trình cũng rất ít, vì vậy bài tập, bài thi là cơ hội để các bạn rèn luyện kĩ năng, luyện tư duy suy nghĩ.
Hai trong số các kĩ năng quan trọng nhất của lập trình viên là: kĩ năng fix bug và kĩ năng tự học. Các bạn trẻ trước hết phải bỏ cái thói hễ code không chạy, hễ gặp bug là vác lên Group hỏi, rung đùi chờ người trả lời.
Group không phải là nơi fix bug "chùa", thế nhưng một số bạn lại rất thích làm "người tốt việc tốt", sẵn sàng bỏ thời gian viết code hộ, team viewer fix bug hộ. Các bạn tưởng mình đang giúp người khác? Thật ra làm vậy sẽ tạo thói quen ỷ lại, thui chột kĩ năng của chính các bạn được giúp.
Thời còn đi học, tôi biết nhiều bạn cũng không chịu làm bài, tới lúc làm đồ án, gần ra trường thì lại không viết được 1 chức năng nào. Đây là hậu quả của việc nhờ làm bài, nhờ fix bug hộ.
Mà thôi kệ, mấy bạn không code được ra trường thì không giành công ăn việc làm với mình được, càng đỡ phải lo. Lúc đi phỏng vấn, họ cũng không kịp lên Facebook hỏi hay nhờ người trả lời hộ đâu.
Nhưng không hỏi ở đây thì hỏi ở đâu?
Như tôi đã nói, kĩ năng tự học là một trong những kĩ năng quan trọng của lập trình viên. Trước khi hỏi, các bạn cần chịu khó Google, Google tiếng Việt không ra thì Google tiếng Anh. Nếu tiếng Anh yếu, hay không giỏi thì... chịu khó học, học reading thôi cũng được, ngành này mà tiếng Anh kém thì hơi khó sống.
Còn "bài tập hay fix bug thì Google thế nào được?". Bài tập với fix bug thì phải tự làm, tự fix, sau này ra trường đi làm bạn cũng nhờ người khác fix bug với code hộ à?
Có nhiều trường hợp bất khả kháng, cần phải hỏi, thì các bạn vui lòng viết rõ ràng. Có nhờ kiểm tra code thì nhớ bỏ lên fiddle, dân tình lười lắm, không ai rảnh tải file về tìm lỗi cho bạn đâu.
Lời kết
Lấy stackoverflow ra làm ví dụ: Đây là trang hỏi đáp lớn nhất cho giới lập trình viên, các thành viên của họ đều rất ghét việc nhờ giải bài tập, nhờ fix bug hộ.
Thay vì đăng lên câu hỏi lên group, hãy tự google trước đi, đa phần các lỗi/vấn đề bạn gặp đều có người trả lời trên trang này cả đấy.
Hi vọng admin các group lập trình cũng đọc bài viết này, cùng chung tay xây dựng một cộng đồng lập trình viên: Không thi hộ, không hỏi đáp bài tập nhé.
Lập trình viên Phạm Huy Hoàng/Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng