Tôi ghét Facebook
... nhưng cùng lúc đó, tôi lại không thể từ bỏ mạng xã hội này.
Mới đây, Facebook đã dính vào vụ bê bối được coi là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay kể từ khi hoạt động. Facebook đã để lộ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng vào tay Cambridge Analytica - một công ty chuyên phân tích dữ liệu. Dữ liệu này được cho là đã được sử dụng để phục vụ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đóng góp một phần không nhỏ trong chiến thắng của ông trước bà Hilary Clinton trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016.
Sau vụ việc này, Facebook đã nhận được sự phản đối kịch liệt của người dùng. Rất nhiều người đã lên tiếng tẩy chay và kêu gọi mọi người khác xóa tài khoản Facebook của mình (với chiến dịch mang tên #DeleteFacebook), trong đó có cả một số nhân vật nổi tiếng như Elon Musk hay Brian Acton (đồng sáng lập ứng dụng chat WhatsApp).
Tuy nhiên, ngay cả trước khi vụ việc này xảy ra, rất nhiều người (trong đó có tôi) đã tỏ ra không hài lòng, thậm chí có thể nói là tức giận trước một số quyết định và hành vi của Facebook với sản phẩm của mình. Sau đây là một số ví dụ:
Ép buộc người dùng cài đặt ứng dụng Messenger
Tin nhắn là phần rất quan trọng của một mạng xã hội, và với vị thế của mình, không ngạc nhiên khi thấy Messenger của Facebook nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng tin nhắn phổ biến nhất.
Vào tháng 4/2014, Facebook tuyên bố sẽ tách phần tin nhắn khỏi ứng dụng di động của mình thành một ứng dụng riêng mang tên "Messenger". Để có thể liên lạc trên Facebook, người dùng sẽ buộc phải cài thêm ứng dụng này (bên cạnh ứng dụng Facebook có sẵn).
Facebook ép người dùng cài đặt ứng dụng Messenger để nhắn tin
Nhiều người dùng cảm thấy phiền hà khi phải cài đặt thêm một ứng dụng trong máy, vậy nên họ đã tìm ra một giải pháp là sử dụng trang web di động của Facebook (http://m.facebook.com) do nó có tích hợp luôn cả phần tin nhắn. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, Facebook cũng "cắt" luôn tính năng này, ép người dùng di động phải cài đặt Messenger.
Website và ứng dụng Facebook nặng nề, tiêu tốn tài nguyên, giật lag, tốn pin
Việc Facebook tách riêng ứng dụng Messenger có lẽ sẽ được hưởng ứng hơn nếu như Facebook có thể tối ưu hóa tốt hơn những sản phẩm của mình.
Mặc dù là một tập đoàn hàng đầu về dịch vụ Internet, tuy nhiên cả website và ứng dụng mobile của Facebook đều được đánh giá là nặng nề và gây tiêu tốn rất nhiều tài nguyên của thiết bị. Điều này gây ảnh hưởng đặc biệt rõ ràng trên các thiết bị Android và máy tính cũ, khi Facebook tiêu tốn rất nhiều bộ nhớ và các thao tác cuộn, xem ảnh (đặc biệt là các album với nhiều ảnh) thường xuyên "giật cục".
Ngay cả trên một chiếc smartphone cao cấp như Galaxy S9, tình trạng giật khi lướt News Feed của Facebook vẫn xảy ra
Ứng dụng Facebook cũng nhanh chóng tiêu tốn gần 1GB bộ nhớ trong chỉ sau 2 ngày cài đặt vào máy
Không chỉ có vậy, hai ứng dụng Facebook và Messenger luôn "đốt" một lượng pin rất lớn, ngay cả khi đã chặn các quyền truy cập vị trí, thông báo hay chạy nền.
Ngay cả khi đã hạn chế hoạt động nền, Facebook vẫn sử dụng một lượng pin rất lớn
Ngay cả Facebook cũng đã thừa nhận điều này. Trong một bài viết gần đây, David Marcus - Phó giám đốc của Facebook ở mảng sản phẩm tin nhắn, thừa nhận rằng ứng dụng Messenger đã trở nên quá "lộn xộn" do ôm đồm quá nhiều tính năng bên trong. Facebook cho biết hãng đang có kế hoạch tối ưu hóa ứng dụng của họ trong năm nay, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại thì điều đó vẫn chưa xảy ra.
Động thái duy nhất đang được Facebook thực hiện là phát triển hai ứng dụng rút gọn mang tên Facebook Lite và Messenger Lite. Nhẹ nhàng hơn nhiều, tuy nhiên người dùng phải đánh đổi lại việc mất đi rất nhiều tính năng quan trọng.
Không quan tâm đến trải nghiệm người dùng
Mặc dù sở hữu rất nhiều tính năng, tuy nhiên không phải tính năng nào trong số đó cũng là để phục vụ cho nhu cầu của người dùng, mà chỉ đơn giản là để ép người dùng sử dụng mạng xã hội này nhiều hơn, giao cho Facebook nhiều dữ liệu của bạn hơn.
Ví dụ, khi bạn lướt một số page mà không đăng nhập, Facebook sẽ liên tục hiển thị banner cố định choán hết nội dung, yêu cầu bạn phải đăng ký tài khoản. Các tính năng khi không đăng nhập cũng rất hạn chế: bạn sẽ không thể xem được các bình luận của người khác, hay một số profile của người dùng cũng sẽ không thể truy cập được. Ứng dụng di động cũng khiến rất nhiều người cảm thấy bực bội bởi một số "tính năng" như kéo sang trái News Feed để chụp ảnh (rất hay bị kích hoạt nhầm), hay video tự động chơi khi lướt qua nó.
Facebook hiển thị banner choán chỗ gây khó chịu nếu như người dùng không đăng ký tài khoản
Hay với ứng dụng Messenger, bạn sẽ không có chế độ invisible (ẩn trạng thái online) như các ứng dụng chat khác. Kể cả khi đã tắt mục "trạng thái rảnh", những người khác sẽ vẫn có thể thấy thời gian mà bạn online lần cuối. Quyền riêng tư của mỗi người chẳng khác gì con số 0.
Người dùng không thế giấu trạng thái online với bạn bè cả mình
Gần đây, tính năng cho phép người dùng tạo page cá nhân đứng tên mình đã bị Facebook gỡ bỏ chỉ sau một ngày do phản ứng quá dữ dội của cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lần hiếm hoi Facebook quyết định "sửa sai" sau khi lắng nghe những ý kiến. Đa phần các trường hợp, Facebook đều bỏ ngoài tai những ý kiến của người dùng và ép họ phải sử dụng những gì mà mình cung cấp.
Facebook liệu có quan tâm đến việc người dùng nghĩ gì?
Theo dõi người dùng một cách "đáng sợ"
Do Facebook là miễn phí để sử dụng, vậy nên quảng cáo là một phần tất yếu của mạng xã hội này. Để có thể đưa đến những quảng cáo chính xác hơn với nhu cầu và sở thích của từng người dùng, việc Facebook theo dõi những hoạt động của họ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đôi lúc cách mà Facebook làm điều này khiến người dùng không khỏi cảm thấy "đáng sợ".
Đã bao giờ bạn gặp tình cảnh đang tán gẫu với bạn bè về một nhu cầu liên quan đến lĩnh vực, sản phẩm hay dịch vụ nào đó, và chỉ ít phút sau, một quảng cáo về nó xuất hiện trên News Feed? Thậm chí, có một số người còn cho biết Facebook có thể nghe lén được các cuộc hội thoại ở ngoài đời thường để hiển thị quảng cáo.
Facebook đọc tin nhắn của người dùng để có thể đưa ra các quảng cáo phù hợp
Facebook cũng thường xuyên bị phát hiện có những hành vi đáng ngờ trong việc thu thập dữ liệu người dùng. Hồi năm 2015, Facebook từng bị phát hiện đã sử dụng "chiêu trò" chơi một đoạn nhạc tĩnh (không có âm thanh) ở nền để có thể hoạt động nền nhiều hơn trên các thiết bị iOS. Còn với các thiết bị Android, Facebook mới đây đã bị "bắt quả tang" thu thập lịch sử cuộc gọi và tin nhắn.
Facebook tìm mọi cách để có thể thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt
Ghét, nhưng vẫn phải sử dụng
Mặc dù cá nhân không thích những gì Facebook đang làm, tuy nhiên thật khó để có thể bỏ được nó. Nếu như trước đây, một mạng xã hội như Facebook chỉ được coi như một chốn để rong chơi tiêu khiển, thì giờ đây, đối với nhiều người, nó là công cụ liên lạc cho cả các mối quan hệ trong công việc. Đây cũng là tình cảnh chung mà nhiều người đang gặp phải.
Người dùng không có một sự lựa chọn nào khác khả dĩ, dần dần đẩy Facebook vào vị trí độc tôn ở lĩnh vực mạng xã hội. Những vấn đề nêu trên có thể sẽ không xảy ra nếu như Facebook có một đối thủ cạnh tranh xứng tầm.
Tiếc rằng, thời kỳ cho những cuộc chiến giữa các mạng xã hội đã qua, khi mà người dùng đã an phận với Facebook. Chiến dịch #DeleteFacebook có được sự hưởng ứng của không ít người, trong đó có cả những người nổi tiếng với tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng, con số đó vẫn còn quá nhỏ bé so với hơn 2 tỷ người dùng mà mạng xã hội này đang có. Biết rằng Facebook tệ như vậy, nhưng để thuyết phục hơn 2 tỷ người chuyển qua một mạng xã hội khác tốt hơn (nếu như nó có tồn tại) quả là một "nhiệm vụ bất khả thi".
Bạn sẽ không thể thiếu sống Facebook, nhưng bạn hoàn toàn có thể bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của mình khỏi mạng xã hội này
Từ bỏ Facebook không dễ, tuy nhiên, kiểm soát và bảo vệ quyền riêng tư là điều mà tất cả chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện. Kiểm tra cài đặt riêng tư, dừng cấp các quyền không cần thiết, chuyển sang sử dụng website thay cho ứng dụng trên smartphone, cẩn trọng khi chia sẻ và đăng tải thông tin lên mạng xã hội... là những việc bạn có thể làm ngay từ bây giờ nhằm "giúp bạn kết nối và chia sẻ với mọi người trong cuộc sống", nhưng vẫn bảo đảm dữ liệu cá nhân của bạn sẽ luôn chỉ là của riêng bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng