"Tôi là một hoàng tử": Xét nghiệm DNA tiết lộ dòng dõi hoàng gia của nhiều người Mỹ gốc Phi
Speights nói nhà vua đã đặt cho ông một cái tên mới: Videkon Deka. Nó có nghĩa là đứa trẻ đã trở về.
4 giờ sáng, điện thoại của Jay Speights rung lên bởi một tin nhắn. Ông chỉ định díp mắt đọc qua nó rồi ngủ. Nhưng những gì mà tin nhắn ấy viết ngay lập tức khiến Speights phải mở to mắt để đọc lại lần nữa, rồi một lần nữa trước khi ông quyết định đánh thức cả người vợ đang ngủ bên cạnh dậy.
"Tôi là một hoàng tử", Speights thì thầm khi vợ ông đang cố gắng chớp mắt để tỉnh dậy. "Một hoàng tử đấy bà ơi".
Nếu không phải một giấc mơ, khó có thể tin những lời này lại được thốt ra từ miệng một mục sư đã 66 tuổi ở thành phố Rockville thuộc tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Ông ấy ư? Một hoàng tử? Speights lớn lên ở New Jersey, chỉ sống trong một căn hộ bình thường và thậm chí còn chẳng có nổi một chiếc xe hơi.
Thế nhưng, điều gì đó đã thôi thúc người đàn ông ấy dành phần lớn cuộc đời để tự hỏi về nguồn gốc của mình. "Tổ tiên của tôi là ai?", Speights đã sưu tập và tra khảo một loạt các hồ sơ về gia đình mình cho đến khi mọi thứ đều đi vào ngõ cụt.
Giống với hầu hết người Mỹ gốc Phi là hậu duệ của nô lệ, có rất ít tư liệu văn bản cho phép Speights xác thực về nguồn gốc của gia đình của mình. Đó là lý do tháng Tư năm ngoái, ông quyết định thử một xét nghiệm DNA với hy vọng, những vật chất di truyền còn lại trong cơ thể sẽ nói lên điều gì đó về gốc gác của mình.
Kết quả được gửi đến Speights xác nhận ông là anh em họ xa của một người đàn ông có tên là Houanlokonon Deka - hậu duệ của dòng dõi hoàng gia ở Bénin, một quốc gia nhỏ xưa từng là cảng nô lệ lớn nhất Tây Phi.
Trước sự thúc giục của một người bạn, Speights tiếp tục gửi dữ liệu DNA của mình vào một cơ sở dữ liệu khác, tập hợp DNA của những người Mỹ gốc Phi và người Châu Phi cũng đang cố gắng đi tìm nguồn gốc của mình.
Chỉ vài phút sau khi nhập thông tin của mình vào cơ sở dữ liệu, Speights thấy trang web sáng lên với một kết quả. Nó có một dòng ngắn gọn "DNA hoàng gia".
Đã 400 năm sau khi những người nô lệ Phi Châu đầu tiên đặt chân xuống thuộc địa Virginia, Speights lại đang phải vật lộn với danh tính mới phát hiện được của mình. Ông là hậu duệ của những nô lệ và các vị vua Châu Phi đã đưa họ vào xiềng xích.
Kết quả DNA của Speights đã dẫn đến những cuộc thảo luận tại Hoa Kỳ về tác động của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc, cũng như cuộc đấu tranh để tìm một con đường phục quốc của những người nô lệ trước đây.
"Lịch sử của thời đại buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, chủ nghĩa thực dân và thời đại nô lệ thực sự là những trang bạo lực khiến cho nhiều gia đình phải ly tán, văn hóa và lịch sử của họ bị đánh cắp, để lại nhiều kết cục cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi ngày nay", Deborah Bolnick, một nhà nhân chủng, di truyền học tại Đại học Connecticut cho biết.
"Thử nghiệm DNA đã, đang và sẽ là công cụ giúp họ bắt đầu hàn gắn những mất mát đó".
Speights có lẽ là hậu duệ của một vị vua đã bị bắt và bán làm nô lệ cho các thương nhân Châu Âu. Ông ấy có thể đang lãnh đạo các bộ lạc đối địch trong quốc gia hoặc đã bị bắt và trở thành tù nhân chiến tranh. Các thương nhân Châu Âu đưa những người nô lệ này lên tàu đến Brazil, Haiti và Hoa Kỳ.
Đọc về những lịch sử này càng khiến Speights nảy sinh ra nhiều câu hỏi trong đầu. Nhưng ông không biết làm thế nào để trả lời những câu hỏi đó, họa chăng phải liên lạc với một người đàn ông sống ở bên kia đại dương, một người có thể là anh em họ xa từ 6-8 đời rồi.
Cơ duyên đến trong dịp một linh mục Vodun từ Bénin đến thăm Chủng viện mới của Speights ở New York, ông đã đưa kết quả xét nghiệm DNA của mình ra cho ông ấy xem. Tình cờ, một người đàn ông trong đoàn Bénin vui mừng khi biết Speights là dòng dõi của hoàng tộc Deka.
"Tôi biết vua của ngài là ai", người đàn ông ấy nói. "Đây là số điện thoại của ông ấy".
Speights gọi nhưng đầu dây bên kia Quốc vương của Allada gác máy: "Tôi đoán, bạn không nên gọi một vị vua lạnh lùng".
Nhưng lần thứ hai mà Speights gọi lại, Vua Kpodegbe Toyi Djigla đã chuyển điện thoại cho người vợ của mình, một hoàng hậu biết Tiếng Anh. Vua Kpodegbe Toyi Djigla cùng Hoàng Hậu Djehami Kpodegbe Kwin-Epo hiện đang giữ vai trò như hai nhà lãnh đạo truyền thống tại một tiểu bang miền trung Bénin, khi xưa đó còn là cả một vương quốc: Allada.
Vị Hoàng Hậu yêu cầu Speights cho xem ảnh của cha mẹ và ông bà ông. Người hỏi về mục đích của Speights - ông muốn gì ở hoàng tộc?
Câu trả lời của rất đơn giản: Tôi chỉ muốn một đáp án.
"Ngài là hậu duệ của Vua Deka, vị Vua thứ 9 của Allada, người trị vì từ năm 1746 đến 1765", Hoàng Hậu Djehami Kpodegbe Kwin-Epo viết trong một tin nhắn trên WhatsApp gửi đến cho Speights. "Chúng tôi rất vui mừng được chào đón ngài về lại ngôi nhà của mình, Hoàng Tử".
Và thế là tháng trước, Speights đã lên máy bay ở Virginia, 36 tiếng sau đó, ông hạ cánh xuống Bénin. Những bức ảnh gia đình ông gửi cho Hoàng Hậu giờ được in và dán trên những tấm áp phích lớn màu xanh treo khắp sân bay.
Những dòng chữ tiếng Pháp viết: "Chào mừng ngài về vương quốc Allada, vùng đất của tổ tiên ngài".
Ngay khi bước ra khỏi máy bay, Speights nói ông cảm thấy không khí giống như một lễ hội. Hàng trăm người nhảy múa, chơi nhạc cụ và hát. Phải mất vài phút ông mới nhận ra đó là một bữa tiệc chào mừng dành cho mình chứ không phải ai khác.
"Tôi nghĩ, ‘Wow, chuyện này nghiêm trọng rồi", Speights nhớ lại. "Tôi chỉ định đến đây chơi cùng gia đình, một chuyến đi tham quan thôi. Nhưng thế này thì không phải rồi".
Suốt một tuần sau đó, Speights phải dành thời gian trong một nơi ông gọi là "trường dành cho các hoàng tử" để học những phong tục địa phương, rồi thăm hết lượt họ hàng đến các chức sắc khác nhau.
Speights đăng ngôi, được khoác một dải choàng trắng thể hiện ông là một người của hoàng tộc thậm chí có hẳn một vương miện. Vào ban đêm, sẽ có một người lính vũ trang canh bên ngoài cửa phòng khách sạn cho ông. Vào ban ngày, các nhà báo địa phương bám theo chân ông với vô số máy ảnh và ống kính.
Speights là thành viên đầu tiên của vương quốc Allada, và hoàng tộc Deka trở về Bénin từ cộng đồng người Châu Phi trên thế giới. Nhưng ông ấy không phải là hậu duệ hoàng gia đầu tiên được xác định ở Hoa Kỳ, theo Benjamin Agon, tùy viên về các vấn đề văn hóa tại Đại sứ quán Bénin ở Washington.
Khi các xét nghiệm DNA trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều người Mỹ tuyên bố rằng họ có dòng dõi Bénin. Và cũng ngày càng có nhiều người quan tâm đến đất nước cũ, Agon nói. Kết quả là du lịch ở đó đã phát triển.
Đối với những người Mỹ gốc Phi như Speights, câu trả lời từ các xét nghiệm DNA có thể mang lại cảm giác kết nối với lịch sử đứt gãy từ thời đại buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương.
Mặc dù dựa trên những tiến bộ khoa học, các nhà di truyền và nhân chủng học cảnh báo rằng các xét nghiệm DNA chỉ có thể đưa ra những phỏng đoán, chứ không chắc dẫn đến những kết luận chính xác. Thế nhưng, những Mỹ sử dụng chúng và những người ở các quốc gia khác được xác định trùng khớp là họ hàng của họ đã vội vã ôm lấy nhau.
Số lượng hậu duệ Bénin mới phát hiện đã nhiều đến đến mức Đại sứ quán nước này ở Mỹ đang phải lên kế hoạch tổ chức hẳn một bữa tiệc chiêu đãi, nơi con cháu của các bộ lạc và vương quốc Bénin có thể gặp gỡ và được "giới thiệu trước cộng đồng", Agon nói.
"Sau khi được hoàng gia chấp nhận, nhiều người trong số họ sẽ được giao một nhiệm vụ phải hoàn thành", ông nói. "Một khi họ quay trở lại đất nước khác, họ phải cố gắng hết sức để tìm kiếm những người con thất lạc giống như họ".
Điều gì đã xảy ra khiến tổ tiên hoàng gia của Speights và những người khác bị đày đến Hoa Kỳ vẫn còn là một bí ẩn.
Speights nói rằng những người thân của ông ở Bénin khẳng định các thành viên hoàng gia không bao giờ bán người trong nhà cho các thương nhân nô lệ, nhưng họ lại không thể giải thích được tổ tiên của Speights đã lên tàu như thế nào.
"Bất kể ai đã làm gì, tất cả chúng tôi đều từng nhận chung một kết cục", ông ấy nói. "Một kết cục bên trong xiềng xích"
Ở Bénin, từng có một cái cây đứng sừng sững gần cảng nô lệ lịch sử, nơi từ đó, hơn một triệu người đã được chuyển đến châu Mỹ. Trước khi họ khởi hành, những người đàn ông và phụ nữ Tây Phi sẽ đi bộ quanh thân cây tới chín lần để rũ bỏ cuộc sống mà họ bỏ lại phía sau đồng thời chấp nhận sự trói buộc sau khi họ bị bán.
Cái cây đó được gọi là "cây của sự lãng quên". Ngày nay, nó đã không còn sống để đứng ở nơi nó từng đứng, nhưng dấu ấn lịch sử thì vẫn còn. Dưới sự chứng kiến của hoàng tộc, Speights đi vòng quanh điểm đánh dấu gốc cây chín lần.
Một vòng kết thúc, ông nghĩ về cha mình, người đã chết và không bao giờ biết sự thật về lịch sử gia đình mình. Vòng tiếp theo, ông nghĩ về ông nội, một người da đen lớn lên ở miền Nam ngăn cách. Rồi Speights nghĩ về cả tổ tiên của mình, những nô lệ bị xiềng xích và đánh đập, bị mang đến một miền đất xa lạ rồi bị bán làm tài sản.
Ông ấy tức giận. Và đau đớn.
Sau khi đi đủ 9 vòng quanh gốc cây, Speights mới cảm thấy một thứ khác. Một cảm giác chữa lành.
"Tôi nghĩ rằng họ đã phải cố gắng đến mức nào để sống sót - và ý nghĩa khi tôi trở lại nơi này, để khôi phục lại gia đình của chúng tôi", ông nói. "Tôi không thể miêu tả lại trái tim tôi đang cảm thấy như thế nào".
Bây giờ, Speights cho biết, ông dự định sẽ quay trở lại Bénin ít nhất mỗi năm một lần. Ông muốn mang theo anh trai vợ và những đứa con gái của họ.
Speights đã chấp nhận "nhiệm vụ của hoàng tử", bao gồm việc thúc đẩy quảng bá vương quốc góp phần mang lại nguồn nước sạch và điện cho cộng đồng nơi người thân của ông ấy đang sinh sống.
Speights cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm những trang thất lạc trong lịch sử gia đình. Ông đang làm việc để thúc đẩy một cuộc đối thoại liên tôn giáo về các tệ nạn nô lệ, và giúp các thành viên khác trong gia đình hoàng gia ở Bénin tiến hành các xét nghiệm DNA.
"Đây là điều đẹp đẽ nhất mà tôi từng làm được", Speights nói. "Tôi là hậu duệ của những nô lệ. Tôi là hậu duệ của một gia đình có liên quan đến buôn bán nô lệ. Và tôi chỉ là đang bắt đầu làm những điều ý nghĩa từ đó".
Trước khi rời Bénin, Speights nói nhà vua đã đặt cho ông một cái tên mới: Videkon Deka. Nó có nghĩa là đứa trẻ trở về.
Tham khảo Washingtonpost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng